Tháo gỡ vướng mắc pháp lý trong thi hành án tài sản: Góc nhìn từ thực tiễn các vụ án kinh tế, tham nhũng

(Pháp lý) – Sáng 14/5, Báo Pháp Luật TP.HCM tổ chức Hội thảo góp ý sửa đổi Luật Thi hành án dân sự nhằm tìm ra giải pháp tháo gỡ vướng mắc trong xử lý tài sản thi hành án các vụ án kinh tế, từ đó góp ý hoàn thiện Dự thảo sửa đổi Luật Thi hành án dân sự.
1-1747300037.jpg

Quang cảnh tại buổi Hội thảo

Tham dự Hội thảo có các đại biểu khách mời: Nhà Báo Mai Ngọc Phước – Tổng Biên tập Báo Pháp Luật TP.HCM; ông Nguyễn Văn Hòa – Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự TP.HCM; ông Ngụy Cao Thắng – Giám đốc Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản TP.HCM; TS.LS Phan Trung Hoài – Phó chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam; Luật sư Lê Văn Hoan – Đoàn Luật sư TP.HCM; GS.TS Đỗ Văn Đại – Phó hiệu trưởng Trường Đại học Luật TP.HCM; ông Nguyễn Đức Hiển – Phó Tổng biên tập Thường trực Báo Pháp Luật TP.HCM và một số vị đại biểu khác.

2-1747300047.jpg

Ông Ngụy Cao Thắng, Giám đốc Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản TP.HCM phát biểu khai mạc

Phát biểu đề dẫn, ông Mai Ngọc Phước, Tổng Biên tập Báo Pháp luật TP.HCM cho biết: Công tác thi hành án dân sự là khâu cuối cùng trong tiến trình tố tụng để thực thi phán quyết của tòa án nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân và Nhà nước, góp phần thực thi công lý, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh.

Tại phần tham luận đầu tiên, ông Ngụy Cao Thắng đặt vấn đề về Nghị quyết số 66-NQ/TW xác định xây dựng và thi hành pháp luật là “đột phá của đột phá” trong hoàn thiện thể chế phát triển đất nước. Một trong những nhiệm vụ trọng tâm là nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật, trong đó có thi hành án dân sự – lĩnh vực đóng vai trò quan trọng trong bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật và quyền, lợi ích hợp pháp của các bên.

Việc xử lý tài sản thi hành án thông qua đấu giá là khâu then chốt, nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với người mua. Từ thực tiễn TP.HCM – nơi xử lý nhiều vụ án kinh tế lớn như vụ Huyền Như, Ngân hàng Đông Á, Trương Mỹ Lan - SCB..., bài tham luận của ông Ngụy Cao Thắng tập trung phân tích các rủi ro điển hình, nêu rõ những lưu ý quan trọng khi mua tài sản thi hành án và đề xuất các giải pháp tăng cường cơ chế bảo vệ người trúng đấu giá.

Ông Ngụy Cao Thắng cũng cho rằng mua tài sản thi hành án tiềm ẩn nhiều rủi ro pháp lý, trong đó phổ biến là không thu hồi được bản chính giấy tờ, gây khó khăn cho việc cấp Giấy chứng nhận. Với dự án bất động sản bị kê biên, nhiều trường hợp không đủ điều kiện pháp lý để chuyển nhượng theo Luật Kinh doanh bất động sản 2023. Việc chuyển nhượng còn vướng thẩm quyền phê duyệt từ Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc Thủ tướng. Ngoài ra, tài sản có thể bị nhiều cơ quan kê biên, ngăn chặn, làm chậm tiến độ giao dịch. Quy hoạch treo, sai lệch hiện trạng so với giấy tờ, tài sản chưa được cấp Giấy chứng nhận cũng là rủi ro thường gặp. Người mua có thể đối mặt tranh chấp với bên thứ ba hoặc bị gây khó dễ nếu người phải thi hành án không hợp tác. Trường hợp phổ biến khác là không bàn giao được tài sản hoặc bị chuộc lại theo luật định.

Vì vậy, người mua cần nghiên cứu kỹ hồ sơ pháp lý, khảo sát thực tế và tìm hiểu kỹ thông tin địa phương. Cần chủ động làm việc với cơ quan thi hành án để nắm rõ tình trạng tài sản. Chuẩn bị trước tâm lý và nguồn lực tài chính là điều cần thiết. Về pháp lý, người mua được bảo vệ bởi Điều 133 Bộ luật Dân sự 2015, Điều 103 Luật Thi hành án dân sự 2008 (sửa đổi, bổ sung 2014) và Luật Đấu giá tài sản 2016 (sửa đổi, bổ sung 2024). Các quy định này khẳng định quyền của người mua ngay tình kể cả khi có tranh chấp. Cần hoàn thiện pháp luật theo hướng rút ngắn thời gian cấp giấy tờ, tăng phối hợp liên ngành và có cơ chế bảo lãnh rủi ro. Việc mua tài sản thi hành án là cơ hội nhưng cần thận trọng, hiểu luật và chủ động bảo vệ quyền lợi chính đáng.

3-1747300047.jpg

TS.LS Phan Trung Hoài, Phó chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam chia sẻ tại buổi Hội thảo

Sau những chia sẻ từ ông Ngụy Cao Thắng tiếp đến là phần tham luận của ông Phan Trung Hoài về những bất cập trong định giá tài sản thi hành án liên quan đến phương pháp định giá và thời điểm định giá tài sản trong các vụ án kinh tế trong thực tế.

Ông Hoài cho rằng một số vướng mắc trong quy định của pháp luật về giám định và định giá tài sản trong tố tụng hình sự, tố tụng dân sự và thi hành án là việc định giá tài sản, đặc biệt là bất động sản, chỉ được thực hiện khi xét thấy cần thiết, không phải là thủ tục bắt buộc và điều này dẫn đến sự không thống nhất và tùy nghi trong quá trình áp dụng pháp luật. Bên cạnh đó, quy định về thời điểm định giá và hiệu lực của Chứng thư thẩm định giá còn nhiều bất cập. Thời hạn hiệu lực ngắn, trong khi quá trình tố tụng kéo dài gây khó khăn trong việc sử dụng kết quả thẩm định giá.Phương pháp thẩm định giá, đặc biệt là phương pháp so sánh, còn thiếu cơ sở pháp lý chặt chẽ khi thu thập thông tin thị trường.Trách nhiệm của Hội đồng định giá tài sản và các đơn vị thẩm định giá cần được xác định rõ ràng và minh bạch hơn trong thực tiễn áp dụng.

Công tác định giá, thẩm định giá tài sản trong tố tụng và thi hành án hiện còn nhiều vướng mắc về thủ tục, cơ quan thực hiện và phương pháp xác định giá trị. Thực tiễn cho thấy nhiều tài sản bị từ chối định giá do thiếu hồ sơ pháp lý, trong khi pháp luật vẫn công nhận đó là tài sản hợp lệ, dẫn đến chênh lệch lớn về thiệt hại, ảnh hưởng đến xét xử và thi hành án. Ngoài ra, sự khác biệt giữa các kết quả thẩm định do khác nhau về phương pháp và thời điểm định giá cũng gây khó khăn cho việc xác định hậu quả và xử lý trách nhiệm.

Để khắc phục bất cập trong định giá tài sản trong tố tụng và thi hành án, cần hoàn thiện pháp luật theo hướng quy định rõ ràng về trình tự, thủ tục, căn cứ, phương pháp và thời điểm định giá tài sản, phù hợp với thực tiễn và giá thị trường. Cần làm rõ khái niệm định giá, thẩm định giá, bổ sung quy trình định giá với các tài sản đặc thù như cổ phần, cổ phiếu, quyền tài sản... đồng thời bắt buộc áp dụng Chuẩn mực thẩm định giá Việt Nam và tiêu chuẩn quốc tế được công nhận. Nhà nước cần quy định rõ các loại tài sản phải thẩm định giá, điều kiện hành nghề, quyền và nghĩa vụ của các bên liên quan và nguyên tắc xác định giá dịch vụ thẩm định giá. Việc định giá phải có căn cứ khách quan, có sự tham gia của chuyên gia và đảm bảo minh bạch về dữ liệu. Đây là cơ sở quan trọng để nâng cao chất lượng định giá, bảo đảm hiệu quả giải quyết vụ án và thi hành án.

4-1747300048.jpg

Luật sư Lê Văn Hoan, Đoàn Luật sư TP.HCM trình bày ý kiến của mình

Tại phần tham luận cuối cùng, ông Lê Văn Hoan trình bày việc xử lý bất động sản trong thi hành án các vụ án kinh tế, tham nhũng hiện còn nhiều vướng mắc pháp lý và thực tiễn, gây ảnh hưởng lớn đến quyền lợi các bên và tiến độ thu hồi tài sản. Các khó khăn chủ yếu gồm xác định rõ quyền sở hữu, tình trạng pháp lý tài sản chưa hoàn thiện, định giá không sát giá thị trường, cũng như tâm lý e ngại rủi ro của nhà đầu tư. Bên cạnh đó, thiếu cơ chế giám sát độc lập và quy trình thi hành án phức tạp, chồng chéo giữa các cơ quan khiến việc bán đấu giá kéo dài, thiếu minh bạch. Từ thực tiễn một số vụ án cụ thể như vụ Epco – Minh Phụng, cho thấy sự bất cập trong cơ chế thi hành án, đặc biệt khi doanh nghiệp được giao thu hồi tài sản đã mất tư cách pháp nhân. Những hạn chế này đặt ra yêu cầu cấp thiết phải hoàn thiện quy định pháp luật để bảo vệ tốt hơn quyền lợi người mua, nâng cao hiệu quả thi hành án và tăng tính minh bạch trong xử lý tài sản thi hành án.

Bế mạc Hội thảo, GS.TS Đỗ Văn Đại, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Luật TP.HCM, phát biểu ghi nhận, tổng kết các nội dung tại Hội thảo và Nhà Báo Nguyễn Đức Hiển, Phó Tổng Biên tập Thường trực Báo Pháp Luật TP.HCM đã cảm ơn và ghi nhận những ý kiến đóng góp, các bài tham luận của các chuyên gia Ban Tổ chức sẽ tổng hợp các kiến nghị để gửi tới các Bộ, ngành, cơ quan chức năng liên quan, với mong muốn được góp ý để hoàn thiện Dự thảo sửa đổi Luật Thi hành án dân sự hoàn thiện hơn.

Một số hình ảnh của buổi Hội thảo:

5-1747300048.jpg
6-1747300048.jpg
7-1747300048.jpg
8-1747300048.jpg
Ngọc Phụng – Hoàng Yến

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin