TS Cấn Văn Lực đưa ra 7 khuyến nghị cấp thiết liên quan đến các gói cứu trợ

01/10/2021 09:40

Trong bối cảnh dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, trong khi việc mua, tự sản xuất và tiêm vaccine cần thời gian. Theo đánh giá của Citibank (tháng 8/2021), khả năng đạt tiêm vaccine COVID-19 cho 70% người lớn tại các nước đang phát triển (trong đó có Việt Nam) có thể phải đến hết quý 2/2022 mới có thể đạt được. TS Cấn Văn Lực cùng nhóm nghiên cứu đưa ra một số khuyến nghị.

21-1633055983.jpeg

Ảnh minh họa. 

Trên cơ sở phân tích, đánh giá các gói hỗ trợ tại các nước trên thế giới, thực trạng triển khai các gói hỗ trợ tại Việt Nam trong thời gian qua, TS Cấn Văn Lực cùng nhóm nghiên cứu đưa ra một số khuyến nghị như sau.

Một là, cần khẩn trương, quyết liệt thực hiện các gói hỗ trợ người dân, doanh nghiệp đã ban hành. Theo đó, Chính phủ chỉ đạo khẩn trương rà soát, đánh giá sơ bộ kết quả thực hiện các gói hỗ trợ đến thời điểm hiện tại và tiến hành tháo gỡ ngay những vướng mắc trong quá trình thực hiện.

Ví dụ, cần tính toán để gia hạn Nghị định 52/2021, đẩy nhanh việc thực hiện Nghị quyết 68 và sửa đổi, tháo gỡ các vướng mắc, cần thiết phải có thời hạn thực hiện cụ thể (thí dụ, tối đa 3 tháng) để đẩy nhanh hỗ trợ quý giá này.

Các chính sách này cùng với các gói giảm phí, lệ phí khác nên được tính toán để gia hạn, ít nhất là đến khi Việt Nam đạt tỷ lệ tiêm chủng người lớn 70% (hết quý 2/2021). Đồng thời, nên xem xét điều chỉnh ngân sách hỗ trợ từ cấu phần này sang cấu phần khác thiết thực hơn.

Hai là, Chính phủ xem xét ban hành các gói hỗ trợ tiếp theo, với tổng giá trị bổ sung khoảng gần 40 nghìn tỷ đồng (0,62% GDP năm 2020), chưa kể giá trị các gói hỗ trợ hiện tại có thể còn gia tăng khi được điều chỉnh, gia hạn.

Cụ thể, mở rộng đối tượng hỗ trợ người lao động tới tất cả lao động phi chính thức (lao động tự do) với mức trợ cấp 1 triệu đồng/người với quy mô 29.300 tỷ đồng (khoảng 29,3 triệu người, chiếm 53,7% lực lượng lao động là lao động tự do), ngoài phần hỗ trợ riêng của các địa phương theo Nghị quyết 68.

Theo đó, cần tăng cường ứng dụng CNTT trong khâu đăng ký, thẩm định và chuyển tiền cho dân như: (i) cho phép đăng ký qua mạng. Tận dụng hệ thống thông tin, dữ liệu hiện có và tham khảo/đối chiếu qua hệ thống dữ liệu của các tổ chức khác (như BHXH, nhà mạng, doanh nghiệp điện, nước...) và tổ chức đoàn thể địa phương (nếu cần) để xác định đối tượng nhanh, trúng và đầy đủ hơn.

Kết hợp nhiều kênh chuyển tiền cho dân (qua tài khoản ngân hàng, ví điện tử, dịch vụ tiền di động - mobile money... ngoài kênh phát tiền trực tiếp như đang làm). Ngoài ra, việc thu thập thông tin đối tượng cần hỗ trợ nên được tổng hợp, đối chiếu từ nhiều nguồn nhằm đảm bảo người dân có thể tiếp cận nhanh chóng và chính xác quyền lợi của mình.

Việc tổng hợp danh sách đối tượng cần hỗ trợ nên được kết hợp từ cả việc đăng ký tại địa phương, người dân tự đăng ký, đối chiếu thông tin từ danh sách người tham gia BHXH, danh sách cử tri và nguồn khác (như nhà mạng, công ty điện, nước...).

Điều này sẽ hạn chế việc thu thập thiếu hoặc chậm trễ như hiện nay. Về lâu dài, cần xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu chuẩn, cập nhật thường xuyên phục vụ công tác an sinh xã hội, cứu trợ; có sự liên thông, chia sẻ được với cơ sở dữ liệu định danh quốc gia.

Với gói hỗ trợ tiền điện, nên mở rộng đối tượng và giảm mạnh hơn cho người dân và doanh nghiệp, tương đương năm năm 2020 (khoảng 10.900 tỷ đồng). EVN có thể xem xét mở rộng đối tượng được giảm, với ngân sách giảm bổ sung khoảng 7.750 tỷ đồng.

Với gói hỗ trợ viễn thông, nên thiết thực hơn để nhiều người có thể tiếp cận và được hưởng, chẳng hạn nên giảm giá cước 20-30% trong 3 tháng, thay vì cách hỗ trợ bằng nâng cấp hạ tầng, khuyến mại cho một số đối tượng như hiện nay.

Ba là, ngoài gói hỗ trợ 21,3 nghìn tỷ đồng UBTVQH đã thông qua, cần tăng khả năng tiếp cận vốn hỗ trợ thanh khoản cho các doanh nghiệp. Theo đó, nên xem xét hỗ trợ cả các hãng hàng không tư nhân (theo hướng cho phép cho vay theo lãi suất thỏa thuận, có ưu đãi đối với hãng hàng không đang bị thua lỗ nhưng triển vọng phục hồi trung – dài hạn là tích cực). Tăng khả năng tiếp cận vốn, hỗ trợ thanh khoản đối với DNNVV có trọng tâm, trọng điểm, có thời hạn cụ thể.

Bốn là, NHNN tăng cường cho vay tái cấp vốn, tiếp tục linh hoạt hạn mức tăng trưởng tín dụng đối với các TCTD, để các TCTD có thêm nguồn lực giảm lãi suất, cung ứng tín dụng hỗ trợ nền kinh tế phục hồi.

Năm là, sớm xây dựng chiến lược, kịch bản phòng chống dịch trong điều kiện mới và phục hồi, phát triển KTXH trong bối cảnh “bình thường mới”, cần có các động lực tăng trưởng mới và đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô nhằm chủ động tận dụng cơ hội phục hồi mạnh cũng như kiểm soát rủi ro (giá cả tăng, lạm phát tăng, đứt gãy chuỗi cung ứng, chuỗi lao động…) nhằm thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội XIII và Nghị quyết 16/2021/QH15 về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025.

Sáu là, Quốc hội, Chính phủ chỉ đạo sớm xây dựng thể chế, hành lang pháp lý cho quản lý, phát triển kinh tế số, xã hội và chính quyền số. Theo ba kịch bản chuyển đổi số quốc gia của chúng tôi; chuyển đổi số thành công có thể giúp GDP Việt Nam tăng trưởng thêm từ 0,53-1,85 điểm % từ nay đến năm 2030.

Bảy là, Chính phủ chỉ đạo đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế nhằm có thể huy động và phân bổ nguồn lực hiệu quả hơn. Chính phủ cần sớm ban hành Đề án cơ cấu lại nền kinh tế cũng như các đề án cơ cấu lại cấu phần quan trọng (DNNN, TCTD, đầu tư công và đơn vị sự nghiệp công…) nhằm thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII và Nghị quyết 16/2021/QH15 về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025.

Theo doanhnghiephoinhap.vn

Nguồn bài viết: https://doanhnghiephoinhap.vn/ts-can-van-luc-dua-ra-7-khuyen-nghi-cap-thiet-lien-quan-den-cac-goi-cuu-tro.html

Bạn đang đọc bài viết "TS Cấn Văn Lực đưa ra 7 khuyến nghị cấp thiết liên quan đến các gói cứu trợ" tại chuyên mục Diễn đàn - Luật gia. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin