Chuyện dân kiện quan, dân kiện chính quyền thời gian gần đây không còn là chuyện hiếm. Theo Luật Tố tụng hành chính 2015, Tòa án có quyền triệu tập đến Tòa trực tiếp Chủ tịch UBND cấp có liên quan đến các khiếu kiện hành chính. Điều này có ý nghĩa quan trọng trong xây dựng Nhà nước pháp quyền - nơi mà ở đó mọi người đều bình đẳng trước pháp luật. Và một yêu cầu mới đặt ra, tới đây cần tăng cường kiểm soát quyền lực hành chính công thông qua việc sửa đổi bổ sung những quy định pháp luật cụ thể.
Cần mạnh tay xử nạn “hành dân”
Liên quan đến vụ việc bà Nguyễn Thị Thúy Hà, Phó Chủ tịch UBND phường Văn Miếu (quận Đống Đa – Hà Nội) bị tạm đình chỉ công tác 3 ngày do bị người dân tố gây khó dễ khi làm giấy chứng tử cho người thân của họ, mới đây, Đoàn kiểm tra công vụ TP. Hà Nội đã kiến nghị Chủ tịch UBND TP. Hà Nội chỉ đạo Quận Đống Đa và phường Văn Miếu kiểm điểm nghiêm túc, có hình thức xử lý phù hợp đối với lãnh đạo phường.
Thật ra, chuyện xảy ra ở phường Văn Miếu không phải chuyện hy hữu trong bối cảnh nền công vụ có dấu hiệu xuống cấp - nhất là ở cấp cơ sở.
Nhiều nhận xét cho rằng chính nền hành chính với cơ chế không minh bạch, chồng chéo chức năng thẩm quyền, trách nhiệm tập thể, nhất là trách nhiệm người đứng đầu không rõ ràng... là những nguyên nhân đưa đến nạn nhũng nhiễu, hành xử với dân kiểu như ban ơn, ban phát.
Hiện nay, tất cả các quốc gia trên thế giới đang có xu hướng áp dụng điều hành nhà nước từ hành chính "cai trị" sang "hành chính phục vụ". Nghĩa là lấy nguyện vọng cơ bản của quần chúng nhân dân làm mục tiêu hoạt động và mọi hoạt động luôn hướng đến phục vụ lợi ích cơ bản của đại đa số nhân dân. Và ở Việt Nam, đã đến lúc cần phải có giải pháp hữu hiệu để nền hành chính hành dân không còn đất sống.
Chính vì vậy, để không còn xảy ra những vụ việc tương tự như ở phường Văn Miếu thì cần xử thật nghiêm, loại ra khỏi bộ máy hành chính những cán bộ, công bộc lạm quyền, hành dân, vòi vĩnh, nhũng nhiễu, hạch sách dân. Có như vậy mới có tác dụng cảnh tỉnh răn đe tới tất cả các công bộc khác trong hệ thống hành chính.
Chủ tịch Tỉnh cũng phải ra hầu Tòa
Còn nhớ cách đây 1 năm, trong một vụ kiện hành chính, TAND cấp cao tại Đà Nẵng đã triệu tập Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa tham gia phiên tòa hành chính theo Luật Tố tụng hành chính năm 2015 nhưng vị này không đến nên tòa đã hoãn xử.
Đó là phiên tòa phúc thẩm vụ án hành chính giữa người khởi kiện là ông Huỳnh Trung Duy (ngụ TP Nha Trang, Khánh Hòa) với người bị kiện gồm Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, UBND huyện Cam Lâm và Chủ tịch UBND huyện Cam Lâm. Trong quyết định này, TAND Cấp cao tại Đà Nẵng ghi rõ người bị kiện tham gia tố tụng phiên tòa là Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, Chủ tịch UBND huyện Cam Lâm. Trước đó, trong giai đoạn xét xử sơ thẩm, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, Chủ tịch UBND huyện Cam Lâm đều ủy quyền cho cán bộ tham mưu cấp dưới tham gia tố tụng.
Việc tòa án triệu tập trực tiếp Chủ tịch UBND cấp có liên quan đến các khiếu kiện hành chính và cả trong tranh chấp dân sự là áp dụng đúng các Nghị quyết của Quốc hội về việc thi hành các đạo luật mới.
Theo đó, khoản 3 Điều 60 Luật Tố tụng hành chính năm 2015 quy định: trường hợp người bị kiện là cơ quan, tổ chức hoặc người đứng đầu cơ quan, tổ chức thì người bị kiện chỉ được ủy quyền cho cấp phó của mình đại diện. Người được ủy quyền phải tham gia vào quá trình giải quyết toàn bộ vụ án, thực hiện đầy đủ các quyền và nghĩa vụ của người bị kiện theo quy định của luật này.
Gần đây nhất, liên quan đến vụ việc thu hồi đất tại phường Kim Tân, thành phố Lào Cai, Chủ tịch UBND thành phố Lào Cai và Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai cũng đã bị người dân khởi kiện ra TAND tỉnh Lào Cai.
Chuyện “dân kiện quan”, “dân kiện chính quyền” sẽ không còn là chuyện hiếm khi xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN, nơi mà ở đó dù là ai cũng cần bình đẳng trước pháp luật.
Có vụ dân thắng quan, có vụ dân thua, nhưng sau một vụ kiện, việc tòa án chứng minh và tuyên bố phần thắng thuộc về phía người dân lại có ý nghĩa rất lớn. Nó mang tính biểu tượng cho sự công bằng, bình đẳng và công lý được thực thi. Qua đó có tác dụng răn đe đối với những công bộc hãy cẩn trọng trong việc phục vụ dân, làm không tốt, không đúng sẽ bị pháp luật “ sờ gáy”.
Giải pháp tăng cường kiểm soát quyền lực hành chính công
Trước thực trạng trì trệ của nền hành chính, thói quan liêu, cửa quyền, hạch sách nhũng nhiễu của một bộ phận công chức hiện nay, Dự Luật hoạt động Hành chính công đang được Ban soạn thảo tích cực hoàn thiện và lấy ý kiến các chuyên gia để sớm trình ra trước Quốc hội. Nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Luật gia Phan Trung Lý cho rằng, nếu hành chính công làm tốt sẽ góp phần khắc phục rất nhiều lỗi trong nền hành chính của chúng ta, trong đó có chống lợi ích nhóm, phòng, chống tham nhũng từ tham nhũng vặt đến tham nhũng lớn…
Theo đó, dự thảo quy định một loạt hành vi bị nghiêm cấm đối với cán bộ công chức, viên chức như cấm tự ý đặt ra các khoản thu của cá nhân, tổ chức dưới mọi hình thức; môi giới làm thủ tục hành chính để hưởng hoa hồng, thù lao trái quy định; né tránh, đùn đẩy trách nhiệm; sử dụng nguồn lực công hoặc tham mưu, đề xuất giải quyết công việc, ban hành văn bản có nội dung trái pháp luật vì lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ…
Ngoài quy định chung trên, người đứng đầu cơ quan, tổ chức của Nhà nước còn bị nghiêm cấm vi phạm các nguyên tắc trong quản lý, điều hành; tùy tiện tuyển dụng, bố trí, sắp xếp, quy hoạch, đào tạo, bổ nhiệm người không đủ tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định; lợi dụng chức vụ, quyền hạn câu kết với tổ chức, cá nhân để trục lợi; lợi dụng chức vụ, quyền hạn để bao che, tiếp tay cho tham nhũng, tiêu cực…
Đáng chú ý, dự luật này đã thiết lập một cơ chế: khi cán bộ, công chức, viên chức vi phạm pháp luật hành chính công phải giải trình với cơ quan, tổ chức có thẩm quyền; phải xin lỗi công khai trên phương tiện thông tin đại chúng; từ chức nếu không còn đủ uy tín để làm việc; phải bị cách chức hoặc buộc thôi việc nếu vi phạm do lỗi cố ý và có động cơ trục lợi. Cán bộ, công chức, viên chức dù đã nghỉ hưu mà các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền mới phát hiện được hành vi vi phạm trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn khi còn đương chức, tham nhũng, gây thất thoát tài sản... thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Hà Trang