Thị trường chứng khoán, bất động sản có nhiều rủi ro, thiếu ổn định

24/05/2022 09:52

Chính phủ cần tăng cường quản lý, giám sát thị trường chứng khoán, TPDN, bất động sản cùng với việc có giải pháp ổn định thị trường, tăng niềm tin của nhà đầu tư.

Sau báo cáo của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đã trình bày báo cáo thẩm tra tình hình kinh tế - xã hội.

Nghiên cứu tiếp tục giảm thuế TTĐB với xăng dầu

Theo đánh giá thẩm tra, năm 2022, đứng trước nhiều khó khăn, thách thức, Quốc hội, Chính phủ đã kịp thời ban hành nhiều chính sách để hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Đặc biệt, tại Kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 43 về chính sách tài khóa, tiền tệ với quy mô lên đến 347.000 tỷ đồng và nhiều cơ chế, chính sách chưa có tiền lệ để hỗ trợ kịp thời cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, chủ động trong công tác phòng, chống dịch.

Đến nay, dịch bệnh được kiểm soát, nền kinh tế đang phục hồi và phát triển tích cực. Tuy nhiên, còn quá nhiều vấn đề về kinh tế - xã hội cần được Chính phủ đánh giá kỹ hơn.

Trong đó, kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn vẫn còn tiềm ẩn rủi ro, kiểm soát lạm phát gặp khó khăn, chỉ số CPI tháng 4 tăng 2,09% so với cuối năm 2021, gấp gần 2 lần so với cùng kỳ các năm 2018-2021. Giá dầu tăng cao  tác động tiêu cực đến giá cả hàng hóa, nguyên vật liệu, chi phí vận chuyển.

anh-chup-man-hinh-2022-05-24-luc-094736-1653360714.png
 

Ông Thanh nhấn mạnh, giai đoạn tới, nghiên cứu kịch bản tiếp tục giảm thuế tiêu thụ đặc biệt để ứng phó trong trường hợp giá dầu thế giới biến động lớn cũng như thực hiện hoãn, giãn việc tăng các sắc thuế, phí nhằm bình ổn giá các mặt hàng tiêu dùng khác.

Sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn, chi phí đầu vào tăng cao do giá cước vận tải ở mức cao, giá nhiên liệu nhập khẩu là đầu vào của sản xuất (dầu, khí đốt, than) và giá các mặt hàng nguyên vật liệu sản xuất (gỗ, phân bón, titan, nhôm…) tăng cao trong khi sức cầu tiêu thụ vẫn yếu, vẫn còn những khó khăn về tài chính, tuyển dụng lao động.

Việc giải ngân vốn đầu tư công vẫn trì trệ, tỉ lệ giải ngân 4 tháng đầu năm chỉ đạt 16,36% (thấp hơn mức 17,04% so với cùng kỳ năm 2021) trong khi nhiệm vụ giải ngân năm 2022 rất nặng nề; giải ngân vốn ngoài nước chỉ đạt xấp xỉ 4,4% kế hoạch.

Đáng chú ý, có tới 17 bộ, cơ quan Trung ương chưa thực hiện giải ngân, cần phải làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm.

Các chương trình mục tiêu quốc gia, các nhiệm vụ thực hiện chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết số 43 của Quốc hội triển khai chậm, các chính sách quan trọng vẫn đang trong quá trình xây dựng hướng dẫn, chưa được áp dụng vào thực tiễn.

Đến nay, Chính phủ mới trình bổ sung dự toán năm 2022 là 18.349 tỷ đồng cho các dự án đã có trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn, chỉ tương đương 16% tổng số vốn dành cho đầu tư phát triển của Chương trình cần được phân bổ, bổ sung dự toán, dẫn đến áp lực phải giải ngân, tăng bội chi rất lớn trong năm 2023.

Đồng thời, Chính phủ vẫn chưa hoàn thiện trình UBTVQH Danh mục các dự án sử dụng nguồn vốn của Chương trình là quá chậm, làm giảm hiệu quả, ý nghĩa của Chương trình.

Việc chậm quyết định hoặc phê duyệt quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia và quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành gây khó khăn cho việc dự báo về thị trường, ảnh hưởng đến thu hút đầu tư, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và cuộc sống của người dân.

Quy hoạch điện VIII chưa được phê duyệt dẫn đến nhiều dự án phát triển điện chưa thể triển khai, tiềm ẩn nguy cơ thiếu điện trong mùa cao điểm. Một số quy hoạch đã được phê duyệt cũng đã bộc lộ một số bất cập.

Với nội dung này, cơ quan thẩm tra yêu cầu cần có chính sách bảo đảm cân đối cung - cầu, bình ổn giá cả hàng hóa nhất là điện, than, xăng dầu, vật tư nông nghiệp và nguyên vật liệu xây dựng. Có giải pháp duy trì chuỗi cung ứng, luu ý vấn đề an ninh năng lượng, bảo đảm điện năng cho sản xuất và tiêu dùng.

Nguy cơ nợ xấu tiềm ẩn

Một nội dung được Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh trong báo cáo thẩm tra chính là vấn đề về nguy cơ nợ xấu tiềm ẩn, đặc biệt thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản có nhiều rủi ro, không bền vững, thiếu ổn định.

Theo đánh giá, trên thị trường cổ phiếu đã xuất hiện các hiện tượng tăng vốn khống, thao túng giá, làm giá ngày càng tinh vi, một số cổ phiếu/nhóm cổ phiếu có biến động giá bất thường, không gắn với kết quả kinh doanh của doanh nghiệp, gây tổn thất trực tiếp cho nhà đầu tư và ảnh hưởng tiêu cực đến tính ổn định và minh bạch của thị trường.

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhưng tiềm ẩn rủi ro cao và mất cân đối. Năm 2021, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp phát hành đạt hơn 637.000 tỷ đồng, tăng 36,4% so với năm 2020, trong đó phát hành riêng lẻ chiếm tới 95%.

Tỉ lệ trái phiếu doanh nghiệp không có tài sản bảo đảm hoặc bảo đảm bằng tài sản rủi ro cao như cổ phiếu chưa niêm yết, dự án, tài sản hình thành trong tương lai còn lớn, ảnh hưởng tới sự an toàn của thị trường. Số dư đầu tư trái phiếu doanh nghiệp của hệ thống các tổ chức tín dụng có xu hướng tăng nhanh.

11-1653360627.jpg
Thị trường chứng khoán thời gian qua có nhiều biến động lớn.

Trong năm 2022, khối lượng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn vào khoảng 145.500 tỷ đồng, trong đó khối lượng trái phiếu bất động sản đáo hạn chiếm 43,2%, trái phiếu các tổ chức tín dụng đáo hạn chiếm 20,2%. “Do đó, cần phải làm rõ thêm về khả năng trả nợ của các doanh nghiệp”, báo cáo thẩm tra nêu rõ.

Ngoài ra, cơ quan thẩm tra còn đề nghị Chính phủ lưu ý tới vấn đề lãng phí trong sử dụng đất đai ở một số nơi và tình trạng đẩy giá đất trong đấu giá đất đai để trục lợi..

Dự báo từ nay đến cuối năm 2022, kinh tế - xã hội còn gặp nhiều thách thức để đạt được chỉ tiêu tăng trưởng năm 2022 khoảng 8-8,5% (gồm mức dự kiến 6-6,5% theo Nghị quyết số 32 và phần tăng thêm 2% nhờ tác động của chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội) và cả giai đoạn 2021-2025 đặt mục tiêu tới khoảng 6,5 - 7%.

Do đó, cơ quan thẩm tra yêu cầu Chính phủ đặc biệt, kiểm soát lạm phát, duy trì lãi suất cho vay hợp lý, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguốn vốn; kiểm soát nợ xấu, có giải pháp căn cơ, bền vững hướng dòng tiền quay trở lại sản xuất kinh doanh.

“Tăng cường quản lý, giám sát thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường bất động sản, ban hành điều kiện, tiêu chí quản lý phát hành trái phiếu doanh nghiệp cùng với việc có giải pháp ổn định thị trường, tăng niềm tin của nhà đầu tư”, cơ quan thẩm tra yêu cầu.

Theo nguoiduatin.vn

Nguồn bài viết: https://www.nguoiduatin.vn/thi-truong-chung-khoan-bat-dong-san-co-nhieu-rui-ro-thieu-on-dinh-a553931.html

Bạn đang đọc bài viết "Thị trường chứng khoán, bất động sản có nhiều rủi ro, thiếu ổn định" tại chuyên mục Pháp lý và Kinh doanh. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin