Phản bác luận điệu xuyên tạc chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

03/06/2022 09:40

Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình đề ra và bế mạc vào chiều ngày 10/5. Một trong những nội dung quan trọng được cho là điểm nhấn của Hội nghị được cán bộ, đảng viên và nhân dân phấn khởi quan tâm, đó là Hội nghị đã thảo luận và thống nhất chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTN,TC). Tuy nhiên, các đối tượng xấu đã lợi dụng việc này, xuyên tạc, loan tin cho rằng đó là chủ trương sai lầm, gây phân tâm trong xã hội.

hoi-nghi-tw-5-1654227690.jpg
Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã thảo luận và thống nhất chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về PCTN, TC.

Cánh tay nối dài của Đảng trong PCTN, TC

Kết quả điều tra dư luận xã hội về công tác phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam do Viện Dư luận xã hội - Ban Tuyên giáo Trung ương thực hiện vào cuối tháng 8/2020 cho thấy, có 75% số người được hỏi ghi nhận và đánh giá cao “sự lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước”; có 93% cán bộ, đảng viên và nhân dân tin tưởng vào sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng.

Từ đầu năm 2022 đến nay, các cơ quan tố tụng cả nước đã khởi tố, điều tra 1.264 vụ/2.038 bị can, truy tố 742 vụ/1.594 bị can, xét xử sơ thẩm 737 vụ/1.567 bị cáo về các tội tham nhũng, kinh tế, chức vụ. Trong đó, đã khởi tố, điều tra nhiều vụ án lớn, đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp; đã khởi tố 8 cán bộ diện Trung ương quản lý. Điều đó cho thấy, công tác PCTN,TC dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đang đi đúng hướng và được thực hiện rất quyết liệt, hiệu quả với quyết tâm chính trị cao nhất.

Trong nhiệm kỳ Đại hội XII, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật hơn 87.000 cán bộ, đảng viên, trong đó có trên 32.000 đảng viên bị kỷ luật liên quan đến tham nhũng; đã thi hành kỷ luật hơn 110 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý (27 Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng; 4 Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị; hơn 30 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang).

Song song với kết quả PCTN, TC của Đảng và Nhà nước đạt được thời gian qua làm phấn chấn lòng dân cả nước thì ngược lại công tác PCTN, TC ở một số bộ, ngành, địa phương bị khựng lại vì nhiều lý do khác nhau. Vẫn còn tình trạng “trên nóng, dưới lạnh” trong đấu tranh PCTN, TC. Biểu hiện rõ nét nhất là tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong khu vực hành chính, dịch vụ công... Những tồn tại, hạn chế đó có nguyên nhân từ tổ chức bộ máy các cơ quan chức năng PCTN, TC chưa thống nhất, đồng bộ từ Trung ương đến địa phương; một số cấp ủy, tổ chức Đảng chưa quan tâm đúng mức lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát công tác PCTN, TC tại địa phương; cơ chế chỉ đạo phối hợp giữa các cơ quan chức năng PCTN, TC ở địa phương chưa được tập trung, thống nhất do chưa có một “nhạc trưởng” “tổng chỉ huy” để chỉ đạo phối hợp trong thực hiện nhiệm vụ PCTN, TC.

Trong khi đó thời gian qua, mặc dù chưa có chủ trương hay quy định về thành lập Ban chỉ đạo cấp tỉnh về PCTN, TC, song một số địa phương (Hà Nội, Thái Bình, Sóc Trăng…) đã thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện nghị quyết, đề án, chương trình hành động của Tỉnh ủy, Thành ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác PCTN. Thậm chí, Tỉnh ủy An Giang đã thành lập Ban Chỉ đạo để tham mưu, giúp Tỉnh ủy chỉ đạo xử lý một số vụ việc, vụ án tham nhũng, tiêu cực, phức tạp xảy ra trên địa bàn. Tại một số địa phương khác, quá trình lãnh đạo, chỉ đạo công tác PCTN, TC tại địa phương đã bộc lộ một số bất cập, nhất là trong chỉ đạo phát hiện, xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực, nên nhiều Tỉnh ủy, Thành ủy đã đề xuất, kiến nghị thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về PCTN, tiêu cực.

Thực tế cũng cho thấy, vấn đề tham nhũng, tiêu cực không phải chỉ ở cấp Trung ương mà xảy ra từ cấp xã đến huyện, tỉnh. Việc hàng loạt các cán bộ lãnh đạo chủ chốt ở các địa phương Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Thuận, Bình Dương… thời gian qua bị xử lý kỷ luật và truy cứu trách nhiệm hình sự vì đã có hành vi vi phạm pháp luật trong quản lý và sử dụng đất đai, đã nói lên rất nhiều điều. Không chỉ báo động thực trạng đau lòng về sự tha hóa xuống cấp nghiêm trọng về đạo đức cách mạng của một bộ phận cán bộ, đảng viên chủ chốt ở cấp cơ sở; mà còn chứng tỏ cuộc chiến chống tham nhũng và tiêu cực của Đảng không còn giới hạn “trên cao” mà bắt đầu khởi động tới cấp cơ sở. Qua đó, giúp cho công tác đấu tranh chống tham nhũng liền mạch, chặt chẽ, thống nhất theo hệ thống từ Trung ương đến địa phương.

Như vậy, cả về lý luận và thực tiễn đã cho thấy chúng ta có đủ cơ sở để thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh đủ mạnh để chỉ đạo, lãnh đạo công tác PCTN, tiêu cực ở địa phương, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ, rõ rệt hơn, bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp, tập trung, thống nhất và toàn diện của Tỉnh ủy, Thành ủy và Ban Chỉ đạo Trung ương đối với công tác PCTN, TC. Trong không khí “không dừng”, “không nghỉ”, cả hệ thống chính trị vào cuộc để PCTN, tiêu cực, quyết tâm chính trị và sự ủng hộ xã hội mạnh mẽ đối với hoạt động PCTN, TC thì đây là thời điểm “chín muồi” để thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về PCTN, TC cấp tỉnh.

Những tiếng nói lạc điệu giữa ý Đảng lòng Dân

Thực tế cho thấy “lò lửa” càng cháy, lòng dân càng phấn chấn và mong muốn Ban Chỉ đạo PCTN Trung ương đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp tục làm mạnh hơn nữa. Không ít người đã từng hoài nghi “trên nóng, dưới lạnh” và trăn trở làm cách nào “chuyển lửa” về địa phương, thì việc thành lập Ban Chỉ đạo PCTN, TC ở cấp tỉnh là câu trả lời thuyết phục nhất. Nếu Ban chỉ đạo cấp tỉnh được thành lập làm thực chất, mạnh mẽ và không chịu sức ép nào sẽ giúp ngăn chặn được từ sớm, từ xa những hành vi vi phạm, tham nhũng trong thời gian tới.

Thế nhưng giữa lúc ý Đảng lòng dân cùng hòa quyện, thì một số đối tượng xấu lạm dụng quyền tự do dân chủ đã “cất lên” tiếng nói lạc điệu, sặc mùi phản động. Cụ thể: ngay sau khi Hội nghị Trung ương 5 thông qua chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về PCTN,TC, trên một số diễn đàn Internet, mạng xã hội, các phần tử phản động đã đăng tải, chia sẻ nhiều thông tin tiêu cực, sai trái, xuyên tạc, suy diễn chủ trương của Đảng nhằm chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ ta, gây phân tâm trong xã hội.

Với việc thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về PCTN,TC chúng suy diễn, chứng tỏ công tác chống tham nhũng ở Việt Nam “không hiệu quả”, “không có chuyển biến”; “Việt Nam chống tham nhũng loay hoay như con kiến đa cành”; “Tham nhũng tại Việt Nam như một con virus ăn sâu vào tế bào của Đảng Cộng sản, từ trên xuống dưới”. Một số đối tượng thì đặt ra những câu hỏi theo kiểu “lập lờ đánh lận con đen” như: “Thành lập Ban chỉ đạo cấp tỉnh liệu có giúp xóa được tham nhũng?”, “Việc trao quyền cho Bí thư tỉnh làm Trưởng Ban Chỉ đạo cấp tỉnh phải chăng là sai lầm khi tập trung quyền lực quá nhiều cho Bí thư tỉnh?”… Cá biệt, có đối tượng còn đưa ra luận điệu xuyên tạc, suy diễn vô căn cứ rằng, chính quyền sinh ra tham nhũng rồi lại thành lập Ban chỉ đạo PCTN, TC thực sự chỉ để “làm khổ người dân”…

Đó rõ ràng là những luận điệu suy diễn, xuyên tạc vô căn cứ nhằm bôi nhọ Đảng Cộng sản và Nhà nước Việt Nam, xuyên tạc chủ trương, quyết tâm chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước ta.

TS Nguyễn Tiến Dĩnh, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ: “Chủ trương thành lập Ban chỉ đạo cấp tỉnh về PCTN, TC là một bước thể hiện quyết tâm cao hơn trong công tác đấu tranh PCTN, TC của Đảng và Nhà nước. Sự ra đời của Ban chỉ đạo cấp tỉnh sẽ giúp cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo nhiệm vụ chống “giặc nội xâm” được liền mạch, đồng bộ, chặt chẽ, thống nhất theo hệ thống từ trung ương đến địa phương”.

Thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh là chủ trương đúng đắn, cần thiết

Tham nhũng luôn song hành cùng quyền lực. Nó là một hiện tượng xã hội tiêu cực có tính lịch sử, xuất hiện gắn liền với sự xuất hiện chế độ tư hữu và sự xuất hiện nhà nước. Do đó, tham nhũng tồn tại ở mọi chế độ xã hội với những biểu hiện và mức độ khác nhau, tùy thuộc bối cảnh chính trị, kinh tế, xã hội của mỗi quốc gia, mỗi vùng lãnh thổ trong từng giai đoạn phát triển. Hay nói cách khác, tham nhũng không phải là “sản phẩm riêng” của Việt Nam hay của một nước nào mà nó diễn ra ở tất cả các quốc gia trên thế giới, là một vấn nạn mang tính toàn cầu.

Từ phân tích trên, báo chí cách mạng cần định hướng dư luận: Tham nhũng là “quốc nạn”, là “giặc nội xâm” và xác định phòng, chống tham nhũng là một trong những nội dung cốt lõi, trọng tâm của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Đây không chỉ là nhiệm vụ của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị mà còn là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, của tất cả các cơ quan, đoàn thể, địa phương. Đặc biệt trong bối cảnh tình trạng TNTC, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ vẫn chưa bị đẩy lùi và còn có chiều hướng diễn biến phức tạp, thì chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về PCTN,TC của Đảng là hoàn toàn đúng đắn và cần thiết hơn lúc nào hết.

hop-hdnd-1654227872.jpg
Quang cảnh phiên họp HĐND thành phố Đà Nẵng (họp thường kỳ tháng 5/2022) - Ảnh minh họa

Chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về PCTN,TC đã nhận được sự đồng thuận rất cao. Như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: Đây là việc làm cần thiết, đúng đắn, phù hợp với tình hình thực tế và chắc chắn sẽ góp phần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ từ Trung ương đến địa phương, tạo sự chuyển biến tích cực, mạnh mẽ hơn nữa trong công tác PCTN,TC của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta theo đúng tinh thần: “Trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt”.

5 công việc Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về PCTN, TC sẽ tiến hành sau khi thành lập:

(1) Chỉ đạo kiện toàn tổ chức, bộ máy, ban hành Quy chế làm việc của Ban Chỉ đạo; quyết định phân công nhiệm vụ các thành viên; xây dựng và tổ chức thực hiện Chương trình, Kế hoạch công tác PCTN, tiêu cực trọng tâm năm 2022 và thời gian tới. Trưởng Ban là Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo (tương đương chức vụ Giám đốc Sở làm nhiệm vụ thường trực Ban Chỉ đạo); các ủy viên Ban Chỉ đạo gồm Chánh Thanh tra tỉnh; Giám đốc Công an tỉnh, Viện trưởng Viện KSND tỉnh, Chánh án TAND tỉnh, Giám đốc Sở Nội vụ và Chủ nhiệm UBKT tỉnh ủy, thành ủy…)

(2) Chỉ đạo các cơ quan hữu quan tiếp tục rà soát và xây dựng Quy chế phối hợp hoạt động giữa Ban Nội chính tỉnh ủy, thành ủy với các cơ quan hữu quan, như: Đảng đoàn Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, Đảng ủy Công an tỉnh ủy, thành ủy, Ban cán sự đảng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh ủy, thành ủy, Ban cán sự đảng Tòa án nhân dân tỉnh ủy, thành ủy, Đảng ủy Thanh tra tỉnh ủy, thành ủy và Ủy ban Kiểm tra tỉnh ủy, thành ủy…

(3) Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ, xử lý nghiêm minh các vụ việc, vụ án tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm, tạo bước đột phá trong công tác PCTN, tiêu cực tại địa phương. 

(4) Chọn một số khâu yếu, việc khó, có nhiều vướng mắc trong công tác phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực để tập trung chỉ đạo tháo gỡ, những lĩnh vực trọng tâm để kiểm tra, giám sát, đôn đốc, nhất là kiểm tra, giám sát thanh tra vụ việc, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, kiểm tra chuyên đề về PCTN, tiêu cực trong lĩnh vực y tế, thuế, hải quan, đất đai.

(5) Chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan chức năng phối hợp chặt chẽ, tăng cường kiểm tra, giám sát, thanh tra, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm minh các sai phạm, siết chặt kỷ luật, kỷ cương góp phần đắc lực nâng cao hiệu quả công tác PCTN, tiêu cực tại địa phương. (Nguồn: Ban Nội chính Trung ương)

VŨ LÊ MINH (tổng hợp)
Bạn đang đọc bài viết "Phản bác luận điệu xuyên tạc chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực" tại chuyên mục Diễn đàn - Luật gia. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin