Thẩm định dự án Luật sửa đổi, bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ

Sáng 25/10, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu đã chủ trì họp Hội đồng thẩm định dự án Luật sửa đổi, bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ (SHTT).

Luật SHTT được Quốc hội thông qua năm 2005 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/07/2006, được sửa đổi, bổ sung năm 2009. Đây là văn bản luật quan trọng, điều chỉnh các quan hệ xã hội liên quan đến tài sản trí tuệ. Thực tiễn hơn 10 năm thi hành luật cho thấy, Luật SHTT là nền tảng, là hệ thống bảo hộ SHTT của Việt Nam đạt chuẩn mực theo Hiệp định về các khía cạnh liên quan tới thương mại của quyền SHTT của Tổ chức thương mại Thế giới (WTO) cũng như đáp ứng các nghĩa vụ theo cam kết của Việt Nam trong các Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới gần đây.

Tuy nhiên, qua thực tiễn hơn 10 năm thi hành, cùng với việc hội nhập quốc tế sâu rộng của Việt Nam trong thời gian qua cho thấy Luật SHTT còn tồn tại một số vướng mắc, bất cập nhất định cần được sửa đổi, bổ sung nhằm đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, yêu cầu của cải cách thủ tục hành chính cũng như để đảm bảo thi hành các cam kết về SHTT trong các FTA mà Việt Nam đã và đang đàm phán hoặc đã ký kết.

5

Tại cuộc họp, các đại biểu đều nhất trí với việc cần thiết phải sửa đổi, bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ. Đồng thời thảo luận một số nội dung quan trọng như: các quy định pháp luật liên quan đến quyền tác giả và quyền liên quan; thủ tục đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp thuận lợi, nhanh chóng, hợp lý, rõ ràng; bảo đảm mức độ bảo hộ thỏa đáng và cân bằng trong bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp…

Kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Phan Chí Hiếu đánh giá dự án đảm bảo được tính thống nhất, đồng bộ; việc ban hành luật sửa đổi, bổ sung này đã kịp thời thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Đồng thời Thứ trưởng cũng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo làm sâu sắc, thuyết phục hơn nữa sự cần thiết và thể hiện rõ trong tờ trình.

Về phạm vi điều chỉnh, Thứ trưởng đề nghị rà soát các bất cập trong thực tế để sửa đổi, nhất là trong bối cảnh đặt những nền tảng khoa học pháp lý ban đầu. Đồng thời cân nhắc thêm các chính sách để thể chế hóa đầy đủ, kịp thời hơn các chủ trương của Đảng, nhất là các chủ trương mới được đề cập trong Nghị quyết số 52 của Bộ Chính trị. Bên cạnh đó, Thứ trưởng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục rà soát thật kỹ các chính sách, phải đặt trong mối quan hệ giữa luật chung và luật chuyên ngành, để luật này không bị mâu thuẫn với các bộ luật khác.

Về tính khả thi, tính dự báo của nội dung chính sách, các giải pháp điều kiện đảm bảo chính sách, Thứ trưởng Hiếu yêu cầu cần phải làm chi tiết hơn nữa Báo cáo đánh giá tác động, thể hiện rõ các nội dung hay yêu cầu tại Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật và Nghị định số 34, đặc biệt trong việc đánh giá chi phí, lợi ích, việc sử dụng phương pháp định lượng trong Báo cáo đánh giá tác động vẫn còn hạn chế. Ngoài ra, Thứ trưởng cũng yêu cầu phải nghiên cứu sâu và tiếp thu ý kiến góp ý của các đại biểu, các cơ quan có liên quan.

Theo baophapluat.vn

Nguồn bài viết: https://m.baophapluat.vn/tu-phap/tham-dinh-du-an-luat-sua-doi-bo-sung-luat-so-huu-tri-tue-476647.html

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin