Sửa Luật Bảo hiểm xã hội, cần đồng thời sửa Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp và Luật Thuế thu nhập cá nhân

(Pháp lý) – Xung quanh việc lấy ý kiến dự thảo sửa đổi Luật BHXH, dư luận đang quan tâm trước đề xuất lấy tiền lương và thu nhập làm căn cứ đóng BHXH bằng 70% thu nhập các loại. Theo chúng tôi đề xuất này là tích cực vì có lợi cho người lao động về lâu dài , nhưng khó khả thi nếu như áp dụng vào lúc này và khi chưa sửa đổi đồng bộ các luật liên quan như Luật Thuế thu nhập Doanh nghiệp, Luật Thuế thu nhập cá nhân…Bài viết sau đây, Luật gia Vũ Lê Minh sẽ phân tích làm rõ.
1-1682402544.jpg

Nút thắt cần được tháo gỡ là các giải pháp đưa ra phải đảm bảo hài hòa lợi ích của các bên

Đề xuất mức thu BHXH dựa vào 70% tổng thu nhập các loại: Tốt cho người lao động,  nhưng sẽ đội chi phí doanh nghiệp lên cao

Cả nước hiện có hơn 17,2 triệu người tham gia BHXH, trong đó khoảng 15,8 triệu người thuộc khu vực bắt buộc và 1,4 triệu người đóng BHXH tự nguyện, bao phủ 38% lực lượng lao động trong độ tuổi.

Kết quả thanh tra chuyên ngành của Bộ LĐ-TB-XH chỉ ra DN luôn tồn tại ba loại thu nhập của NLĐ: Loại làm căn cứ đóng BHXH, loại để quyết toán và loại trả cho NLĐ. Thu nhập làm căn cứ đóng BHXH luôn ở mức thấp nhất, chỉ bằng lương tối thiểu vùng cộng 7% với lao động qua đào tạo nghề và thêm 5-7% với người làm nghề nặng nhọc, nguy hiểm.

Đề xuất trên đang nhận được sự quan tâm của dư luận vì đảm bảo quyền lợi cho NLĐ về lâu dài. Nếu được luật hóa sẽ khắc phục được tình trạng trốn đóng, đóng không đủ BHXH, ảnh hưởng đến khả năng cân đối Quỹ BHXH và quyền lợi của NLĐ về lâu dài mà còn phù hợp với định hướng của Đảng và Nhà nước.

Trong khi NLĐ chưa hẳn đã vui mừng trước đề xuất trên; thì người trong cuộc (tức các doanh nghiệp - DN) cho rằng rất khó khả thi trong bối cảnh họ đang gồng mình “vượt bão” trước nền kinh tế toàn cầu đang suy thoái.

Giám đốc một DN nhỏ ở Bình Định tâm sự, tiền lương tháng lo trả đúng ngày (hiện nay các DN vẫn đóng tiền lương theo lương tối thiểu vùng) cho NLĐ còn khó, huống chi là tăng thêm chi phí đóng BHXH cho NLĐ. Còn bà Hoàng Thị Loan, Giám đốc Công ty CP Đ.T (Hà Nội) chia sẻ: “Như doanh nghiệp của tôi, lương công nhân chủ yếu theo sản phẩm, không ổn định, lúc cao, lúc thấp, mà nhân sự ra vào liên tục. Nếu cách tính bảo hiểm như vậy rất phức tạp, mất thời gian cho DN. Mà nếu mức đóng BHXH còn tăng hơn nữa trong bối cảnh khó khăn như hiện nay thì không chịu nổi, chúng tôi lo đóng BHXH thì làm gì có vốn để kinh doanh, phát triển. Trước mắt chúng tôi chỉ lo trụ vững hoạt động, qua đó cũng là tạo điều kiện cho lao động có công ăn việc làm”.

Dự thảo Luật BHXH sửa đổi đang được lấy ý kiến đến tháng 4, dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp Quốc hội tháng 10/2023 và thông qua tại kỳ họp giữa năm 2024. Bộ LĐ-TB-XH đưa ra 2 phương án tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc đối với người lao động đóng BHXH theo khu vực DN đang trả lương tối thiểu vùng. Phương án 1: tiền lương làm căn cứ đóng BHXH là tiền lương tháng bao gồm mức lương và phụ cấp lương, các khoản bổ sung khác xác định được mức tiền cụ thể cùng với mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật lao động. Phương án 2: tiền lương làm căn cứ đóng BHXH là tiền lương tháng bao gồm mức lương và phụ cấp lương, các khoản bổ sung khác theo quy định của pháp luật lao động.

So với phương án 1, tiền lương làm căn cứ đóng BHXH tại phương án 2 sẽ bao gồm thêm cả các khoản phụ cấp lương gắn với quá trình làm việc và kết quả thực hiện công việc của NLĐ. Nghĩatiền lương làm căn cứ đóng BHXH bao gồm mức lương và phụ cấp lương, các khoản bổ sung khác gắn với quá trình làm việc và kết quả thực hiện công việc của người lao động. Bộ LĐ-TB-XH đang nghiêng về phương án 2. Thực tế cho thấy, nhiều DN thời gian qua và hiện nay vẫn tồn tại tình trạng đối phó khi thực hiện đóng BHXH cho NLĐ bằng phương thức tách thành nhiều khoản trợ cấp, bổ sung khác để không đóng BHXH. Điều đó đã ảnh hưởng nhất định đến việc thụ hưởng các chế độ BHXH của NLĐ, đặc biệt là mức hưởng lương hưu khi về già, do mức hưởng được tính trên mức tiền lương làm căn cứ đóng BHXH của NLĐ. Vì vậy với phương án 2, Bộ LĐ-TB-XH kỳ vọng sẽ khắc phục được sự bất cập đó.

Sửa chính sách bảo hiểm, cần sửa cả chính sách thuế liên quan và phải đảm bảo “ sức khỏe” doanh nghiệp chịu được

Rõ ràng là đề xuất lấy tiền lương và thu nhập làm căn cứ đóng BHXH bằng 70% thu nhập rất là lý tưởng, có lợi cho NLĐ về dài hạn và số đông đang mong muốn điều đó trở thành hiện thực (vì DN phải đóng gấp hơn 2 lần NLĐ theo tỷ lệ cơ cấu). Song chúng ta cũng cần phải nhìn vào thực tế sức khỏe của các DN hiện nay và kể cả từ phía NLĐ trong ngắn hạn. Nói trong ngắn hạn từ phía NLĐ có nghĩa khi mà thu nhập trước mắt, gánh nặng cơm áo gạo tiền chưa thể rút bỏ ngay, thì với họ việc gia tăng tỷ lệ đóng BHXH chưa hẳn đã là niềm vui. Vì vậy nút thắt cần được tháo gỡ là các giải pháp đưa ra phải đảm bảo hài hòa lợi ích của các bên. Hay nói cách khác, NLĐ được tăng quyền lợi đóng BHXH nhưng thu nhập không giảm; còn DN tăng mức đóng BHXH nhưng chi phí không làm ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh, không làm ảnh hưởng đến công ăn việc làm cho NLĐ. Đó là mới là giải pháp bền vững cần hướng tới. Nghiên cứu từ thực trạng, chúng tôi đề xuất các giải pháp như sau:

a) Tăng mức đóng BHXH phải có lộ trình

Theo quy định tại Điều 7 Nghị định 146/2018/NĐ-CP, mức đóng BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp bắt buộc được trích đóng theo tiền lương tháng đóng BHXH của NLĐ hiện đang áp dụng là 32%. Tỷ lệ trích đóng BHXH của NLĐ và NSDLĐ khác nhau đối với từng đối tượng. Trong đó,  NSDLĐ đóng 21,5% (cụ thể là 14% vào chế độ hưu trí, 3% chế độ ốm đau - thai sản, 0,5% bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp, 1% vào bảo hiểm thất nghiệp và 3% bảo hiểm y tế). Còn NLĐ đóng 10,5% (cụ thể gồm 8% vào hưu trí, 1% bảo hiểm thất nghiệp và 1,5% bảo hiểm y tế).

Như vậy với đề xuất đóng tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bằng 70% thu nhập thì mỗi tháng nếu NLĐ có tổng thu nhập 10 triệu đồng (bao gồm tiền lương và các khoản phụ cấp có tính chất như lương), chỉ riêng đóng vào Quỹ hưu trí, NLĐ sẽ phải trích đóng 8%, còn DN trích đóng 14% của 7 triệu đồng. Điều đó có nghĩa cả NLĐ và DN đều phải bỏ ra khoản tiền cao hơn hiện tại. Trong bối cảnh tiền lương của NLĐ không đổi, lợi nhuận DN không tăng; thì khoản thu đó cho BHXH có khác gì gia tăng sự bào mòn cả từ hai phía. Chúng tôi cho rằng đề xuất tăng mức đóng BHXH bằng 70% thu nhập là đề xuất tích cực , nhưng nếu áp dụng vào thời điểm hiện nay là chưa phù hợp mà cần có lộ trình, ít nhất phải từ 5-10 năm nữa. Vì vậy việc lựa chọn phương án 2 trong dự thảo Luật BHXH sửa đổi lần này của Bộ LĐ –TB-XH là phù hợp.

Nghị quyết số 28 – NQ/TW của Hội nghị lần thứ 7 BCH Trung ương Đảng khóa XII về cải cách chính sách BHXH: “Nghiên cứu điều chỉnh tỉ lệ đóng vào Quỹ bảo hiểm xã hội theo hướng hài hoà quyền lợi giữa người sử dụng lao động và người lao động”

b) Cần sửa đổi giảm mức thuế thu nhập doanh nghiệp

Theo Bộ Tài chính từ 1/1/2016 đến nay, DN có quy mô nhỏ đang áp dụng chính sách thuế TNDN như các DN khác, với mức thuế suất phổ thông là 20%. Trước đó trong giai đoạn từ ngày 1/7/2013 - 31/12/2015, DN có quy mô nhỏ với doanh thu năm không quá 20 tỷ đồng được áp dụng thuế suất 20%, thấp hơn mức thuế suất 25% và 22% áp dụng đối với các doanh nghiệp khác. Riêng năm 2020-2021 bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 các DN quy mô nhỏ còn được giảm 30% số thuế TNDN phải nộp.

Trong dự thảo đề nghị xây dựng dự án Luật Thuế TNDN (sửa đổi) vừa trình lên Chính phủ, Bộ Tài chính dự kiến sẽ sửa đổi, bổ sung các nội dung nhằm đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật, đáp ứng và tương thích với các luật chuyên ngành được Quốc hội ban hành sau thời điểm Luật Thuế TNDN có hiệu lực. Một trong những nội dung đáng chú ý được Bộ Tài chính đề xuất đó là nghiên cứu bổ sung quy định về mức thuế suất đối với DN thuộc nhóm DN nhỏ và siêu nhỏ thấp hơn mức thuế suất thông thường để đồng bộ với Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, để góp phần thúc đẩy sự phát triển của các DN nhỏ và vừa và khuyến khích chuyển đổi hộ kinh doanh lên doanh nghiệp. Với định hướng đó, chắc chắn thuế suất thuế TNDN áp dụng đối với nhóm DN nhỏ và vừa sẽ không cào bằng 20% như hiện nay.

Theo chúng tôi là chưa đủ đối với DN nhỏ và vừa, nếu như muốn nhóm DN này thực hiện được đề xuất đóng BHXH cho NLĐ đảm bảo mức 70% tổng thu nhập, hay thậm chí là thực hiện theo lộ trình từ 5 - 7 năm tới. Nghĩa là ngoài tiêu chí nhỏ và vừa cần thiết bổ sung thêm tiêu chí được giảm thuế suất TNDN đối với những DN sử dụng nhiều lao động, nhằm tạo điều kiện cho DN có cơ hội đóng BHXH cho NLĐ đảm bảo theo quy định.

c) Cần khẩn trương sửa Luật thuế thu nhập cá nhân đã rất lạc hậu

Hiện mức giảm trừ gia cảnh đối với đối tượng nộp thuế đang áp dụng là 11 triệu đồng/tháng (132 triệu đồng/năm); mức giảm trừ đối với mỗi người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng/tháng. Trước đó, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế TNCN sửa đổi 2012 (áp dụng từ 1/7/2013) quy định mức giảm trừ đối với đối tượng nộp thuế là 9 triệu đồng/tháng (108 triệu đồng/năm); mức giảm trừ đối với mỗi người phụ thuộc là 3,6 triệu đồng/tháng. Việc điều chỉnh nâng mức giảm trừ gia cảnh của thuế TNCN theo từng giai đoạn đã góp phần giảm bớt nghĩa vụ cho người nộp thuế, số thuế phải nộp sẽ được giảm cho mọi đối tượng đang nộp thuế TNCN. Tuy nhiên việc giảm trừ áp dụng cào bằng không phân biệt người có thu nhập cao hay thấp, hay với nhu cầu tiêu dùng khác nhau…đặc biệt là quá lạc hậu với thực tế đời sống hiện nay.

2-1682402552.jpg

Mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế, người phụ thuộc của người nộp thuế hiện không theo kịp thực tế đời sống

Dự thảo sửa đổi Luật Thuế TNCN lần này, Bộ Tư pháp đề xuất giảm số bậc tính thuế TNCN với người làm công ăn lương từ 7 bậc xuống còn 5 bậc. Tuy nhiên việc điều chỉnh này chỉ giải quyết được thuế suất thuế TNCN phù hợp hơn với thuế suất thuế TNDN hiện nay. Trong khi đó biểu thuế lũy tiến từng phần đang áp dụng gồm 7 bậc, mỗi bậc cách nhau 5%. Có nghĩa nếu bỏ 2 bậc mà vẫn giữ mức cách biệt 5% như hiện nay thì mức thuế suất cao nhất sẽ về mức 25% thay vì 35%. Với hướng điều chỉnh này thì chỉ tác động đến nhóm có thu nhập cao, còn những người làm công ăn lương có mức thu nhập thấp hơn sẽ không được hưởng lợi gì.

Do vậy cùng với biện pháp giảm số bậc tính thuế TNCN, cần xem xét lại mức giảm trừ gia cảnh đang áp dụng hiện nay để theo kịp với thực tế đời sống hiện nay. Cần thiết phải điều chỉnh theo hướng mức giảm trừ không cố định mà tính bằng 4 - 5 lần lương tối thiểu vùng chẳng hạn. 

Nếu như ở Việt Nam thuế TNCN khống chế bằng một con số cố định thì ở nước ngoài các chi phí sinh hoạt cá nhân có chứng từ đều được giảm trừ khi tính thuế như: chi phí ăn uống, đi lại, học hành, sách vở… Vì vậy tại sao không, để tương thích với xu thế hội nhập, Luật Thuế TNCN sửa đổi cần giảm trừ thêm các chi phí hợp lý khác như tiền học phí cho con, tiền khám chữa bệnh, lãi vay mua căn nhà đầu tiên... Nói cách khác, Luật Thuế TNCN cần phải hướng tới việc điều tiết thu nhập trong xã hội thay vì chỉ tập trung hướng tới việc tăng thu ngân sách nhà nước…

Vũ Lê Minh

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin