(Pháp lý) - Ông Lê Như Tiến - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng, năm qua chúng ta đã chống tham nhũng mạnh mẽ và quyết liệt. Tuy nhiên yêu cầu đặt ra trong công tác phòng, chống tham nhũng đó là xử lý nhóm lợi ích, thu hồi tài sản tham nhũng và chứng minh tội phạm nhận hối lộ… vẫn là những thách thức.
Nhiều đại án khó thu hồi tài sản
Dẫn chứng về một số vụ việc thu hồi tài sản tham nhũng, ĐBQH Lê Như Tiến cho rằng: Năm qua, có tín hiệu tốt trong công tác thu hồi tài sản ở một số vụ án như vụ Phan Văn Anh Vũ, Đinh Ngọc Hệ hay vụ đánh bạc ngàn tỉ... Tuy nhiên, trong một số đại án khác thì tình trạng khó thu hồi tài sản vẫn còn. Có thể kể đến việc thu hồi tài sản liên quan đến hai bản án tuyên ông Đinh La Thăng - nguyên Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) phải bồi thường 630 tỷ đồng, nhưng sẽ khó thu hồi khoản tiền rất lớn này khi quá trình tố tụng không kê biên, phong toả tài sản của ông Thăng.
Trong vụ án PVN mất 800 tỷ đồng khi góp vốn vào Ngân hàng TMCP Đại Dương, bị cáo Đinh La Thăng bị TAND Hà Nội tuyên phạt 18 năm tù và buộc bồi thường 600 tỷ đồng. 6 bị cáo khác liên đới bồi thường 200 tỷ đồng. Trước đó, trong vụ án “Cố ý làm trái” liên quan đến dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2, Tòa án cũng xác định các bị cáo đã gây thiệt hại cho Nhà nước khoảng 120 tỷ đồng; trong đó, riêng bị cáo Đinh La Thăng bị tuyên mức án 13 năm tù và phải bồi thường 30 tỷ đồng, các đồng phạm khác của ông Thăng phải bồi thường khoảng 89 tỷ đồng. Như vậy, tổng số tiền mà ông Đinh La Thăng phải bồi thường trong hai vụ án lên tới 630 tỷ đồng.
Theo Luật sư Phạm Quang Biên (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội): Bộ luật Tố tụng Hình sự hiện nay chỉ nói đến biện pháp kê biên, thẩm quyền kê biên, kê biên thế nào, ở giai đoạn nào mà không khẳng định đây là biện pháp bắt buộc. Theo quy định hiện hành thì các cơ quan tố tụng chỉ kê biên tài sản khi xác định các hành vi phạm tội có dấu hiệu chiếm đoạt tài sản. Đối với nhóm tội cố ý làm trái thì có thể kê biên hoặc không kê biên và đây là quyền của cơ quan tố tụng. Đây là kẽ hở của luật, khiến cơ quan tiến hành tố tụng có thể làm hoặc không làm việc kê biên, phong toả tài sản. Việc này vô hình chung sẽ đẩy khó khăn cho cơ quan thi hành án dân sự khi tiến hành thu hồi tài sản về sau.
Về nguyên tắc thì các nhóm tội liên quan đến việc phải bồi thường thiệt hại, đặc biệt các tội về kinh tế, thì trong quá trình điều tra, truy tố đều có thể phong toả tài sản của người liên quan. Khi đó cơ quan điều tra phải chứng minh được người đó có tài sản, thuộc sở hữu của họ thì mới kê biên được; nếu không xác định được tài sản thì khó kê biên. Nếu cơ quan tố tụng không áp dụng các biện pháp đảm bảo, kê biên tài sản từ trong quá trình điều tra, truy tố thì việc thi hành dân sự sẽ gặp rất nhiều khó khăn vì số tiền phải thu hồi quá lớn.
Bản án gần đây của Tòa án Hà Nội xác định, bà Phạm Thị Bích Lương - nguyên Giám đốc Chi nhánh Agribank Nam Hà Nội, bị cáo trong 1 đại án tham nhũng phải bồi thường thiệt hại hơn 1300 tỉ đồng. Tuy nhiên mới chỉ thu hồi được hơn 1 tỉ đồng thì bà này hết tài sản. Cục Thi hành án dân sự Hà Nội mới ra quyết định chưa có điều kiện thi hành đối với số tiền 1.300 tỷ đồng phải thu hồi.
Ông Lê Như Tiến cho rằng: Ngoài hạn chế trong thu hồi tài sản thì việc chứng minh “nhóm lợi ích” cũng hạn chế. Thủ tướng Chính phủ trong phát biểu gần đây, đã dẫn chứng về tình trạng quan chức có “sân sau”. Có quan chức có đến vài sân sau, thậm chí 13,14 “sân sau”. Ông Tiến cho rằng nếu để tình trạng này tiếp tục thì tài sản của nhà nước sẽ chảy về các “sân sau”. Đó là việc cực kì nguy hại… Tôi cho rằng nếu chúng ta không bổ sung ngay vào luật quy định phải kiểm tra, xem xét, xử lý tài sản của những người cận huyết thống với những người có tham nhũng, thì vô hình chung chúng ta đang để cho tài sản tham nhũng được chuyển dịch công khai mà không bị pháp luật phanh phui. Trên diễn đàn Quốc hội, tôi đã từng nêu quan điểm về vấn đề này, con đường đi của tài sản tham nhũng rất phức tạp, quanh co, do vậy chúng ta cần phải có bộ máy tinh thông nghiệp vụ để có thể tiếp cận được với hành vi chuyển dịch tài sản của kẻ tham nhũng, để thu hồi tài sản về cho đất nước, cho nhân dân.
Thách thức trong chứng minh tội phạm nhận hối lộ
Trong vụ đánh bạc nghìn tỉ vừa được xét xử tại Phú Thọ, một phần cáo trạng có nêu về việc Nguyễn Văn Dương khai đã sử dụng một phần lợi nhuận của công ty và một phần lớn tiền thu từ tổ chức đánh bạc để cho các cá nhân, tập thể. Dương khai đưa cho ông Vĩnh 27 tỷ đồng và 1,7 triệu USD. Ngoài ra, trùm cờ bạc khai còn chi tiền Tết cho ông Vĩnh là 150.000 USD, tặng đồng hồ Rolex 7.000 USD. Dương khai nhiều lần tổ chức sinh nhật cho ông Vĩnh, với những chai rượu trị giá 100 triệu đồng và nhiều lần đi tiếp khách có sự tham gia của cựu Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát với chi phí trên 10 tỷ đồng.
Ngoài ra, Dương khai còn đưa cho ông Nguyễn Thanh Hóa 22 tỷ đồng và ủng hộ C50 bộ phần mềm giá 30.000 USD. Dương cũng khai cho Cục C50 hơn 800 triệu đồng, trong đó hỗ trợ Tết là 700 triệu đồng. Riêng khoản này, Nguyễn Thanh Hóa thừa nhận đã gợi ý để nhóm điều hành đánh bạc biếu quà Tết nên đề nghị gia đình nộp lại 700 triệu đồng. Đến nay, ông Phan Văn Vĩnh, Nguyễn Thanh Hóa và các cán bộ phủ nhận lời khai của Nguyễn Văn Dương, Phan Sào Nam. Sau phiên xét tử, Tòa án nhân dân tỉnh Phú Thọ kiến nghị: Cơ quan điều tra cần tiếp tục làm rõ lời khai của Nam, Dương về việc đưa tiền, của cải cho các cán bộ của Tổng cục Cảnh sát, C50, PC50 Hà Nội; nếu có dấu hiệu phạm tội Nhận hối lộ cần xử lý theo đúng quy định của pháp luật.
Trước đó, trong nhiều đại án kinh tế thất thoát cả ngàn tỉ. Nhiều bị cáo đã khai mình có hành vi “làm trái” nhưng không vụ lợi. Cụ thể như trong vụ án của ông Đinh La Thăng, ông này nhấn mạnh bản thân là người lãnh đạo cao nhất của Tập đoàn dầu khí nên quá trình điều tra, truy tố, xét xử luôn nhận trách nhiệm là người đứng đầu, nhận chưa hoàn thành chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của một Chủ tịch HĐTV, sẵn sàng nhận trách nhiệm cho tất cả cán bộ dưới quyền chỉ vì mục tiêu đẩy nhanh tiến độ dự án, mà không có động cơ cá nhân hay vụ lợi mà dẫn đến sai phạm… Nhiều luật sư tham dự các vụ án mà ông Thăng là bị cáo đã chia sẻ về tình trạng ông Thăng “bút phê” ép cấp dưới quyết trong nhiều văn bản chỉ đạo. Liệu việc đó có thể là do hoàn toàn vô tư, khách quan? Thật khó để nói. Nhưng khi cơ quan chứng minh tội phạm không thể chứng minh được các hành vi đó thì khó có thể kết tội tương xứng.
Thực tế tố tụng các đại án thời gian qua cho thấy không có nhiều bị cáo bị kết tội tham ô, nhận hối lộ. Song thực tế rất khó mà tin được bị cáo ký sai thẩm quyền, bất chấp, làm trái quy định pháp luật giúp các doanh nghiệp, bị cáo khác hưởng lợi tiền tỉ mà bị cáo (là các cựu quan chức) lại không được “lại quả” đồng nào??? Và đây có lẽ là thách thức rất lớn và khó đối với các cơ quan bảo vệ pháp luật trong cuộc chiến với “giặc” tham nhũng tinh vi, xảo quyệt.
Nhiều vướng mắc về cơ chế , thủ tục cần tháo gỡ…
Trong trao đổi với Phóng viên Pháp lý, PGS.TS Trần Văn Độ (nguyên Phó Chánh án TANDTC) nhiều lần trăn trở về nhiều vụ việc thanh tra có dấu hiệu của tội phạm, nhưng sau đó quy trình xử lý kéo dài. Đó là kẽ hở, khiến tội phạm tham nhũng có thể tẩu tán tài sản, cũng như gây khó đối với hoạt động PCTN.
Vụ xử lý ông Trần Bắc Hà (cựu Chủ tịch BIDV) là một ví dụ minh chứng cho việc xử lý kéo dài. Kết quả giám định của Ngân hàng Nhà nước cho thấy BIDV cho 12 Công ty vay tiền khi chưa có đủ cơ sở để xác định các công ty có khả năng trả nợ trong hạn cam kết, chưa thực hiện đầy đủ điều kiện cho vay đối với khách hàng, không kiểm tra việc sử dụng vốn sau cho vay… Ông Trần Bắc Hà đã ký 12 quyết định phê duyệt chủ trương cho 12 Công ty của Phạm Công Danh vay vốn. Sau khi BIDV chấp thuận giải ngân cho 12 Công ty vay 4.700 tỉ đồng, toàn bộ số tiền này đều được các công ty chuyển vào tài khoản để Phạm Công Danh sử dụng. Khi đến hạn, 12 công ty không trả được nợ nên BIDV đã tự động trừ tiền trên tài khoản tiền gửi của VNCB. Vì bảo lãnh cho các khoản vay nói trên, VNCB bị thiệt hại hơn 2.500 tỉ đồng.
Điều đáng nói là trước khi bị bắt hồi tháng 11 mới đây, với những sai phạm của mình tại BIDV, nhưng ông Trần Bắc Hà chỉ bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đề nghị kiểm điểm và xử lý hành chính? Vụ xét xử Phạm Công Danh cùng đồng phạm tại Ngân hàng Xây dựng (VNBC) là một trong những đại án chấn động dư luận giai đoạn này. Trong đó, sự liên quan và trách nhiệm của ông Trần Bắc Hà khiến nhiều người quan tâm. Thế nhưng ông Hà không chịu ra tòa, vì lý do sức khỏe kém. Phải đợi đến khi Ủy ban kiểm tra Trung ương vào kiểm tra, kết luận sai phạm, với vai trò nguyên Bí thư Đảng uỷ, nguyên Chủ tịch HĐQT BIDV, ông Trần Bắc Hà bị kỷ luật bằng hình thức khai trừ khỏi Đảng. Ông này mới bị khởi tố và bắt tạm giam. Điều đáng nói là vi phạm bị phát hiện đã lâu, vụ Phạm Công Danh đã bị xét xử qua 2 giai đoạn… thế nhưng nay vi phạm của ông Trần Bắc Hà mới bị khởi tố.
Hay một số vụ liên quan đến cổ phần hóa, đánh giá trong các kết luận thanh tra là sai phạm nghiêm trọng nhưng khi xử lý vẫn phải hỏi ý kiến nhiều cơ quan khác nhau. Quy trình xử lý chưa dứt khoát, kéo dài, làm quá trình xử lý vụ việc kéo dài. Những hạn chế, bất cập như vậy, cần sớm được quan tâm chỉ đạo, tháo gỡ để công tác chống tham nhũng hiệu quả hơn nữa.
Minh Hải