Nhận diện những thủ đoạn rút ruột ngân hàng, bài học và giải pháp phòng, chống

(Pháp lý) - Những năm qua, có không ít vụ án lớn nghiêm trọng, gây thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng trong lĩnh vực ngân hàng được các cơ quan chức năng phát hiện, điều tra và xử lý. Trong đó nổi lên vụ án đặc biệt nghiêm trọng xảy ra tại ngân hàng Đông Á với nhiều chiêu thức, thủ đoạn phạm tội tinh vi. Nghiên cứu “đại án” này giúp chúng ta nhận diện những phương thức, thủ đoạn phạm tội của các đối tượng, từ đó rút ra những bài học và giải pháp phòng chống tội phạm trong lĩnh vực ngân hàng.
ong-tran-phuong-binh-1654137446.jpg
Ông Trần Phương Bình – cực Chủ tịch ngân hàng Đông Á tiếp tục bị khởi tố trong vụ án thứ 4

 

Cựu Chủ tịch ngân hàng Đông Á và 4 vụ án gây thất thoát hàng ngàn tỉ

Mới đây, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an ra quyết định khởi tố bị can đối với Trần Phương Bình (SN 1959), Nguyên Tổng Giám đốc Ngân hàng Thương mại cổ phần Đông Á - DAB; Nguyễn Đức Tài (SN 1968), nguyên Giám đốc Sở Giao dịch, Ngân hàng Thương mại cổ phần Đông Á và Phùng Ngọc Khánh (SN 1963), Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần M&C về tội “Vi phạm quy định về ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng”.

Đáng chú ý, đây là vụ án thứ 4 ông bị khởi tố vì những sai phạm dẫn tới thất thoát tiền của ngân hàng Đông Á. Trước đó, ông Trần Phương Bình cùng nhiều bị can từng hai lần hầu toà trong hai vụ án sai phạm tại ngân hàng Đông Á làm thất thoát số tiền 3.600 tỷ và 8.751 tỷ đồng. Trong cả 2 vụ án này, nguyên chủ tịch ngân hàng Đông Á Trần Phương Bình đều bị toà tuyên phạt tù chung thân về tội Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản; Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.

Mới đây nhất, ngày 19/5/2022, trong vụ án thứ 3 gây thất thoát 184 tỷ đồng xảy ra tại ngân hàng Đông Á, ông Bình cùng các đồng phạm bị TAND TP Hà Nội quyết định đưa ra xét xử. Tuy nhiên, sau đó phiên tòa này đã bị hoãn…

 

Nhận diện chiêu thức thủ đoạn

Nghiên cứu các vụ án xảy ra tại ngân hàng Đông Á, chúng tôi nhận thấy, đây là những vụ án phạm tội có tổ chức, cấu kết chặt chẽ, có sự tham gia của nhiều người, từ lãnh đạo “chóp bu” của ngân hàng cho đến các nhân viên chi nhánh cùng nhau thực hiện bằng những chiêu thức, thủ đoạn đặc trưng hết sức tinh vi.

1. Cấu kết lập khống chứng từ, chi sai  nguyên tắc nhằm rút ruột ngân quĩ.

Theo dõi xuyên suốt các vụ án, có thể nhận thấy đây là thủ đoạn đặc trưng mà Trần Phương Bình và đồng phạm đã thực hiện trong hầu hết các vụ án này.

Theo đó, trong vụ án gây thiệt hại cho ngân hàng Đông Á hơn 3.600 tỷ đồng liên quan đến Phan Văn Anh Vũ (Vũ Nhôm), cơ quan chức năng xác định ông Bình đã tiếp tay cho Phan Văn Anh Vũ chiếm đoạt ngân hàng Đông Á 200 tỷ đồng thông qua thống nhất bán cho Vũ 60 triệu cổ phần tại ngân hàng Đông Á với giá 600 tỷ đồng.

Đáng nói là để mua lại số cổ phần nói trên, Vũ "nhôm" thế chấp 220 lô đất tại TP Đà Nẵng để vay 400 tỷ đồng của chính Ngân hàng Đông Á. Đối với 200 tỷ đồng còn lại, Vũ phải ký chứng từ nộp khống cho ngân hàng Đông Á. Sau đó, ông Bình chỉ đạo cấp dưới xuất quỹ chi khống, chuyển tiền vào tài khoản của công ty cổ phần xây dựng Bắc Nam 79. Tuy nhiên, Ngân hàng Đông Á tăng vốn điều lệ thất bại đã chuyển trả cho Công ty cổ phần xây dựng Bắc Nam 79 khoản tiền 600 tỷ đồng và lãi phát sinh gần 9 tỷ đồng. Cáo trạng thể hiện ông Vũ chỉ nộp 400 tỷ đồng.

Ngoài ra cũng trong vụ án này, cơ quan chức năng xác định ông Bình với vai trò là người tổ chức, chỉ đạo các hoạt động ngân quỹ và đầu tư tại ngân hàng Đông Á nhưng đã lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản gây thiệt hại cho ngân hàng Đông Á số tiền hơn 3.405 tỷ đồng.

Ông Bình trong khoảng thời gian từ năm 2006-2015 đã tổ chức, chỉ đạo cựu phó tổng giám đốc Nguyễn Thị Kim Xuyến, phòng Ngân quỹ hội sở và các chi nhánh, sở giao dịch lập chứng từ thu chi sai nguyên tắc để chiếm đoạt của ngân hàng Đông Á hơn 2.008 tỷ đồng và gây thiệt hại cho ngân hàng Đông Á hơn 1.560 tỷ đồng. 

Ngoài ra, trong vụ án thất thoát hơn 8.751 tỷ đồng, Trần Phương Bình đã có hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt 75,6 tỷ đồng, khi nhờ một số cá nhân đứng tên vay tiền tại ngân hàng Đông Á rồi chỉ đạo cấp dưới lập chứng từ thu, nộp khống, chiếm đoạt của ngân hàng Đông Á số tiền này nhằm trả các khoản nợ.

 

cac-bi-cao-trong-phien-xet-xu-1654137428.jpg
Các bị cáo trong phiên xét xử đại án Ngân hàng Đông Á

2. Lập khống hồ sơ che giấu âm quỹ gây thiệt hại cho ngân hàng nghìn tỷ đồng

Đáng chú ý, để che giấu âm quỹ, đối phó kiểm toán độc lập và thanh tra, kiểm tra của Ngân hàng Nhà nước, từ năm 2008 đến năm 2014 vào dịp giữa năm hoặc cuối năm, ông Bình đã chỉ đạo cấp dưới lập các hợp đồng tín dụng cho khách hàng vay khống tiền, vàng, hợp đồng ủy thác đầu tư khống; hạch toán mua, bán vàng khống. Điển hình, theo hồ sơ vụ án, năm 2008, Phan Thúy Mai (Chủ tịch HĐQT, kiêm Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư và Du lịch An Phát) đã ký khống hợp đồng thể hiện Cty An Phát vay 185.000 chỉ vàng của ngân hàng Đông Á, thực tế không có khoản vay này, vàng cũng chưa được giải ngân. Việc bà Mai ký hợp đồng khống để giúp ông Bình che giấu số vàng làm thất thoát của ngân hàng Đông Á.

Ngoài ra, ông Bình còn chỉ đạo cấp dưới lập chứng từ điều chuyển vốn khống từ hội sở về các chi nhánh, phòng giao dịch. Sau khi đã kiểm toán hoặc thanh tra, kiểm tra xong, các đối tượng chỉ đạo các chi nhánh, phòng giao dịch điều chuyển ngược lại.

3. Thao túng, chi phối hoạt động tín dụng, “bẻ lái” dòng vốn chảy vào các quan hệ thân hữu, doanh nghiệp “sân sau”.

Thủ đoạn này hiện diện rõ nét nhất trong vụ án thất thoát hơn 8.751 tỷ đồng mà ông Trần Phương Bình bị tuyên án tù chung thân lần thứ hai tại phiên toà xét xử năm 2020.

Theo đó, trong thời gian từ năm 2007 - 2015, ông Bình với vai trò là Tổng Giám đốc, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị và Chủ tịch Hội đồng tín dụng của ngân hàng Đông Á đã cùng cấp dưới và đối tác thông đồng duyệt nhiều khoản vay lên đến hàng ngàn tỷ đồng, với nhiều tài sản bảo đảm là những dự án lớn, nhưng hồ sơ lại trái quy định. Trong đó, hành vi cho 4 nhóm khách hàng gồm Hiệp Phú Gia, Đồng Tiến, M&C, Tân Vạn Hưng vay tiền trái quy định đã gây thiệt hại gần 8.752 tỷ đồng. Đối tượng này đã cho những nhóm khách hàng này vay tiền dù không có tài sản đảm bảo; doanh nghiệp đang làm ăn thua lỗ; cho vay không đúng đối tượng…

Đáng chú ý, trong vụ án gây thất thoát 184 tỷ đồng liên quan đến Phan Thúy Mai (Công ty cổ phần Đầu tư và Du lịch An Phát), Trần Phương Bình đã “nể nang” Mai, chỉ đạo Chi nhánh Hà Nội giải ngân nhanh các khoản vay, bỏ qua quy trình thẩm định tài sản và không thực hiện đúng các thủ tục đăng ký giao dịch đảm bảo, giúp nữ doanh nhân này vay tiền dẫn đến thất thoát 184 tỷ đồng.

 

Truy nguyên nhân…

Có thể thấy, trong các vụ án xảy ra tại ngân hàng Đông Á, các đối tượng phạm tội chủ yếu chính là lãnh đạo giữ những vị trí cao nhất trong các ngân hàng, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để lôi kéo hoặc chỉ đạo cán bộ cấp dưới với sự tiếp tay của các đối tượng ngoài ngân hàng làm trái quy định pháp luật hoặc sử dụng các công ty sân sau của mình để thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản của ngân hàng.

Tuy nhiên, điều mà chúng tôi muốn nói đến ở đây là vì sao các đối tượng có thể thực hiện trót lọt hành vi phạm tội và trong thời gian dài như vậy mà không bị phát hiện mặc dù pháp luật có nhiều quy định khá chặt chẽ nhằm kiểm soát hoạt động của các ngân hàng, tổ chức tín dụng…

Qua nghiên cứu và phân tích các tình tiết của của vụ án, chúng tôi cho rằng, những sai phạm này đến từ rất nhiều nguyên nhân. Nhưng có lẽ nguyên nhân chính vẫn là sự lạm dụng quyền lực trong chính các ngân hàng. Rất nhiều sai phạm đều bắt nguồn từ những lãnh đạo “chóp bu” như chủ tịch hội đồng quản trị cho đến các thành viên hội đồng quản trị hoặc được chủ tịch hội đồng quản trị tiếp tay, từ việc phê chuẩn những hợp đồng tín dụng cho các bên liên quan, cho các công ty con, công ty liên quan của các thành viên hội đồng quản trị cho đến lập chứng từ khống để cho vay…

Nhìn từ các vụ án xảy ra tại ngân hàng Đông Á cho thấy người đứng đầu ngân hàng này là ông Trần Phương Bình đã lạm dụng quyền lực để chỉ đạo cấp dưới xuất quỹ chi sai nguyên tắc, lập chứng từ thu khống hàng nghìn tỷ đồng… Điều đó cho thấy, hệ thống giám sát nội bộ của ngân hàng hoàn toàn tê liệt, nhất là khi sai phạm lại được chỉ đạo bởi chính người đứng đầu.

Bên cạnh đó, cơ chế chính sách thanh tra, kiểm tra của các cơ quan quản lý (trong đó có Ngân hàng Nhà nước) đối với các ngân hàng thời điểm đó chưa thực sự hiệu quả. Từ những sai phạm của Trần Phương Bình cùng các đồng phạm tại ngân hàng Đông Á cho thấy, quản lý nhà nước thời kì này bộc lộ sự thiếu chặt chẽ, chưa sâu sát trong quản lý, dẫn đến hiệu quả quản lý chưa cao.

 

bai-hoc-lon-1654137446.png
Bài học lớn nhất cho các ngân hàng chính là bài học về công tác nhân sự và kiểm soát quyền lực

Và ngay cả hiện nay, cơ chế thanh tra, kiểm tra kiểm soát cũng vẫn tồn tại những hạn chế, đặc biệt trong vấn đề sở hữu ngầm thao túng, chi phối hoạt động của ngân hàng.

Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng, việc xử lý vấn đề sở hữu vượt mức quy định và sở hữu chéo vẫn rất khó khăn trong trường hợp cổ đông lớn và người có liên quan của cổ đông lớn cố tình che dấu, nhờ cá nhân, tổ chức khác đứng tên hộ số cổ phần sở hữu để lách quy định của pháp luật về sở hữu chéo, sở hữu vượt mức quy định. Điều này dẫn tới việc tổ chức tín dụng có thể bị thao túng, chi phối bởi các cổ đông này, tiềm ẩn nguy cơ hoạt động của tổ chức tín dụng thiếu công khai, minh bạch. Việc này chỉ có thể được phát hiện và nhận diện thông qua công tác điều tra, xác minh của cơ quan điều tra theo quy định của pháp luật…

 

Những bài học và giải pháp phòng, chống.

Tài chính – Ngân hàng là một trong những lĩnh vực quan trọng, có tầm ảnh hưởng lớn tới sự ổn định và phát triển của nền kinh tế quốc gia. Thời gian qua, để xảy ra không ít vụ án lớn trong lĩnh vực ngân hàng có liên quan trực tiếp đến các vị lãnh đạo “chóp bu” – người có quyền lực cao trong ngân hàng, làm thất thoát hàng ngàn tỷ đồng, đã phần nào ảnh hưởng tới đến thị trường tài chính và nền kinh tế. Điều này thực sự đáng lo ngại và đặt ra nhiều câu hỏi về công tác nhân sự, quản lý nhân sự tại các ngân hàng hiện nay.

Qua một số đại án xảy ra ở ngân hàng, các ngân hàng cần rút ra được cho mình bài học về công tác nhân sự và kiểm soát quyền lực. Đặc biệt là đối với nhân sự cấp cao. Cần hạn chế tối đa việc tuyển dụng và bổ nhiệm nhân sự mang tính quan hệ, cá nhân, bè phái.

Và cả bài học về công tác thanh kiểm tra, kiểm soát các giao dịch thường xuyên, giao dịch nội bộ và giao dịch có khả năng rủi ro cao. Đặc biệt là các giao dịch giữa nhân sự ngân hàng và người liên quan của họ ở các doanh nghiệp có quan hệ tài chính với các Ngân hàng.

Từ đó, đối với các ngân hàng cần có cơ chế kiểm soát chặt chẽ, hạn chế giao dịch liên quan, đặc biệt giao dịch có giá trị lớn của lãnh đạo ngân hàng. Cần thành lập Hội đồng kiểm tra, giám sát nội bộ, hội đồng hoạt động độc lập và thường xuyên, có quyền kiểm tra và quyết định các giao dịch lớn để từ đó hạn chế sự lạm quyền, quyền tự quyết của các lãnh đạo ngân hàng một cách linh hoạt nhất.

Thường xuyên thực hiện hoạt động thanh, kiểm tra tài sản, biến động tài chính của các lãnh đạo, nhân sự Ngân hàng cũng như những người liên quan của họ nhằm có đánh giá tốt nhất về khả năng phát sinh các hành vi vi phạm, đồng thời từ đó có cơ chế giám sát hoạt động đầu tư, góp vốn, mức độ tham gia và liên quan của nhân sự ngân hàng vào các ngân hàng khác nhau, các doanh nghiệp có quan hệ giao dịch với chính các ngân hàng.

Hạn chế sở hữu chéo của các cổ đông, giữa lãnh đạo các ngân hàng, tổ chức tài chính, doanh nghiệp trong giai đoạn hiện nay theo quy định của pháp luật Ngân hàng và pháp luật doanh nghiệp tránh nguy cơ hoạt động của ngân hàng bị  thao túng, chi phối bởi các cổ đông, nhóm cổ đông.

Về phía Ngân hàng Nhà nước cần thường xuyên thực hiện việc kiểm tra đánh giá chất lượng nhân sự tại các Ngân hàng, các tổ chức tài chính để từ đó đưa ra các cảnh báo mang tính phòng ngừa, hạn chế các hành vi vi phạm, chiếm đoạt tài sản của Ngân hàng nói chung; Đẩy mạnh hoạt động giám sát thanh tra các ngân hàng một cách chặt chẽ hơn, thường xuyên hơn đảm bảo các ngân hàng tuyệt đối tuân thủ quy định cấp tín dụng sự kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý hành vi thao túng, bẻ lái dòng vốn từ ngân hàng chảy vào các quan hệ sở hữu chéo, doanh nghiệp sân sau.

Đồng thời cần phải rà soát lỗ hổng pháp luật, kịp thời sửa đổi bổ sung hoàn thiện các quy định về cơ chế thanh tra, kiểm tra hoạt động của các ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng; phát triển đội ngũ cán bộ thanh tra, giám sát ngân hàng đủ về số lượng và có năng lực, trình độ chuyên môn, bản lĩnh chính trị, ý thức trách nhiệm, đáp ứng yêu cầu cao hơn về quản lý, thanh tra, giám sát ngân hàng.

Làm được những điều đó, chắc chắn các ngân hàng sẽ tránh những sai phạm có thể xảy ra như trong những đại án ở một số ngân hàng thời gian qua.

Văn Chiến – Trần Hơn

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin