Trở lại kỳ án thu hồi đất ở Long Biên, Hà Nội: Hội đồng Thẩm phán TANDTC cần xem xét khách quan đối với Quyết định kháng nghị số 01

28/02/2019 08:30

(Pháp lý) - Cùng với rất nhiều cơ quan báo chí khác, Tạp chí Pháp Lý nhiều năm qua đã có nhiều bài phản ánh về vụ kỳ án thu hồi đất của vợ chồng ông Lê Phúc Thủy ở 123 Nguyễn Văn Cừ, quận Long Biên, Hà Nội. Sau nhiều năm, bản án phúc thẩm đã được thi hành án thì bất ngờ có Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm của Chánh án TANDTC đối với Bản án phúc thẩm hành chính số 114, ngày 21/06/2013 của Tòa Phúc thẩm TANDTC tại Hà Nội. Kháng nghị gây chú ý dư luận.

Hành trình vụ kiện

Báo chí đã nhiều lần phản ánh, gia đình ông Lê Phúc Thủy, cư trú tại 123 phố Nguyễn Văn Cừ, phường Ngọc Lâm, quận Long Biên, Hà Nội, sinh sống tại địa chỉ này từ trước ngày 15/10/1993, có hộ khẩu thường trú, bỗng nhận được thông báo di dời và sau đó là quyết định cưỡng chế, do UBND quận Long Biên đã bán đấu giá thửa đất gia đình ông Thủy đang sinh sống cho người khác… làm nhà ở.

Chủ tịch quận Long Biên đã ra Quyết định xử phạt số 939 buộc ông Thủy phải giao mặt bằng và Quyết định cưỡng chế số 49 buộc giao mặt bằng. Trước ngày tòa xét xử, Chủ tịch quận Long Biên đã thu hồi và hủy hai quyết định bị kiện đó, dẫn đến việc Tòa án đình chỉ vụ án. Khi ông Thủy kháng cáo lên TAND TP.Hà Nội, tòa chuẩn bị xét xử phúc thẩm, quận Long Biên lại ban hành tiếp Quyết định 4433/QĐ-UBND ngày 18/11/2009.

[caption id="attachment_205075" align="aligncenter" width="410"]Ông Lê Phúc Thủy mòn mỏi chờ kết thúc vụ án (Ảnh: Trọng Quang) Ông Lê Phúc Thủy mòn mỏi chờ kết thúc vụ án (Ảnh: Trọng Quang)[/caption]

Quyết định 4433 nêu căn cứ vào khoản 1 Điều 38 Luật Đất đai (nhà nước thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng, phát triển kinh tế). Tuy nhiên, trên thực tế thì UBND quận Long Biên thu hồi đất của gia đình ông Thủy để bán cho người khác làm nhà ở, không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 38 Luật Đất đai.

Quyết định 4433 thu hồi đất của gia đình ông Thủy cũng căn cứ vào Quyết định 5688/QĐ-UBND ngày 21/12/2006 của UBND TP.Hà Nội. Tuy nhiên, Quyết định 5688 chỉ nêu nội dung, giao cho Quận Long Biên thu hồi 164,9m2 đất tại phường Ngọc Lâm “do phường đang quản lý” mà không có danh sách hộ dân bị thu hồi, không có tên, địa chỉ, diện tích đất của gia đình ông Thủy.

Bản án hành chính phúc thẩm số 114/2013/PTHC ngày 21/6/2013 của Tòa Phúc thẩm TANDTC tại Hà Nội đã hủy Quyết định 4433/QĐ-UBND ngày 18/11/2009 và hai quyết định đi kèm về bổ sung phương án bồi thường và cưỡng chế của UBND quận Long Biên, bởi lẽ thửa đất 123 Nguyễn Văn Cừ không phải “do phường đang quản lý”. HĐXX nhận định, gia đình ông Thủy sử dụng đất trước ngày 15/10/1993 và không có tranh chấp, phù hợp quy hoạch; ông Thủy được HTX giao 23m2 đất theo hợp đồng liên kết nhưng sau đó HTX đã lấy lại 14 m2, hai bên đã làm hợp đồng thanh lý, chấm dứt quyền lợi nghĩa vụ các bên… Như vậy gia đình ông Thủy thuộc diện đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Vì vậy, UBND quận Long Biên thu hồi đất của gia đình ông Thủy là không đúng quy định của pháp luật.

Sau mấy năm bản án có hiệu lực pháp luật mà UBND quận Long Biên chậm cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho gia đình ông Thủy, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Chính phủ đều có văn bản đôn đốc Hà Nội chỉ đạo giải quyết dứt điểm vụ việc này.

UBND TP.Hà Nội đã ra Quyết định số 1972/QĐ-UBND ngày 28/3/2017 điều chỉnh Quyết định 5688/QĐ-UBND ngày 21/12/2006, giảm diện tích thu hồi, giao trên địa bàn phường Ngọc Lâm… để đấu giá quyền sử dụng đất từ 164,9 m2 thành 43,88m2, lý do điều chỉnh là “Thực hiện Bản án số 114/2013/PTHC ngày 21/6/2013 của Tòa Phúc thẩm TANDTC tại Hà Nội”. Sau đó, UBND quận Long Biên đã cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho gia đình ông Thủy, tuy nhiên do cấp chưa đủ diện tích nên gia đình ông Thủy đang làm thủ tục xin cấp đủ diện tích, thì nay lại có Quyết định kháng nghị của TANDTC. Kháng nghị gây chú ý dư luận.

Căn cứ kháng nghị có đúng hay không?

Sau 5 năm 6 tháng bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị (mặc dù theo Điều 263 Luật Tố tụng hành chính 2015, thời hiệu kháng nghị giám đốc thẩm là 3 năm), gây sự chú ý đặc biệt của dư luận, nhất là với các cơ quan báo chí, các chuyên gia pháp luật lâu nay quan tâm đến vụ kỳ án này.

Quyết định kháng nghị số 01/2019 dẫn Công văn số 146/CV-TNMT ngày 1/9/2006 của Phòng TNMT gửi UBND quận Long Biên có nội dung: Thửa đất của gia đình ông Thủy đang sinh sống, “năm 2014 HTX Ái Mộ giải thể… thì toàn bộ đất đai của HTX Ái Mộ được bàn giao cho UBND phường Ngọc Lâm quản lý… Do đó, “việc UBND thành phố Hà Nội “chỉ đạo thu hồi đất do phường đang quản lý là không trái pháp luật”.

Tiếc rằng, Quyết định kháng nghị đã căn cứ vào một văn bản mà không xem xét rằng văn bản này có đúng sự thật hay không? Chính vì văn bản này mà UBND TP Hà Nội ra Quyết định 5688 nêu trên. Sau khi giao Sở TNMT thẩm tra lại toàn bộ quá trình sử dụng đất của gia đình ông Thủy, UBND TP Hà Nội đã nhận thấy sai lầm nên đã ra Quyết định số 1972/QĐ-UBND ngày 28/3/2017 điều chỉnh Quyết định 5688/QĐ-UBND như phần trên đã trình bày.

[caption id="attachment_205076" align="aligncenter" width="410"] Với sự xuống cấp trầm trọng này, ngôi nhà ở 123 Nguyễn Văn Cừ có thể sập bất cứ lúc nào. (Ảnh: BLĐ)
Với sự xuống cấp trầm trọng này, ngôi nhà ở 123 Nguyễn Văn Cừ có thể sập bất cứ lúc nào. (Ảnh: BLĐ)[/caption]

Trong hồ sơ vụ án hẳn có “Biên bản giải quyết việc thuê mặt bằng” ngày 7/12/1994 có 4 vị đại diện UBND; bà Lưu Thị Hiển, Chủ nhiệm HTX Ái Mộ với gia đình ông Thủy đã ghi rõ tại điểu 1: “Hiện trạng diện tích anh Thủy đang quản lý là 143 m2 ( đã trừ phần DT của HTX đang sử dụng)”. Điều 2 của Biên bản phản ánh ông Thủy trả lại 14m2 cho HTX.

Ông Thủy thuê của HTX 23 m2, đã trả lại 14 m2, chưa kể khi làm đường bị xén một phần diện tích, nên diện tích đất gia đình ông Thủy sử dụng hiện nay trên 100 m2 là đất do ông Thủy san lấp thùng vũng mà có. Tất cả những hộ dân liền kề cùng san lấp thùng vũng này đều đã làm nhà và được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Do đó, không có chuyện đất của gia đình ông Thủy do UBND phường Ngọc Lâm quản lý. Ông Thủy cũng cung cấp một tài liệu là đơn xin xác nhận của bà Đặng Thị Đông, ở 125 Nguyễn Văn Cừ, liền kề gia đình ông Thủy, nguyên xã viên Hợp tác xã nông nghiệp xóm A thị trấn Gia Lâm xin xác nhận của bà Lưu Thị Hiển, nguyên Chủ nhiệm HTX Ái Mộ với nội dung: “Từ năm 2003 Hợp tác xã giải thể đến nay tôi cũng chưa có biên bản nào bàn giao lại căn nhà 125 Nguyễn Văn Cừ cho Hợp tác xã nông nghiệp xóm A, Thị trấn Gia Lâm cũng như Hợp tác xã nông nghiệp xóm A, Thị trấn Gia Lâm cũng chưa có biên bản bàn giao nào cho Ủy ban nhân dân phường Ngọc Lâm hoặc Ủy ban nhân dân quận Long Biên hay bất cứ cơ quan nào khác. Vậy tôi làm đơn này xin bà xác nhận cho tôi những sự việc trên là hoàn toàn đúng sự thật” - đơn đề ngày 5 /1// 2014. Và bà Lưu Thị Hiển đã ghi: “Xác nhận bà Đặng Thị Đông là xã viên Hợp tác xã nông nghiệp Ái Mộ 1 thị trấn Gia Lâm. Qua đơn trình bày của bà là đúng sự thật. Kính chuyển các cấp giải quyết theo thẩm quyền”.

Như vậy, chính bà Lưu Thị Hiển, nguyên Chủ nhiệm HTX Ái Mộ khẳng định: Diện tích đất tại 123, 125 Nguyễn Văn Cừ không được bàn giao cho “UBND phường Ngọc Lâm quản lý” như Quyết định kháng nghị đã nhận định.

Ông Lê Phúc Thủy cũng phản ánh, ngoài Công văn số 146/CV-TNMT ngày 1/9/2006 sai sự thật, còn có nhiều tài liệu ông Thủy cho rằng giả mạo được đưa vào hồ sơ như Biên bản ngày 16/6/1999 về hòa giải giữa HTX Ái Mộ và gia đình ông Thủy; Biên bản kiểm tra xây dựng số 07 ngày 7/11/2000; Biên bản lần 2 kiểm tra xây dựng số 04 ngày 8/11/2000 về xử lý công trình xây dựng không phép (số thứ tự hôm sau nhỏ hơn hôm trước) và biên bản ngày 23/6/1999, trong đó ông Thủy khẳng định chữ ký mang tên Lê Phúc Thủy là giả mạo, tên ghi trong biên bản cũng không đúng (Lưu Khắc Thủy, Lê Khắc Thủy, Đặng Thị Lộc…).

Như vậy, Hội đồng Thẩm phán TANDTC rất cần làm rõ căn cứ này trong Quyết định kháng nghị số 01 nêu ra.

Quyết định kháng nghị nhận định: “Quyết định số 4433/QĐ-UBND ngày 18/11/2009 của UBND quận Long Biên về việc thu hồi 90 m2 đất do gia đình ông Thủy đang sử dụng trái phép là đúng quy định của pháp luật”.

Gia đình ông Thủy có sử dụng đất trái phép hay không? Sự thực hiển nhiên là ngôi nhà gạch, lợp ngói mà ông Thủy xây cuối năm 1992, đầu 1993 đến nay vẫn còn nguyên và gia đình họ vẫn sinh sống cho đến nay. Gia đình ông Thủy có hộ khẩu thường trú tại 123 Nguyễn Văn Cừ và liên tục nộp thuế sử dụng đất. Theo quy định lúc đó, chỉ có người có nhà đất ở hợp pháp mới được cấp sổ hộ khẩu và theo Luật Đất Đai 2003, người sử dụng đất có nhà ở ổn định trước ngày 15/10/1993 được công nhận quyền sử dụng đất hợp pháp. Do đó, không thể nói “90 m2 đất do gia đình ông Thủy đang sử dụng trái phép”.

Còn về tính hợp pháp của Quyết định số 4433/QĐ-UBND? Luật sư lão thành Nguyễn Trọng Tỵ, nguyên Thẩm phán TANDTC, trợ giúp pháp lý miễn phí cho ông Thủy nhiều năm qua nhận xét: “Ngày 23/01/2007, UBND quận Long Biên bí mật bán vụng đất tại số 123 nguyễn Văn Cừ của gia đình ông Lê Phúc Thủy đang cư trú hợp pháp cho ông Phạm Khả Năng ... Sau khi mua bán xong xuôi, ngày 18/11/2018 Ủy ban nhân dân quận Long Biên mới ban hành Quyết định số 4433 hồi 90 m2 đất tại số 123 Nguyễn Văn Cừ phường Ngọc Lâm do gia đình ông Thủy đang ở. Đó là vi phạm pháp luật, vì việc thu hồi này là không đúng trình tự không đúng thẩm quyền pháp luật về đất đai đã quy định rõ: Nhà nước chỉ thu hồi đất vào mục đích: Quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng và phát triển kinh tế. Việc quận Long Biên thu hồi đất của gia đình ông Thủy đang ở hợp pháp để cho người khác vào ở là trái với mục đích thu hồi đất do Luật Đất đai quy định. Việc làm này là một sự lạm dụng quyền hành, chà đạp lên pháp luật, chà đạp lên quyền công dân Lê Phúc Thủy”.

Như vậy, Hội đồng Thẩm phán TANDTC cần quan tâm, xem xét khách quan đối với nhận định được nêu trong Quyết định kháng nghị số 01.

Mục đích của kháng nghị?

Trrong vụ án cụ thể này, những người quan tâm trong 10 năm qua đều thấy rằng: UBND quận Long Biên lấy đất của một hộ gia đình đang sinh sống ổn định, không phải vì mục đích an ninh, quốc phòng hay phát triển kinh tế, mà để bán cho người khác cũng làm nhà ở, trong khi chính người sống trên đất đó không biết, là quyết định trái pháp luật.

Gia đình ông Thủy nghèo khó, hai vợ chồng bị bệnh hiểm nghèo, cả gia đình chỉ trông vào quán nước trà và sửa xe máy, lại bị thu hồi mảnh đất họ sinh sống từ trước 15/10/1993, có hộ khẩu thường trú… là điều làm lương tâm con người đau nhói.

Điều đáng mừng là những sai phạm đó đã được TAND khắc phục bằng Bản án phúc thẩm số 114/2013/PTHC ngày 21/6/2013 của Tòa Phúc thẩm TANDTC tại Hà Nội và UBND TP Hà Nội đã sửa lại Quyết định 5688, không thu hồi đất với gia đình ông Thủy; UBND quận Long Biên cũng đang làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho gia đình ông Thủy.

Vì thế mục đích của Quyết định kháng nghị số 01/2019 kể trên là gì?

Những người quan tâm đến vụ án này, mong chờ Hội đồng Thẩm phán TANDTC thể hiện sáng tỏ nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân qua việc xem xét, giải quyết khách quan, đúng pháp luật đối với Quyết định kháng nghị số 01/2019 đang gây sự chú ý đặc biệt của dư luận.

Luật sư Nguyễn Trọng Tỵ thì tha thiết và thẳng thắn “đề nghị các ông, bà có thẩm quyền giải quyết việc giám đốc thẩm hãy bác bỏ Quyết định kháng nghị số 01 ngày 17/01/2019… để bảo vệ quyền lợi ích chính đáng và hợp pháp cho công dân.

Nhóm PVĐT

 

 

Bạn đang đọc bài viết "Trở lại kỳ án thu hồi đất ở Long Biên, Hà Nội: Hội đồng Thẩm phán TANDTC cần xem xét khách quan đối với Quyết định kháng nghị số 01" tại chuyên mục Bên khung cửa tư pháp. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin