Để thực hiện tốt các nhiệm vụ, Thẩm phán xét xử những vụ án trẻ vị thành niên (hay còn gọi là Thẩm phán trẻ em) tại Pháp có thể tham gia vào tất cả các giai đoạn tố tụng cũng như tìm hiểu về hoàn cảnh, tâm lý trẻ…để đưa ra phán quyết của mình.
Thẩm phán Claire Carbonaro (Tòa hình sự, Tòa phá án Pháp) chia sẻ những kinh nghiệm thực tế tại buổi Tọa đàm về Tư pháp vị thành niên, tổ chức tại TANDTC mới đây.
Thẩm phán kiêm chuyên gia tâm lý
Ông cho biết, tại Pháp, Thẩm phán trẻ em không phải là bác sĩ tâm lý cũng không phải là nhân viên công tác xã hội, nhưng nhìn chung, họ phải là người biết lắng nghe, đặt các câu hỏi xác đáng tập trung vào những yếu tố quan trọng để ra quyết định nếu trình tự tố tụng là trình tự miệng. Thẩm phán phải trung lập và khách quan, và đây được coi là những phẩm chất nhất thiết phải có đối với những người xét xử vụ án trẻ vị thành niên phạm tội.
Từ khoảng 40 năm nay ở Pháp, Thẩm phán trẻ em dần dần dường như kiêm thêm công việc trợ giúp giáo dục và bị lơ là nhiệm vụ tư pháp của mình. Tuy nhiên, điều cốt yếu là Thẩm phán phụ trách mảng này không nên lơ là vấn đề tội phạm chưa thành niên và phải biết cân bằng giữa hai nhiệm vụ. Thẩm phán trẻ em phải có khả năng tổ chức công việc của mình sao cho hài hòa được cả hai khía cạnh, nhất là khi đây lại là người có quyền tự chủ và độc lập rất cao trong quản lý văn phòng của mình. Thẩm phán trẻ em phải xem xét người chưa thành niên ở bản chất con người chứ không phải qua các hành vi mắc phải hoặc phải chịu. Đây chính là nền tảng để làm nên thẩm quyền kép của Thẩm phán trẻ em, cả về dân sự và hình sự.
Để thực hiện được tất cả các nhiệm vụ của mình, Thẩm phán trẻ em phải luôn đổi mới tầm nhìn cũng như cởi mở trong nhìn nhận thế giới xung quanh và các cộng đồng xã hội liên quan đến bản thân cũng như liên quan đến người chưa thành niên. Để ra phán quyết về số phận của người chưa thành niên, Thẩm phán phải có khả năng hiểu. Để làm được điều này, người Thẩm phán phải là người đa năng, vì ngoài kiến thức pháp lý, người Thẩm phán nhất thiết phải có kiến thức về tâm lý học và tâm thần học cũng như xã hội học. Các kiến thức lý thuyết này sẽ được bồi đắp thêm qua thực tiễn công việc cũng như những tình huống phải đối mặt trong thực tế.
Trường Đào tạo Thẩm phán quốc gia ENM có các môn này trong chương trình giảng dạy, cả các chương trình đào tạo ban đầu cũng như đào tạo liên tục cho các Thẩm phán. Thẩm phán trẻ em không làm việc một mình mà phải biết cách phối hợp với các chuyên gia giáo dục và các cơ quan phụ trách của chính quyền địa phương, cơ quan bảo vệ tư pháp đối với thanh thiếu niên, nhân viên xã hội, nhân viên y tế,... Để phối hợp thành công, Thẩm phán phải tham gia thực tế vào việc xây dựng hoặc điều chỉnh các phương án và hệ thống phòng ngừa tội phạm ở địa phương.
Không chỉ tham gia với tư cách một chuyên gia tâm lý, Thẩm phán ở Pháp còn có cả nhiệm vụ trợ giúp giáo dục. Khác với Thẩm phán dân sự, Thẩm phán trẻ em hành động theo phương thức thẩm cứu và có thể kéo dài, điều này tạo điều kiện để có cái nhìn tổng thể, linh hoạt về người chưa thành niên và gia đình. Như nhiều ý kiến cho rằng, Thẩm phán trẻ em không phải nhân viên xã hội và phải tôn trọng quyền của người chưa thành niên cũng như gia đình của họ thông qua trình tự thủ tục tư pháp. Thẩm phán có nhiệm vụ phải đánh giá tình hình tổng quát của trẻ để kiểm tra một cách độc lập với tố cáo ban đầu, xem sức khỏe, tâm lý, sự an toàn của trẻ có gặp nguy hiểm hay không, các điều kiện học hành hoặc phát triển thể chất, tình cảm, trí tuệ và xã hội có bị ảnh hưởng nghiêm trọng hay không theo quy định của BLDS.
Thẩm phán trẻ em một mặt phải biết lắng nghe trẻ và người thân của trẻ ở các phiên thẩm vấn và thường xuyên giữ liên hệ với các cơ quan thực hiện các biện pháp theo lệnh của Tòa. Việc làm việc trong thời gian dài như vậy cho phép Thẩm phán thấy được kết quả và hậu quả từ các quyết định của mình cũng như rút ra được các bài học, nắm được phạm vi thuộc thẩm quyền can thiệp của mình cũng như mạng lưới những người có liên quan... trước khi đưa ra phán quyết.
Những nguyên tắc khi thẩm vấn trẻ em
Trong trình tự tố tụng, thẩm vấn là một thủ tục quan trọng, và được điều chỉnh cho phù hợp với hoàn cảnh dễ bị tổn thương của người chưa thành niên và gia đình họ. Thẩm phán trẻ em thẩm vấn tại văn phòng, cần tỏ ra thân thiện vào tạo sự an tâm cho trẻ với những ngôn từ rõ ràng, dễ hiểu. Khi thẩm vấn Thẩm phán có thể ngồi xuống để ngang bằng với trẻ nếu là trẻ nhỏ, luôn phải tỏ ra lịch sự, kể cả khi thẩm vấn cha mẹ là người hay chửi bới, hung hăng, thậm chí có biểu hiện bạo lực.
Người chưa thành niên có đầy đủ năng lực hành vi, pháp lý có thể yêu cầu Thẩm phán trẻ em xét xử và yêu cầu có luật sư bào chữa. Đối với trẻ em chưa có khả năng phân biệt, trong trường hợp có xung đột lợi ích giữa trẻ và cha mẹ, Thẩm phán trẻ em có thể quyết định chỉ định một người giám hộ tạm thời, có nhiệm vụ bày tỏ quan điểm của trẻ và phân tích tình hình vì lợi ích của trẻ.
Thẩm vấn trẻ là bước quan trọng và là một nhiệm vụ khó đối với Thẩm phán trẻ em. Trẻ có khả năng phân biệt thì bắt buộc phải được thẩm vấn, và Thẩm phán không được bỏ qua bước này. Thẩm phán có thể thẩm vấn trẻ một mình, để đảm bảo quyền được bày tỏ ý kiến, theo quy định tại điều 12 Công ước quốc tế về quyền trẻ em, được thực hiện đầy đủ. Thẩm phán cũng có thể quyết định thực hiện một phần tranh tụng không có sự có mặt của trẻ, chẳng hạn như lúc nhắc đến các xung đột giữa cha mẹ trẻ. Kinh nghiệm cho thấy, thẩm vấn là thời điểm quan trọng đối với trẻ, kể cả trẻ rất nhỏ,vì trẻ sẽ nhận ngay ra rằng Thẩm phán thẩm vấn mình chính là người ra quyết định.
Tuy nhiên, quá trình thẩm vấn, Thẩm phán phải tuân theo một số nguyên tắc được pháp luật quy định. Đó là: Thẩm phán luôn phải cố gắng tìm kiếm sự tham gia của gia đình trẻ vào việc thực hiện biện pháp mà mình chỉ định; pháp luật buộc Thẩm phán trẻ em phải để trẻ ở nhà của bố mẹ trẻ chừng nào còn có thể.
Thẩm phán trẻ em phải tránh mọi đánh giá về đạo đức khi thẩm vấn, và khi đánh giá lợi ích của trẻ, cần tránh sử dụng quan điểm và cách nhìn cá nhân khi ra quyết định, và cũng không được áp đặt quan điểm cá nhân của mình đối với hành vi của trẻ. Vì Thẩm phán trẻ em không phải là người đánh giá lối sống mà là người đánh giá các hậu quả nguy hiểm của lối sống đó đối với trẻ. Cuối cùng, quyết định áp đặt cho gia đình trẻ phải được coi là giải pháp cuối cùng, và chỉ sử dụng khi đó là giải pháp duy nhất để bảo vệ trẻ trước sự nguy hiểm. Mỗi khi có thể, cũng nên dành thời gian để chuẩn bị biện pháp đưa trẻ đến trung tâm hoặc một cơ sở chăm sóc trẻ.
Trong lĩnh vực hình sự, có ba nguyên tắc lớn mà Thẩm phán trẻ em cần phải tuân thủ khi xét xử. Đó là: giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của người chưa thành niên ; biện pháp giáo dục được ưu tiên trên hết; có các cơ quan chuyên trách và trình tự tố tụng riêng. Thẩm phán trẻ em và các Tòa chuyên trách phải có các phương tiện hoặc tìm cách để tìm hiểu tính cách của người phạm tội chưa thành niên, hoàn cảnh gia đình và xã hội, bối cảnh thực hiện hành vi phạm tội, trước khi đưa ra được quyết định phù hợp nhất. Thẩm phán trẻ em phải biết cách điều chỉnh quy trình ra quyết định của mình cho phù hợp với sự thay đổi và tính cách của trẻ. Khi áp dụng nguyên tắc ưu tiên cho biện pháp giáo dục và phân công chuyên biệt những người có liên quan, Thẩm phán có nhiều thẩm quyền có thể can thiệp vào tất cả các giai đoạn tố tụng đối với đối tượng là người chưa thành niên, để đảm bảo sự nhất quán trong quá trình theo dõi và lựa chọn các biện pháp phù hợp.
Theo Congly