(Pháp lý) - Thời gian gần đây ở Mỹ và Hàn Quốc nổi lên sự kiện pháp lý Tổng thống bị điều tra do nghi vấn liên quan đến vấn đề bầu cử hoặc tham nhũng. Thực thi các hoạt động tố tụng này có vai trò rất quan trọng của các Công tố viên. Vậy Công tố viên ở Mỹ và Hàn Quốc được luật pháp qui định và trao quyền cho họ thế nào?
Công tố viên và quyền lực của “siêu công tố viên” ở Mỹ
Các cơ quan công tố của Mỹ được phân chia theo cấp bang và liên bang. Ở cấp bang, do pháp luật mỗi bang khác nhau nên nhiệm vụ và quyền hạn của Công tố viên ở từng bang cũng khác nhau. Tuy nhiên, cơ quan công tố các cấp có nhiệm vụ chung là truy tố tội phạm ra trước Toà án.
Ở cấp bang, việc truy tố tội phạm bang do Chưởng lý liên bang truy tố. Mỗi bang đều có một Tổng chưởng lý và viên chức này có toàn quyền truy tố tất cả các tội phạm theo pháp luật bang quy định. Các tội phạm liên bang thường là những tội nghiêm trọng như buôn bán ma tuý, giết người, quan chức chính quyền phạm tội hoặc tham nhũng, các tội xâm phạm lợi ích an ninh quốc gia như phản quốc v.v… Các thông tin về chứng cứ đã được Điều tra viên thu thập sẽ được trình lên Bộ Tư pháp hoặc Chưởng lý liên bang. Sau đó, công tố viên liên bang sẽ quyết định có truy tố vụ việc ra Toà hay không.
Nói chung, trong quá trình điều tra, dù ở cấp bang hay liên bang thì công tố viên Hoa kỳ đều có quyền lực đáng kể. Họ có thể không chấp nhận hồ sơ buộc tội do cảnh sát gửi tới cho đến khi những yêu cầu về chứng cứ của họ được cảnh sát đáp ứng, họ cũng có thể từ chối phê chuẩn lệnh bắt giam của cảnh sát. Ngoài ra, Công tố viên còn có thể huỷ bỏ hoặc đình chỉ vụ việc khi xét thấy việc điều tra của cảnh sát không đúng thủ tục hoặc chứng cứ yếu, không đủ để buộc tội hoặc có khả năng Toà án sẽ không chấp nhận các chứng cứ đó. Nếu công tố viên quyết định truy tố vụ việc ra Toà thì họ có trách nhiệm buộc tội gì, bao nhiêu tội và mức độ nghiêm trọng của tội phạm. Quyết định truy tố của công tố viên có ảnh hưởng quan trọng đối với hình phạt mà kẻ phạm tội có thể bị Toà án tuyên phạt nếu bị kết tội. Công tố viên Hoa Kỳ còn thực thi quyền hạn đáng kể về các vấn đề hình phạt thông qua quyết định buộc tội..
Quyền tuỳ nghi truy tố là quyền đặc biệt của Công tố viên. Với tư cách là một nhân viên được bầu hoặc được bổ nhiệm, công tố viên là người có quyền lực nhất trong hệ thống tư pháp hình sự.
Mức độ tham gia của công tố viên vào các hoạt động điều tra của cơ quan điều tra liên bang rất khác nhau, không chỉ vì sự khác nhau của một số quy định pháp luật, mà còn bởi sự khác nhau trong tập quán và thực tiễn, và việc đó thường khác nhau giữa các điều tra viên và giữa các công tố viên với nhau. Phần lớn các công tố viên liên bang phải dựa vào các cơ quan điều tra liên bang độc lập để tiến hành những thủ tục điều tra theo yêu cầu. Các nhân viên FBI rất kiên quyết trong việc tiến hành hoạt động điều tra, nếu như có thể, mà không có bất kỳ sự tham gia nào của công tố viên. Khi đã kết thúc việc điều tra của mình, họ sẽ chuyển kết luận điều tra vắn tắt cùng với lời khai của nhân chứng tới cho công tố viên để xem xét quyết định truy tố.
Đáng chú ý, theo luật pháp Mỹ, trong những sự vụ đặc biệt sẽ trao quyền cho các Công tố viên đặc biệt. Cách đây hơn 1 tháng, ông Robert Mueller được Thứ trưởng Tư pháp Mỹ - Rod Rosenstein bổ nhiệm làm công tố viên đặc biệt trong bối cảnh những tranh cãi về sự can thiệp của Nga vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ hồi năm ngoái ngày càng trở nên căng thẳng. Công tố viên Robert Mueller được phép điều tra mọi khía cạnh liên quan đến cáo buộc Nga can thiệp bầu cử Mỹ và ra quyết định khởi tố.
"Công tố viên đặc biệt sẽ có mọi quyền lực của một công tố viên liên bang, nhưng ông ấy sẽ làm việc ngoài hệ thống chỉ đạo thông thường của Bộ Tư pháp", Brian C. Kalt, Giáo sư luật tại Đại học bang Michigan, cho biết.
Giáo sư Kalt cho rằng sự độc lập này là rất quan trọng, bởi "việc để chính quyền tự điều tra chính mình là rất có vấn đề". Mặc dù vậy, Mueller không phải là công tố viên độc lập hoàn toàn. Trên lý thuyết, Thứ trưởng Tư pháp Rosenstein hoàn toàn có quyền sa thải ông.
Trong tuyên bố của mình, Roseinstein nhấn mạnh công tố viên đặc biệt Mueller có quyền "lần theo sự thật, áp dụng luật pháp và thu được kết quả công minh", đồng nghĩa với việc phạm vi điều tra của Mueller có thể được mở rộng. Bộ Tư pháp cũng nói rõ rằng công tố viên đặc biệt này được phép tiến hành cuộc điều tra bao gồm "bất cứ vấn đề nào đã và sẽ phát sinh trực tiếp từ hoạt động điều tra cũng như bất cứ vấn đề nào khác trong phạm vi điều tra" theo quy định của pháp luật Mỹ. Luật pháp Mỹ quy định công tố viên đặc biệt được "thực hành trong phạm vi quyền hạn của mình quyền và thẩm quyền độc lập tiến hành mọi chức năng điều tra và công tố tương đương bất cứ chưởng lý nào của Mỹ".
Jon Harris, cây bút phân tích của Opslens, cho biết với phạm vi quyền lực rộng như vậy, Mueller có thể tiến hành một cuộc điều tra toàn diện các hành vi phạm pháp, ký ban hành trát hầu tòa và thậm chí có thể ra quyết định khởi tố. Ông cũng được phép bổ nhiệm các trợ lý, nhân viên để giúp sức trong cuộc điều tra của mình.
Tuy nhiên, Peter Zeidenberg, cựu trợ lý công tố viên đặc biệt Mỹ, cho rằng điểm hạn chế của công tố viên đặc biệt là họ không được phép công khai những bí mật mà mình tìm ra trong quá trình điều tra.
Bởi vậy, chẳng hạn Mueller tìm ra một bằng chứng rất quan trọng nhưng nó đang ở Nga và không thể thu thập được, ông khó có thể ra quyết định khởi tố, thậm chí có thể phải giữ bí mật thông tin đó mãi mãi. "Việc công tố viên đặc biệt công khai kết quả một cuộc điều tra mà không dẫn tới quyết định khởi tố là hành vi phạm luật", Zeidenberg cho biết.
Quyền lực của “ siêu công tố viên” ở Mỹ
Tại Mỹ, công tố viên đặc biệt sẽ được chỉ định khi xuất hiện nhiều nghi vấn về xung đột lợi ích có khả năng bóp méo kết quả điều tra đối với các định chế then chốt của chính quyền, hoặc khi xảy ra những điều kiện đặc biệt cần điều tra nhân danh lợi ích công cộng.
Công tố viên đặc biệt là chức danh được xem như “siêu công tố viên” với thẩm quyền mở rộng. Trên thực tế công tố viên đặc biệt có toàn quyền hành động. Với chức danh này, ông Mueller sẽ hoạt động với tính chất độc lập cao hơn công tố viên liên bang bình thường hoặc Giám đốc FBI. Thông thường công tố viên đặc biệt được lựa chọn từ các thẩm phán cấp cao đã nghỉ hưu vì người được chỉ định đã có nhiều kinh nghiệm pháp lý và nghề này không phụ thuộc bộ máy chính phủ.
Vai trò của Công tố viên theo tố tụng hình sự Hàn Quốc
Vai trò của Công tố viên trong hệ thống tư pháp hình sự của Hàn Quốc có thể được phân thành 3 lĩnh vực: Điều tra, truy tố và những vấn đề khác liên quan đến chứng minh tội phạm và thi hành án.
Ở Hàn Quốc, Công tố viên được trao quyền hạn và trách nhiệm chỉ đạo và hướng dẫn cảnh sát thực hiện quá trình điều tra hình sự, khắc phục những thiếu sót trong quá trình điều tra hoặc trực tiếp điều tra đối với một số vụ án có tác động quan trọng đối với trật tự xã hội và cuộc sống bình thường của các công dân như: những vụ án lừa đảo, kinh tế, tham nhũng, các tội phạm ma tuý và tội phạm có tổ chức v.v….. Cảnh sát có nghĩa vụ tuân thủ hướng dẫn của Công tố viên trong suốt cuộc điều tra và chuyển những vụ án đó cho Công tố viên để ra quyết định cuối cùng. Phần việc lớn nhất của Công tố viên khi thực thi chức năng công tố nằm trong tiến trình tố tụng hình sự.
Thêm vào đó, với tư cách là người đại diện cho lợi ích công, họ cũng thực hiện những nhiệm vụ khác nhau bao gồm cả vai trò của người bảo vệ nhân quyền trong tố tụng hình sự và Luật sư đại diện cho Nhà nước bảo vệ quyền và lợi ích của công chúng.
Nhận thức về tầm quan trọng về vai trò của Công tố viên, Luật về cơ quan công tố của Hàn Quốc đã quy định Bộ trưởng Tư pháp, với tư cách là người giám sát cao nhất chức năng công tố có thể hướng dẫn và giám sát chung đối với các Công tố viên nhưng không được chỉ đạo đối với từng vụ án cụ thể mà chỉ có thể hướng dẫn và giám sát Tổng trưởng công tố. Đây là một quy định bảo đảm an toàn cho địa vị của Công tố viên với tư cách là một quan chức bán tư pháp bằng việc bảo vệ tính độc lập cho từng Công tố viên khỏi những ảnh hưởng liên quan đến vụ án mà họ đang giải quyết.
Các tiêu chuẩn của Công tố viên và Thẩm phán giống hệt nhau, đó là: Phải trải qua kỳ thi tư pháp quốc gia và tiếp đó là một khóa 2 năm đào tạo trong Học viện nghiên cứu và đào tạo tư pháp. Ngoài những yêu cầu này, một số kinh nghiệm chuyên môn cũng là yếu tố cần thiết khi bổ nhiệm Công tố viên ở cấp bậc cao. Nhìn chung là Công tố viên có 4 cấp: Tổng trưởng công tố, Công tố viên trưởng cấp cao, Công tố viên trưởng và Công tố viên.
Địa vị của Công tố viên giống như Thẩm phán được pháp luật bảo đảm. Công tố viên không thể bị bãi nhiệm hay đình chỉ công tác khi thực thi quyền hạn của mình hoặc không thể bị cắt giảm lương trừ khi bị hình thức kỷ luật, buộc tội hình sự và trừng phạt bằng hình phạt tù hoặc những hình thức trừng phạt nghiêm khắc hay những hành động kỷ luật trên cơ sở những quy định của pháp luật.
Về vai trò của Công tố viên trong hoạt động điều tra: Hiến pháp và Bộ luật tố tụng hình sự của Hàn Quốc đề cập tới thẩm quyền của Công tố viên khởi đầu và kết luận về quá trình điều tra vụ án hình sự theo nguyên tắc pháp quyền giống như các nước Châu Âu tiên tiến như Pháp hay Cộng hòa liên bang Đức.
Do đó, Công tố viên được trao quyền hạn và trách nhiệm duy nhất là thực hiện điều tra hình sự và cảnh sát được yêu cầu thực hiện nhiệm vụ dưới sự chỉ đạo và hướng dẫn của Công tố viên. Nguyên do của quy định như đã nêu trên là để buộc trách nhiệm của Công tố viên phải đảm bảo sự tuân thủ pháp luật của cảnh sát và tiến hành tố tụng công bằng bằng cách đưa ra những chỉ đạo tiến bộ, đồng thời ngăn ngừa cảnh sát có những hành vi vi phạm quyền con người trong quá trình điều tra.
Tuy vậy, vì việc điều tra chỉ có thể do Công tố viên kết luận nên trong tất cả những vụ án do cảnh sát điều tra đều phải được gửi đến Công tố viên để ra quyết định cuối cùng. Khi vụ án đã được chuyển cho Công tố viên, thì Công tố viên sẽ mở cuộc kiểm tra toàn diện để xem xét những biện pháp điều tra của cảnh sát có thích hợp hay không và tất cả những quy định của pháp luật liên quan đến thủ tục tố tụng công bằng sẽ được thẩm định. Nếu những vấn đề nêu trên không có trong vụ án, Công tố viên sẽ ra lệnh cho cảnh sát điều tra lại hoặc thực hiện việc khắc phục những thiếu sót trong quá trình điều tra.
Khi đã kết thúc điều tra vụ án, Công tố viên phải đưa ra quyết định có đưa ra lời buộc tội hay không. Nếu Công tố viên không đưa ra cáo trạng thì hành động này thông thường được gọi là không truy tố.
Công tố viên cũng có thể thực hiện quyền tự quyết là không buộc tội mà không cần quan tâm đến chứng cứ trong khi xem xét đến những trường hợp cụ thể của kẻ bị tình nghi và bản chất của tội phạm thông qua một thủ tục gọi là đình chỉ buộc tội.
Thêm vào đó, Công tố viên ở Hàn Quốc còn có trách nhiệm đảm bảo công bằng xã hội bằng cách trực tiếp điều tra một số vụ án có tác động quan trọng đối với trật tự xã hội và cuộc sống bình thường của các công dân như: những vụ án lừa đảo kinh tế, tham nhũng của công, các tội phạm ma tuý và tội phạm có tổ chức v.v…
Địa vị quan trọng của Công tố viên ở Hàn Quốc
Luật về cơ quan công tố của Hàn Quốc quy định Bộ trưởng Tư pháp, với tư cách là người giám sát cao nhất chức năng công tố có thể hướng dẫn và giám sát chung đối với các Công tố viên nhưng không được chỉ đạo đối với từng vụ án cụ thể mà chỉ có thể hướng dẫn và giám sát Tổng trưởng công tố. Đây là một quy định bảo đảm an toàn cho địa vị của Công tố viên với tư cách là một quan chức bán tư pháp bằng việc bảo vệ tính độc lập cho từng Công tố viên khỏi những ảnh hưởng liên quan đến vụ án mà họ đang giải quyết. Các công tố viên Hàn Quốc đóng vai trò quan trọng trong việc điều tra, truy tố cựu Tổng thống Park Geun-hye với tội danh nhận hối lộ.( Ảnh: cựu Tổng thống Park Geun-hye (phía trước, thứ nhất từ phải sang) sau một phiên tòa ở Seoul).
Hà Trang (tổng hợp)