Quốc hội nghe báo cáo thẩm tra dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật tổ chứ Chính phủ & Luật tổ chức chính quyền địa phương

25/05/2019 09:32

Chiều ngày 24/5, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV, Quốc hội nghe Báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu điều hành phiên họp.

Toàn cảnh phiên họp
Toàn cảnh phiên họp)

Phát biểu tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc định cho biết, Ủy ban Pháp luật tán thành việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương nhằm kịp thời thể chế hóa và cụ thể hóa Nghị quyết của Đảng, của Quốc hội, đồng thời khắc phục những vướng mắc, bất cập trong quá trình thi hành luật thời gian qua. Hồ sơ, tài liệu về dự án Luật được chuẩn bị nghiêm túc, kỹ lưỡng, bảo đảm đúng theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Nội dung dự án Luật phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng; bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất với hệ thống pháp luật.

Về phạm vi sửa đổi, bổ sung của dự thảo Luật, Ủy ban Pháp luật tán thành đề nghị của Chính phủ, trong lần này chỉ sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương và dùng một luật để sửa hai luật, trong đó tập trung vào vấn đề tinh gọn bộ máy, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền và rà soát lại chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của một số cơ quan hành chính nhà nước. Đối với những nội dung khác được đề cập trong Nghị quyết của Đảng, của Quốc hội thì có thể được thể chế hóa, cụ thể hóa bằng các văn bản, chương trình, đề án khác và triển khai thực hiện trong quá trình đổi mới hoạt động chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, chính quyền địa phương. Tuy nhiên, qua rà soát, Ủy ban Pháp luật đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu, giải trình, báo cáo rõ với Quốc hội 4 nội dung nêu trong Báo cáo thẩm tra đầy đủ, nội dung nào cần đưa vào Luật sửa đổi, bổ sung lần này, nội dung nào cần cụ thể hóa trong các văn bản, chương trình, đề án khác.

Đối với Luật Tổ chức Chính phủ, đa số ý kiến trong Ủy ban Pháp luật tán thành Điều 23 của Luật Tổ chức Chính phủ được sửa đổi, bổ sung theo hướng Chính phủ quy định khung số lượng cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện và quy định về tiêu chí thành lập, số lượng biên chế tối thiểu, số lượng lãnh đạo cấp phó tối đa của một tổ chức thuộc cơ cấu tổ chức của Bộ, ngành, chính quyền địa phương; cho rằng, quy định như vậy đã quán triệt tinh thần của Trung ương là đẩy mạnh phân cấp và tạo sự chủ động, linh hoạt cho địa phương, Bộ, ngành trong việc thực hiện quyền xác định cơ cấu “mềm” và thực hiện việc bố trí cấp phó phù hợp cho các đơn vị trực thuộc trong tổng số cấp phó được có. Tuy nhiên, cũng có ý kiến trong Ủy ban Pháp luật cho rằng, theo quy định tại khoản 3 Điều 23 của Luật Tổ chức Chính phủ hiện hành, Chính phủ hoàn toàn có cơ sở để quy định vấn đề này và trên thực tế Chính phủ vẫn đang thực hiện.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc định trình bày Báo cáo thẩm tra
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc định trình bày Báo cáo thẩm tra)

Về nhiệm vụ, quyền hạn của Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Pháp luật tán thành với Điều 28 của Luật Tổ chức Chính phủ được sửa đổi, bổ sung theo hướng: bảo đảm Chính phủ thống nhất trong quản lý nhà nước về cán bộ, công chức, viên chức; xác định thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ trong việc thành lập, sáp nhập, giải thể các cơ quan hành chính nhà nước khác thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện; quy định rõ thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ trong việc ủy quyền thực hiện những nội dung thuộc thẩm quyền của mình về quản lý công chức, viên chức. Ủy ban Pháp luật cho rằng, việc sửa đổi, bổ sung này nhằm đẩy mạnh việc phân cấp, ủy quyền giữa Thủ tướng Chính phủ với Bộ, ngành, địa phương trong công tác quản lý cán bộ, công chức, viên chức, bảo đảm công tác quản lý, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức chất lượng, hiệu quả hơn.

Liên quan đến nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ trưởng, Ủy ban Pháp luật cho rằng nội dung sửa đổi, bổ sung một số quy định tại Điều 34 là hợp lý, phù hợp với chủ trương của Đảng về công tác cán bộ, bảo đảm tính thống nhất với các quy định đang được sửa đổi, bổ sung trong Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức và thống nhất với việc sửa đổi thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, bổ sung thẩm quyền của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ trong việc “cho từ chức” và “biệt phái” đối với cán bộ, công chức, viên chức thuộc thẩm quyền quản lý của mình; bãi bỏ thẩm quyền của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ trong việc “quyết định thành lập các tổ chức phối hợp liên ngành”.

Đối với Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Ủy ban Pháp luật nhận thấy Luật Tổ chức chính quyền địa phương hiện hành quy định Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện có 02 Phó Chủ tịch nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả cho hoạt động của Hội đồng nhân dân. Quy định này không làm tăng thêm biên chế ở địa phương so với trước đó, vì thực chất một biên chế được nâng từ chức danh “Ủy viên Thường trực” của Hội đồng nhân dân lên Phó Chủ tịch. Việc giữ nguyên số lượng Phó Trưởng ban chuyên trách của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh là nhằm bảo đảm thực hiện tốt các nhiệm vụ, quyền hạn của các Ban của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh. Đây là những vấn đề đã được báo cáo và được sự đồng ý của Bộ Chính trị (khóa XI) trước khi Quốc hội biểu quyết đưa vào Luật hiện hành. Vì vậy, đề nghị Chính phủ cần có đánh giá tác động thật kỹ vì đổi mới phải đồng thời nhằm đáp ứng yêu cầu nâng cao hiệu quả hoạt động và chất lượng công việc chứ không chỉ nhằm mục tiêu giảm biên chế. Việc đánh giá tác động cần làm rõ nếu giảm số lượng các chức danh này thì trên toàn quốc sẽ giảm được bao nhiêu biên chế và số lượng cán bộ dôi dư này sẽ sắp xếp, bố trí thế nào cho phù hợp; đồng thời, chất lượng, hiệu quả hoạt động của Hội đồng nhân dân tăng lên hay giảm đi.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc định nêu rõ, do trong hồ sơ Chính phủ trình chưa có đánh giá tác động kỹ nên ý kiến thảo luận trong Ủy ban Pháp luật còn khác nhau: nhiều ý kiến đề nghị giữ nguyên như Luật hiện hành; một số ý kiến đề nghị chỉ giảm 01 Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân ở cấp huyện, còn giữ nguyên số Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Phó Trưởng Ban chuyên trách của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh; một số ý kiến đề nghị giữ nguyên 02 Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân ở thành phố trực thuộc trung ương và các tỉnh là đơn vị hành chính loại I, các tỉnh còn lại và cấp huyện thì giảm 01 người. Có ý kiến đề nghị giảm 01 Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân nhưng tăng 01 Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân.

Ủy ban Pháp luật cũng đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các điều khoản về nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của mỗi cấp chính quyền địa phương trong Luật Tổ chức chính quyền địa phương; đồng thời rà soát các luật chuyên ngành có liên quan để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật về phân quyền, phân cấp. Đối với những địa phương đã tự chủ được kinh phí ngân sách thì cần đẩy mạnh hơn việc phân quyền, phân cấp. Đồng thời, cũng cần nghiên cứu thêm vấn đề giao chỉ tiêu biên chế phù hợp với quy mô dân số, diện tích tự nhiên, quy mô phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương. Khi phân quyền, phân cấp sẽ giao cho địa phương nhiều nhiệm vụ, quyền hạn hơn nhưng vẫn phải bảo đảm thực hiện chủ trương của Đảng là tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, nâng cao hiệu quả, chất lượng hoạt động. Đồng thời, quy định cụ thể hơn nhiệm vụ, quyền hạn của từng cấp chính quyền và ở từng loại đơn vị hành chính để khắc phục tình trạng trùng lắp, chồng chéo, không phân định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của mỗi cấp chính quyền địa phương cũng như của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp; tránh tình trạng có việc thì cả ba cấp cùng làm, nhưng cũng có việc thì không rõ cấp nào chịu trách nhiệm chính. Cần làm rõ vấn đề ủy quyền của cá nhân và ủy quyền của tập thể, cũng như loại công việc được ủy quyền và không được ủy quyền, cơ chế ủy quyền, việc ủy quyền tiếp, trách nhiệm của các bên trong ủy quyền.

Ngoài ra, Ủy ban Pháp luật đề nghị Ban soạn thảo làm rõ hơn căn cứ pháp lý để dự thảo Luật giao thẩm quyền cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong việc quy định cụ thể cơ cấu tổ chức của chính quyền địa phương cấp huyện ở hải đảo và việc tổ chức chính quyền địa phương tại đơn vị hành chính cấp xã ở hải đảo trong trường hợp đơn vị hành chính cấp huyện ở hải đảo được chia thành các đơn vị hành chính cấp xã (sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 72 của Luật Tổ chức chính quyền địa phương). Theo quy định tại khoản 6 Điều 70 của Hiến pháp thì nội dung này thuộc thẩm quyền của Quốc hội.

Về bộ máy giúp việc của chính quyền địa phương, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh, chủ trương hợp nhất Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, Văn phòng Hội đồng nhân dân, Văn phòng Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thành một Văn phòng đã được nêu tại Nghị quyết số 18-NQ/TW. Hiện tại, đã có 12 địa phương thực hiện thí điểm theo Nghị quyết số 580/2018/UBTVQH14 ngày 04/10/2018 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Vì vậy, đề nghị dự thảo Luật cần sửa đổi, bổ sung các quy định có liên quan đến bộ máy giúp việc của chính quyền địa phương để tạo cơ sở pháp lý cho việc thực hiện hợp nhất các Văn phòng này.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc cho biết, trên cơ sở Báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Ủy ban Pháp luật trân trọng báo cáo Quốc hội./.

Theo quochoi.vn

Nguồn bài viết: http://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=40411

Bạn đang đọc bài viết "Quốc hội nghe báo cáo thẩm tra dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật tổ chứ Chính phủ & Luật tổ chức chính quyền địa phương" tại chuyên mục Diễn đàn - Luật gia. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin