Góp ý dự thảo quy chế xử lý trách nhiệm đối với chánh án, phó chánh án, thẩm phán, thẩm tra viên, thư ký tòa mà TAND Tối cao đang xây dựng, có người ủng hộ, cũng có người băn khoăn là quá nghiêm khắc...
Ủng hộ việc xây dựng, ban hành dự thảo quy chế xử lý trách nhiệm đối với người giữ chức danh tư pháp trong các TAND (chánh án, phó chánh án, thẩm phán, thẩm tra viên, thư ký tòa), ông Trần Văn Độ (nguyên Phó Chánh án TAND Tối cao) nhận xét: “Rất nên cấm và quy định chế tài đến mức hạ bậc lương đối với thẩm phán gặp gỡ, ăn uống với đương sự trong vụ việc mà mình được giao giải quyết, xét xử như dự thảo”.
Vì sự khách quan, vô tư của quan tòa
Ông Độ kể thời gian ông còn công tác, ông có đi thăm một trại tạm giam, sau đó phía trại tạm giam mời ông ở lại ăn uống. Ông được biết có một đương sự mà ông từng xét xử có mặt trong bữa ăn đó nên đã từ chối dù vụ án của người này đã được giải quyết xong rồi. “khi giải quyết vụ án mình hoàn toàn công tâm nhưng người ta trông vào thì cũng không hay!” - ông Độ chia sẻ.
Theo ông Độ, nếu thẩm phán “ngồi chung” với đương sự sẽ ảnh hưởng đến tính khách quan, vô tư của người thực thi công vụ. “Những người liên quan đến vụ việc mà mời thẩm phán ăn uống là rất không hay. Ngay cả thẩm phán đi chung với luật sư có tham gia tố tụng trong vụ việc mình đang giải quyết cũng không được. Dù là trước hay trong khi giải quyết vụ án thì cũng không được bởi hối lộ trước hay sau thì cũng là hối lộ. Trong ngành tòa án, khi công lý bị hối lộ thì không còn công lý nữa” - ông Độ khẳng định.
Luật sư Nguyễn Văn Hồng (Đoàn Luật sư TP.HCM) cũng cho rằng việc xây dựng quy chế này với hàng loạt hành vi vi phạm cụ thể cùng chế tài tương ứng là cần thiết để dễ dàng xử lý cán bộ tòa khi có sai phạm. Việc này đã chứng tỏ quyết tâm của ngành tòa án trong việc đảm bảo sự khách quan, vô tư của cán bộ tòa khi thực thi nhiệm vụ. “Dự thảo cần được soạn thảo theo hướng quy định cho dễ hiểu, dễ nhớ. Xu thế chung càng dễ nhớ càng dễ áp dụng” - luật sư Hồng đề xuất.
“Nếu dự thảo đưa ra các hành vi vi phạm cụ thể, các mức chế tài cụ thể thì tôi hoàn toàn ủng hộ. Tuy nhiên, phải quy định và giải thích rõ, chẳng hạn như thế nào là gây dư luận xấu, ảnh hưởng đến uy tín của tòa, như thế nào là làm ảnh hưởng đến quá trình giải quyết vụ việc… Nếu quy định chung chung, không cụ thể thì rất dễ dẫn đến việc mỗi tòa áp dụng một kiểu, kéo theo đó là hình thức xử lý cán bộ, công chức tòa khác nhau trong ngành. Ví dụ cũng cùng một hành vi là ngồi cà phê với đương sự như nhau nhưng có người chỉ bị nhắc nhở, có người lại bị khiển trách. Như vậy là không công bằng, kéo theo sự phân bì nặng nhẹ, bức xúc, ảnh hưởng đến tinh thần làm việc của thẩm phán, cán bộ tòa” - luật sư Nguyễn Đức Chánh (Đoàn Luật sư TP.HCM) góp ý.
Quá khắt khe?
Trong khi đó, một số chuyên gia khác lại băn khoăn cho rằng dự thảo có những quy định khá khắt khe với cán bộ tòa.
Luật sư Trần Cao Đại Kỳ Quân (Đoàn Luật sư tỉnh Đồng Nai) nhận xét: “Chẳng hạn như quy định hạ bậc lương thẩm phán, cán bộ tòa gặp gỡ, ăn uống với đương sự trong vụ việc mà mình được giao giải quyết. Ai cũng có những mối quan hệ xã hội đan xen. Việc đi chung, ngồi chung trong các buổi nhậu, buổi cà phê cũng khó mà kiểm soát được cụ thể gồm những người nào, có chủ động gặp hay không, hay chỉ vô tình gặp gỡ. Nếu chẳng may tình cờ đến ngồi chung rồi từ đó gây ra hiểu lầm thì theo tôi chỉ cần nhắc nhở là đủ, không cần phải quá nặng nề đối với họ. Thẩm phán, cán bộ tòa chịu nhiều áp lực, nếu quy định như dự thảo đi vào cuộc sống, trong khi thu nhập của thẩm phán, cán bộ tòa hiện đã thấp, chế độ đãi ngộ chưa tương xứng mà chế tài lại quá hà khắc thì tôi e sẽ ảnh hưởng tâm lý chung của đội ngũ này”.
Đồng quan điểm, có ý kiến cho rằng nếu quy định quá hà khắc, nặng nề thì sẽ “tạo ra sự soi mói, kìm hãm thẩm phán, cán bộ tòa trong các mối quan hệ xã hội, làm cho họ thiếu tự tin, có cảm giác phải đề phòng khi giao tiếp xã hội”.
“Vấn đề mấu chốt của việc giải quyết án, xét xử là theo pháp luật chứ không phải theo cảm tính của thẩm phán, cán bộ tòa. Ngày nay đã có nhiều thiết chế theo dõi, giám sát và kiểm sát hoạt động xét xử của thẩm phán như luật sư, VKS, hệ thống thanh tra, kiểm tra nội bộ của ngành tòa án. Do đó điều cần đặt trọng tâm là cần phải công khai hoạt động xét xử, công tác của thẩm phán hơn nữa. Từ việc công khai, minh bạch thì các thể chế khác mới có đủ điều kiện kiểm tra, giám sát việc làm đúng, làm đủ những gì pháp luật quy định” - vị này góp ý.
Nhiều quy định cụ thể
Theo dự thảo, người giữ chức danh tư pháp trong ngành tòa án bị khiển trách khi có một trong các hành vi:
- Khi xét xử mặc không đúng trang phục xét xử; ngủ gật; sử dụng ĐTDĐ để nghe, gọi; hút thuốc; uống rượu bia, đồ uống có cồn khác hoặc các hành vi làm ảnh hưởng đến sự tôn nghiêm của phiên tòa, uy tín của tòa, đã được người có thẩm quyền nhắc nhở nhưng vẫn vi phạm.
- Cố ý để vợ (chồng), cha mẹ đẻ, cha mẹ vợ (chồng), con, anh chị em ruột tham gia bào chữa hoặc tư vấn những vụ, việc được phân công giải quyết.
- Có thái độ hách dịch, cửa quyền hoặc gây khó khăn, phiền hà đối với cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân trong khi thực hiện nhiệm vụ được giao.
- Tiếp bị can, bị cáo, đương sự hoặc người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong các vụ, việc mình có trách nhiệm giải quyết tại địa điểm, thời gian không đúng quy định của pháp luật.
- Thiếu trách nhiệm dẫn đến hư hỏng, mất, thất lạc hồ sơ, tài liệu, vật chứng, chứng cứ của vụ án nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.
- Cố ý không thực hiện quy định về cấp, giao, gửi hoặc thông báo các quyết định, văn bản tố tụng…
Với những vi phạm này ở mức độ cao hơn, người giữ chức danh tư pháp có thể bị cảnh cáo hoặc hạ bậc lương. Chẳng hạn tiếp bị can, bị cáo, đương sự hoặc người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan tại địa điểm, thời gian không đúng quy định, gây dư luận xấu, ảnh hưởng đến uy tín của tòa. Gặp gỡ, ăn uống với đương sự trong vụ, việc mà mình được giao giải quyết, xét xử làm ảnh hưởng đến quá trình giải quyết vụ, việc hoặc ảnh hưởng tới uy tín của tòa…
Dự thảo cũng quy định người giữ chức danh tư pháp bị giáng chức hoặc cách chức khi có một trong các hành vi:
- Nhận tiền hoặc lợi ích vật chất khác nhưng chưa đến mức xử lý trách nhiệm hình sự để giải quyết hoặc tác động đến người có trách nhiệm giải quyết vụ, việc trái quy định của pháp luật, quy chế, quy định của TAND.
- Môi giới, đưa, nhận tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác trong tuyển dụng, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, điều động, luân chuyển, bố trí công tác, nâng ngạch trái quy định…
Theo Plo