Đáng nói, mặc dù pháp luật quy định rõ về các trường hợp xử lý hình sự trong vi phạm lĩnh vực chứng khoán, đặc biệt đối với hành vi “thao túng thị trường chứng khoán”. Song, số vụ vi phạm bị xử lý hình sự thì không nhiều mà chủ yếu chỉ dừng lại việc xử lý hành chính. Điều này khiến dư luận đặt câu hỏi nếu chỉ dừng ở mức độ xử phạt hành chính liệu có đủ sức răn đe trường hợp khác? Liệu có bỏ lọt tội phạm trong lĩnh vực chứng khoán ?
Sử dụng hàng chục tài khoản thao túng giá chứng khoán, nhưng chỉ bị phạt hành chính
Nạn thao túng giá chứng khoán đang ngày càng trở nên báo động khi gần đây liên tục các trường hợp tạo cung cầu giả bị UBCKNN phát hiện. Đáng nói Uỷ ban Chứng khoán đã tiến hành xử phạt hàng loạt tổ chức cá nhân có hành vi vi phạm, cá biệt những trường hợp mức phạt lên đến hàng tỷ đồng nhưng lại không thể truy tố, xử lý hình sự đối với các trường hợp này.
Điển hình, mới đây UBCKNN đã phát đi thông báo về việc xử phạt đối với hành vi thao túng giá cổ phiếu FTM của CTCP Đầu tư và Phát triển Đức Quân. Theo đó, ông Lê Mạnh Thường (Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) và bà Phạm Thị Phương (Quận Gò Vấp, TP.Hồ Chí Minh) đã có hành vi sử dụng 50 tài khoản để giao dịch nhằm mục đích tạo cung cầu giả tạo, thao túng cổ phiếu FTM của Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Đức Quân.
UBCKNN ban hành Quyết định số 549/QĐ-XPVPHC và số 550/QĐ-XPVPHC về việc xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Lê Mạnh Thường và bà Phạm Thị Phương, mỗi cá nhân trên bị phạt tiền 600 triệu đồng, tổng giá trị phạt là 1,2 tỉ đồng.
Trước đó vào năm 2019, FTM là một trong những thương vụ "rúng động" thị trường chứng khoán Việt Nam với chuỗi hàng chục phiên giảm sàn liên tiếp, thị giá lao dốc từ mức gần 24.000 đồng xuống còn khoảng 3.000 đồng/cp. Khi đó, 11 công ty chứng khoán và 1 ngân hàng đã cấp margin cho cổ phiếu FTM và chịu thiệt hại lên đến gần 200 tỷ đồng, trong đó có công ty mất khoảng 80 tỷ đồng.
Hay, hồi tháng 4/2021, ông Nguyễn Quang Vinh (Quận Thanh Xuân, Hà Nội), cũng đã bị UBCKNN xử phạt hành chính với số tiền 550 triệu đồng vì đã sử dụng 35 tài khoản để liên tục mua, bán, giao dịch khớp chéo cổ phiếu của CTCP Nông nghiệp và Công nghệ cao Trung An giữa các tài khoản với nhau, mục đích tạo cung cầu giả tạo, thao túng cổ phiếu.
Đáng nói, không chỉ vụ việc trên, nhiều vụ việc cơ quan chức năng không thể xác định được bất kỳ hậu quả nào do hành vi thao túng cổ phiếu của các đối tượng vi phạm dẫn đến khó truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội thao túng thị trường chứng khoán theo quy định tại Điều 211 - Bộ Luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.
Cá biệt có những vụ, cơ quan chức năng đã xác định rõ ràng các đối tượng đã thu lợi hàng tỷ đồng từ hành vi thao túng cổ phiếu nhưng việc xử lý vẫn chỉ dừng lại ở mức xử phạt hành chính.
Điển hình như vụ thao túng thị trường đối với cổ phiếu DST của Công ty cổ phần Đầu tư Sao Thăng Long (tên cũ là Công ty Sách và Thiết bị giáo dục Nam Định) hồi trung tuần tháng 9 năm 2020.
Theo đó, qua giám sát, kiểm tra, xác minh các cơ quan chức năng xác định, bằng hành vi tạo nhiều tài khoản để mua, bán, giao dịch… ông Hoàng Đức Thuận (huyện Thạch Thất, Hà Nội) đã tạo cung - cầu giả tạo nhằm cổ phiếu của Công ty cổ phần Đầu tư Sao Thăng Long thu lợi hàng tỷ đồng. Tuy nhiên ông Thuận chỉ bị UBCKNN xử phạt hành chính và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là nộp lại số tiền thu lợi bất chính 3,3 tỷ đồng.
Trước đó, hồi năm 2017, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước từng ra quyết định xử phạt bà Đỗ Thị Cẩm Thúy 600 triệu đồng đồng thời buộc nộp lại số tiền thu lợi bất chính gần 9,3 tỷ đồng. lý do, bà này đã sử dụng 28 tài khoản tại 4 công ty chứng khoán để thao túng cổ phiếu SPI (của Công ty cổ phần SPI)…
Mặc dù, cho đến nay cơ quan chức năng đã từng khởi tố điều tra, truy tố và xét xử một số đối tượng về tội thao túng thị trường chứng khoán. Song, không nhiều so với thực tế số vụ vi phạm. Điều này khiến dư luận đặt câu hỏi nếu chỉ dừng ở mức độ xử phạt hành chính liệu có đủ sức răn đe trường hợp khác? liệu có xử lý nương tay đối với các cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật chứng khoán ?...
Pháp luật đã quy định rất cụ thể đối với các hành vi thao túng TTCK…
Theo tìm hiểu của Phóng viên Tạp chí điện tử Pháp lý, hiện nay, pháp luật về Chứng khoán của Việt Nam đã hoàn thiện đáng kể so với trước đây. Đặc biệt các quy đinh pháp luật đối với những hành vi vi phạm trong lĩnh vực chức khoán. Cụ thể, Điều 12, Luật Chứng khoán 2019, đã quy định rõ ràng các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động về chứng khoán và thị trường chứng khoán:
Trực tiếp hoặc gián tiếp thực hiện hành vi gian lận, lừa đảo, làm giả tài liệu, tạo dựng thông tin sai sự thật hoặc công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin hoặc bỏ sót thông tin cần thiết gây hiểu nhầm nghiêm trọng làm ảnh hưởng đến hoạt động chào bán, niêm yết, giao dịch, kinh doanh, đầu tư chứng khoán, cung cấp dịch vụ về chứng khoán.
Sử dụng thông tin nội bộ để mua, bán chứng khoán cho chính mình hoặc cho người khác; tiết lộ, cung cấp thông tin nội bộ hoặc tư vấn cho người khác mua, bán chứng khoán trên cơ sở thông tin nội bộ.
Sử dụng một hoặc nhiều tài khoản giao dịch của mình hoặc của người khác hoặc thông đồng để thực hiện việc mua, bán chứng khoán nhằm tạo ra cung, cầu giả tạo; giao dịch chứng khoán bằng hình thức cấu kết, lôi kéo người khác mua, bán để thao túng giá chứng khoán; kết hợp hoặc sử dụng các phương pháp giao dịch khác hoặc kết hợp tung tin đồn sai sự thật, cung cấp thông tin sai lệch ra công chúng để thao túng giá chứng khoán.
Thực hiện hoạt động kinh doanh chứng khoán, cung cấp dịch vụ về chứng khoán khi chưa được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấp giấy phép, cấp giấy chứng nhận hoặc chấp thuận.
Sử dụng tài khoản, tài sản của khách hàng khi không được khách hàng ủy thác hoặc trái quy định của pháp luật hoặc lạm dụng tín nhiệm để chiếm đoạt tài sản của khách hàng.
Cho người khác mượn tài khoản để giao dịch chứng khoán, đứng tên sở hữu chứng khoán hộ người khác dẫn đến hành vi thao túng giá chứng khoán.
Bên cạnh đó, nếu như Bộ luật Hình sự năm 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009 trước đây, quy định trong lĩnh vực chứng khoán còn nhiều hạn chế, chưa theo kịp được sự thay đổi phát triển của ngành này. Thì Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi 2017 (BLHS 2015), đã bổ sung thêm các tội: Tội cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán (Điều 209); Tội sử dụng thông tin nội bộ để mua bán chứng khoán (Điều 210); Tội thao túng thị trường chứng khoán (Điều 211); Tội làm giả tài liệu trong hồ sơ chào bán, niêm yết chứng khoán (Điều 212) để đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Đặc biệt, đối với tội “Thao túng thị trường chứng khoán”, so với Bộ luật Hình sự 1999 sửa đổi bổ sung năm 2009, BLHS 2015 đã cụ thể hoá căn cứ xác định tội phạm. Theo đó, đối với hành vi có dấu hiệu của tội thao túng thị trường chứng khoán, BLHS 2015 đã quy rõ:
Sử dụng một hoặc nhiều tài khoản giao dịch của mình hoặc của người khác thông đồng với nhau liên tục mua, bán chứng khoán nhằm tạo ra cung, cầu giả tạo;
Thông đồng với người khác đặt lệnh mua và bán cùng loại chứng khoán trong cùng ngày giao dịch hoặc thông đồng với nhau giao dịch mua bán chứng khoán ăn mà không dẫn đến chuyển nhượng thực sự quyền sở hữu hoặc quyền sở hữu chỉ luân chuyển giữa các thành viên trong nhóm nhằm tạo giá chứng khoán, cung cầu giả tạo;
Liên tục mua hoặc bán chứng khoán với khối lượng chi phối vào thời điểm mở cửa hoặc đóng cửa thị trường nhằm tạo ra mức giá đóng cửa hoặc giá mở cửa mới cho loại chứng khoán đó trên thị trường;
Giao Dịch chứng khoán bằng hình thức cấu kết, lôi kéo người khác liên tục đặt lệnh mua, bán chứng khoán gây ảnh hưởng lớn đến cung cầu và giá chứng khoán, thao túng giá chứng khoán;…
Bên cạnh đó, nếu theo Bộ luật Hình sự 1999 sửa đổi bổ sung năm 2009, một trong các căn cứ xác định tội phạm là hậu quả phải “gây hậu quả nghiêm trọng” thì trong BLHS 2015 cũng đã cụ thể hoá thành Thu lợi bất chính từ 500 triệu đồng trở lên hoặc gây thiệt hại cho nhà đầu tư từ 1 tỷ đồng trở lên.
Có thể thấy, điều này tạo ra hành lang pháp lý để tiến hành xử lý hình sự đối với các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực chứng khoán nói chung và hành vi thao túng thị trường chứng khoán. Vậy tại sao việc xử lý hình sự đối với các hành uật trong lĩnh vực chứng khoán, đặc biệt là đối với hành vi thao túng chứng khoán lại rất ít trong khi nạn thao túng thị trường chứng khoán đang ngày càng trở nên báo động và liên tục các trường hợp vi phạm bị cơ quan chức năng phát hiện …?.
Vì sao ít xử lý hình sự?
Lý giải nguyên nhân cho vấn đề này, nhiều chuyên gia cho rằng, với quy định hiện hành, việc thu lợi bất chính từ 500 triệu đồng, hoặc gây thiệt hại cho nhà đầu tư từ 1 tỷ đồng trở lên cho các lỗi trong lĩnh vực chứng khoán (không chỉ là thao túng) cũng sẽ bị xử lý hình sự. Đây là con số không quá lớn trong quy mô giao dịch hiện nay, nhưng để xử lý hình sự lại không dễ.
Tội “thao túng thị trường chứng khoán” theo quy định tại Điều 211, BLHS 2015 là tội có cấu thành tội phạm vật chất. Theo đó, các dấu hiệu bắt buộc của tội phạm là hành vi khách quan và hậu quả thiệt hại do hành vi gây ra.
Để chứng minh được tội phạm, bắt buộc phải chứng minh được hành vi khách quan đồng thời chứng minh được hậu quả của hành vi đó. Thực tế thời gian qua cho thấy, để phát hiện và chứng minh hành vi thao túng giá trong lĩnh vực chứng khoán thường kéo dài và rất khó khăn. Báo cáo định kỳ của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho thấy, số liệu các mã chứng khoán có nghi vấn giao dịch bất thường hàng năm khá nhiều, nhưng số lượng trường hợp chứng minh có lỗi lại rất thấp, do không đủ căn cứ…
Tiếp đó là cách tính giá trị khoản thu nhập bất chính, hoặc chứng minh thiệt hại của nhà đầu tư cũng rất khó bởi vẫn vướng quy định pháp luật. Cụ thể, việc đưa ra công thức tính về khoản thu nhập bất chính được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đưa ra tại Quyết định số 201/QĐ-UBCK ngày 3/3/2014 quy định về phương pháp tính số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi thao túng thị trường chứng khoán, hoặc hành vi giao dịch nội bộ.
Tuy nhiên, quyết định này theo Thông tư số 217/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán hiện đã hết hiệu lực. Thêm vào đó, bản thân Quyết định 201 có được coi là căn cứ pháp lý để tính mức thu lợi trong xử lý hình sự hay không vẫn là điều chưa rõ ràng.
Và nếu không chứng minh cá nhân có hành vi thao túng giá chứng khoán đã thu lợi bất chính, thị để truy cứu trách nhiệm hình sự thì phải xác định được nhà đầu tư nào đó bị thiệt hại. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, hầu như không thể xác định những nhà đầu tư nào bị thiệt hại do hành vi thao túng giá chứng khoán.
Theo chúng tôi, không thể đổi lỗi hết cho nguyên nhân của việc khó xử lý hình sự đối với các hành vi thao túng thị trường chứng khoán là do những nguyên nhân khách quan nói trên. Mà cũng cần thẳng thắn nhìn nhận vào thực tế, vấn đề này cũng xuất phát từ những nguyên chủ quan như: sự hạn chế về năng lực, thiếu quyết liệt của cơ quan chức năng trong hoạt đông thanh tra, kiểm tra cũng như điều tra các vi phạm pháp luật chứng khoán.
Chính điều này khiến cho nhiều vụ việc dù chứng minh được hành vi khách quan nhưng lại không chứng minh được hậu quả của hành vi (khoản thu lời bất chính hay thiệt hại của cá nhân, nhà đầu tư khác) dẫn đến việc hành vi chỉ dừng lại ở mức độ vi phạm hành chính. Điều này thấy rõ nhất trong vụ việc thao túng giá cổ phiếu FTM của CTCP Đầu tư và Phát triển Đức Quân của ông Lê Mạnh Thường và bà Phạm Thị Phương hay vụ CTCP Nông nghiệp và Công nghệ cao Trung An của ông Nguyễn Quang Vinh…
Thậm chí, có những vụ dù chứng minh được hành vi khách quan và hậu quả của hành vi nhưng không rõ vì lý do gì mà các đối tượng có hành vi thao túng TTCK và thu lợi bất chính hàng tỷ đồng chỉ bị xử phạt hành chính như vụ thao túng thị trường đối với cổ phiếu DST của Công ty cổ phần Đầu tư Sao Thăng Long của ông Hoàng Đức Thuận; vụ thao túng cổ phiếu SPI (của Công ty cổ phần SPI) bà Đỗ Thị Cẩm Thúy nói đến ở trên. Thực tế này khiến dư luận đặt câu hỏi nếu chỉ dừng ở mức độ xử phạt hành chính liệu có đủ sức răn đe trường hợp khác? liệu có bỏ lọt tội phạm trong lĩnh vực chứng khoán?...
Vĩ thanh
Thao túng giá chứng khoán khiến sai lệch giá trị hay bóp méo giá cả, khiến thị trường không hoàn hảo, tăng chi phí giao dịch cho các bên tham gia thị trường, là mối đe dọa lớn đến mục tiêu phát triển ổn định, bền vững và đảm bảo tính toàn vẹn, minh bạch không chỉ của TTCK nói riêng mà cả hệ thống tài chính nói chung.
Do đó, phát xử lý nghiêm những hành vi vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán nói chung, các hành vi thao túng thị trường chứng khoán nói riêng. Đặc biệt, xác định đối tượng vi phạm cũng như xác định dấu hiệu tội phạm của các hành vi này để xử lý nghiêm là yêu cầu cấp thiết đặt ra đối với cơ quan chức năng trong khi nạn thao túng thị trường chứng khoán đang ngày càng trở nên báo động hiện nay.
Để làm được điêu này, theo chúng tôi cơ quan chức năng cần tập trung rà soát, sửa đối các quy định pháp luật liên quan đến lĩnh vực chứng khoán. Trong đó, cần có những văn bản hướng dẫn cụ thể các quy định liên quan đến việc giám sát, kiểm tra, điều tra xử lý các hành vi vi phạm. Đặc biệt cần hướng dẫn cụ thể việc xác định giá trị khoản thu nhập bất chính, hoặc chứng minh thiệt hại của nhà đầu tư để có cơ sở xử lý hình sự hành vi thao túng thị trường chứng khoán.
Ngoài ra, cần phải có sự quyết tâm cao, xử lý nghiêm minh, triệt để của các cơ quan chức năng, đặc biệt cơ quan tiến hành tố tụng; đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện những sai phạm để khắc phục, xử lý nghiêm hành vi bao che, bỏ lọt tội phạm nếu có để răn đe.
Xuân Trường – Thái Dương