Từ đại án AIC: Luật sư kiến nghị hoàn thiện pháp luật về kiểm soát, kê biên tài sản

03/01/2023 06:54

(Pháp lý) - Trao đổi với phóng viên Tạp chí Pháp lý xung quanh kiến nghị của VKSND TP.Hà Nội về việc chuyển cơ quan công an điều tra làm rõ chủ sở hữu của khối tài sản trong đại án AIC, Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường cho rằng việc điều tra làm rõ chủ sở hữu khối tài sản bị kê biên trong vụ án là cần thiết để đảm bảo việc giải quyết vụ án hình sự một cách khách quan, triệt để và đúng pháp luật nhất. Cũng theo vị chuyên gia, trường hợp kết quả điều tra xác minh nếu nguồn gốc tài sản là do phạm tội mà có, hoặc nếu có dấu hiệu của tội rửa tiền thì cần phải xử lý nghiêm…

321919436-3207249109492138-3459502831420594268-n-1672473252.jpg

Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng VP Luật sư Chính Pháp (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội).

Phóng viên: Liên quan đến vụ án sai phạm đấu thầu tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai và công ty AIC đang được TAND TP.Hà Nội đưa ra xét xử, mới đây tại phiên tòa chiều 28-12, đại diện VKS đề nghị chuyển cơ quan điều tra làmchủ sở hữu của khối tài sản khủng gồm 107 tỉ đồng và khu đất hơn 4.000 m2 đang bị phong tỏa, kê biên chưa rõ chủ sở hữu.  Ông có đánh giá gì về đề nghị này?  

Ts. Ls. Đặng Văn Cường: Đối với những vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế lớn, ngoài việc làm rõ hành vi phạm tội, xử lý hình sự đối với những người vi phạm pháp luật thì vấn đề thu hồi tài sản do phạm tội mà có, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả do tội phạm gây ra cũng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm mà các cơ quan tiến hành tố tụng đang rất tích cực thực hiện trong những năm gần đây.

Trong quá trình thực hiện các hoạt động tố tụng, cơ quan tiến hành tố tụng sẽ xác định hành vi phạm tội, nguyên nhân, điều kiện phạm tội, tính chất mức độ hành vi phạm tội, hậu quả do hành vi phạm tội gây ra và các yếu tố khác có liên quan làm căn cứ giải quyết vụ án theo quy định của pháp luật. Trong đó, cơ quan điều tra sẽ làm rõ những tài sản do phạm tội mà có, sẽ làm rõ những thiệt hại về tài sản do hành vi phạm tội gây ra để tiến hành các biện pháp ngăn chặn như kê biên, niêm phong, phong tỏa đối với các tài sản có liên quan để đảm bảo thi hành án.

Đối với những tài sản không xác định được chủ sở hữu hoặc tài sản không liên quan đến tội phạm thì không phải là đối tượng để phong tỏa, thu giữ. Bởi vậy việc viện kiểm sát đề nghị cơ quan điều tra tiếp tục làm rõ chủ sở hữu tài sản để áp dụng các biện pháp ngăn chặn là phù hợp với quy định pháp luật.

Tại phiên tòa chiều 28-12, VKSND TP. Hà Nội cho biết trong quá trình điều tra cơ quan điều tra đã kê biên 5 loại tài sản. Căn cứ diễn biến mới tại tòa, đại diện VKSND đề nghị chỉ tiếp tục kê biên để đảm bảo thi hành án với 6 căn chung cư tại số 83 Lý Thường Kiệt; một biệt thự rộng 452 m2 tại Nguyễn Huy Tự (Hà Nội), đều đứng tên bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn. Đại diện VKS đề nghị cơ quan điều tra xác minh lại chủ sở hữu gồm 107 tỉ đồng đã phong tỏa tại ngân hàng BIDV; biệt thự 357 tại Cửa Nam (Hà Nội), do bị cáo Nhàn nhờ bố đẻ đứng tên; 2 thửa đất rộng 4.065 m2 tại Xuân Đỉnh (Hà Nội).

Phóng viên: Theo ông, sẽ có những tình huống pháp lý cũng như hệ quả pháp lý nào có thể xảy ra liên quan đến kiến nghị của VKS TP.Hà Nội?

Ts. Ls. Đặng Văn Cường: Việc cơ quan điều tra tiếp tục xác minh làm rõ chủ sử dụng đất đối với diện tích 4000 m2 đất nêu trên là cần thiết để đảm bảo việc giải quyết vụ án hình sự một cách khách quan, triệt để và đúng pháp luật nhất.

Đất đai là tài sản có đăng ký quyền sở hữu. Bởi vậy sẽ không khó khi xác định diện tích đất trên thuộc chủ sử dụng đất nào. Cơ quan tiến hành tố tụng có thể yêu cầu các cơ quan quản lý đất đai ở địa phương cung cấp các thông tin tài liệu liên quan đến nguồn gốc và quá trình sử dụng đất, các giấy tờ về quyền sử dụng đất để xác định chủ sử dụng đất thực sự đối với lô đất trên.

Cơ quan tiến hành tố tụng sẽ căn cứ vào hồ sơ địa chính, căn cứ vào giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyết định giao đất, sổ đăng ký dụng đất, sổ địa chính và các giấy tờ khác có liên quan để xác định chủ sử dụng đất.

Trong trường hợp có tranh chấp về quyền sử dụng đất thì có thể sẽ được giải quyết bằng thủ tục tố tụng dân sự. Việc xác định nguồn gốc đất đối với thửa đất nêu trên là rất quan trọng để xác định thửa đất trên có phải là tài sản do phạm tội mà có hay không, có liên quan đến các bị  cáo hay không để xác định có đủ cơ sở để xử lý lô đất này nhằm bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả do hành vi phạm tội gây ra hay không.

Trường hợp kết quả điều tra xác minh cho thấy lô đất này là do phạm tội mà có, hành vi có dấu hiệu của tội rửa tiền thì cần phải xử lý nghiêm. Nếu lô đất này là tài sản của các bị cáo, đồng thời các bị cáo phải bồi thường thiệt hại khắc phục hậu quả thì lô đất này cũng có thể bị kê biên để đảm bảo thi hành án.

Còn trường hợp kết quả điều tra xác minh cho thấy lô đất này không có liên quan đến tội phạm, xác định được chủ sử dụng đất hợp pháp thì sẽ gỡ bỏ các biện pháp ngăn chặn để trả lại đất cho các chủ sở hữu hợp pháp theo quy định pháp luật.

ttxvn-xet-xu-so-tham-cong-ty-aic-2312-1672473238.jpg

Các bị cáo tại phiên tòa xét xử vụ án sai phạm đấu thầu tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai và công ty AIC. (Ảnh: TTXVN)

Phóng viên: Các vấn đề dân sự, trách nhiệm dân sự sẽ đặt ra trong vụ án này sẽ như thế nào, thưa ông?

Ts. Ls. Đặng Văn Cường: Về nguyên tắc thì khi giải quyết vụ án hình sự, tòa án có thể giải quyết đồng thời phần trách nhiệm dân sự trong vụ án hình sự. Có một số trường hợp vụ việc phức tạp, chưa đủ thời gian để xác minh làm rõ thì tòa án cũng có thể tách phần dân sự ra giải quyết bằng vụ án dân sự khác.

Trong vụ án này, cơ quan tố tụng sẽ làm rõ tài sản được sử dụng để thực hiện các hành vi phạm tội là những tài sản nào, ai đang quản lý để thu hồi, sung công quỹ nhà nước. Với số tiền, tài sản dùng để đưa hối lộ, tài sản nhận hối lộ thì sẽ tịch thu sung công quỹ. Nếu người đưa hối lộ bị ép buộc mà chủ động khai báo, tố giác hành vi của người nhận hối lộ thì số tiền này sẽ được trả lại cho người đưa hối lộ. Nếu người đưa hối lộ tuy không ép buộc nhưng đã chủ động tố cáo người nhận hối lộ thì có thể được trả lại một phần hoặc toàn bộ tài sản đưa hối lộ. Nội dung này được quy định tại Điều 364 Bộ luật Hình sự.

Đối với những tài sản mà các đối tượng thu lợi bất chính, chiếm đoạt của nhà nước thông qua các gói thầu thì tòa án sẽ làm rõ để buộc các bị cáo và những người có nghĩa vụ liên quan phải trả lại số tiền này, những tài sản này cho nhà nước.

Hành vi phạm tội của các bị cáo cũng gây thiệt hại đến tài sản của nhà nước bởi vậy, những tài sản mà nhà nước bị thiệt hại xác định được bằng tiền thì các bị cáo gây thiệt hại cũng có trách nhiệm phải bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả theo quy định của pháp luật.

Những tài sản là vật chứng của vụ án, có liên quan đến tội phạm thì sẽ được xử lý theo nguyên tắc xử lý vật chứng vụ án mà bộ luật tố tụng hình sự đã quy định.

Phóng viên: Đánh giá của ông về những quy định pháp luật liên quan đến kê biên tài sản trong vụ án hình sự hiện nay? Và những kiến giải hoàn thiện nào để công tác này được thực hiện tốt hơn?

Ts. Ls. Đặng Văn Cường: Quy định về kê biên tài sản trong tố tụng hình sự để đảm bảo thi hành án là những nội dung đã được bộ luật tố tụng hình sự quy định từ rất lâu nhưng ít có sự thay đổi, bộc một số những điểm hạn chế. Điển hình như một số quy định trong Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự còn bất cập, chưa cụ thể, rõ ràng nên gây khó khăn trong việc áp dụng. Cụ thể, khoản 1 Điều 128 và khoản 1 Điều 129 Bộ luật Tố tụng hình sự quy định về công tác kê biên, phong tỏa tài khoản: “chỉ áp dụng đối với bị can, bị cáo, người bị buộc tội về tội mà Bộ luật Hình sự quy định…”.

Bên cạnh đó, pháp luật cũng quy định chỉ được kê biên, phong tỏa phần tài sản tương ứng với mức có thể bị phạt, tịch thu hoặc bồi thường thiệt hại. Tuy nhiên, việc cơ quan điều tra xác định phần tài sản tương ứng rất khó khăn, dẫn đến việc kê biên, phong tỏa không kịp thời, các đối tượng có thời gian để tẩu tán tài sản, gây khó khăn cho công tác thu hồi thiệt hại cho Nhà nước. 

Mặt khác, trên thực tế thì biện pháp kê biên tài sản để đảm bảo thi hành án đôi khi chưa được chú trọng dẫn đến công tác thu hồi tài sản do phạm tội mà có chưa mang lại hiệu quả tích cực, hiện tượng tẩu tán tài sản trong quá trình tố tụng vẫn diễn ra ở nhiều nơi, nhiều vụ án. Nhiều trường hợp cơ quan điều tra không kịp xác minh tài sản, chưa kịp kê biên tài sản thì các bị can đã nhanh chân bán, chuyển nhượng, tẩu tán tài sản dẫn đến phần dân sự trong vụ án hình sự khó được thực thi.

Bởi vậy, thời gian tới, cần có những nội dung sửa đổi bổ sung quy định pháp luật về kê biên tài sản trong tố tụng hình sự để đảm bảo những tài sản do phạm tội mà có, tài sản sử dụng để thực hiện hành vi phạm tội, những tài sản có liên quan đến tội phạm hoặc những tài sản có thể sử dụng để bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả do tội phạm gây ra cần phải được xác minh làm rõ kịp thời và có các biện pháp phong tỏa, kê biên, niêm phong để đảm bảo thi hành án.

Để thực hiện các biện pháp ngăn chặn tài sản nhanh chóng, có hiệu quả, đúng đối tượng thì cần phải kiểm soát tốt hơn tài sản trong xã hội, đặc biệt là tài sản có giá trị lớn như bất động sản, ôtô và các tài sản có đăng ký quyền sở hữu khác.

Bên cạnh đó, cần phải xử lý nghiêm các trường hợp nhờ người đứng tên phải đứng tên hộ, đứng tên giùm, xử lý các hành vi rửa tiền, che giấu nguồn gốc tài sản do phạm tội mà có thì mới có thể thu hồi tài sản do phạm tội mà có một cách hiệu quả, đúng pháp luật, đúng đối tượng, đảm bảo công bằng xã hội.

Quy định về kê biên tài sản trong tố tụng hình sự để đảm bảo thi hành án là những nội dung đã được bộ luật tố tụng hình sự quy định từ rất lâu nhưng ít có sự thay đổi, bộc một số những điểm hạn chế. Điển hình như một số quy định trong Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự còn bất cập, chưa cụ thể, rõ ràng nên gây khó khăn trong việc áp dụng.

Đinh Chiến
Bạn đang đọc bài viết "Từ đại án AIC: Luật sư kiến nghị hoàn thiện pháp luật về kiểm soát, kê biên tài sản" tại chuyên mục Bên khung cửa tư pháp. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin