Những phát ngôn ấn tượng của Đại biểu Quốc hội về công tác tư pháp và phòng chống tham nhũng

07/04/2021 07:53

(Pháp lý) - Nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV đã để lại nhiều dấu ấn đối với cử tri . Đáng chú ý, trong hầu hết các kỳ họp, công tác tư pháp và phòng chống tham nhũng luôn là vấn đề nóng , nhận được sự quan tâm của nhiều Đại biểu với nhiều phát ngôn, tranh luận, đề xuất đặc biệt ấn tượng. Tạp chí Pháp lý xin điểm lại những phát ngôn ấn tượng của các đại biểu Quốc hội nhiệm kỳ vừa qua về công tác tư pháp và phòng chống tham nhũng.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc: không cho phép “chìm xuồng” các vụ án tham nhũng…

Trả lời câu hỏi của ĐBQH Lê Thanh Vân (Cà Mau): “Phải chăng có vùng cấm đối với các đối tượng liên quan đến những vụ án tham nhũng ?”, chiều 18/11 (kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định Đảng, Nhà nước không cho phép “chìm xuồng” các vụ án tham nhũng… “Không có vùng cấm trong xử lý tham nhũng. Hệ thống hành pháp phối hợp tư pháp cùng các cấp ngành xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, đúng pháp luật, kịp thời và công khai”, Thủ tướng nói.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga: Qua các vụ AVG, Thủ Thiêm, tập đoàn thua lỗ… rút ra cái gì để phòng ngừa?…

Tại phiên thảo luật tổ về báo cáo KT-XH, kỳ họp thứ 8, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga đề cập việc Chính phủ cần có cơ quan nghiên cứu về quy luật của tham nhũng để phòng, chống tham nhũng hiệu quả. Bà đặt câu hỏi: "Qua các vụ AVG, Thủ Thiêm, tập đoàn thua lỗ… rút ra cái gì để phòng ngừa? Chúng ta mãi đi chống mà thiếu nghiên cứu quy luật trong khi tham nhũng có quy luật. Đằng sau các sai phạm có yếu tố vụ lợi, tham nhũng, chỉ có điều ta không chứng minh được thôi".

Đại biểu Mai Thị Phương Hoa: Có tuyên bản án nghiêm khắc đến đâu mà không thu hồi được tài sản tham nhũng thì chống tham nhũng chưa triệt để

Đại biểu Mai Thị Phương Hoa (Nam Định) đã nhấn mạnh như vậy, khi thảo luận về báo cáo công tác phòng, chống tham nhũng năm 2017 được trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV. Bà Hoa cho biết tổng kết 10 năm thi hành luật cho thấy thiệt hại hơn 59.700 tỷ đồng và 400 ha đất nhưng thu hồi rất thấp, chỉ 7,82% và tài sản , 54,7% về đất. Những năm gần đây thu hồi có tăng nhưng chưa đạt yêu cầu… “Thu hồi tài sản tham nhũng là thước đo hiệu quả của phòng chống tham nhũng, nên cần quyết tâm, chủ động hơn nữa thì mới khắc phục được hậu quả nguy hiểm của xã hội, trả lại nguồn lực cho đất nước” - Đại biểu Mai Thị Phương Hoa phát biểu.

Đại biểu Phạm Thị Minh Hiền: Biệt phủ vẫn sừng sững, không ít “củi tươi” vẫn an toàn sau những bức xúc

Phát biểu thảo luận tại hội trường kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV, đại biểu Phạm Thị Minh Hiền (Phú Yên) cho rằng, những chuyển biến tích cực trong công tác phòng, chống tham nhũng đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ của cử tri cả nước. Thế nhưng, các vụ khởi tố điều tra vẫn tăng mạnh so với cùng kỳ, tăng gần 21% về số vụ và trên 21% số bị can. Những biệt thự, biệt phủ vẫn sừng sững và không ít “củi tươi”, “củi khô” vẫn an toàn sau những ồn ào, bức xúc của xã hội.

Đại biểu Trần Thị Dung: Tuy là “tham nhũng vặt” nhưng tác hại khôn lường, làm hư hỏng nền công vụ…

Phát biểu tại Kỳ họp thứ 4, Đại biểu Trần Thị Dung - Ủy viên thường trực Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội lưu ý, tuy là “tham nhũng vặt” nhưng tác hại khôn lường, làm hư hỏng nền công vụ, làm cải cách hành chính trì trệ ngay từ cơ sở, làm mất lòng tin của người dân. Nếu quan điểm nhà dột từ nóc là nguy hiểm thì lũ lụt thấm vào nền móng còn nguy hại hơn rất nhiều, vì nền móng mà lún sụt thì không nhà cửa nào đứng nổi.

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng: Việc của dân thì đè ra xử còn cơ quan nhà nước thì không có ai chịu trách nhiệm

Một trong những vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm tại kỳ họp thứ 10, là việc nhiều chủ tịch UBND các cấp không chịu đối thoại, tham gia các phiên tòa hành chính. Sau khi tòa tuyên án thì không chịu thi hành các bản án. Án hành chính tồn đọng ngày một nhiều. Phó trưởng Ban Dân nguyện của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng cho rằng, việc nhiều UBND, chủ tịch UBND không chịu thi hành án hành chính mà không có ai bị xử lý khiến người dân bức xúc.

Ông Nhưỡng so sánh: "Việc của dân thì đè ra xử còn cơ quan nhà nước (sai) thì không có ai chịu trách nhiệm".

Đại biểu Mai Thị Phương Hoa: đề nghị CQĐT làm rõ chính sách hình sự đặc biệt.

Phát biểu tại Quốc hội về kết quả thực hiện và xử lý tội phạm tham nhũng, đại biểu Mai Thị Phương Hoa (Nam Định) đề nghị CQĐT làm rõ chính sách hình sự đặc biệt. Dẫn vụ ông Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn bị khởi tố về tội nhận hối lộ với số tiền lên tới hàng triệu USD, ĐB Hoa nhận định: “Đây là lần đầu tiên trong lịch sử tư pháp Việt Nam các bị cáo trong một vụ án thừa nhận hành vi nhận hối lộ với số tiền lớn đến như vậy. Điều này cho thấy các cơ quan tiến hành tố tụng đã có nhiều cố gắng trong việc đấu tranh, thuyết phục để các bị cáo thừa nhận hành vi”.

Đặc biệt, Đại biểu Hoa đề nghị CQĐT làm rõ chính sách hình sự đặc biệt khi đề cập đến việc một số vụ án tham nhũng lớn khi hành vi phạm tội đã được chứng minh, một số bị cáo đã nộp lại rất nhiều tiền và được CQĐT đề nghị cho hưởng chính sách hình sự đặc biệt.

“Chúng tôi cho rằng bất cứ người nào đã thực hiện tội phạm thì phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi phạm tội của mình… đề nghị CQĐT làm rõ chính sách hình sự đặc biệt. Bởi chính sách này vừa không rõ về nội hàm vừa không được quy định trong bất cứ văn bản pháp luật hình sự và tố tụng hình sự nào. Nếu muốn thực hiện thì cần quy phạm hóa để quyết định rõ trường hợp nào được áp dụng, đối tượng nào được áp dụng và nếu được áp dụng thì được hưởng những gì. Có như vậy mới bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật và sự công bằng trong việc áp dụng chính sách hình sự” – Đại biểu Hoa nói.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa: Công lý không bao giờ được phép là đối tượng mua bán…

Tại kỳ họp thứ 11, phát biểu tranh luận về oan sai và độc lập tư pháp, Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) cho rằng muốn có công bằng phải có công lý. Công bằng phải được bảo đảm bằng công lý, và đó là nhiệm vụ chủ yếu của nền tư pháp. “Và công lý không bao giờ được phép là đối tượng mua bán, như là Nguyễn Du đã mô tả trong Truyện Kiều ngày xưa. Khi đó, người dân sẽ không cần phải tìm xem Bao Công , bởi vì đã có những quan tòa thanh liêm bằng xương bằng thịt trong mỗi tòa án của Việt Nam” – Đại biểu Nghĩa phát biểu.

Văn Chiến (T/h)

Bạn đang đọc bài viết "Những phát ngôn ấn tượng của Đại biểu Quốc hội về công tác tư pháp và phòng chống tham nhũng" tại chuyên mục Diễn đàn - Luật gia. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin