Tham vấn về một số quy định của Dự thảo Luật Chuyển đổi giới tính

07/09/2018 08:07

Trong hai nggày 5 và 6/9/2018, tại Hà Nội, được sự hỗ trợ của Dự án “Quản trị nhà nước nhằm tăng cường toàn diện (GIG)”, Trung tâm tư vấn Pháp luật và Chính sách về y tế HIV/AIDS thuộc Hội Luật gia Việt Nam đã tổ chức Hội thảo tham vấn về một số quy định của Dự thảo Luật Chuyển đổi giới tính.

Toàn cảnh Hội thảo
Toàn cảnh Hội thảo)

Chủ trì Hội thảo có các đồng chí Lê Thị Kim Thanh, Phó Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam; Trịnh Thị Lê Trâm, Giám đốc Trung tâm tư vấn Pháp luật và Chính sách về y tế HIV/AIDS; Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ y tế. Tham dự Hội thảo còn có đại diện GIG Việt Nam; các Luật gia, Luật sư đến từ các đơn vị đang thực hiện dự án; các Bác sỹ bệnh viện Việt Đức, Hà Nội và một số đại diện cho cộng đồng người chuyển giới.

Đồng chí Lê Thị Kim Thanh phát biểu khai mạc Hội thảo
Đồng chí Lê Thị Kim Thanh phát biểu khai mạc Hội thảo)

Phát biểu khai mạc Hội thảo, đồng chí Lê Thị Kim Thanh nêu rõ, hiện nay, dự thảo Luật Chuyển đổi giới tính đang trong quá trình đánh giá, dự báo tác động chính sách để hoàn chỉnh trước khi trình Chính phủ và Quốc hội. Việc ban hành luật Chuyển đổi giới tính là cần thiết. Từ đó tạo cơ sở pháp lý để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của những người chuyển giới tại Việt Nam. Đồng thời tạo hành lang pháp lý cho hoạt động của các cơ sở thực hiện việc xác định tâm lý, can thiệp y học để chuyển đổi giới tính.

TS Nguyễn Huy Quang trình bày dự thảo Luật Chuyển đổi giới tính
TS Nguyễn Huy Quang trình bày dự thảo Luật Chuyển đổi giới tính)

Trao đổi ý kiến tại đây, TS Nguyễn Huy Quang cho biết, hiện nay, có 71 quốc gia trên thế giới đã ban hành Luật về chuyển đổi giới tính. Ở Việt Nam, theo thống kế, có gần 300 nghìn người là người đồng tính, song tính, chuyển giới và liên giới. Do đó, việc xây dựng và ban hành Luật chuyển đổi giới tính là cần thiết và phù hợp với xu thế hiện nay.

Trong những năm qua, trong hệ thống pháp luật của Việt Nam cũng đã chú ý đến việc thúc đẩy và bảo vệ quyền của người đồng tính, song tính, chuyển giới và liên giới tính. Cụ thể như: Hiến pháp 2013 đã công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân đối với tất cả các nhóm người trong xã hội; Bộ Luật dân sự (sửa đổi) năm 2015 đã quy định: “Việc chuyển đổi giới tính được thực hiện theo quy định của luật. Cá nhân đã chuyển đổi giới tính có quyền, nghĩa vụ đăng ký thay đổi hộ tịch theo quy định của pháp luật về hộ tịch; có các quyền nhân thân phù hợp với giới tính đã được chuyển đổi theo quy định của bộ luật này và luật khác có liên quan” (Điều 37, BLDS). Vào tháng 6/2014, lần đầu tiên Luật Hôn nhân và gia đình đã gỡ bỏ việc cấm kết hôn giữa hai người đồng giới…

Các Đại biểu tham dự Hội thảo
Các Đại biểu tham dự Hội thảo)

Hội thảo đã nghe TS Nguyễn Huy Quang trình bày Dự thảo Luật chuyển đổi giới tính. Theo đó, Luật này gồm 5 Chương, 25 Điều quy định về quyền của người chuyển đổi giới tính; điều kiện đối với tổ chức, cá nhân thực hiện xác định tâm lý, can thiệp y học để chuyển đổi giới tính; công nhận đã can thiệp y học để chuyển đổi giới tính.

Qua thảo luận, đa số ý kiến quan tâm đến việc công nhận đã can thiệp y học để chuyển đổi giới tính và quyền của người sau khi chuyển đổi giới tính và cho rằng việc ban hành Luật này là cần thiết và phù hợp.

Bày tỏ quan điểm của mình tại Hội thảo, đại diện thành viên trong cộng đồng người chuyển giới chia sẻ: Trên thực tế có không ít những người chuyển giới phải bỏ học hoặc chuyển đổi sang những nghề khác phù hợp hơn do bị kỳ thị. Để được sống với chính mình, họ phải lén lút tiêm hooc-mon mặc dù biết việc đó sẽ làm ảnh hưởng đến sức khỏe của mình. Do vậy, họ mong muốn Luật Chuyển đổi giới tính sẽ được ban hành để được thực hiện ước muốn của bản thân.

Theo hoiluatgia.vn

Nguồn bài viết: http://hoiluatgiavn.org.vn:8080/tham-van-ve-mot-so-quy-dinh-cua-du-thao-luat-chuyen-doi-gioi-tinh-d1515.html

Bạn đang đọc bài viết "Tham vấn về một số quy định của Dự thảo Luật Chuyển đổi giới tính" tại chuyên mục Sự kiện nổi bật. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin