Từ khối tài sản “ khủng” của không ít cán bộ: 3 kiến nghị “nóng”

23/05/2022 05:19

(Pháp lý) - Mặc dù pháp luật về phòng chống tham nhũng (PCTN), tiêu cực đã có nhiều quy định về kê khai tài sản của cán bộ, quan chức nhằm hạn chế tham nhũng, tiêu cực. Thế nhưng nhìn từ vụ khởi tố cựu Chủ tịch UBND thành phố Hạ Long với khối tài sản “khủng” mới thấy công tác kiểm soát tài sản cán bộ, công chức còn bộc lộ nhiều kẽ hở.

anh-1-1653041891.jpg

Còn “kẽ hở” trong kiểm soát kê khai tài sản, thu nhập cán bộ, công chức.

(ảnh minh họa).

Tài sản của cựu Chủ tịch TP Hạ Long làm nóng dư luận

Mới đây, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Quảng Ninh ra quyết định khởi tố, bắt tạm giam đối với ông Phạm Hồng Hà - cựu chủ tịch UBND TP Hạ Long, để điều tra về tội "lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" theo điều 356 Bộ luật hình sự vì liên quan đến vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản và lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, xảy ra tại CTCP quản lý đường sông số 3 (DS3) và Ban Quản lý vịnh Hạ Long.

Vụ khởi tố ông Phạm Hồng Hà được đặc biệt thu hút sự quan tâm của dư luận xã hội bởi khối tài sản liên quan đến vị cựu chủ tịch UBND TP Hạ Long.

anh-2-1653041930.jpg
4 ôtô tổng trị giá ước tính khoảng 20 tỉ đồng liên quan đến ông Phạm Hồng Hà - cựu chủ tịch UBND TP Hạ Long, bị cơ quan Công an Quảng Ninh niêm phong, tạm giữ

Theo đó, ngoài căn biệt thự mà ông Phạm Hồng Hà đang ở được ước đoán có giá khoảng 150 tỉ đồng cùng dàn cây cảnh độc, lạ còn có 4 chiếc ô tô hạng sang, gồm: 1 chiếc SUV hiệu Lexus LX570 có giá từ 8 - 10 tỉ đồng tùy phiên bản; 1 chiếc Lexus ES 250 giá từ 2,6 tỉ đồng; 1 chiếc SUV hiệu Vinfast Lux SA 2.0 giá từ 1,2 tỉ đồng; 1 chiếc Mercedes E 300 giá từ gần 2,9 tỉ đồng.

Chính điều này đang khiến dư luận đặt ra câu hỏi: tài sản đâu ra mà nhiều thế? cán bộ, công chức làm công ăn lương, phấn đấu có được một căn nhà khang trang là điều không dễ, chứ nói gì đến những chiếc xe sang vài tỉ đồng. Do đó, để giải quyết triệt để vụ án, cơ quan chức năng cần làm rõ xem nguồn gốc tài sản từ đâu trong khi mức lương của cán bộ, công chức khi đương chức không cao.

Công tác kiểm soát tài sản cán bộ, công chức còn bộc lộ nhiều kẽ hở.

Thời gian qua ở một số địa phương, không ít cán bộ giàu lên một cách nhanh chóng vì có "quyền gắn lợi". Bên cạnh đó, qua một số vụ việc đã cho thấy không ít người, cán bộ có tài sản lớn nhưng lại chuyển dịch cho vợ con, người thân, thậm chí chuyển sang nước ngoài và có người có 10 nhưng chỉ kê khai 1 - 2 nên rất cần có cơ chế cùng với một cơ quan chuyên kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc này. 

Thực tế việc kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức những năm qua cho thấy vẫn còn hình thức. Bởi, theo thống kê hàng năm có hàng trăm nghìn người kê khai tài sản, thu nhập, trong đó có hàng chục nghìn trường hợp được kiểm tra, xác minh nhưng chỉ phát hiện chưa đến 10 trường hợp kê khai không trung thực và bị xử lý kỷ luật. Trong khi đó, nhìn từ các vụ án kinh tế, tham nhũng đặc biệt là các vụ án có liên quan đến tham ô, đưa nhận hối lộ cho thấy hầu hết cán bộ, quan chức gồm cả cán bộ, quan chức cao cấp bị xử lý kỷ luật, phạt tù đều có liên quan đến khối tài sản với giá trị lên tới hàng chục thậm chí hàng trăm tỉ đồng.

Quay trở lại vụ cựu chủ tịch TP Hạ Long Phạm Hồng Hà,  dư luận đang đặt ra nhiều câu hỏi như: với khối tài sản “khủng” gần trăm tỉ đồng như vậy, ông Hà có kê khai hay không? Kê khai thời điểm nào? Các cơ quan quản lý ông Hà có nắm được không? và liệu rằng còn những trường hợp nào tương tự như ông Hà mà chưa bị phát hiện?...

 

anh-3-1653041930.jpg
Căn biệt thự mà ông Phạm Hồng Hà đang ở được ước đoán có giá khoảng 100 tỉ đồng cùng dàn cây cảnh độc, lạ.

Theo quy định Luật PCTN 2018 và Nghị định 130/2020/NĐ-CP, cán bộ chỉ phải kê khai tài sản của bản thân, vợ (hoặc chồng) và con chưa thành niên là quá hẹp. Vì, với phạm vi kê khai như thế, vô hình trung đã bỏ qua trường hợp con đã thành niên và hai đối tượng thân thích khác là bố và mẹ , anh chị em ruột…. Thực tế đã chứng minh, rất nhiều vụ án tham nhũng xảy ra và khi điều tra ra mới rõ tài sản mà người phạm tội có được đã đứng tên của chính bố, mẹ đẻ hoặc con đã thành niên, thậm chí có những trường hợp nhờ cả bạn bè, anh chị em đứng tên như vụ Huyền Như, Giang Kim Đạt, Trịnh Xuân Thanh, Phạm Sào Nam…

Ngoài ra, mặc dù Luật PCTN đã có quy định về xử lý hành vi kê khai tài sản, thu nhập không trung thực, giải trình nguồn gốc của tài sản, thu nhập tăng thêm không trung thực (Điều 51, Luật PCTN 2018), nhưng lại chưa có điều khoản nào quy định về việc xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm giải trình không hợp lý về nguồn gốc.

Chính những vấn đề nói trên đã dẫn đến một thực tế là khi xảy ra tham nhũng, tiêu cực thì việc xử lý và thu hồi tài tham nhũng rất thấp. Cá biệt, có những vụ án, tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt đặc biệt lớn, nhưng việc thu hồi lại đang gặp nhiều khó khăn, thậm chí lâm vào bế tắc.

Từng trao đổi với chúng tôi liên quan đến vấn đề này, PGS.TS Trần Văn Độ - nguyên Phó Chánh án TANDTC cho rằng, với tội phạm kinh tế, tham nhũng, các đối tượng thường có trình độ chuyên môn cao, hiểu biết phát luật, có chức vụ, quyền lực chính trị và đặc biệt là có mối quan hệ xã hội… sẽ tìm mọi cách “tẩu tán” ngay từ khi có được tài sản phi pháp. Do đó, nếu không có cơ chế kiểm soát được tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức thì sẽ không có tiền đề để thu hồi tài sản tham nhũng trong giai đoạn thi hành án.

Kiến nghị

Có thể thấy, thời gian qua, với sự chỉ đạo sát sao của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, tiêu cực; sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng, nhiều vụ án lớn được phát hiện và xử lý kịp thời, nhiều cán bộ, quan chức tham nhũng đã bị xử lý thích đáng. Tuy nhiên, tham nhũng vẫn chưa giảm; công tác PCTN, tiêu cực luôn là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Đảng và Nhà nước. Đặc biệt, mới đây Ban chấp hành trung ương, Bộ Chính trị, Ban Chỉ đạo trung ương về PCTN, tiêu cực đã có chủ trương về việc thành lập Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng, lãng phí cấp tỉnh. Đây là một quyết định rất quan trọng trong việc đấu tranh với tình trạng tham nhũng hiện nay. Vì vậy, để cuộc đấu tranh PCTN đạt hiệu quả và toàn diện hơn, chúng tôi xin nêu 3 kiến nghị nóng:

1. Bên cạnh việc xử lý nghiêm minh đối với những kẻ phạm tội, cần song hành bít các lỗ hổng trong các quy định, cơ chế phòng ngừa tham nhũng. Theo đó, cần sớm hoàn thiện các quy định pháp luật về kê khai, đăng ký tài sản, thu nhập; kiểm soát được dòng tiền chuyển dịch, tài sản cán bộ, công chức - người có nguy cơ tham nhũng…

2. Cần tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức và những đối tượng thuộc trường hợp bắt buộc phải kê khai tài sản theo Luật PCTN kịp thời phát hiện những kẻ là cán bộ, công chức thoái hoá, biến chất tham nhũng để trừng trị; phát hiện kịp những tài sản, thu nhập bất minh do tham nhũng, tiêu cực, phạm tội mà có để thu giữ, xử lý tránh bị tẩu tán.

3. Đặc biệt cần luật hóa tội làm giàu bất chính, cần tịch thu tài sản mà quan chức quên kê khai, tài sản gửi người khác đứng tên hoặc tài sản kê khai không trung thực, không giải trình được nguồn gốc hợp pháp….

Đăng Bao – Văn Thư – Văn Chiến
Bạn đang đọc bài viết "Từ khối tài sản “ khủng” của không ít cán bộ: 3 kiến nghị “nóng”" tại chuyên mục Diễn đàn - Luật gia. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin