Tháo gỡ rào cản pháp lý còn tồn tại để tận dụng triệt để lợi thế mang lại từ việc gia nhập các FTA.

(Pháp lý) - Quá trình hội nhập kinh tế quốc tế và tự do hóa thương mại của Việt Nam diễn ra rất mạnh mẽ trong những năm qua, bắt đầu là gia nhập WTO và tiếp đó là ký kết hàng loạt các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTA). Những động thái đó thúc đẩy mở cửa nhanh và mạnh thị trường nội địa cho hàng hóa, dịch vụ từ các nước đối tác và sẽ đem đến cho các doanh nghiệp Việt Nam nhiều cơ hội mới để mở rộng thị trường, thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Vì vậy việc rà soát và khai thông những rào cản pháp lý còn tồn tại để tận dụng triệt để những lợi thế từ các FTA mang lại là việc làm cần thiết …

anh-minh-hoa-1-1667369091.jpg

Kinh tế Việt Nam tăng trưởng đáng kể nhờ lợi thế các FTA mang lại

Các FTA mang lại nhiều lợi ích, nhưng còn bất cập về hành lang pháp lý …

Đến nay, Việt Nam đã tham gia đàm phán và ký kết 17 Hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có 15 FTA đã ký kết và đi vào hiệu lực. Các FTA này đã đưa Việt  Nam trở thành một trong những nền kinh tế có độ mở lớn và có quan hệ thương mại với trên 230 thị trường, trong đó có FTA với 60 nền kinh tế, qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp (DN) của Việt Nam mở rộng tiếp cận thị trường toàn cầu, là cơ hội để Việt Nam kết nối và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị và mạng lưới sản xuất toàn cầu.

Theo đó kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang các thị trường có FTA trong năm 2021 đều tăng trưởng khá, như: Trung Quốc tăng 15%, Liên minh Châu Âu (EU) tăng 14%; Hàn Quốc tăng 15,8%, Ấn Độ tăng 21%, New Zealand tăng 42,5%...

Nhìn chung, các FTA như: Hiệp định CPTPP, Hiệp định EVFTA hay Hiệp định UKVFTA đang được thực thi một cách toàn diện và hiệu quả. Mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, song tổng KNXK của nước ta năm 2021 đạt 336 tỷ USD, tăng 19% so với năm 2020, với thặng dư 4 tỷ USD, đưa Việt Nam trở thành một trong 20 nền kinh tế có quy mô thương mại lớn nhất thế giới…

Có thể nói các FTA mang lại nhiều cơ hội, lợi ích. Mặc dù vậy các lợi thế không phải nghiễm nhiên sẽ từ trên giấy trở thành hiện thực, thành công ăn việc làm, thành thu nhập. Các FTA hứa hẹn mang lại nhiều cơ hội, nhưng phần lợi ích thực sự đạt được của chúng ta cho đến thời điểm này còn khiêm tốn. Riêng các lợi ích từ ưu đãi thuế quan, trung bình chúng ta mới chỉ tận dụng được chưa đầy 40% và chủ yếu thuộc về các DN đầu tư nước ngoài (FDI). Hơn 60% còn lại, vì nhiều lí do khác nhau, đã tuột khỏi tay DN Việt Nam.

Những hạn chế trên xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó có sự bất cập về hành lang pháp lý còn tồn tại và chậm tháo gỡ theo lộ trình cam kết…

Các doanh nghiệp còn đơn độc trong phòng vệ thương mại

Phòng vệ thương mại (PVTM) là những biện pháp ngăn chặn, hạn chế áp dụng đối với hàng hóa xuất khẩu từ nước này sang nước kia và được nước nhập khẩu áp dụng. PVTM được quy định trong nhiều Hiệp định về thương mại như Hiệp định TPP, Hiệp định GATT 1994, các Hiệp định chống bán phá giá, Hiệp định về các biện pháp tự vệ, Hiệp định về trợ cấp và các biện pháp đối kháng của WTO… PVTM sẽ luôn là công cụ hữu hiệu nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các doanh nghiệp sản xuất nội địa trong bối cảnh Việt Nam hội nhập kinh tế quốc tế, tham gia nhiều FTA.

Để tạo thuận lợi cho quá trình hội nhập kinh tế quốc tế và bảo vệ lợi ích hợp pháp của các doanh nghiệp trong nước, đến nay Việt Nam đã ban hành các văn bản quy định pháp luật về các biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ, bao gồm: Luật Quản lý ngoại thương 2017 quy định về việc chống bán phá giá đối với hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam; Nghị định 10/2018/NĐ-CP hướng dẫn Luật Quản lý ngoại thương về biện pháp phòng vệ thương mại; và Luật Cạnh tranh 2018; Ngày 01/3/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 316/QĐ-TTg, phê duyệt Đề án “Xây dựng và vận hành hiệu quả hệ thống cảnh báo sớm về phòng vệ thương mại, với mục đích ngăn ngừa và ứng phó với các vụ kiện phòng vệ thương mại của nước ngoài, hướng tới xuất khẩu bền vững…

Tuy nhiên theo Bộ Công thương, số lượng vụ việc PVTM đã tăng nhanh trong những năm gần đây. Đến thời điểm này đã có 214 vụ việc nước ngoài điều tra PVTM đối với các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam. Trong số đó, các vụ việc điều tra chống lẩn tránh biện pháp PVTM chiếm 25 vụ và ngày càng có xu hướng gia tăng, đặc biệt trong bối cảnh xung đột thương mại Mỹ - Trung Quốc và khi Việt Nam tham gia nhiều Hiệp định thương mại (FTA) thế hệ mới như CPTPP, EVFTA. Riêng trong nửa đầu năm 2022, đã có 12 vụ việc điều tra mới đối với các sản phẩm sắt thép, tủ gỗ, pin năng lượng mặt trời... Nguy cơ cao và khó lường hơn khi Việt Nam tập trung xuất khẩu vào những thị trường thường xuyên sử dụng các biện pháp PVTM như Hoa Kỳ, EU hay những thị trường hàng hóa Việt Nam đang gia tăng xuất khẩu như Canada, ASEAN.

anh-minh-hoa-2-1667369141.jpg

Thực tế các vụ, việc áp dụng biện pháp PVTM thời gian qua chỉ là hoạt động của một vài doanh nghiệp đơn lẻ…

Một trong những nguyên nhân được cho là rào cản, xuất phát từ phía doanh nghiệp chưa hiểu rõ về PVTM, ít sử dụng công cụ PVTM để bảo vệ sản xuất và thị trường trong nước, cạnh tranh với hàng hóa nhập khẩu. Thậm chí, có doanh nghiệp bị điều tra PVTM nhưng không hề hay biết. Trong khi đó năng lực và kinh nghiệm về PVTM của một số cơ quan quản lý còn hạn chế, thiếu sự phối hợp quản lý trong vấn đề này. Mặc dù theo quy định của pháp luật, các cơ quan quản lý có thể chủ động khởi xướng điều tra, song trên thực tế điều này chưa từng xảy ra, hoàn toàn doanh nghiệp phải chủ động. Thực tế các vụ, việc áp dụng biện pháp PVTM thời gian qua chỉ là hoạt động của một vài doanh nghiệp đơn lẻ mà không phải là của cả một hiệp hội ngành, nghề, khiến cho việc áp dụng các biện pháp PVTM thêm khó khăn.

Từ bất cập trên, bên cạnh việc nâng cao nhận thức của các doanh nghiệp về PVTM (coi đó là điều kiện tiên quyết giúp các hiệp hội, ngành hàng, cộng đồng doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, bảo đảm sự phát triển ổn định), cần tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý theo hướng có biện pháp chế tài bắt buộc các cơ quan quản lý phải chủ động nâng cao năng lực về PVTM đáp ứng với yêu cầu hội nhập; chủ động phối hợp với doanh nghiệp và các tổ chức hiệp hội ngành, nghề trong việc khởi xướng điều tra, giúp doanh nghiệp chủ động áp dụng các biện pháp PVTM có hiệu quả.

Yêu cầu bồi thường thiệt hại quyền SHTT chưa tương thích

Với tính chất vô hình của tài sản trí tuệ và cơ chế để xác định thiệt hại đối với loại tài sản này chưa thực sự hoàn thiện và minh thị, do đó, trên thực tế, nhiều trường hợp rất khó khăn trong tập hợp các minh chứng, tài liệu làm căn cứ chứng minh thiệt hại theo yêu cầu của pháp luật. Trên thực tế, nhiều khi các chủ sở hữu cũng chưa nhận thức đúng đắn về loại tài sản này, nên chính bản thân các chủ thể cũng chưa rõ về vấn đề bị gây thiệt hại đối với tài sản thuộc sở hữu hợp pháp của mình. Trong khi đó theo quy định của pháp luật sở hữu trí tuệ (Luật SHTT 2022) nói riêng và quy định của pháp luật về tố tụng dân sự (Luật TTDS 2015) nói chung, nếu muốn xác định và chứng minh được thiệt hại thì phải có các chứng cứ, tài liệu cụ thể.

anh-minh-hoa-3-1667369141.jpg

Các doanh nghiệp công nghệ ngày càng coi trọng việc tuân thủ pháp luật về SHTT

Theo quy định tại Điều 129 Luật SHTT 2022, trong trường hợp không thể minh định được mức bồi thường về vật chất của nguyên đơn do nguyên đơn không thể chứng minh được thiệt hại thì mức bồi thường được giới hạn tối đa không quá 500 triệu đồng. Trường hợp, nếu trong vụ vi phạm có nhiều đối tượng bị xâm phạm thì mức bồi thường chung cho tất cả các đối tượng đó cũng không quá 500 triệu đồng. Ngoài ra, tùy từng trường hợp cụ thể, tùy mức độ tổn thất về tinh thần như tổn thất về danh dự, nhân phẩm, uy tín, danh tiếng và các tổn thất khác về tinh thần do hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ gây ra cho chủ thể quyền mà Tòa án quyết định trong giới hạn từ 5 triệu đến 50 triệu đồng…

Có thể thấy rằng quy định trên chưa thực sự bao quát được thực trạng vi phạm và bồi thường thiệt hại trong lĩnh vực SHTT. Hay nói cách khác, pháp luật không quy định rõ ràng về việc mức bồi thường nêu trên áp dụng với hành vi vi phạm cụ thể nào, áp dụng với một hành vi hay nhiều hành vi. Trên thực tế hiện nay, thiệt hại về SHTT trong nhiều trường hợp lớn hơn rất nhiều so với mức bồi thường thiệt hại 500.000.000 đồng nêu trên. Từ quy định này, vô hình trung trở thành kẽ hở cho các chủ thể lạm dụng trục lợi, khi mà khoản lợi nhuận mà các chủ thể này thu được cao hơn gấp nhiều lần so với hành vi xâm phạm quyền SHTT của người khác. Đó cũng là lý do thời gian qua có rất ít số lượng doanh nghiệp khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại về quyền SHTT.

Trong khi đó theo quy định tại Điều 18.74 Hiệp định CPTTPP quy định: Đối với việc xác định mức tiền đền bù thiệt hại theo quy định (đối với các vụ án dân sự, các cơ quan tư pháp có thẩm quyền của mỗi Bên được quyền xem xét, cụ thể như bất kỳ phương pháp định giá nào mà người đang nắm giữ quyền đề xuất, trong đó có thể bao gồm việc xác định giá trị khoản lợi nhuận bị thất thoát, giá trị hàng hóa, dịch vụ bị xâm phạm thông qua giá thị trường hay giá bán lẻ đề nghị), để đảm bảo ít nhất là yêu cầu bên xâm phạm bồi thường thiệt hại cho bên nắm giữ quyền một khoản tiền tương ứng với mức độ tổn thất mà bên này đang gánh chịu do bị tác động bởi hành vi xâm phạm của bên xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ... Riêng đối với các trường hợp xâm phạm bản quyền, quyền liên quan và giả mạo nhãn hiệu, mỗi Bên phải quy định rõ rằng, trong các vụ kiện dân sự, các cơ quan tư pháp có thẩm quyền yêu cầu bên xâm phạm, ít nhất phải thanh toán phần lợi nhuận thu được từ hành vi xâm phạm cho người nắm giữ quyền sở hữu trí tuệ.

Từ thực tế trên, để đảm bảo sự tương thích của Hiệp định CPTPP, pháp luật về SHTT cần đưa ra quy định rõ ràng về loại hành vi vi phạm nào sẽ áp dụng mức bồi thường; mô tả rõ hơn nguyên tắc áp dụng để giảm thiểu gánh nặng của nguyên đơn trong việc chứng minh thiệt hại. Việc xác định bồi thường thiệt hại về xâm phạm quyền SHTT phải đảm bảo nguyên tắc tạo điều kiện cho bên bị hại có nhiều cơ hội thắng kiện. Hiểu theo điều khoản trên của CPTPP, nguyên đơn có quyền đề xuất bất kỳ phương pháp định giá nào mà phương pháp đó xác định được chính xác giá trị khoản lợi nhuận bị thất thoát, giá trị hàng hóa, dịch vụ bị xâm phạm theo giá thị trường hay giá bán lẻ tại thời điểm. Và tòa án cũng phải có thẩm quyền yêu cầu bên xâm phạm, ít nhất phải thanh toán phần lợi nhuận thu được từ hành vi xâm phạm cho người nắm giữ quyền sở hữu trí tuệ…

Còn khoảng cách trong thực hiện quyền của người lao động

Tham gia FTA, các nước thành viên phải cam kết tuân theo các tiêu chuẩn, quy định về lao động và thừa nhận mối liên hệ giữa quyền của NLĐ với thương mại; quyền tự do liên kết và quyền thương lượng tập thể của NLĐ và người sử dụng lao động (NSDLĐ); xóa bỏ lao động cưỡng bức và lao động bắt buộc; cấm sử dụng lao động trẻ em, xóa bỏ các hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất; xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử về việc làm và nghề nghiệp. Các thành viên phải cam kết không nhập khẩu hàng hóa được sản xuất hoặc sử dụng nguyên liệu đầu vào bằng lao động cưỡng bức hoặc lao động trẻ em, quy định mức lương tối thiểu, số giờ làm việc, ATVSLĐ và sức khỏe nghề nghiệp cho NLĐ, bảo vệ môi trường…

anh-minh-hoa-4-1667369141.jpg

Bộ luật Lao động sửa đổi giúp người lao động hưởng lợi công bằng từ tăng trưởng kinh tế.

Với sự ra đời của Bộ luật Lao động sửa đổi vào ngày 20/11/2019, Việt Nam đã đạt được bước tiến mới, đưa khuôn khổ pháp luật tiệm cận hơn các tiêu chuẩn lao động quốc tế được quy định tại các FTA. Trong đó nội dung thay đổi quan trọng nhất trong Bộ luật Lao động sửa đổi (quy định tại Điều 5 và Điều 170) là người lao động tại doanh nghiệp được quyền thành lập hay tham gia một tổ chức đại diện do họ lựa chọn, không nhất thiết phải là thành viên của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (TLĐLĐVN).

Các tổ chức của người lao động không phải là thành viên của TLĐLĐVN có thể được thành lập tại doanh nghiệp, họ có những quyền và nghĩa vụ trong quan hệ lao động bình đẳng với các tổ chức công đoàn cơ sở thuộc TLĐLĐVN. Tổ chức này đương nhiên không nằm trong hệ thống chính trị của xã hội Việt Nam mà chỉ là tổ chức do người lao động thành lập theo trình tự, thủ tục luật định. Tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp cũng chỉ có ở cấp cơ sở - cấp doanh nghiệp, không có hệ thống các cấp như tổ chức công đoàn.

Sự thay đổi trên đưa pháp luật lao động và quan hệ lao động của Việt Nam tiệm cận hơn với Công ước số 98 của ILO về Quyền tổ chức và Thương lượng tập thể mà Việt Nam đã gia nhập năm 2019, và cải tiến theo Công ước số 87 về Tự do Hiệp hội và Bảo vệ Quyền được tổ chức mà Chính phủ dự kiến sẽ phê chuẩn vào năm 2023. Tôn trọng và áp dụng đầy đủ Công ước số 87 và Công ước số 98 của ILO cũng là yêu cầu trọng tâm đối với Việt Nam trong khuôn khổ Hiệp định thương mại tự do EU- Việt Nam và Hiệp định CPTPP…

Tuy nhiên cho đến thời điểm này, ngoài Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định về việc xử phạt VPHC trong lĩnh vực lao động, vẫn chưa có văn bản dưới luật hướng dẫn thực hiện quyền được thành lập hay tham gia một tổ chức đại diện do họ lựa chọn không phải là thành viên của TLĐLĐVN, và đảm bảo tổ chức đó có những quyền và nghĩa vụ trong quan hệ lao động bình đẳng với các tổ chức công đoàn cơ sở thuộc TLĐLĐVN. Điều 174 Bộ luật Lao động 2019 quy định về số lượng thành viên của tổ chức tại thời điểm đăng ký phải có số lượng tối thiểu thành viên là người lao động làm việc tại doanh nghiệp theo quy định của Chính phủ. Số lượng tối thiểu là bao nhiêu ?

Ngoài ra theo ILO, vẫn còn có khoảng cách trong việc thực hiện đầy đủ các nguyên tắc liên quan đến chống phân biệt đối xử và bình đẳng giới trong lao động. Trên thực tế những chuẩn mực này đang bị vi phạm ở các doanh nghiệp. Cùng với thiếu văn bản hướng dẫn về các nội dung điều chỉnh mới về quyền và nghĩa vụ của người lao động trong doanh nghiệp, theo các chuyên gia người lao động và người sử dụng lao động không thể thụ hưởng đầy đủ những quyền mới theo Bộ luật Lao động 2019. Điều đó cũng đồng nghĩa, các DN Việt Nam sẽ không được hưởng mức thuế nhập khẩu (0%) từ các nước thành viên, nếu không khắc phục những rào cản còn tồn tại, đáp ứng được các tiêu chuẩn về nhân lực lao động theo yêu cầu của các FTA.

Kết mở

Hội nhập đòi hỏi phải chấp nhận luật chơi và cách chơi khi tham gia thị trường quốc tế. Không có hệ thống pháp luật phù hợp, không có môi trường kinh doanh thì không thể khai thác được lợi thế của các FTA. Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang bắt đầu thực hiện ở nước ta, với nhiều vấn đề mới nảy sinh mà chưa có pháp luật điều chỉnh. Do đó, cần có cách tiếp cận thích hợp để không lấy luật pháp hiện hành điều chỉnh hành vi mới và không căn cứ vào luật pháp hiện hành để coi hành vi mới là vi phạm luật pháp, bởi cả hai cách ứng xử đó đều cản trở đổi mới và sáng tạo. Nếu chỉ loay hoay bỏ mấy điều kiện kinh doanh, cải cách hành chính thì không thể mở rộng được quy mô thị trường, không thay đổi cơ chế phân bổ nguồn lực để tạo ra động lực tăng trưởng, thúc đẩy nền kinh tế bứt phá…(Còn nữa)

VŨ LÊ MINH – LA SƠN

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin