TP.HCM chủ động kiểm tra, thanh tra để phát hiện hành vi tham nhũng, tiêu cực

Công tác giám định, định giá tài sản, nhất là trong các vụ án kinh tế, tham nhũng còn chậm dẫn đến một số vụ việc kéo dài và phải gia hạn điều tra... 

Sáng 29-4, Thành uỷ TP.HCM tổ chức hội nghị tổng kết công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực năm 2021 và triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm 2022.

Tham dự hội nghị có Bí thư Thành uỷ TP.HCM Nguyễn Văn Nên, Phó Trưởng ban Nội chính Trung ương Nguyễn Văn Yên, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi...

2-1651282037.jpg
Toàn cảnh hội nghị tổng kết công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực năm 2021. Ảnh: KHÁNH TRÀ

Đẩy nhanh tiến độ điều tra, xử lý bốn vụ án, bảy vụ việc tham nhũng

Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Thành uỷ TP.HCM Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh sang năm 2022, phải xem công tác phòng, chống tham nhũng tiêu cực là nhiệm vụ đặc biệt trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; xây dựng, củng cố hệ thống chính trị. Toàn hệ thống chính trị TP.HCM phải nhận thức sâu sắc đây là việc thường xuyên và lâu dài.

Ông khẳng định cần thực hiện nghiêm chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về một số điểm mới trong công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật Đảng. Theo đó, quá trình thanh tra, kiểm tra, thi hành án,… nếu phát hiện vi phạm có dấu hiệu vi phạm thì phối hợp chặt chẽ để xử lý kịp thời, xử lý nghiêm minh, chính xác và không ngoại lệ. Bí thư TP.HCM quán triệt lấy phòng ngừa là chính, lấy xây là chính.

Bí thư Nguyễn Văn Nên cũng chỉ đạo tăng cường kiểm tra, đôn đốc, phát hiện, uốn nắn, xử lý vụ việc tiêu cực ở các cấp, các ngành. “Đối với người đứng đầu nếu để xảy ra sai phạm cũng phải quy trách nhiệm rõ ràng; phải có cơ chế khuyến khích, nâng cao việc tự kiểm tra, phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực” – ông Nên nhấn mạnh.

TP cũng cần tập trung chấn chỉnh công tác cải cách hành chính ở một số ngành, lĩnh vực có nguy cơ tham nhũng, tiêu cực cao như: dự án đầu tư lớn, trọng điểm; ở lĩnh vực đất đai, thu hồi, giải phóng mặt bằng, đầu tư xây dựng cơ bản, đấu thầu, cổ phần hóa doanh nghiệp, các dự án có nguồn vốn nhà nước; quản lý tài chính, tài sản trong các doanh nghiệp có vốn nhà nước.

Đối với các cơ quan nội chính, các cơ quan bảo vệ pháp luật của TP, ông Nguyễn Văn Nên đề nghị phải theo dõi, đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ và sớm kết thúc điều tra, xử lý bốn vụ án, bảy vụ việc tham nhũng, kinh tế thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương theo dõi và thuộc trách nhiệm của Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM theo dõi, chỉ đạo.

Đồng thời tập trung thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án tham nhũng, kinh tế…

Chuyển đổi vị trí công tác 2.093 cán bộ, công chức, viên chức

Theo báo cáo của Thành uỷ TP.HCM, vừa qua Ban Thường vụ Thành ủy TP luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. Năm 2021, công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực của TP được tập trung vào việc phòng, chống dịch, đảm bảo an sinh xã hội; chú trọng xác định các ngành, lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực để tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát.

Việc thực hiện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng đạt được một số kết quả trên các lĩnh vực. Trong đó, phát hiện 20 người/10 vụ có vi phạm việc thực hiện các quy định về chế độ, định mức, tiêu chuẩn; bị xử lý hành chính và thu hồi số tiền gần 591 triệu đồng.

21-1651282037.jpg
Lãnh đạo TP.HCM tham dự hội nghị. Ảnh: KHÁNH TRÀ

Bảy trường hợp cán bộ, công chức, viên chức vi phạm quy tắc ứng xử qua kiểm tra tại 21 quận, huyện, TP Thủ Đức. Những trường hợp này đã được xử lý, chấn chỉnh.

Các sở, ngành, quận, huyện TP đã thực hiện chuyển đổi vị trí công tác đối với 2.093 cán bộ, công chức, viên chức trong các lĩnh vực.

Tuy nhiên, hiệu quả thực hiện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng ở một số đơn vị chưa cao. Tiến độ xử lý tin tố giác tội phạm và công tác điều tra, truy tố, xét xử một số vụ án tham nhũng còn chậm. Việc phát hiện tiêu cực, tham nhũng qua hoạt động kiểm tra, tự kiểm tra còn ít.

Đáng chú ý, tỉ lệ giải quyết tin báo, tố giác tội phạm và kiến nghị khởi tố trong năm 2021 đạt 87,3%. Theo Thành uỷ TP.HCM, tỉ lệ này chưa đạt được theo yêu cầu của Quốc hội và Bộ Công an giao.

Công tác giải quyết các vụ án tạm đình chỉ của liên ngành các cơ quan Trung ương quy định phối hợp thực hiện một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự về quản lý, giải quyết các vụ án, vụ việc tạm đình chỉ còn chậm.

Kết quả thi hành xong về việc và tiền trong các vụ án không đạt chỉ tiêu. Cụ thể, về việc còn thiếu 20,29%, về tiền còn thiếu 16,97% so với chỉ tiêu được giao năm 2021 (việc 81,5% và tiền 40,1%).

“Kết quả thu hồi tiền, tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế thấp” – báo cáo nêu rõ.

Chưa kể, các việc thi hành án liên quan đến tổ chức tín dụng, ngân hàng còn nhiều, tiến độ còn chậm. Vẫn còn tình trạng vi phạm, thiếu sót của chấp hành viên, công chức thi hành án trong thực hiện trình tự, thủ tục thi hành án.

Mặt khác, do số lượng tin báo, tố giác tội phạm, số lượng vụ án điều tra tiếp nhận, thụ lý trong kỳ lớn (số tin báo, tố giác tội phạm tăng 961 tin, số vụ án thụ lý tăng 851 vụ/741 bị can so với cùng kỳ năm 2020), dẫn đến tình trạng quá tải đối với đội ngũ cán bộ điều tra, điều tra viên.

Vừa qua, Công an TP phải tập trung lực lượng để phòng, chống dịch nên việc đảm bảo tiến độ, chất lượng điều tra, giải quyết nguồn tin về tội phạm và vụ án gặp nhiều khó khăn.

Công tác giám định, định giá tài sản, nhất là trong các vụ án kinh tế, tham nhũng còn chậm dẫn đến một số vụ việc kéo dài và phải gia hạn điều tra, nhiều trường hợp đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can nhưng phải tạm đình chỉ ảnh hưởng lớn đến tỉ lệ giải quyết tin báo, tố giác tội phạm.

Dự kiến, năm 2022, TP.HCM sẽ thành lập và triển khai ba đoàn kiểm tra, rà soát. Cụ thể là: Đoàn kiểm tra tiến độ thanh tra, điều tra, khởi tố, truy tố, xét xử các vụ việc, vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, xã hội quan tâm của các cơ quan tố tụng và của Thanh tra TP; Đoàn kiểm tra công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực đối với các tổ chức đảng trực thuộc Thành ủy và đảng bộ cơ sở, chi bộ cơ sở; và Đoàn rà soát các cuộc thanh tra kinh tế - xã hội năm 2022.

TP.HCM: 33.516 người thực hiện kê khai tài sản năm 2020

Trong việc kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn năm 2020, TP.HCM có 33.516 người thực hiện kê khai và 33.514 người thực hiện công khai bản kê khai tài sản, thu nhập.

Có hai trường hợp không thực hiện việc công khai bản kê khai tài sản, thu nhập. Nguyên nhân là do một người điều động đến nơi khác và một người thôi việc.

Theo plo.vn

Nguồn bài viết: https://plo.vn/tp-hcm-chu-dong-kiem-tra-thanh-tra-de-phat-hien-hanh-vi-tham-nhung-tieu-cuc-post677995.html

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin