Tội phạm về tham nhũng và chức vụ bị phát hiện tăng 40%

17/10/2022 10:08

(Pháp lý) - Trong báo cáo của Chính phủ, các cơ quan tư pháp gửi tới Quốc hội chuẩn bị cho kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV cho thấy tội phạm về kinh tế, tham nhũng và chức vụ có chiều hướng gia tăng mạnh. Đặc biệt, trong năm 2022, các cơ quan chức năng phát hiện 523 vụ phạm tội về tham nhũng và chức vụ, trong đó đã khởi tố 501 vụ với 1.211 bị can.

anh-minh-hoa-1666069786.jpg
 

Chính phủ nhận định, hành vi tham nhũng sẽ ngày càng tinh vi, phức tạp, khó lường (ảnh minh họa)

Tội phạm kinh tế, tham nhũng và chức vụ tăng mạnh

Thừa ủy quyền của Thủ tướng, đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an, vừa ký báo cáo của Chính phủ gửi Quốc hội về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2022.

Theo báo cáo, trong 12 tháng (từ 1.10.2021 đến 30.9.2022), Bộ Công an và công an các địa phương đã tập trung điều tra, đặc biệt những vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp thuộc diện Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực chỉ đạo.

Trong thời gian trên, toàn quốc phát hiện 5.117 vụ phạm tội về trật tự quản lý kinh tế (giảm 36%), trong đó đã khởi tố 2.390 vụ án với 4.135 bị can; phát hiện 523 vụ phạm tội về tham nhũng và chức vụ (tăng 40%), trong đó đã khởi tố 501 vụ án với 1.211 bị can.

Trong đó, điển hình là các sai phạm trong các lĩnh vực chứng khoán như: Vụ án Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Tập đoàn FLC; vụ Nguyễn Thành Nhân, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Louis Holdings; vụ án Nguyễn Văn Nam, Giám đốc Công ty cổ phần ASA.

Các sai phạm trong việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp, như vụ án Đỗ Anh Dũng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Tân Hoàng Minh, cùng đồng phạm đã thông qua phát hành 9 gói trái phiếu riêng lẻ để lừa đảo chiếm đoạt hơn 8.000 tỉ đồng của hơn 6.000 nhà đầu tư.

Trong hoạt động mua sắm công, đấu thầu, đấu giá, chỉ định thầu, thao túng thầu, nâng giá thiết bị… nổi lên nhiều vụ án lớn, như vụ án liên quan đến Công ty cổ phần công nghệ Việt Á và nhiều tỉnh, thành; vụ án vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Bệnh viện đa khoa Đồng Nai và Công ty AIC; vụ án chia nhỏ gói thầu, lập chứng từ mua bán thiết bị giáo dục gây thiệt hại 15 tỉ đồng ở Bắc Giang; vụ án vi phạm đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng tại Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Lương Sơn (Hòa Bình); hay vụ án vi phạm đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng tại Bệnh viện Thanh Nhàn, thiệt hại ước tính gần 25 tỉ đồng mà Công an TP Hà Nội vừa khởi tố…

Gia tăng tội phạm trục lợi từ dịch bệnh

Trong thời gian xảy ra dịch Covid-19, nước ta nổi lên loại tội phạm liên quan đến công tác phòng, chống dịch, nhất là liên quan đến hoạt động mua sắm vật tư, trang thiết bị y tế và các mặt hàng thiết yếu phục vụ phòng, chống dịch. Đối với loại tội phạm này, Công an TP.Hải Phòng bắt giữ 7.200 hộp thuốc điều trị Covid-19; Công an tỉnh Cao Bằng bắt giữ hơn 15.800 bộ test nhanh Covid-19; Công an tỉnh Lạng Sơn phát hiện 6 vụ, thu giữ 800 hộp thuốc chống Covid-19 không rõ nguồn gốc.

Với tình trạng trục lợi trong tổ chức tiêm vắc xin, xét nghiệm Covid-19, Công an TP.Hà Nội đã khởi tố các đối tượng lợi dụng chức vụ, quyền hạn để thu tiền người có nhu cầu tiêm vắc xin; Công an tỉnh Thanh Hóa khởi tố nhân viên y tế Trung tâm Y tế TX.Nghi Sơn thu tiền người đi cách ly và người có nhu cầu xét nghiệm.

Việc đưa người Việt Nam về nước để chống dịch cũng bị lợi dụng để trục lợi. Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã khởi tố vụ án “đưa và nhận hối lộ”, khởi tố hơn 20 bị can, trong đó có Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Trợ lý Phó thủ tướng thường trực và các lãnh đạo, chuyên viên Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao), Cục Quản lý Xuất nhập cảnh (Bộ Công an) và Vụ Hợp tác quốc tế (Văn phòng Chính phủ)...

Ngoài ra, Bộ Công an và công an các địa phương cũng phát hiện, xử lý nhiều tội phạm vi phạm trong các lĩnh vực kinh tế trọng điểm như quản lý ngân sách nhà nước, đầu tư công, cổ phần hóa, y tế, giáo dục, đất đai, tài chính, ngân hàng, tài nguyên, khoáng sản…

Cơ quan tư pháp phối hợp điều tra, truy tố, xét xử nhiều vụ án tham nhũng

Theo Báo cáo công tác của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao năm 2022, công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc khởi tố, điều tra, truy tố và xét xử các vụ án hình sự đạt kết quả tốt hơn, như: Đã kiểm sát chặt chẽ hơn việc giải quyết nguồn tin về tội phạm  và áp dụng các biện pháp ngăn chặn; trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra tiếp tục được tăng cường; tỷ lệ truy tố đúng thời hạn, đúng tội danh đều đạt cao và vượt chỉ tiêu Quốc hội ; tỷ lệ kháng nghị phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm án hình sự được Hội đồng xét xử chấp nhận vượt chỉ tiêu của Quốc hội; số lượng kiến nghị yêu cầu Cơ quan điều tra, Tòa án khắc phục vi phạm tăng 1,2%; tiếp tục phối hợp tốt trong việc điều tra, truy tố và đưa ra xét xử nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế đặc biệt nghiêm trọng, được dư luận đồng tình, ủng hộ và đánh giá cao; tỷ lệ thu hồi tài sản trong các vụ án về tham nhũng xảy ra trong hoạt động tư pháp đạt 82,6% (vượt 22,6% so với chỉ tiêu trong Nghị quyết số 96 của Quốc hội).

Bên cạnh đó, công tác kiểm sát hoạt động tư pháp có những chuyển biến tích cực; tỷ lệ kiến nghị yêu cầu cơ quan tư pháp, cơ quan hữu quan khắc phục, phòng ngừa vi phạm được tiếp thu, thực hiện đạt tỷ lệ cao và đều vượt chỉ tiêu Quốc hội, tăng 8,3%; số lượng kháng nghị phúc thẩm án hành chính tăng 53,2%; tỷ lệ kháng nghị giám đốc thẩm án hành chính được Hội đồng xét xử chấp nhận tăng nhiều (tăng 20,3%) và vượt chỉ tiêu của Quốc hội (vượt 3,6%); tỷ lệ kháng nghị phúc thẩm án dân sự được Hội đồng xét xử chấp nhận, đạt 80% và vượt 10% chỉ tiêu yêu cầu của Quốc hội.

Công tác kiểm sát tạm giữ, tạm giam, thi hành án hình sự, thi hành án dân sự ngày càng hiệu quả hơn; công tác giải quyết đơn đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm được thực hiện tốt, đáp ứng yêu cầu của Quốc hội , qua đó kịp thời phát hiện, kháng nghị những bản án, quyết định có vi phạm pháp luật.

