Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đi kiểm tra, đôn đốc, động viên việc thực hiện dự án đường dây tải điện 500 kV mạch 3 Quảng Trạch - Phố Nối, chiều 22/6/2024. Dự án này đã được thần tốc hoàn thành trong thời gian kỷ lục là 6 tháng - Ảnh: VGP
Phát biểu tại phiên họp thứ tư của Ban Chỉ đạo rà soát và tổ chức thực hiện việc xử lý vướng mắc trong hệ thống pháp luật chiều ngày 29/12/2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh: "Dứt khoát bỏ tư duy 'không quản được thì cấm, không biết mà vẫn quản', quán triệt tư duy 'ai quản lý tốt nhất thì giao', người dân và doanh nghiệp được làm những gì luật không cấm, cái gì cấm thì đưa vào luật, cái gì không cấm thì phải tạo không gian cho sáng tạo, cái gì doanh nghiệp và người dân làm được, làm tốt hơn thì Nhà nước dứt khoát không làm".
Đây là một tư duy cải cách mạnh mẽ, thể hiện sự chuyển đổi quan trọng trong quản lý nhà nước, từ mô hình quản lý mang tính kiểm soát cứng nhắc sang mô hình tạo điều kiện để phát huy tối đa nguồn lực xã hội.
Việc hiện thực hóa những quan điểm này sẽ góp phần triển khai, cụ thể hóa những chủ trương lớn của Đảng, các thông điệp, định hướng lớn của Tổng Bí thư Tô Lâm: Trong 3 điểm nghẽn lớn nhất hiện nay là thể chế, hạ tầng và nhân lực thì thể chế là điểm nghẽn của điểm nghẽn; cần chuyển đổi tư duy xây dựng pháp luật theo hướng vừa đảm bảo yêu cầu quản lý nhà nước, vừa khuyến khích sáng tạo, giải phóng toàn bộ sức sản xuất, khơi thông mọi nguồn lực để phát triển, tư duy quản lý không cứng nhắc, dứt khoát từ bỏ tư duy không quản được thì cấm.
TS. Nguyễn Sĩ Dũng
Cụ thể, Thủ tướng chỉ rõ sự cần thiết phải từ bỏ tư duy cũ kỹ, bảo thủ, thể hiện qua cách làm “không quản được thì cấm, không biết mà vẫn quản.” Đây là cách tiếp cận thường dẫn đến những quy định pháp lý cứng nhắc, chồng chéo, thiếu minh bạch, và hạn chế không gian đổi mới sáng tạo.
Thay vào đó, ông đề xuất một tư duy tiến bộ hơn: “ai quản lý tốt nhất thì giao.” Điều này đòi hỏi Nhà nước phải tập trung vào vai trò điều tiết, giám sát, và tạo khuôn khổ pháp lý minh bạch, thay vì ôm đồm tất cả các chức năng. Việc giao quyền quản lý cho các tổ chức, cá nhân có năng lực vượt trội không chỉ tăng hiệu quả quản lý mà còn giải phóng nguồn lực cho những lĩnh vực cần thiết hơn.
Một nguyên tắc quan trọng được Thủ tướng nhấn mạnh là: “người dân và doanh nghiệp được làm những gì luật không cấm.” Nguyên tắc này đặt nền tảng cho một nhà nước pháp quyền hiện đại, nơi quyền tự do sáng tạo và phát triển của các chủ thể được bảo đảm. Đồng thời, nó đòi hỏi các quy định pháp luật phải rõ ràng, cụ thể, để không còn chỗ cho sự tùy tiện trong áp dụng.
Thủ tướng cũng khẳng định rằng “cái gì cấm thì đưa vào luật, cái gì không cấm thì phải tạo không gian cho sáng tạo”. Tư duy này yêu cầu một hệ thống pháp luật không chỉ phù hợp với thực tiễn mà còn phải được thường xuyên cập nhật để thích nghi với các xu hướng phát triển mới.
Đặc biệt, Thủ tướng nêu bật vai trò của Nhà nước trong việc xác định rõ những lĩnh vực cần can thiệp. Ông nhấn mạnh rằng “cái gì doanh nghiệp và người dân làm được, làm tốt hơn thì Nhà nước dứt khoát không làm.”
Đây là lời khẳng định về vai trò của khu vực tư nhân trong phát triển kinh tế, đồng thời cũng là lời kêu gọi Nhà nước tập trung vào những nhiệm vụ chiến lược như xây dựng cơ sở hạ tầng, bảo đảm công bằng xã hội, và duy trì trật tự- an ninh quốc gia. Việc giảm sự cạnh tranh giữa Nhà nước và khu vực tư nhân không chỉ giúp tiết kiệm nguồn lực mà còn thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế thị trường hiện đại.
Tuy nhiên, để hiện thực hóa những tư duy đổi mới này, cần thực hiện một số biện pháp quan trọng. Trước hết, phải rà soát và hoàn thiện hệ thống pháp luật, bảo đảm tính đồng bộ, minh bạch và khả thi. Thứ hai, cần nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, công chức để đảm bảo việc thực thi pháp luật hiệu quả. Thứ ba, cần thúc đẩy sự tham gia của xã hội trong quá trình xây dựng và giám sát chính sách, từ đó tăng cường tính minh bạch và trách nhiệm giải trình. Cuối cùng, cơ chế giám sát cần được thiết lập chặt chẽ để đảm bảo rằng các chủ thể được giao quyền quản lý đều hoạt động vì lợi ích chung.
Một tầm nhìn cải cách sâu sắc là kim chỉ nam để Việt Nam chuyển mình, xây dựng một môi trường pháp lý và quản lý nhà nước minh bạch, hiệu quả, tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp phát huy tối đa tiềm năng của mình. Đây chính là nền tảng để thúc đẩy sự phát triển bền vững và hiện đại hóa đất nước trong kỷ nguyên mới.
TS. Nguyễn Sĩ Dũng