Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị
Đại diện doanh nghiệp FDI kiến nghị, đề xuất, hiến kế nhiều vấn đề
Tại Hội nghị, nhiều nhà đầu tư đã gửi gắm những mong mỏi trực tiếp tới lãnh đạo Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương.
Ông David Whitehead, đại diện Liên minh Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam (VBF) kiến nghị: “Để tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, chúng ta cần có những điều chỉnh tổng thể quy trình, thủ tục cấp phép đảm bảo quy định rõ ràng về sử dụng đất, ưu đãi thuế, cấp giấy phép lao động, cũng như các thủ tục quy định không cần thiết về điều kiện kinh doanh. Điều này sẽ giúp thu hút được VBF đầu tư quy mô lớn ở Việt Nam, đặc biệt vào các ngành công nghiệp mới như công nghiệp bán dẫn, chip. VBF cam kết luôn sẵn sàng phối hợp với Chính phủ hướng tới những bước phát triển kinh tế mạnh mẽ trong tương lai”
Ông John Rockhold, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hoa kỳ tại Việt Nam (Amcham) nhấn mạnh: “Chúng tôi cần những thủ tục được đơn giản hóa để có thể tiếp cận được năng lượng sạch, xanh và đối với những nhà đầu tư mới thì cũng cần phải tiếp cận được với cả những nguồn năng lượng tái tạo để có thể quyết định đầu tư tại đây. Chúng tôi sẽ tiếp tục sát cánh cùng Việt Nam trong những nỗ lực này.”
Tham dự Hội nghị có đại diện 15 hiệp hội, 180 DN đầu tư nước ngoài tại Việt Nam
Còn ông Kinoshita Tadahiro, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam (JCCI) kiến nghị: “Làm thế nào các đối tác cùng các địa phương có thể tham dự vào chuỗi cung ứng FDI một cách mạnh mẽ hơn. Chúng ta cần phải quản lý tài nguyên một cách tốt hơn, tài nguyên ở đây không chỉ là tài nguyên thô mà là tài nguyên con người nữa và điều quan trọng nữa là chúng ta còn phải có những biện pháp hỗ trợ đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ về tính ổn định, biện pháp bảo đảm. Chính phủ cần phải ủng hộ các doanh nghiệp vừa và nhỏ hơn nữa. Chúng tôi mong muốn là Chính phủ Việt Nam sẽ tiếp tục tạo ra một môi trường có thể dễ dàng tiếp cận hơn cho các công ty vừa và nhỏ.”
Ông Eurocham Torben Minko, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam (Eurocham) ghi nhận và đánh giá cao quy hoạch điện 8 của Chính phủ Việt Nam , nhưng trọng tâm hiện nay là phải làm sao thiết lập được một khung khổ pháp lý mạnh mẽ để có thể hỗ trợ được quá trình chuyển đổi từ nhiên liệu hóa thạch. EU sẵn sàng hỗ trợ trong việc hướng dẫn pháp lý, hỗ trợ kỹ thuật, cũng như tài trợ tài chính để đảm bảo cho việc tuân thủ, thúc đẩy xuất khẩu và nâng cao khả năng cạnh tranh toàn cầu cho Việt Nam.
Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Tổ hợp Khu Công nghiệp DEEPC Bruno Jaspert đề nghị Thủ tướng và Chính phủ Việt Nam cân nhắc đưa ra chính sách khuyến khích Khu Công nghiệp sinh thái bằng việc áp dụng thời gian thuê đất dài hạn hơn cho các khu công nghiệp đáp ứng tiêu chuẩn đó; đồng thời áp dụng thuế đặc biệt đối với các khu không thể hoặc không muốn tuân thủ và sử dụng nguồn thu này để xây dựng quỹ phát triển tương lai bền vững...
Liên quan tới thủ tục hành chính, ông Emin Turan, Tổng Giám đốc Tập đoàn dược phẩm Sanofi tại Việt Nam cho rằng, Việt Nam cần nâng cao hiệu quả của các quy định, khi khả năng tiếp cận đổi mới sáng tạo của các sản phẩm Việt Nam đang đi sau các nước. Đến năm 2021, có 460 loại thuốc tiên tiến toàn cầu được sản xuất trên thế giới nhưng chỉ có 9% các loại thuốc này xuất hiện tại Việt Nam, tỷ lệ này thấp và thua kém nhiều nước trên thế giới cũng như khu vực châu Á -Thái Bình Dương.
“Chúng tôi nhận thấy đây là do các rào cản chính sách, sự chậm trễ hành chính trong việc đăng ký thuốc, quy trình hoàn trả kéo dài và thay đổi chính sách thường xuyên, có thể ảnh hưởng đến thời gian tiếp cận các loại thuốc này của Việt Nam, đặc biệt là các thuốc điều trị mới. Điều này cũng cản trở các hoạt động đầu tư vào ngành dược”, ông Emin Turan nhấn mạnh.
Ngoài ra, các đại biểu cũng hiến kế để thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững; đề xuất các giải pháp nắm bắt cơ hội, vượt qua thách thức, hợp tác phát triển và chia sẻ kế hoạch đầu tư, mở rộng đầu tư trong một số lĩnh vực tại Việt Nam.
Ba cam kết của Thủ tướng đối với nhà đầu tư:
Thứ nhất, luôn bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhà đầu tư trong bất cứ trường hợp nào.
Thứ hai, luôn đồng hành cùng các doanh nghiệp vượt qua những khó khăn, thách thức, tranh thủ thời cơ, thuận lợi để các nhà đầu tư nước ngoài bảo đảm lợi ích, hoạt động ổn định lâu dài ở Việt Nam trên nguyên tắc lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ.
Thứ ba, không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, dân sự nhưng xử lý những người làm sai, vi phạm pháp luật để bảo vệ người làm đúng, tạo môi trường, hệ sinh thái sản xuất, kinh doanh công khai, minh bạch, bình đẳng, lành mạnh và bền vững.
Thủ tướng Phạm Minh Chính trao đổi với các nhà đầu tư nước ngoài tại Hội nghị
Một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới
Thủ tướng cho biết, Việt Nam thực hiện 3 đột phá chiến lược về thể chế, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, dân chủ, công khai, minh bạch; đột phá về hạ tầng chiến lược, liên quan hạ tầng số, giao thông, giảm giá thành logistics, tạo cạnh tranh cho sản phẩm; đột phá cải cách hành chính, đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của các nhà đầu tư trong bối cảnh hiện nay.
Trong bối cảnh hiện nay, Việt Nam phải nắm bắt chắc chắn, chặt chẽ tình hình thế giới để phản ứng linh hoạt các chính sách kịp thời phục vụ các nhà đầu tư; bảo đảm ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội; tiếp tục là hình mẫu của khôi phục, khắc phục hậu quả chiến tranh. Việt Nam xác định nhiều việc phải làm, nhưng tập trung quan tâm cho doanh nghiệp nước ngoài, đó là hạ tầng và nguồn nhân lực.
Về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới, Thủ tướng đề nghị các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục triển khai nghiêm túc, hiệu quả chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đặc biệt là Nghị quyết số 41 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi với phương châm “Lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu, động lực và nguồn lực phát triển”.
Tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chính sách hợp tác đầu tư nước ngoài phù hợp với tình hình thực tiễn, có tính cạnh tranh cao, hội nhập quốc tế, phù hợp với định hướng, quy hoạch và yêu cầu phát triển đất nước.
Tiếp tục tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và tạo điều kiện thuận lợi, tiết giảm chi phí cho các DN; triển khai hiệu quả các giải pháp cơ cấu lại nợ, giãn nợ, miễn giảm lãi suất; giãn, hoãn, miễn, giảm thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất…
Cũng tại Hội nghị, Bộ KH&ĐT kiến nghị một số nhiệm vụ, giải pháp đối với cộng đồng các doanh nghiệp và nhà đầu tư nước ngoài
Thứ nhất, tiếp tục là cầu nối giữa Chính phủ và DN để: (i) kịp thời phản ánh các vướng mắc, khó khăn trong quá trình hoạt động đầu tư kinh doanh; (ii) tham vấn, kiến nghị bổ sung, sửa đổi các chính sách, pháp luật phù hợp với tình hình thực tiễn.
Thứ hai, sự phối hợp giữa Chính phủ với doanh nghiệp FDI cần đặt trên đà phát triển mới.
Thứ ba, thúc đẩy kết nối giữa DN nhỏ và vừa với DN lớn; giữa DN trong nước với DN có vốn ĐTNN, DN ngoài nước, tạo cơ hội để cùng nhau tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu; chú trọng liên kết, hợp tác theo ngành, cụm sản xuất, chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị.
Có thể nói, thời gian qua, trước những khó khăn của doanh nghiệp, Chính phủ và các bộ, ngành đã luôn đồng hành, tạo điều kiện về pháp lý, chủ động tháo gỡ những điểm nghẽn, rào cản giúp các doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh thuận lợi; hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thị trường mới, đẩy mạnh xuất khẩu và thúc đẩy tiêu dùng trong nước; thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, rút ngắn thời gian làm thủ tục cho doanh nghiệp; sẵn sàng các điều kiện cần thiết thu hút đầu tư như mặt bằng sạch, cơ sở hạ tầng, năng lượng, lao động...
Hội nghị lần này, tiếp tục truyền tải thông điệp của người đứng đầu Chính phủ, tiếp tục khẳng định chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước Việt Nam đối với khu vực đầu tư nước ngoài. Việt Nam tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi, xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh an toàn, minh bạch, có tính cạnh tranh cao để cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư, trong đó có các nhà đầu tư nước ngoài yên tâm đầu tư hiệu quả, lâu dài, bền vững tại Việt Nam.