Báo cáo công tác của Tòa án nhân dân tối cao năm 2022 nêu rõ, chất lượng, hiệu quả giải quyết, xét xử các loại vụ việc tiếp tục được đảm bảo. Theo đó, từ ngày 01/10/2021 đến ngày 31/7/2022, các Tòa án đã giải quyết 71,07% số vụ việc đã thụ lý. Tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan của Tòa án là 0,88%, đáp ứng yêu cầu mà Nghị quyết Quốc hội đề ra.

Về các vụ án hình sự, các Tòa án đã giải quyết, xét xử được 85,2% các vụ việc đã thụ lý. Việc xét xử các vụ án hình sự bảo đảm nghiêm minh, đúng pháp luật, chưa phát hiện trường hợp nào kết án oan người không có tội. Chất lượng tranh tụng được bảo đảm; các Tòa án đã phối hợp với Viện kiệm sát nhân dân tổ chức nhiều phiên tòa rút kinh nghiệm. Đã xử lý nghiêm các vụ án kinh tế, tham nhũng gây ra những thiệt hại đặc biệt lớn, được dư luận xã hội rất quan tâm, do những người có chức vụ, quyền hạn thực hiện.

Về các vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại và lao động, các Tòa án đã giải quyết 68,06% số vụ việc đã thụ lý. Tỷ lệ các bản án, quyết định hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan đáp ứng yêu cầu Nghị quyết Quốc hội đề ra. Các Tòa án đã chú trọng và tập trung thực hiện có hiệu quả công tác hòa giải; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tương trợ tư pháp. Về các vụ án hành chính, các Tòa án đã giải quyết, xét xử 49% số các vụ đã thụ lý. Tòa án nhân dân tối cao đã chỉ đạo các Tòa án chú trọng tổ chức đối thoại giữa người khởi kiện và người bị kiện; nghiên cứu, thí điểm việc tổ chức các buổi đối thoại bằng hình thức trực tuyến; làm tốt công tác phối hợp với các cơ quan liên quan trong quá trình giải quyết vụ án. Trong kỳ báo cáo, không có vụ án để quá hạn luật định do nguyên nhân chủ quan; các Tòa án đã ban hành 138 quyết định buộc thi hành bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật.

Trong năm 2022, Bộ Công an và công an các địa phương đã phát hiện 5.117 vụ phạm tội về trật tự quản lý kinh tế (giảm 36%), trong đó đã khởi tố 2.390 vụ án với 4.135 bị can; phát hiện 523 vụ phạm tội về tham nhũng và chức vụ (tăng 40%), trong đó đã khởi tố 501 vụ án với 1.211 bị can.

Viện Kiểm sát Nhân dân các cấp thụ lý giải quyết 416 vụ/1095 bị can (trong đó án mới 361 vụ/913 bị can). Đã giải quyết 353 vụ/893 bị can (trong đó: truy tố 351 vụ/891 bị can, chiếm 99,4% tổng số án đã giải quyết; đình chỉ 02 vụ/02 bị can;). Hiện đang giải quyết 65 vụ/202 bị can.

Tòa án Nhân dân các cấp giải quyết theo thủ tục sơ thẩm 498 vụ /1.235 bị cáo; đã giải quyết 382 vụ /949 bị cáo; xét xử 285 vụ/680 bị cáo về các tội tham nhũng, trong đó có 05 bị cáo tuyên phạt tù chung thân; 27 bị cáo bị phạt tù từ trên 15 năm đến 20 năm.

Công tác thi hành án liên quan đến việc thu hồi tài sản tham nhũng: Tổng số việc phải thi hành là 3.846 việc với tổng số tiền là 88.604,9 tỷ đồng; trong đó: số việc có điều kiện thi hành là 2.785 việc với số tiền gần 50.366,7 tỷ đồng. Trong số có điều kiện thi hành, đã thi hành xong 1.493 việc (đạt tỷ lệ 53,61%) với số tiền gần 10.327,73 tỷ đồng (đạt tỷ lệ 20,51%).

Thành Chung (Tổng hợp)
Bạn đang đọc bài viết "Tội phạm về tham nhũng và chức vụ bị phát hiện tăng 40%" tại chuyên mục Bên khung cửa tư pháp. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin