Những tiếng súng nổ trong rừng sâu Đắk Nông gây chấn động dư luận cả nước và xé toạc bức màn bí mật che phủ “luật rừng” ngự trị ở nơi đây. Không ai có thể làm ngơ trước một vụ xung đột giữa những người dân giữ đất rừng với Công ty Long Sơn khiến 3 người thiệt mạng và một số người khác bị thương.
Sự tranh chấp đất rừng giữa người dân và doanh nghiệp đã quyết liệt đến mức một mất, một còn đã phơi bày toàn bộ thực trạng quản lý đất đai ở nơi này với sự lộng hành, coi thường pháp luật từ phía doanh nghiệp dẫn tới sự phản kháng dữ dội của người dân.
Chưa từng xảy ra là chuyện kẻ gây án mạng khi ra đầu thú, bị dẫn giải đi lại được dân làng tiễn với tình cảm đặc biệt lưu luyến. Hình ảnh này hẳn sẽ gây tác động mạnh đến những người thực thi công vụ, thực hành pháp luật trong vụ án này. Từ đây, nguyên nhân trực tiếp đẩy người dân hiền lành vào con đường phạm tội nguy hiểm lần lượt phải tìm ra để khắc phục, để không bao giờ lại xảy ra những thảm án tương tự như thế này nữa.
Và dường như ngay lập tức, các thông tin chính thống đã xác định rằng, đây không phải là một vụ cưỡng chế đúng luật mà chỉ là một cuộc chiếm đất do một doanh nghiệp thực hiện, không phải các nhân viên bảo vệ của công ty tiến hành mà chỉ là những người do công ty thuê, rất đáng chú ý là có cả trẻ em người dân tộc 16 tuổi, nạn nhân của vụ nổ súng chống trả này.
Cho đến hôm nay, nỗi bức xúc của dư luận cũng như của người dân đã được giải tỏa một phần khi Phó Giám đốc Công ty Long Sơn đã bị bắt giam để điều tra. Việc bắt giữ này đồng nghĩa với việc làm rõ trách nhiệm và các hành vi phi pháp do công ty này gây nên trong nhiều năm qua. Cũng có nghĩa là đầu mối chính của vụ án đã được xác định, đồng nghĩa với sự công bằng trước pháp luật đã được thực thi, không để người dân đến bước đường cùng vướng tội mà người gây ra nguyên nhân phạm tội đó không bị xử lý.
Cũng tại thời điểm kết thúc năm này, người tù chung thân Trần Văn Vót kêu oan suốt 24 năm qua đã được các cơ quan tư pháp cao nhất xem xét lại sự việc và kết luận trường hợp của ông không oan, vừa được tạm đình chỉ thi hành án phạt tù 12 tháng, tại ngoại để chữa bệnh hiểm nghèo. Đây cũng là một sự thể hiện của tinh thần nhân đạo pháp luật, mang lại niềm vui an ủi với những người thân trong gia đình ông.
Công bằng và nhân đạo là những yếu tố làm nên giá trị đích thực của tinh thần pháp luật. Pháp luật chỉ có ý nghĩa khi bảo vệ được sự công bằng và nêu cao, phát huy những giá trị nhân đạo trong đời sống xã hội con người!.
Theo Bao Phapluat