Ông Ngô Văn Sửu, nguyên Vụ trưởng Vụ 1, Ủy ban Kiểm tra TW : Quan trọng nhất là lựa chọn nhân sự và giám sát quyền lực Ban chỉ đạo cấp tỉnh về phòng chống tham nhũng, tiêu cực

(Pháp lý) - Trao đổi với Phóng viên Tạp chí Pháp lý về về chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh, thành phố về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, nguyên Vụ trưởng Vụ 1, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, ông Ngô Văn Sửu cho rằng: Quan trọng nhất là khâu lựa chọn nhân sự.
anh-ngo-van-suu-1652937537.JPG
Ông Ngô Văn Sửu, nguyên Vụ trưởng Vụ 1, Ủy ban Kiểm tra Trung ương trao đổi với PV tạp chí Pháp lý

Theo ông Sửu, lựa chọn nhân sự vào BCĐ cấp tỉnh về PCTN, tiêu cực phải là những đồng chí có bản lĩnh cách mạng, phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện về trình độ, năng lực chuyên môn nghiệp vụ, phải có đạo đức, dám nói, dám làm… Bên cạnh đó, Trung ương cần phải có cơ quan giám sát, kiểm tra hoạt động của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh để tránh những vấn đề tiêu cực, tham nhũng của chính đơn vị này.

Chống tham nhũng tiêu cực từ cấp cơ sở: Một chủ trương rất đúng và trúng

Phóng viên: Tại Hội nghị Trung ương 5 vừa qua, Ban Chấp hành Trung ương đã bàn và thống nhất rất cao về chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh, thành phố về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Ông nghĩ sao về Chủ chương này của Đảng?

Nguyên Vụ trưởng Vụ 1, UBKT TW Ngô Văn Sửu: Chủ trương này là cần thiết và đúng đắn, phù hợp với tình hình thực tế hiện nay. Bởi, tham nhũng không chỉ xảy ra ở cấp Trung ương mà ở cấp địa phương cũng có. Đồng thời, không phải chỉ tham nhũng ở cấp Trung ương mới để lại hậu quả nghiêm trọng mà tham nhũng ở các tỉnh thành cũng gây thiệt hại vô cùng lớn. Như một số vụ việc gần đây tại một số địa phương như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Bình Thuận… Có những công ty tư nhân là sân sau cho nhiều cán bộ tham nhũng. Đặc biệt, tham nhũng, tiêu cực ở cấp cơ sở sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền, lợi ích của nhân dân, đồng thời làm mất uy tín của Đảng.

Cho nên, chủ trương là có một tổ chức giám sát, kiểm tra, xử lý tham nhũng, tiêu cực từ địa phương là rất đúng, rất trúng. Nếu làm tốt nhiệm vụ giám sát, kiểm tra, xử lý tham nhũng, tiêu cực từ địa phương sẽ có tác dụng hạn chế được nhiều tham nhũng, đặc biệt từ cấp cơ sở. Đồng thời, giúp cho Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng ở Trung ương có được tầm với tới tận cơ sở, tạo sự đồng bộ từ Trung ương xuống cơ sở, giúp cho công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực hiệu quả hơn, nhanh hơn, quyết liệt hơn.

 

Bài học kinh nghiệm từ thời kì trước

Phóng viên: Được biết, trong quá khứ, Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng cấp tỉnh, thành phố cũng đã từng được thành lập theo quy định của Luật phòng, chống tham nhũng sửa đổi năm 2007, tuy nhiên chưa thực sự hiệu quả. Vậy theo Ông cần rút kinh nghiệm gì so với trước đây?

Nguyên Vụ trưởng Vụ 1, UBKT TW Ngô Văn Sửu: Trước đây, theo quy định trong Luật phòng, chống tham nhũng sửa đổi năm 2007, Ban Chỉ đạo ở trung ương thuộc Chính phủ, do Thủ tướng làm trưởng ban. Sau đó lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh do chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng ban. Tuy nhiên, các ban này hoạt động không có hiệu quả, với cơ cấu tổ chức, thành phần, chức năng, nhiệm vụ quyền hạn, đặc biệt là cơ chế hoạt động và năng lực thực hiện nhiệm vụ không bảo đảm, đôi khi còn là rào cản cho các cơ quan hoạt động tiến hành tố tụng, khi không có chuyên môn, không có cơ chế hoạt động hợp lý, dẫn tới chỉ đạo đôi khi không kịp thời, không đúng với hoạt động tố tụng, làm cản trở quá trình thanh tra, kiểm tra, kiểm toán và xử lý hành vi tham nhũng, nhiều vụ việc tham nhũng không phát hiện được hoặc phát hiện được nhưng không được xử lý triệt để.

Khi còn công tác tại Uỷ Ban kiểm tra Trung ương, tôi thấy có những vụ việc khi phát hiện cán bộ có sai phạm nhưng do quy trình xử lý phức tạp, mất nhiều thời dẫn đến không thể xử lý dứt điểm, thu hồi được tài sản tham ô, tham nhũng… Đặc biệt, có vụ việc khi kiểm tra phát hiện sai phạm, phải báo cáo lên Trung ương xem xét kỷ luật, sau khi có quyết định thi hành kỷ luật rồi mới chuyển sang công an, kiểm sát, toà án để xử lý hình sự, lúc ấy tài sản tham ô tham nhũng đã bị tẩu tán hết…

Tuy nhiên, kể từ khi Ban Chỉ đạo chuyển sang mô hình do Bộ Chính trị thành lập, trực tiếp đồng chí Tổng Bí thư làm Trưởng Ban, chịu trách nhiệm trước Bộ Chính trị và Ban Bí thư trong việc chỉ đạo, phối hợp, đôn đốc, kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, …thì công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực có chuyển biến rõ nét, phát hiện và xử lý kịp thời được nhiều vụ việc lớn, chống tham nhũng không có vùng cấm, quyết liệt,  mang lại nhiều kết quả tích cực, lấy lại niềm tin của nhân dân.

Đối với địa phương, theo tôi tới đây cũng cần phải như vậy, phải đúc rút được bài học kinh nghiệm quý giá thực tiễn hoạt động của Ban Chỉ đạo Trung ương . Theo tôi, đã là Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng của tỉnh thì dứt khoát phải là Ban thường vụ tỉnh uỷ, phải phân công đồng chí Bí thư tỉnh trực tiếp chỉ đạo và chịu trách nhiệm trước Trung ương trong việc chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tại địa phương.

 

Ban Chỉ đạo cấp tỉnh, thành phố cần có nhiệm vụ, quyền hạn đầy đủ phù hợp

Phóng viên: Theo ông, Ban Chỉ đạo cấp tỉnh, thành phố về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cần tập trung giải quyết vấn đề trọng tâm nào? nhiệm vụ cơ bản là gì? 

Nguyên Vụ trưởng Vụ 1, UBKT TW Ngô Văn Sửu: Đại hội XIII của Đảng, Kết luận của Hội nghị Trung ương 4 (khóa XIII); Quy định số 32-QĐ/TW, ngày 16/9/2021 của Bộ Chính trị và nhiều Kết luận của đồng chí Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực thời gian gần đây đã đặt ra nhiều yêu cầu, nhiệm vụ đối với công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực.

Đặc biệt nhấn mạnh trọng tâm là: “đẩy mạnh đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực; gắn đấu tranh phòng, chống tham nhũng với phòng, chống tiêu cực, đặc biệt là suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp của các cấp ủy, tổ chức đảng trong hệ thống chính trị; đồng thời, yêu cầu tạo chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa trong công tác phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực tại địa phương, cơ sở…”.

anh-2-1652937643.jpg

Tại Hội nghị Trung ương 5 vừa qua, Ban Chấp hành Trung ương đã bàn và thống nhất rất cao về chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh, thành phố về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Vì vậy, Ban Chỉ đạo cấp tỉnh, thành phố về phòng chống tham nhũng, tiêu cực khi được thành lập cũng cần phải tập trung giải quyết vấn đề trọng tâm này.

Trong đó, Ban Chỉ đạo cấp tỉnh, thành phố về phòng chống tham nhũng, tiêu cực cần phải tập trung vào một số nhiệm vụ cơ bản:

Chỉ đạo cụ thể hóa chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực tại địa phương, nhất là chỉ đạo thực hiện kết luận, chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực tại địa phương;

Chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, giám sát cấp ủy, tổ chức đảng và các cơ quan chức năng trong việc kiểm tra, thanh tra, xử lý các vụ việc, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án các vụ án tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm;

Chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc xử lý khiếu nại, tố cáo về hành vi tham nhũng, tiêu cực và xử lý thông tin về vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực do các cá nhân, tổ chức phát hiện, cung cấp, kiến nghị…

Phóng viên: Vậy để thực hiện tốt được nhiệm vụ của mình, Ban Chỉ đạo cấp tỉnh, thành phố về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cần có những quyền hạn như thế nào?

Nguyên Vụ trưởng Vụ 1, UBKT TW Ngô Văn Sửu: Theo tôi, để thực hiện tốt được nhiệm vụ nói trên, Ban Chỉ đạo cấp tỉnh cũng cần được trao đầy đủ những quyền hạn phù hợp và tương tự như Ban Chỉ đạo Trung ương như:

Có quyền yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc tỉnh ủy, thành ủy, cơ quan, tổ chức, đơn vị, người có thẩm quyền báo cáo về công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực; về xử lý một số vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực; về giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý thông tin về hành vi tham nhũng, tiêu cực; thực hiện các biện pháp phòng chống tham nhũng, tiêu cực tại cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc thẩm quyền lãnh đạo, quản lý.

 Có quyền yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng lãnh đạo, chỉ đạo việc kiểm tra, thanh tra, điều tra, xử lý các vụ án, vụ việc có dấu hiệu tham nhũng, tiêu cực; chỉ đạo xem xét lại việc kiểm tra, thanh tra, điều tra, xử lý khi có căn cứ cho rằng việc kết luận, xử lý chưa khách quan, chính xác, nghiêm minh.

 Có quyền yêu cầu các cơ quan chức năng kết luận, xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực. Trực tiếp chỉ đạo về chủ trương xử lý đối với một số vụ án, vụ việc cụ thể hoặc yêu cầu cơ quan, tổ chức và người có thẩm quyền xem xét lại việc giải quyết hoặc giải quyết lại.

Có quyền yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan chức năng nếu phát hiện vi phạm liên quan đến cán bộ thuộc diện cấp ủy các cấp quản lý thì báo cáo ngay cho Ban Chỉ đạo để kịp thời chỉ đạo xử lý; nếu phát hiện sai phạm có dấu hiệu tội phạm thì kịp thời chuyển Cơ quan điều tra để xử lý theo thẩm quyền, không chờ đến khi kết thúc mới chuyển.

Trực tiếp làm việc với cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, tổ chức, đơn vị và cá nhân có liên quan về công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực; được sử dụng bộ máy tổ chức, cán bộ, công chức, viên chức và phương tiện của các cơ quan, tổ chức có liên quan để phục vụ nhiệm vụ của Ban

 

Công tác lựa chọn nhân sự là quan trọng nhất

Phóng viên: Có thể thấy, từ chủ trương đến thực tiễn là cả một chặng đường, vậy nhìn từ những thành tựu đã đạt được của Ban chỉ đạo trung ương về phòng, phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở nước ta những năm qua, để ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng cấp tỉnh hoạt động hiệu quả, cần đặt ra vấn đề gì?

Nguyên Vụ trưởng Vụ 1, UBKT TW Ngô Văn Sửu: Để cho Ban Chỉ đạo về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tại các tỉnh, thành có thể hoạt động tích cực, có hiệu quả sẽ có nhiều vấn đề đặt ra như: thành phần, cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ chế hoạt động, chế độ trách nhiệm như thế nào? Điều này có thể Trung ương sẽ có những giải pháp cụ thể khi triển khai.

Tuy nhiên, theo tôi vấn đề lớn nhất cần đặt ra đó là nhân sự của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh, thành phố. Vì công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thường sẽ động chạm đến rất nhiều đối tượng có quyền chức, có quan hệ, nếu những tiêu chuẩn về người đứng đầu và các thành viên trong Ban chỉ đạo không đạt được, thì dù có thành lập ra cũng rất khó để hoạt động thực sự hiệu quả.

Đồng thời, Trung ương cũng cần ban hành rõ ràng, cụ thể quy chế về cơ cấu tổ chức, phân cấp, phân quyền, chế độ trách nhiệm... Đặc biệt, Trung ương cần có cơ chế giám sát hiệu quả, phải có cơ quan giám sát, kiểm tra hoạt động của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh để tránh những vấn đề tiêu cực, tham nhũng của chính đơn vị này.

Phóng viên: Như ông đã nói, để Ban Chỉ đạo thực sự hoạt động hiệu quả sẽ có nhiều yếu tố: cơ chế hoạt động, cơ cấu tổ chức, con người và công tác giám sát quyền lực…. tuy nhiên, yếu tố con người là quan trọng nhất. Theo Ông những yêu cầu đặt ra đối với với thành viên ban chỉ đạo như thế nào?

Nguyên Vụ trưởng Vụ 1, UBKT TW Ngô Văn Sửu: Ban chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực hoạt động tốt sẽ có ảnh hưởng lớn đến toàn bộ hệ thống của Đảng và chính quyền cấp địa phương. Người làm công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực mà không có trình độ, nghiệp vụ nhất định, không thông thạo, sắc sảo sẽ rất khó phát hiện ra được tiêu cực, sai phạm.

Do đó, lựa chọn những đồng chí vào Ban chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực phải là những người có bản lĩnh cách mạng, phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện về trình độ, năng lực chuyên môn nghiệp vụ, có đạo đức, dám nói, dám làm… để giám sát, tìm ra được sai sót, phát hiện ra những biểu hiện của tham nhũng, tiêu cực.

Lựa chọn nhân sự vào BCĐ cấp tỉnh về PCTN, tiêu cực phải là những đồng chí có bản lĩnh cách mạng, phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện về trình độ, năng lực chuyên môn nghiệp vụ, phải có đạo đức, dám nói, dám làm… Bên cạnh đó, đặc biệt, Trung ương cần có cơ chế giám sát hiệu quả, phải có cơ quan giám sát, kiểm tra hoạt động của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh để tránh những vấn đề tiêu cực, tham nhũng của chính đơn vị này.

 

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn Ông!

Đinh Chiến ( thực hiện)

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin