Thiếu tòa án chuyên biệt cho trẻ em và người chưa thành niên

Tọa đàm về “Cơ chế phối hợp giữa các cơ quan của Quốc hội trong việc giải quyết các vấn đề về trẻ em” do Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng tổ chức mới đây, các đại biểu đã thảo luận về những khuyến cáo của Liên hợp quốc về quyền trẻ em ở Việt Nam và đặt ra những vấn đề thiết thực liên quan đến quyền trẻ em, trong đó nhấn mạnh vai trò của Tòa án.

Đối mặt với nhiều thách thức

Đưa ra đánh giá về việc thực hiện các cam kết quốc tế về Quyền trẻ em ở Việt Nam, nhiều đại biểu cho rằng, gần 30 năm qua, Việt Nam đã thực hiện tốt các cam kết quốc tế của mình với tư cách là quốc gia thành viên Công ước quốc tế về Quyền trẻ em.

Nhấn mạnh hiện nay, hệ thống pháp luật Việt Nam đã tương đối đầy đủ và toàn diện, phù hợp với các nguyên tắc, các quy định của Công ước quốc tế về quyền trẻ em, các đại biểu nhận định, Việt Nam đang từng bước sửa đổi, bổ sung để dần hoàn thiện hệ thống pháp luật về trẻ em đảm bảo phù hợp, hài hòa với pháp luật quốc tế, quyết tâm phấn đấu thực hiện đầy đủ các cam kết quốc tế trong việc thực hiện Công ước quốc tế về quyền trẻ em cũng như các công ước quyền con người mà Việt Nam đã ký kết, phê chuẩn.

Tuy nhiên, Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với nhiều thách thức mà Liên Hợp quốc đã nêu rõ trong các khuyến nghị. Cụ thể, Ủy ban về quyền trẻ em Liên Hiệp Quốc hối thúc Việt Nam thực hiện các biện pháp cần thiết để đạt được những khuyến nghị chưa được thực thi hoặc thực thi chưa đủ, bao gồm những khuyến nghị liên quan đến luật pháp, sự điều phối, phân bổ nguồn lực, giám sát độc lập, tập huấn nâng cao năng lực rộng rãi và có hệ thống về Công ước, không phân biệt đối xử, đảm bảo lợi ích tốt nhất của trẻ em, quyền được giữ gìn bản sắc, tiếp cận bình đẳng về giáo dục và y tế, tư pháp người chưa thành niên và để cung cấp thông tin theo dõi đầy đủ cho những khuyến nghị trong kết luận giám sát hiện tại.

Ủy ban về quyền trẻ em Liên Hiệp Quốc còn quan ngại về sự thiếu đồng bộ giữa luật pháp quốc gia và Công ước, cụ thể là khái niệm về trẻ em và tư pháp người chưa thành niên, cũng như tiến triển chậm của việc cải cách luật pháp. Ủy ban cũng quan ngại về việc thiếu sự gắn kết giữa các văn bản luật liên quan đến quyền trẻ em cũng như việc thiếu nguồn lực dành cho việc thực thi các luật này.

Bên cạnh đó, Ủy ban về quyền trẻ em Liên Hiệp Quốc khuyến nghị Việt Nam tiếp tục sửa đổi luật pháp quốc gia cho phù hợp hoàn toàn với luật pháp quốc tế, đặc biệt là định nghĩa về trẻ em và tư pháp người chưa thành niên và đẩy nhanh quá trình cải cách luật pháp. Ủy ban còn khuyến nghị rằng cần tăng cường sự phối hợp và tính hệ thống của các văn bản pháp luật hỗ trợ việc thực thi Công ước. Việt Nam cần thực hiện hiệu quả Chiến lược phát triển hệ thống pháp luật và phân bổ nguồn lực đầy đủ cho việc thực thi hiệu quả các luật về trẻ em, đặc biệt là Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 2004, dự kiến sửa đổi vào năm 2013 cũng như các nghị định hướng dẫn thực thi Luật này.

 Đại biểu thảo luận tại tọa đàm – Ảnh QH.VN
Đại biểu thảo luận tại tọa đàm – Ảnh QH.VN)

Ủy ban Về quyền trẻ em Liên Hiệp Quốc nhấn mạnh lại khuyến nghị rằng Việt Nam cần thiết lập một cơ quan giám sát độc lập có đủ nguồn nhân lực, tài chính và kỹ thuật nhằm đảm bảo tính độc lập, hiệu quả, phù hợp với Bản nhận xét số 2 của Ủy ban năm 2002 về vai trò của các cơ quan nhân quyền độc lập trong việc thúc đẩy, bảo vệ quyền trẻ em. Ủy ban khuyến khích Việt Nam nhanh chóng thiết lập một cơ quan nhân quyền độc lập có đủ nhân viên, tài chính để đảm bảo việc giám sát nhân quyền có hệ thống và toàn diện, bao gồm quyền trẻ em.

Ngoài ra, Ủy ban về quyền trẻ em Liên Hiệp Quốc thúc giục Việt Nam nhanh chóng sửa đổi luật pháp quốc gia, đặc biệt là Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 2004 để tăng tuổi trẻ em lên 18 tuổi cho phù hợp với định nghĩa của Công ước (đã được sửa đổi trong Luật Trẻ em 2015); đồng thời thúc giục Việt Nam tập trung nỗ lực nhằm thông qua tất cả các dự thảo luật quan trọng liên quan đến nguyên tắc lợi ích tốt nhất của trẻ em. Ủy ban khuyến nghị thêm rằng Việt Nam cần tăng cường nỗ lực để đảm bảo nguyên tắc lợi ích tốt nhất của trẻ có trong tất cả các luật tác động đến trẻ em, nguyên tắc này cần được phổ biến rộng rãi, phù hợp, áp dụng liên tục trong toàn bộ hệ thống pháp luật, các quy trình lập pháp, hành chính, tư pháp và các chính sách, chương trình, dự án liên quan có tác động đến trẻ em.

Cùng với đó, tiến hành các biện pháp nhằm tăng cường sự tham gia của trẻ em trong quá trình xây dựng luật pháp, chính sách liên quan đến trẻ, bao gồm việc củng cố các Hội đồng trẻ em bằng phương pháp làm việc thân thiện với trẻ em và đảm bảo rằng quan điểm của trẻ em được coi trọng đúng mức.

Ủy ban Về quyền trẻ em Liên Hiệp Quốc cũng thúc giục Việt Nam đảm bảo tôn trọng việc gìn giữ bản sắc dân tộc cho mọi trẻ em và có biện pháp hiệu quả để xóa bỏ hành động đồng hóa dân tộc ít người với dân tộc Kinh. Để đạt được điều này, Ủy ban thúc giục Việt Nam thông qua các biện pháp hành chính, luật pháp để làm rõ các quyền này của trẻ em, như là tên gọi, văn hóa và ngôn ngữ của trẻ em dân tộc ít người.

Đồng thời khuyến nghị Việt Nam sửa đổi luật pháp và cả các biện pháp khác bằng việc xúc tiến thông qua Luật về Hội để trẻ em thực sự có quyền tự do thành lập các hội, tổ chức cần thiết cho trẻ. Hơn nữa, Ủy ban thúc giục Việt Nam thực hiện các biện pháp hiệu quả để xóa bỏ tất cả các hạn chế trong việc tự do bày tỏ ý kiến của trẻ em và đảm bảo quyền tiếp cận thông tin, tài liệu đa dạng từ các nguồn ở cấp quốc gia, quốc tế dưới mọi hình thức, bao gồm việc truy cập internet để đảm bảo rằng trẻ em được lắng nghe nhiều ý kiến khác nhau.

Thiếu tòa án chuyên biệt cho trẻ em và người chưa thành niên

Theo Đề án Xây dựng mô hình cơ chế phối hợp giữa các cơ quan của Quốc hội trong việc giải quyết các vấn đề về trẻ em được đưa ra bàn thảo tại tọa đàm do Ủy ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng tổ chức vừa qua, nước ta hiện có 4 cơ quan giám sát quyền trẻ em nhưng chưa phải là cơ quan giám sát, bảo vệ trẻ em độc lập.

Giám sát quyền trẻ của Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội. Trong hệ thống cơ quan dân cử, Quốc hội quyết định mục tiêu, chỉ tiêu, chính sách, chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội theo thẩm quyền để thực hiện quyền trẻ em; giám sát việc thực hiện quyền trẻ em theo quy định của pháp luật; phân bổ ngân sách hằng năm để bảo đảm thực hiện quyền trẻ em. Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội có trách nhiệm phối hợp với Ủy ban văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội để xem xét, đánh giá những vấn đề liên quan đến trẻ em trong dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội và việc lồng ghép các mục tiêu, chỉ tiêu thực hiện quyền trẻ em khi thẩm tra quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội quốc gia; giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật liên quan đến trẻ em và việc thực hiện quyền trẻ em.

Giám sát quyền trẻ em của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức đoàn thể, tổ chức xã hội. Phần lớn hoạt động giám sát quyền trẻ em của cá tổ chức này được đặt dưới sự điều phối của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Cơ quan này có trách nhiệm phối hợp với Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh và Hội Bảo vệ Quyền trẻ em Việt Nam thực hiện chức năng giám sát và phản biện xã hội, trình báo cáo và các khuyến nghị đối với Quốc hội. Bên cạnh đó, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cũng có chức năng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của trẻ em.

Giám sát quyền trẻ em trong hệ thống tư pháp. Có thể nói, tư pháp là giải pháp chính khi một vi phạm về quyền trẻ em xảy ra. Ở Việt Nam, có một hệ thống hỗ trợ pháp lý đang hoạt động mà trẻ em có thể được thụ hưởng, đó là Cục Trợ giúp pháp lý của Bộ Tư pháp. Cục này có chức năng hỗ trợ pháp lý miễn phí cho các đối tượng thụ hưởng được quy định trong Luật Trợ giúp pháp lý 2017, trong đó có trẻ em.

Ở cấp tỉnh, Trung tâm trợ giúp pháp lý được thành lập và có các chi nhánh ở huyện, câu lạc bộ ở cấp xã. Các hoạt động trợ giúp pháp lý lưu động đã góp phần quan trọng trong việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật về trẻ em cũng như tư vấn giải quyết các vụ việc.

Tuy nhiên, các đại biểu cho rằng, hệ thống trợ giúp pháp lý này còn ít được người dân biết đến, thiếu cán bộ tư vấn pháp lý chuyên sâu về trẻ em. Bên cạnh đó, việc thiếu tòa án chuyên biệt cho trẻ em và người chưa thành niên cũng là một thách thức không nhỏ của Việt Nam trong việc thực hiện các cam kết quốc tế về quyền trẻ em.

Các đại biểu nhận định, hệ thống giám sát quyền trẻ em ở nước ta đã trải qua nhiều thay đổi do quá trình mở cửa nền kinh tế thị trường, cải cách về bộ máy và việc tham gia sâu rộng hơn vào các tổ chức quốc tế, cũng như cam kết của Việt Nam trong việc thực hiện các khuyến nghị quốc tế. Các cơ quan giám sát quyền trẻ em ở Việt Nam hiện có nhưng lại chưa có một cơ quan giám sát, bảo vệ trẻ em độc lập nào.

Tòa Gia đình và người chưa thành niên

Trong nỗ lực bảo vệ quyền trẻ em, những năm qua, hệ thống TAND đã có những hoạt động tích cực, mà quan trọng nhất là thành lập Tòa Gia đình và người chưa thành niên.

 Chánh án TAND tỉnh Đồng Tháp trao quyết định bổ nhiệm các chức danh Tòa gia đình và Người chưa thành niên
Chánh án TAND tỉnh Đồng Tháp trao quyết định bổ nhiệm các chức danh Tòa gia đình và Người chưa thành niên)

Theo quy định tại Điều 30, 38, 45 của Luật Tổ chức TAND, trong cơ cấu tổ chức của TAND cấp cao, TAND cấp tỉnh và TAND cấp huyện có Tòa Gia đình và người chưa thành niên.

Ngày 21/1/2016, Chánh án TANDTC đã ban hành Thông tư số 01 quy định việc tổ chức các Toà chuyên trách tại TAND tỉnh, TP trực thuộc T.Ư; TAND huyện, quận, thị xã, TP thuộc tỉnh và tương đương. Trong đó, quy định cụ thể về thẩm quyền và quy trình tổ chức Tòa GĐ&NCTN.

Tháng 4/2016, TP Hồ Chí Minh là địa phương đầu tiên của cả nước lập Tòa GĐ&NCTN. Tháng 6/2018, Tòa này tiếp tục được thành lập ở Đồng Tháp.

TANDTC cũng đã ban hành Thông tư số: 02/2018/TT-TANDTC, ngày 21 tháng 09 năm 2018 quy định về việc xét xử vụ án hình sự có bị cáo là người dưới 18 tuổi hoặc vụ án hình sự có người bị hại là người dưới 18 tuổi bị tổn thương nghiêm trọng về tâm lý hoặc cần sự hỗ trợ về điều kiện sống, học tập do không có môi trường gia đình lành mạnh như những người dưới 18 tuổi khác thuộc thẩm quyền của Tòa gia đình và người chưa thành niên.

Tại buổi lễ ra mắt Tòa Gia đình và người chưa thành niên, tháng 6/2018, ông Youssouf Adel- Jelil, Trưởng đại diện UNICEF tại Việt Nam đánh giá cao cam kết của Việt Nam về quyền con người, quyền của trẻ em và Công ước quốc tế về quyền trẻ em. Việc thành lập Tòa Gia đình và Người chưa thành niên tại tỉnh Đồng Tháp tiếp tục chứng minh sự quan tâm của Đảng, Nhà nước Việt Nam, của lãnh đạo TANDTC và các cơ quan liên quan đối với trẻ em. Tòa chuyên trách này là đỉnh cao của hệ thống tư pháp Việt Nam nhằm bảo vệ trẻ em; bởi lẽ dù tham gia ở vị trí nào trong phiên tòa cũng đều được bảo vệ. Việc thành lập Tòa Gia đình và Người chưa thành niên và việc áp dụng thủ tục tố tụng đối với trẻ em cùng sự đào tạo cơ bản của các Thẩm phán, Thư ký sẽ là cơ chế hữu hiệu để bảo vệ trẻ em. Ông Youssouf Adel- Jelil chúc mừng Việt Nam đã lồng ghép giữa các quyền trẻ em và chính sách bảo vệ trẻ em một cách chặt chẽ. Ông hy vọng TAND tỉnh Đồng Tháp sẽ duy trì hoạt động của Tòa chuyên trách này có hiệu quả, làm mô hình cho các địa phương khác học tập.

Theo tapchitoaan.vn

Nguồn bài viết: https://tapchitoaan.vn/bai-viet/thoi-su/thieu-toa-an-chuyen-biet-cho-tre-em-va-nguoi-chua-thanh-nien

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin