Rắc rối pháp lý của các tập đoàn lớn, ứng xử trong “thế giới phẳng” về pháp luật thế nào?

14/02/2020 15:39

(Pháp lý) - Tham gia các quan hệ kinh tế quốc tế, giới hạn tuân thủ pháp luật đến đâu? Những rắc rối pháp lý mà Tập đoàn công nghệ Ericsson, Google mắc phải được truyền thông đưa tin dịp cuối năm 2019 là lời nhắc nhở với doanh nghiệp khi tham gia hoạt động kinh tế xuyên quốc gia.

Những “ông lớn” gặp rắc rối pháp lý

Đầu tháng 12/2019, truyền thông quốc tế đưa tin gã khổng lồ công nghệ Ericsson của Thụy Điển đã chấp nhận trả hơn 1 tỷ USD để dàn xếp cuộc điều tra hối lộ ở nhiều nước gồm 5 quốc gia bao gồm Việt Nam, Trung Quốc, Djibouti, Indonesia và Kuwait. Bộ Tư pháp Mỹ cho biết Ericsson đã vi phạm từ năm 2000 và tiếp tục cho tới năm 2016.

Thỏa thuận dàn xếp trên được cho là thỏa thuận có giá trị cao nhất từ trước đến nay đối với vi phạm Luật Chống hành vi tham nhũng ở nước ngoài (FCPA) của Mỹ. Khoản tiền trong thỏa thuận bao gồm 520 triệu USD tiền phạt hình sự, nộp cho Bộ Tư pháp Mỹ, và 540 triệu USD nộp cho Ủy ban Chứng khoán (SEC).

Trong thông cáo, Bộ Tư pháp Mỹ cho biết Ericsson đã trả tiền phạt để “dàn xếp cuộc điều tra các hành vi vi phạm Luật Chống hành vi tham nhũng ở nước ngoài (FCPA)… chuyển tiền và khai khống hàng chục triệu USD một cách bất chính trên khắp thế giới”. “Thông qua các quỹ đen, tiền hối lộ, quà tặng, Ericsson thực hiện kinh doanh viễn thông với nguyên tắc chủ đạo là ‘đồng tiền biết nói’”, Georffrey Berman, công tố viên liên bang ở khu vực Nam New York, cho biết. “Lời nhận tội ngày hôm nay và việc chi trả hơn 1 tỷ USD tiền phạt gửi thông điệp rõ ràng tới mọi doanh nghiệp rằng làm ăn kiểu đó sẽ không được dung thứ”.

Việc Ericsson nhập cuộc các thị trường công nghệ đang phát triển và “ nhập gia tùy tục” tham gia các hoạt động kinh doanh, sử dụng tiền bạc cho việc hối lộ, dàn xếp để có được môi trường kinh doanh như mong muốn, việc đó có thể không bị phát hiện ở chính các nước mà Ericsson thực hiện hành vi, nhưng lại đe dọa quyền lợi của các nước liên quan.

“Ông lớn” Ericsson chấp nhận trả hơn 1 tỷ USD để dàn xếp cuộc điều tra hối lộ

Trong một diễn biến khác, hãng Google cũng gặp rắc rối pháp lý liên quan đến lao động. Bốn cựu nhân viên là Laurence Berland, Paul Duke, Rebecca Rivers và Sophie Waldman đã nộp đơn lên Ủy ban quan hệ lao động Quốc gia Mỹ (NLRB) hôm 5/12, tố Google sa thải họ trái luật chỉ vì phản đối một số chính sách. Khi làm việc tại Google, nhóm này không ủng hộ xây dựng công cụ tìm kiếm được kiểm duyệt tại Trung Quốc, hay kế hoạch riêng với Lầu Năm Góc và khuyến khích đồng nghiệp làm điều tương tự. Sau khi có đơn của người lao động, NLRB đã tiến hành điều tra nhằm vào Google.

Google cũng bị NLRB điều tra do không thực hiện cam kết cho phép người lao động có thể tự do nói chuyện với báo chí và một số hoạt động khác. Trước đó, hãng tìm kiếm Mỹ đưa ra danh sách hơn 20 quyền và biện pháp bảo vệ nhân viên tại văn phòng của mình, trong đó có hướng dẫn chi tiết cho nhân viên, giải quyết khiếu nại cho nhân viên (kể cả những người đã nghỉ việc), không can thiệp vào các chủ đề mà nhân viên thảo luận… Theo CNBC, cuộc điều tra của NLRB tập trung vào việc Google có vi phạm luật lao động hay không khi sa thải những nhân viên hoạt động công đoàn, cũng như liệu công ty có ngăn cản các quyền tự do của người lao động.

Trong khi đó, Google cho rằng nhóm nhân viên đã vi phạm chính sách công ty, nhưng không đề cập đến động thái điều tra của NLRB. "Chúng tôi đã sa thải bốn cá nhân có hành vi cố ý và thường xuyên vi phạm các chính sách về bảo mật dữ liệu đã có từ lâu, bao gồm truy cập, phổ biến một cách có hệ thống nhiều tài liệu và công việc của nhân viên khác trái phép", phát ngôn viên Google nói. "Không ai bị sa thải chỉ vì họ lo ngại hay tranh luận về các hoạt động của công ty".

Ứng xử trong “thế giới phẳng” về pháp luật thế nào?

Chia sẻ quan điểm về các sự kiện pháp luật kinh doanh quốc tế nêu trên, ông Trần Văn Lượng, Giảng viên bộ môn pháp luật, Trường Cao đẳng Lý Tự Trọng (TP.HCM) cho rằng: Theo quan điểm của tôi, đây là một dạng của hành vi cạnh tranh không lành mạnh. Cạnh tranh không lành mạnh của Ericsson thể hiện ở việc dùng các hoạt động hối lộ để giành hợp đồng, thị phần… ảnh hưởng đến môi trường cạnh tranh nói chung. Tại Hoa Kỳ, toà án đã xác định từ nguồn án lệ định nghĩa cạnh tranh lành mạnh là “các nguyên tắc giải quyết trung thực và công bằng” hoặc “đạo đức thị trường”. Hành vi đó gây thiệt hại hoặc có thể gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp khác hoặc người tiêu dùng nên cần bị xử lý.

Ủy ban Giao dịch và Chứng khoán Hoa Kỳ có thể làm được việc này vì luật pháp của Mỹ áp dụng nguyên tắc ‘ngoài lãnh thổ’ để buộc các nước khác tuân thủ luật pháp của Hoa Kỳ và bảo vệ quyền lợi của Mỹ. Như vậy, mọi doanh nghiệp trên thế giới, bất kể là của Mỹ hay ngoại quốc, nếu có các hành vi hối lộ các quan chức nhà nước ngoại quốc, đều có thể bị truy tố. Dĩ nhiên, các hành vi nói trên đều liên quan đến yếu tố Hoa Kỳ, ví dụ sử dụng đồng đô la Mỹ, thông qua ngân hàng Mỹ, thậm chí trao đổi thư điện tử có nội dung hối lộ qua một máy chủ đặt tại Hoa Kỳ…

“Ông lớn” Google cũng không tránh khỏi những rắc rối pháp lý khi sa thải người lao động

Thường thì các công ty nước ngoài tìm cách dàn xếp và nộp phạt (các ngân hàng BNP Parisbas, Société Générale của Pháp, Deutsche Bank của Đức…), bởi vì nếu bị cấm vào thị trường Mỹ, bị cấm giao dịch với các ngân hàng Mỹ hoặc dùng đô la Mỹ…, các doanh nghiệp này khó có thể tồn tại.

Ngoài ra, chính quyền Mỹ thẳng tay bắt giam các lãnh đạo những công ty bị cáo buộc vi phạm luật lệ Hoa Kỳ. Trường hợp đã xảy ra với Frédéric Pierucci, giám đốc phụ trách bán hàng và marketing của chi nhánh nồi hơi của tập đoàn Pháp Alstom, bị bắt năm 2013 ngay khi đặt chân đến sân bay New York.

Về việc vi phạm của google thì theo quy định chuẩn của Liên đoàn Lao động Quốc tế ILO (tiêu chuẩn chung của thành viên) thì người lao động bị xem là cưỡng bức ngay kể cả việc công ty buộc người lao động làm việc trái ý muốn của họ “khi dùng vũ lực, thủ đoạn…”. Điều đó có nghĩa là, người lao động được bảo vệ các quyền cơ bản trong lao động – có cả quyền tự do tư duy và biểu đạt. Về phần mình doanh nghiệp Google là người sử dụng lao động lại được quyền quyết định về những việc làm, những hành vi nào là tiết lộ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của người sử dụng lao động, khả năng gây thiệt hại nghiêm trọng hoặc đe doạ gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng về tài sản, lợi ích của người sử dụng lao động… đe dọa lợi ích doanh nghiệp để từ đó đưa ra các quyết định kỷ luật, mà chế tài sa thải – đuổi việc 04 nhân viên. Chính vì vậy Ủy ban quan hệ lao động Quốc gia Mỹ cần điều tra và đưa ra kết luận chính xác.

Nhìn nhận vi phạm như vậy để thấy rõ sự khác nhau trong quy định pháp luật của mỗi quốc gia và chuẩn mực pháp luật quốc tế mà mỗi doanh nghiệp hội nhập phải tuân thủ. Độ vênh của pháp luật trong mỗi quốc gia và giữa các quốc gia với nhau.

Còn Luật sư Nguyễn Mạnh Thuật (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) thì cho rằng: Trên thế giới có hai hệ thống pháp luật mà các tổ chức, cá nhân và quốc gia cần tuân thủ, đó là luật của mỗi quốc gia và “luật quốc tế”, trong đó luật quốc tế được hiểu là các hiệp định, điều ước quốc tế mà nhiều quốc gia tham gia ký kết hoặc thừa nhận. Luật quốc gia có hiệu lực trong phạm vi lãnh thổ của từng quốc gia, luật quốc tế có hiệu lực trên phạm vi lãnh thổ của các thành viên. Thông thường, các quốc gia lấy các quy định của hiệp định, điều ước quốc tế đã ký kết, tham gia rồi cụ thể hoá thành luật quốc gia hoặc sửa luật quốc gia cho phù hợp.

Trường hợp Mỹ buộc Ericsson nộp phạt 1 tỉ USD vì hối lộ quan chức 5 nước và Google bị điều tra vi phạm lao động, không phải việc áp dụng luật quốc tế mà là việc áp dụng luật quốc gia để xử lý vì luật của Mỹ cho phép cơ quan chức năng xử lý những tổ chức có hành vi vi phạm chuẩn mực, quy tắc chung, tập quán chung của quốc gia tại nước ngoài (hành vi ở nước ngoài, đôi khi hành vi đó được quốc gia khác cho là không vi phạm/trái pháp luật) họ mà “có thể gây thiệt hại” cho quốc gia họ. Ở đây, Ericsson và Google đều tham gia thị trường chứng khoán Mỹ, với mỗi hành vi vi phạm dù ở nước ngoài nhưng là nguy cơ gây thiệt hại thị trường của Mỹ.

Điều này cho thấy, kinh tế - pháp luật quốc gia và quốc tế đang tiến tới “thế giới phẳng” – không còn ranh giới, cảnh báo nhắc nhở mọi doanh nghiệp khi tham gia thị trường quốc tế cần tuân thủ các chuẩn mực chung, các quy định tại Hiệp định, Điều ước quốc tế. Mỗi vi phạm đều có thể bị xử lý bởi cơ quan chức năng quốc gia khác hoặc trọng tài quốc tế hoặc cơ quan tài phán quốc tế.

Phan Minh

Bạn đang đọc bài viết "Rắc rối pháp lý của các tập đoàn lớn, ứng xử trong “thế giới phẳng” về pháp luật thế nào?" tại chuyên mục Kinh doanh - Quốc tế. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin