Tinh thần mới trong trách nhiệm bồi thường của Nhà nước

27/02/2018 11:30

(Pháp lý) - Ngày 20/6/2017, tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (Luật TNBTCNN) năm 2017. Luật này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2018 và thay thế Luật TNBTCNN năm 2009. Pháp lý xin giới thiệu một số điểm mới quan trọng của Luật. Khắc phục rào cản về thủ tục, cơ chế yêu cầu bồi thường.

Trong quá trình thi hành Luật TNBTCNN năm 2009, đã bộc lộ những hạn chế nhất định, nhất là về nguyên tắc giải quyết bồi thường cho người bị thiệt hại. Đặc biệt quy định về trình tự, thủ tục giải quyết bồi thường còn nhiều hạn chế như quy trình rườm rà, thời hạn giải quyết không phù hợp, chưa tạo điều kiện cho cơ quan giải quyết bồi thường chủ động ra quyết định giải quyết bồi thường đối với thiệt hại đã rõ ràng, tính được ngay theo quy định của pháp luật nên chưa kịp thời đảm bảo quyền lợi của người bị oan sai, thiệt hại.... Trên thực tế, đã có rất nhiều vụ án oan chấn động nhưng những người oan sai, rất khó khăn trong tiến trình yêu cầu đòi bồi thường. Khắc phục hạn chế này, Luật TNBTCNN năm 2017 đã bổ sung 01 điều (Điều 4) quy định về nguyên tắc bồi thường của Nhà nước.

image001

Theo đó, việc giải quyết yêu cầu bồi thường trong hoạt động tố tụng hình sự được thực hiện tại cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại. Luật đã mở rộng nguyên tắc giải quyết bồi thường, cho phép người bị thiệt hại có quyền khởi kiện ngay ra tòa án khi có văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường trong hoạt động quản lý hành chính, tố tụng dân sự, tố tụng hành chính, thi hành án hình sự và thi hành án dân sự; kết hợp giải quyết yêu cầu bồi thường trong quá trình tố tụng hình sự tại Tòa án đối với yêu cầu bồi thường trong hoạt động quản lý hành chính, tố tụng dân sự, tố tụng hành chính, thi hành án hình sự và thi hành án dân sự. Người bị thiệt hại có quyền lựa chọn cơ chế giải quyết bồi thường phù hợp nhưng khi cơ quan giải quyết bồi thường đã thụ lý yêu cầu bồi thường thì người đó không được quyền yêu cầu cơ quan có thẩm quyền khác giải quyết bồi thường.

Cụ thể tại Điều 52, Luật TNBTCNN 2017 quy định về khởi kiện và thủ tục giải quyết yêu cầu bồi thường tại Tòa án: “Trong thời hạn 03 năm kể từ ngày nhận được văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường, người yêu cầu bồi thường có quyền khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết yêu cầu bồi thường”. Điều đó có nghĩa là người yêu cầu bồi thường thiệt hại có thể tiến hành khởi kiện ngay tại tòa mà không phải thông qua cơ quan gây thiệt hại hay trải qua quá trình thương lượng, yêu cầu đòi bồi thường trước đó.

Trong thực tế về hoạt động bồi thường nhà nước, chính những người dân cũng gặp phải lúng túng không biết cơ quan nào có trách nhiệm bồi thường. Luật TNBTCNN 2017 đã có quy định cụ thể mang tính chất hướng dẫn người dân: “Trường hợp chưa xác định ngay được cơ quan giải quyết bồi thường, người yêu cầu bồi thường nộp hồ sơ đến Sở Tư pháp nơi người bị thiệt hại cư trú hoặc có trụ sở. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, Sở Tư pháp có trách nhiệm xác định cơ quan giải quyết bồi thường, chuyển hồ sơ đến cơ quan giải quyết bồi thường và thông báo bằng văn bản cho người yêu cầu bồi thường”.

Tình trạng né bồi thường sớm được khắc phục

Khi thực thi Luật TNBTCNN 2009, tình trạng né trách nhiệm bồi thường cũng là một vấn đề được nhiều ĐBQH cảnh báo. Cơ quan có trách nhiệm bồi thường đã sáp nhập, người thực thi công vụ có lỗi chuyển công tác…, họ né vì đủ mọi lý do làm khó người đi đòi bồi thường. Khắc phục vấn đề này, Luật TNBTCNN 2017 quy định rõ về việc xác định cơ quan giải quyết bồi thường trong một số trường hợp cụ thể: Trường hợp cơ quan giải quyết bồi thường đã được chia, tách, sáp nhập, hợp nhất hoặc bị giải thể thì cơ quan kế thừa chức năng, nhiệm vụ của cơ quan đó là cơ quan giải quyết bồi thường; trường hợp không có cơ quan nào kế thừa chức năng, nhiệm vụ của cơ quan đã bị giải thể thì cơ quan đã ra quyết định giải thể là cơ quan giải quyết bồi thường; trường hợp cơ quan đã ra quyết định giải thể là Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thì cơ quan quản lý nhà nước về công tác bồi thường nhà nước có thẩm quyền xác định cơ quan giải quyết bồi thường; Trường hợp có nhiều người thi hành công vụ thuộc nhiều cơ quan cùng gây thiệt hại thì cơ quan chủ trì thực hiện nhiệm vụ là cơ quan giải quyết bồi thường; trường hợp không có sự thống nhất về cơ quan giải quyết bồi thường thì cơ quan quản lý nhà nước về công tác bồi thường nhà nước có thẩm quyền xác định cơ quan giải quyết bồi thường; Trường hợp tại thời điểm thụ lý yêu cầu bồi thường mà người thi hành công vụ gây thiệt hại không còn làm việc tại cơ quan quản lý người đó tại thời điểm gây thiệt hại thì cơ quan giải quyết bồi thường là cơ quan quản lý người thi hành công vụ tại thời điểm gây thiệt hại.

Mở rộng phạm vi bồi thường nhà nước

Luật TNBTCNN trước đây quy định theo kiểu liệt kê dẫn đến hạn chế phạm vi, trách nhiệm của bồi thường nhà nước. Quá trình thảo luận về dự án Luật 2017 tại Quốc hội có nhiều ý kiến cho rằng cần bổ sung các trường hợp được bồi thường như: Trong hoạt động quản lý hành chính có 02 trường hợp được bồi thường do bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả vi phạm hành chính trái pháp luật là buộc loại bỏ yếu tố vi phạm trên hàng hóa, bao bì hàng hóa, phương tiện kinh doanh, vật phẩm và buộc thu hồi sản phẩm, hàng hóa không bảo đảm chất lượng; bổ sung 01 trường hợp được bồi thường khác, do bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính trái pháp luật giáo dục tại xã, phường, thị trấn gây ra.

Và bổ sung một số trường hợp được bồi thường khác do không áp dụng hoặc áp dụng không đúng quy định của Luật tố cáo về các biện pháp bảo vệ người tố cáo khi người đó yêu cầu; do thực hiện hành vi bị nghiêm cấm theo quy định của Luật Tiếp cận thông tin về cố ý cung cấp thông tin sai lệch mà không đính chính và không cung cấp lại thông tin; do áp dụng trái pháp luật việc hoàn thuế; do ra quyết định xử lý kỷ luật buộc thôi việc trái pháp luật đối với công chức từ Tổng Cục trưởng và tương đương trở xuống. Trong hoạt động tố tụng hình sự: Bổ sung trường hợp được bồi thường do người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp; do pháp nhân thương mại bị khởi tố, truy tố, xét xử, thi hành án oan.

Trong hoạt động tố tụng dân sự, tố tụng hành chính: Luật bỏ lỗi cố ý đối với trường hợp ra bản án, quyết định trái pháp luật và tách thành 02 khoản riêng biệt, quy định cụ thể hơn căn cứ xác định hành vi trái pháp luật của người đã ra bản án, quyết định. Trong hoạt động thi hành án hình sự: Bổ sung 01 trường hợp được bồi thường là: Không thực hiện quyết định tha tù trước thời hạn có điều kiện của Tòa án đối với người bị kết án phạt tù.

Trong lĩnh vực thi hành án dân sự: Luật bỏ lỗi cố ý đối với trường hợp ra các quyết định về thi hành án và trường hợp tổ chức thi hành án các quyết định về thi hành án.

Tính thiệt hại được bồi thường sát thực tế hơn

Trong nhiều vụ án oan chấn động, những thiệt hại của người bị oan sai đã được chỉ ra, đó không chỉ là thiệt hại của bản thân họ mà của người thân (thất học, bị khinh bỉ, mất việc làm…). Bởi vậy trách nhiệm của nhà nước là phải xem xét toàn bộ các thiệt hại để có thể có mức bồi thường tương xứng. Tuy chưa tiệm cận được mức độ như người bị oan sai, thiệt hại mong muốn, nhưng Luật TNBTCNN 2017 đã có những sửa đổi khá chi tiết. Theo đó, Luật TNBTCNN năm 2017 đã sửa đổi, bổ sung toàn diện các quy định về thiệt hại được bồi thường, trong đó đáng chú ý là bổ sung các thiệt hại được bồi thường phát sinh trong thực tế chưa được Luật TNBTCNN năm 2009 quy định như: Thiệt hại được bồi thường là khoản tiền phạt theo thỏa thuận trong giao dịch dân sự, kinh tế do không thực hiện được các giao dịch dân sự, kinh tế; căn cứ tính mức lãi suất; lượng hóa một số thiệt hại được bồi thường như thiệt hại do thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút; thiệt hại về vật chất do người bị thiệt hại chết; thiệt hại về vật chất do sức khỏe bị xâm phạm.

 Thủ tục yêu cầu bồi thường nhà nước đơn giản hơn và có quy định ứng trước tiền bồi thường cho người được bồi thường (Trong ảnh là ông Trần Văn Thêm, người chịu án oan xuyên thế kỉ và từng gặp khó khăn khi yêu cầu bồi thường của nhà nước)
Thủ tục yêu cầu bồi thường nhà nước đơn giản hơn và có quy định ứng trước tiền bồi thường cho người được bồi thường (Trong ảnh là ông Trần Văn Thêm, người chịu án oan xuyên thế kỉ và từng gặp khó khăn khi yêu cầu bồi thường của nhà nước))

Đối với thiệt hại về tinh thần: Luật TNBTCNN 2017 bổ sung một số thiệt hại về tinh thần: trong trường hợp áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn; trường hợp giữ người trong trường hợp khẩn cấp và trường hợp công chức bị xử lý kỷ luật buộc thôi việc trái pháp luật. Tăng mức bồi thường thiệt hại về tinh thần đối với các trường hợp bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự; trường hợp thiệt hại về tinh thần do sức khỏe bị xâm phạm.

Về phục hồi danh dự: Luật TNBTCNN năm 2017 đã sửa đổi, bổ sung quy định về việc phục hồi danh dự cho người bị thiệt hại theo hướng: Nhà nước chủ động phục hồi danh dự cho người bị thiệt hại; bổ sung đối tượng được phục hồi danh dự; quy định cụ thể hình thức tiến hành phục hồi danh dự, thủ tục, thời hạn thực hiện tổ chức trực tiếp xin lỗi, cải chính công khai và đăng báo xin lỗi, cải chính công khai.

Và những hạn chế bất cập khác cần được tháo gỡ…

Khi thảo luận về dự án luật này, một trong những vấn đề gây tranh cãi nhất là trách nhiệm hoàn trả. Phải xác định trách nhiệm hoàn trả thế nào để người công chức có trách nhiệm trong khi đưa ra quyết định, nhưng cũng không bị chùn tay trước những vi phạm mà họ thấy, họ biết?! Nếu như Luật TNBTCNN năm 2009 quy định, nếu người thi hành công vụ có lỗi vô ý gây thiệt hại sẽ không phải chịu trách nhiệm hoàn trả, thì Luật TNBTCNN năm 2017 quy định người thi hành công vụ nếu có lỗi gây thiệt hại thì phải có nghĩa vụ hoàn trả. Luật TNBTCNN năm 2017 còn tăng mức hoàn trả với tỷ lệ tương ứng mức độ lỗi và số tiền mà Nhà nước đã bồi thường, theo đó: Người thi hành công vụ có lỗi cố ý gây thiệt hại nhưng chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì mức hoàn trả từ 30 đến 50 tháng lương của người đó; người thi hành công vụ có lỗi vô ý gây thiệt hại thì mức hoàn trả từ 03 đến 05 tháng lương của người đó.

Luật TNBTCNN 2009 quy định căn cứ để yêu cầu bồi thường là các văn bản ghi rõ hành vi trái luật gây thiệt hại. Nay Luật TNBTCNN 2017 mở rộng “Nhà nước có trách nhiệm bồi thường khi có đủ các căn cứ sau đây: a) Có một trong các căn cứ xác định hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ gây thiệt hại và yêu cầu bồi thường tương ứng quy định tại khoản 2 Điều này; b) Có thiệt hại thực tế của người bị thiệt hại thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước theo quy định của Luật này; c) Có mối quan hệ nhân quả giữa thiệt hại thực tế và hành vi gây thiệt hại.

 Phạm vi bồi thường nhà nước mở rộng hơn trong Luật TNBTCNN 2017 (trong ảnh là một trường hợp (người bên trái) oan sai nhận tiền bồi thường ở Sóc Trăng)
Phạm vi bồi thường nhà nước mở rộng hơn trong Luật TNBTCNN 2017 (trong ảnh là một trường hợp (người bên trái) oan sai nhận tiền bồi thường ở Sóc Trăng))

Như vậy chỉ cần có căn cứ chứ không nhất thiết phải có văn bản xác định rõ hành vi trái luật gây thiệt hại, căn cứ này có thể xuất phát từ nhiều cơ quan độc lập xem xét. Theo đó, Luật TNBTCNN 2017 quy định: “Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ án hành chính đã xác định có hành vi trái pháp luật của người bị kiện là người thi hành công vụ gây thiệt hại thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước và có yêu cầu bồi thường trước hoặc tại phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và đối thoại; Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ án hình sự đã xác định có hành vi trái pháp luật của bị cáo là người thi hành công vụ gây thiệt hại thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong hoạt động quản lý hành chính, tố tụng dân sự, tố tụng hành chính, thi hành án hình sự, thi hành án dân sự và có yêu cầu bồi thường trong quá trình giải quyết vụ án hình sự.” Như vậy đã mở rộng phạm vi căn cứ xác định hành vi trái luật phải bồi thường.

Luật TNBTCNN năm 2017 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2018. Các trường hợp yêu cầu bồi thường đã được cơ quan giải quyết bồi thường thụ lý trước thời điểm Luật này có hiệu lực thi hành nhưng chưa giải quyết hoặc đang giải quyết thì tiếp tục áp dụng quy định của Luật năm 2009 để giải quyết. Kể từ ngày Luật năm 2017 có hiệu lực thi hành, các trường hợp được bồi thường theo quy định của Luật năm 2009 mà còn thời hiệu theo quy định của Luật năm 2009 nhưng chưa yêu cầu Nhà nước bồi thường hoặc đã yêu cầu nhưng chưa được thụ lý giải quyết thì áp dụng quy định của Luật 2017 để giải quyết.

La Sơn

 

Bạn đang đọc bài viết "Tinh thần mới trong trách nhiệm bồi thường của Nhà nước" tại chuyên mục Bên khung cửa tư pháp. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin