Vốn đầu tư vào startup Việt năm 2022 có thể đạt 2 tỷ USD
Theo Báo cáo Đổi mới sáng tạo và Đầu tư công nghệ Việt Nam do Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (thuộc Bộ KH&ĐT) và quỹ đầu tư Do Ventures, bất chấp tác động của đại dịch Covid-19, tổng vốn đầu tư mạo hiểm cho các startup tại Việt Nam trong năm 2021 vẫn đạt kỷ lục vượt 1,5 tỷ USD. Con số này cao gấp 3 lần năm 2020 (451 triệu USD) và gấp 1,5 lần so với con số 874 triệu USD hồi năm 2019.
Kết quả trên đưa Việt Nam đứng thứ 3 Đông Nam Á (sau Singapore và Indonesia) về cả số lượng đầu tư và giá trị vốn đầu tư vào khởi nghiệp. Ngoài 4 kỳ lân công nghệ là các công ty khởi nghiệp được định giá trên 1 tỷ USD, số lượng các công ty được định giá vài trăm triệu USD cũng đang tăng trưởng mạnh mẽ.
Các lĩnh vực thanh toán, thương mại điện tử và trò chơi trực tuyến đang nhận được sự đầu tư nhiều nhất. Tổng số giao dịch các thương vụ trên 10 triệu USD đã vượt mức 1 tỷ USD, tăng hơn 250% so với năm trước. Tổng giá trị đầu tư vào ngành tài chính và thương mại điện tử vượt 650 triệu USD. Ngoài ra mảng y tế cũng thu hút dòng tiền đầu tư lớn, hơn 132 triệu USD.
Cuối tháng 12 vừa qua, Momo - ví điện tử hàng đầu tại Việt Nam công bố hoàn thành vòng gọi vốn thứ 5 (Series E), với số tiền đầu tư trị giá khoảng 200 triệu USD. Tháng 3/2022, SoBanHang - ứng dụng quản lý dành cho các tiểu thương, hộ kinh doanh nhỏ, lẻ bán hàng qua mạng - tiếp tục huy động vốn đầu tư thành công và nhận được 2,5 triệu USD từ FEBE Ventures, Class 5, Trihill Capital…
Tương tự, Mio - nền tảng thương mại xã hội - đã huy động được 8 triệu USD trong vòng gọi vốn series A. Kể từ vòng hạt giống từ tháng 5/2021 đến nay, Mio đã huy động được tổng cộng 9,1 triệu USD tiền đầu tư từ các quỹ như Jungle Ventures, Patamar Capital... Ngân hàng số Timo đầu năm nay cũng huy động được 20 triệu USD trong vòng gọi vốn dẫn dắt bởi Square Peg. Hay, Med247 - hệ thống phòng khám gia đình 4.0 có trụ sở tại Hà Nội - đã huy động thành công 4,5 triệu USD trong vòng series A từ Altara Ventures, Pavilion Capital, MiRXES…
Việt Nam đã bước sang năm thứ 7 kể từ thời điểm Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” (Đề án 844) được Thủ tướng ban hành. Số lượng quỹ đầu tư tham gia hoạt động tại Việt Nam cũng tăng mạnh khoảng 60% và phân bổ đồng đều giữa các quốc gia. Trong số đó, quốc gia có số lượng nhà đầu tư tích cực nhất trong năm 2021 là Singapore, kế tiếp là Việt Nam và Mỹ.
Dự báo, vốn đầu tư vào startup Việt năm 2022 có thể đạt 2 tỷ USD. Một số quỹ đầu tư mạo hiểm đã hoạt động tích cực tại Việt Nam không chỉ là quỹ có vốn đầu tư nước ngoài như IDG Ventures Vietnam, Cyber Agent, Mekong Capital, DFJ Vina Capital, ESP Capital, Innovatube mà còn cả quỹ đầu tư mạo hiểm nội địa đã được thành lập và hoạt động như: SeedCom, FPT Ventures, CMC Innovation Fund, VPBank Startup, VIISA, ESP, VSV, 500 Startups Vietnam… Các quỹ đầu tư này sẵn sàng bỏ vốn nếu DN có nền tảng về nguồn vốn tự có, cũng như tính khả thi của dự án khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo.
Đưa Việt Nam thành điểm đến đổi mới sáng tạo, thúc đẩy kinh tế số
Mặc dù vẫn ở giai đoạn còn non trẻ, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam đã có những chuyển mình mạnh mẽ trong năm qua. Kinh tế số được xác định là một trong ba trụ cột trong việc chuyển đổi số tại Việt Nam bao gồm chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.
Dự kiến, đến năm 2025, kinh tế số sẽ đóng góp 20% vào tổng sản phẩm nội địa (GDP), và đến năm 2030 Việt Nam sẽ đứng trong nhóm 50 quốc gia dẫn đầu về chính phủ điện tử. Việc các startup xuất hiện ngày càng nhiều và nở rộ tại Việt Nam cũng thúc đẩy mạnh cho kinh tế số.
Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và DN KH&CN (Bộ KH&CN) Phạm Hồng Quất cho biết, đến nay Việt Nam đã có khoảng 3.800 startups, và có 11 startups được định giá trên 100 triệu USD. Hiện nay, có hơn 200 quỹ đầu tư đang hoạt động ở Việt Nam và hơn 100 tổ chức thúc đẩy kinh doanh, cơ sở ươm tạo…
Trong thời gian tới, Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia tiếp tục đóng vai trò là cầu nối, để kết nối các DN tiếp tục tiếp cận hệ sinh thái đổi mới sáng tạo Việt Nam, thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo; hỗ trợ DN theo Nghị quyết của Chính phủ, đặc biệt các DN nhỏ và vừa chuyển đổi số. Trung tâm sẽ tiếp tục nghiên cứu và đề xuất các cơ chế chính sách vượt trội, khung pháp lý thử nghiệm (sandbox) nhằm khuyến khích hoạt động đổi mới sáng tạo trên phạm vi cả nước, đảm bảo sức cạnh tranh trong khu vực và quốc tế.
Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia Vũ Quốc Huy
Việt Nam đã đưa ra nhiều chính sách, cơ chế thúc đẩy dòng vốn đầu tư, từ quỹ trong và ngoài nước vào đổi mới sáng tạo. Hành lang pháp lý cho DN của nước ta đã dần được hoàn thiện, gần đây nhất là sự thay đổi về triết lý tiếp cận của Luật Đầu tư, Luật DN 2020, hướng tới tạo điều kiện hơn nữa, khuyến khích các nguồn đầu tư cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo…
Thị trường startup Việt Nam được đánh giá tiềm năng, Chính phủ có những cơ chế, chính sách tạo điều kiện để phát triển. Ngoài ra, các chính sách và tốc độ tăng trưởng kinh tế ổn định tại Việt Nam cũng góp phần củng cố niềm tin cho các nhà đầu tư. Khi Việt Nam mở cửa và việc đi lại giữa các quốc gia được bình thường hoá, hoàn toàn có thể kỳ vọng vào nguồn vốn đầu tư mạo hiểm sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ trong năm tới.
Hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam đang trong giai đoạn "vàng", và nhận được sự quan tâm rất lớn của giới đầu tư trong và ngoài nước. Chính vì vậy, theo ông Phạm Hồng Quất, cần tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý để tiến xa hơn trong giai đoạn thuận lợi này.
Theo bà Lê Hoàng Uyên Vy - Giám đốc điều hành Quỹ Do Ventures, hiện nay khung pháp lý đang được hoàn thiện trong nhiều lĩnh vực, nhưng một số lĩnh vực mới như tài chính chưa có khung pháp lý. Thậm chí, các nước trong khu vực đã triển khai những sàn giao dịch gọi vốn cho startup không đủ để IPO, chúng ta nên thử nghiệm.
Theo ông Phạm Hồng Quất, hiện Việt Nam đã kết nối với 21 làng công nghệ nước ngoài, hiệp hội khoa học công nghệ. Bên cạnh đó, các kiều bào nước ngoài hiện rất tiềm năng. Đây là những định hướng mở cần chú ý hơn để tạo đột phá trong năm 2022. Việc thiết lập mạng lưới đổi mới sáng tạo quốc gia trong đó có 3 đại diện vùng quan trọng, gồm trung tâm Hà Nội - TP Hồ Chí Minh - Đà Nẵng là điểm nhấn kết nối Việt Nam thành một hệ sinh thái.
Theo kinhtedothi.vn
Nguồn bài viết: https://kinhtedothi.vn/startup-viet-ghi-dau-an-voi-nhung-man-goi-von-trieu-usd.html