Sửa đổi Luật Cán bộ công chức phải đảm bảo tương thích với Luật PCTN

Luật Cán bộ công chức dự kiến sẽ được sửa đổi sau khi Luật Phòng, chống tham nhũng sửa đổi đã được Quốc hội khóa XIV thông qua. Đảm bảo tính tương thích giữa 2 Luật là yêu cầu quan trọng nhằm phát huy vai trò của các luật trong quản lý cán bộ và hơn hết là phát huy hiệu quả trong phòng, chống tham nhũng.

Thêm những trách nhiệm cụ thể

Thời gian vừa qua, Thanh tra Chính phủ được giao chủ trì việc soạn thảo 2 dự thảo của Nghị định hướng dẫn Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN) và trình Chính phủ vào tháng 04/2019. Trong đó có Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật PCTN và Nghị định quy định về kiểm soát tài sản, thu nhập.

image001Nhiều chuyên gia nhận xét Dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật PCTN có những hướng dẫn hết sức thiết thực liên quan đến trách nhiệm của cán bộ công chức. Cụ thể, Điều 15 về trách nhiệm giải trình, Điều 20 về quy tắc ứng xử của người có chức vụ, quyền hạn. Theo đó, Người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ và trong quan hệ xã hội phải thực hiện quy tắc ứng xử, bao gồm các chuẩn mực xử sự là những việc phải làm hoặc không được làm phù hợp với pháp luật và đặc thù nghề nghiệp nhằm bảo đảm liêm chính, trách nhiệm, đạo đức công vụ.

Hay hướng dẫn cụ thể các quy định chống xung đột lợi ích như: Người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị không được làm những việc sau đây: a) Nhũng nhiễu trong giải quyết công việc; b) Thành lập, tham gia quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã, trừ trường hợp luật có quy định khác; c) Tư vấn cho doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân khác ở trong nước và nước ngoài về công việc có liên quan đến bí mật nhà nước, bí mật công tác, công việc thuộc thẩm quyền giải quyết hoặc tham gia giải quyết; d) Thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã thuộc lĩnh vực mà trước đây mình có trách nhiệm quản lý trong thời hạn nhất định theo quy định của Chính phủ; đ) Sử dụng trái phép thông tin của cơ quan, tổ chức, đơn vị; e) Những việc khác mà người có chức vụ, quyền hạn không được làm theo quy định của Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức, Luật Doanh nghiệp và luật khác có liên quan.

Hướng dẫn cụ thể về Tặng quà và nhận quà tặng (Điều 22); Về kiểm soát xung đột lợi ích (Điều 23). Theo đó: Người được giao thực hiện nhiệm vụ, công vụ nếu biết hoặc buộc phải biết nhiệm vụ, công vụ được giao có xung đột lợi ích thì phải báo cáo người có thẩm quyền để xem xét, xử lý; Cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân khi phát hiện có xung đột lợi ích của người có chức vụ, quyền hạn thì phải thông tin, báo cáo cho người trực tiếp quản lý, sử dụng người đó để xem xét, xử lý; Người trực tiếp quản lý, sử dụng người có chức vụ, quyền hạn khi phát hiện có xung đột lợi ích và nếu thấy việc tiếp tục thực hiện nhiệm vụ, công vụ không bảo đảm tính đúng đắn, khách quan, trung thực thì phải xem xét, áp dụng một trong các biện pháp sau đây: Giám sát việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ được giao của người có xung đột lợi ích; Đình chỉ, tạm đình chỉ việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ được giao của người có xung đột lợi ích; Tạm thời chuyển người có xung đột lợi ích sang vị trí công tác khác.

Hay quy định về vị trí công tác và thời hạn phải định kỳ chuyển đổi (Điều 25); Trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong phòng, chống tham nhũng (điều 70); Xử lý hành vi khác vi phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị (Điều 94).

Có thể nhận thấy đó là những quy định cụ thể về trách nhiệm nghĩa vụ của cán bộ, công chức, cơ quan đơn vị trong phòng ngừa tham nhũng.

Và thêm quyền lợi!

Nếu quy định trong Luật PCTN đặt ra yêu cầu đối với cán bộ công chức thêm những trách nhiệm nhất định thì dự thảo Luật Cán bộ công chức (CBCC) mới đây lại thiết kế cho họ thêm những quyền lợi chính đáng hơn. Chính sách trả lương theo vị trí việc làm sẽ giúp cán bộ, công chức được thêm quyền lợi. Nếu quá trình thực hiện được theo lộ trình như Nghị quyết Hội nghị T.Ư 7 về chính sách tiền lương, từ năm 2021 trên cả nước sẽ tiến hành trả lương theo vị trí việc làm và theo chức vụ lãnh đạo quản lý. Từ năm 2021 sẽ căn cứ kết quả công việc để trả lương; theo đó mỗi ngành có một số vị trí việc làm, trong mỗi vị trí xác định luôn mức lương riêng chứ không đều giữa mọi ngành như hiện nay. Theo Tiến sĩ Phan Lan Hương (Đại học Luật Hà Nội): Ưu việt nhất trong chính sách mới này theo tôi là giúp chấm dứt tình trạng “cào bằng” trong trả lương. Không cần biết bằng cấp gì, khi đã mô tả công việc theo một khung năng lực, một người dù mới vào hay lâu năm, cứ đáp ứng yêu cầu công việc tại vị trí việc làm đó, phải được trả lương tương xứng công sức bỏ ra và kết quả đạt được; không đáp ứng thì không được bố trí nữa. Như vậy, lương sẽ phản ánh thực chất năng lực, cống hiến. Đồng thời, lương sẽ trở thành thu nhập chủ yếu, không phải phụ cấp như từ trước đến nay. Hiện phụ cấp có khi chiếm tới 70 - 80% tổng thu nhập của một CBCCVC, nhưng từ 2021 sẽ ngược lại: 80% thậm chí 100% tổng thu nhập là lương.

 Trả lương theo vị trí việc làm sẽ giúp cán bộ, công chức có năng lực sẽ có thêm thu nhập (ảnh minh họa)
Trả lương theo vị trí việc làm sẽ giúp cán bộ, công chức có năng lực sẽ có thêm thu nhập (ảnh minh họa))

Trong năm 2018, TP. Hồ Chí Minh là tỉnh thành luôn than thiếu lãnh đạo. Ngày 5/3/2018, tại cuộc họp về kinh tế - xã hội, Chủ tịch UBND TP. HCM Nguyễn Thành Phong cho biết, hiện Ủy ban chỉ còn 3 lãnh đạo trực tiếp điều hành công việc. Ngoài ông Phong có Phó Chủ tịch Thường trực Lê Thanh Liêm và Phó Chủ tịch Trần Vĩnh Tuyến… Hai Phó Chủ tịch còn lại là ông Huỳnh Cách Mạng đang bị bệnh, bà Nguyễn Thị Thu vừa qua đời hôm 20/2. Các lĩnh vực trước đây do bà Thu phụ trách (giáo dục, y tế, văn hóa, lao động thương binh xã hội...) được giao cho ông Lê Thanh Liêm đảm nhận. Trước đó, có hàng loạt các cán bộ của nhiều tỉnh thành như Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh bị bắt vì vi phạm quản lý trong lĩnh vực đất đai. Có nhiều ý kiến khác nhau về những hiện tượng trên. Có ý kiến lại cho rằng đó là hậu quả pháp lý mà các cán bộ thành phố phải gánh khi đã có những cẩu thả, vụ lợi trong quá trình công tác. Có ý kiến cho rằng, là quan chức, quá nặng về trách nhiệm.

Vậy làm thế nào để trách nhiệm không làm “người có tài”, người muốn cống hiến nản lòng? Dự thảo Luật CBCC lần này có quy định rõ ràng về chính sách đối với người có tài năng (Điều 6). Theo đó, Nhà nước có chính sách để phát hiện, thu hút, bồi dưỡng, trọng dụng và đãi ngộ xứng đáng đối với người có tài năng. Khi có đãi ngộ xứng đáng, khi công chức sống được bằng lương và được đảm bảo đời sống khi nghỉ hưu thì hi vọng “nút thắt” đó sẽ được giải quyết.

Yêu cầu tương thích giữa hai Luật

Liên quan đến công tác cán bộ, hai đạo luật quan trọng bậc nhất điều chỉnh đó là Luật CBCC và Luật PCTN. Mục đích hàng đầu khi thiết kế Luật PCTN là tạo ra những “thanh gươm sắc bén” trong việc phòng chống tham nhũng. Còn đối với Luật CBCC thì để quản lý, sử dụng hiệu quả cán bộ, công chức. Vấn đề đặt ra là sửa đổi thế nào để Luật CBCC phát huy hiệu quả? Ông Nguyễn Hoài Nam, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam trong một hội thảo về đánh giá việc thực hiện Nghị quyết 19 và Nghị quyết 35 về cải cách môi trường kinh doanh gần đây từng nhận xét: “Doanh nghiệp mà vi phạm pháp luật thì ngay lập tức cơ quan nhà nước viện dẫn quy định để xử phạt. Nhưng cán bộ nhà nước mà làm gì vi phạm thì tìm đỏ mắt không thấy quy định nào để xử lý. Điều đáng nói thì ông Nam đã nói: "Tìm đỏ mắt không thấy phần riêng của trách nhiệm kỷ luật. Pháp luật không có quy định từng hành vi vi phạm của cán bộ thì bị xử lý thế nào? Cán bộ chậm trả lời thủ tục hành chính thì sẽ bị khiển trách hay cảnh cáo? Cán bộ cấp phép khai thác khoáng sản nằm ngoài quy hoạch thì bị hạ bậc lương hay cách chức? Cán bộ ra quyết định chỉ định thầu dự án thuộc diện phải đấu thầu thì bị cách chức hay buộc thôi việc?

Nhận định trên có thể chưa hoàn toàn chính xác, nhưng là điều mà các nhà làm luật cần lưu tâm để khi thiết kế các quy định về trách nhiệm của công chức, cần thiết kế các chế tài xử lý cụ thể khi công chức vi phạm. Đó cũng là biện pháp cần thiết nhằm phát huy vai trò hiệu quả của công cụ quản lý công chức bằng pháp luật.

Phan Phan

 

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin