Những điều khó khi xây dựng Luật Hành chính công

(Pháp lý) - Dự Luật hoạt động Hành chính công đã có bản dự thảo lần 2 và đưa ra lấy ý kiến rộng rãi. Tán thành với nhiều quy định của Dự Luật, tuy nhiên, một số Đại biểu Quốc hội và chuyên gia pháp luật còn băn khoăn một số vấn đề lớn được cho là những điều khó khi xây dựng Dự Luật cần nghiên cứu thêm.

ĐBQH Lê Thanh Vân: Khó trong xác định đối tượng điều chỉnh của Luật

Trong một hội thảo đóng góp ý kiến về xây dựng dự án luật này, ĐBQH Trần Thị Quốc Khánh chia sẻ: Trong quản lý điều hành nền hành chính, hệ thống pháp luật hiện chỉ có các quy định mang tính chuyên ngành với những nguyên tắc của từng đạo luật, mà chưa có quy định về những nguyên tắc chung. Chính vì chưa có một đạo luật chung về nền hành chính công, nên từng đạo luật do các bộ, ngành chủ trì soạn thảo không thể khắc phục được tình trạng cục bộ, hầu hết các cơ quan chủ trì soạn thảo muốn dành thuận lợi cho cơ quan mình, mà không nhìn thấy khó khăn của các bộ, ngành khác cũng như khó khăn của người dân và doanh nghiệp. Bên cạnh đó, nhiều yếu kém của nền hành chính chưa được khắc phục, việc xử lý cán bộ sai phạm còn nhiều khó khăn, việc tinh giản bộ máy chưa được khắc phục triệt để, nhiều qui trình thiếu cơ chế xử lý như buộc từ chức, cách chức... chồng chéo, mâu thuẫn giữa các đạo luật dẫn đến tính thiếu thống nhất trong vận hành của nền hành chính.

ĐBQH Lê Thanh Vân
ĐBQH Lê Thanh Vân)

Chính vì vậy khi xác định đối tượng điều chỉnh của luật này, tại điều 1 của dự thảo quy định: Luật này quy định về hành chính công gồm nguyên tắc chung của hành chính công, thủ tục hành chính, quản lý dịch vụ công và cung ứng dịch vụ hành chính công, chính phủ điện tử trong hành chính công, kiểm soát hành chính công, mối quan hệ và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong thực hiện hành chính công.

Các chuyên gia cho rằng, đối tượng điều chỉnh riêng thì quy định của Luật hoạt động Hành chính công trùng với các văn bản hiện hành đã ban hành. Cụ thể, ĐBQH Lê Thanh Vân cho rằng: Về cơ bản, hành chính được hiểu là hoạt động tổ chức, quản lý, điều hành do các cơ quan nhà nước thực hiện bao gồm cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân được nhà nước trao quyền. Thực hiện các hoạt động trên cơ sở các quy định của pháp luật nhằm phục vụ lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng, bảo vệ quyền, lợi ích của các cá nhân, tổ chức trong xã hội.

Đã có rất nhiều văn bản quy định để vận hành nền hành chính công. Về tổ chức bộ máy và nhân sự có các Luật như: Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Cán bộ, Luật Công chức; các luật chuyên ngành khác như Luật Xây dựng, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Khoa học và Công nghê, Luật Giáo dục, Luật Giáo dục đại học, Luật Di sản văn hóa… Về quản lý và vận hành nền hành chính công và xử lý sai phạm trong việc vận hành nền hành chính công thì có Luật Quản lý sử dụng tài sản công, Luật Thanh tra, Luật Kiểm toán, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo… Như vậy, phạm vi điều chỉnh của Luật Hành chính công là vấn đề cốt lõi cần bàn khi đặt ra vấn đề cần thiết ban hành Luật này trong bối cảnh hiện nay.

Đồng thời, ông Vân cho rằng: Đại diện ban soạn thảo cho rằng xây dựng Luật Hành chính công theo hướng “vừa quy định mang tính nguyên tắc chung, vừa quy định những vấn đề cụ thể chưa được quy định trong các Luật hoặc còn rải rác không thống nhất trong các Luật hiện hành”, như vậy là chưa phù hợp. Luật vừa khung, lại vừa điều chỉnh chuyên ngành thì không phù hợp và khiến cấu trúc của Luật mất đi tính lô gic. Ông Vân e ngại khó thể chế dự án Luật này và khó để được Quốc hội thông qua.

Luật sư Lê Đức Tiết: E ngại tính thực thi của Luật

Luật sư Lê Đức Tiết trong một trao đổi với Phóng viên Pháp lý thì nhấn mạnh: Cơ quan hành chính của nhà nước thì có rất nhiều cơ quan khác nhau, mỗi cơ quan thực hiện một nhiệm vụ nhất định. Và những nhiệm vụ ấy cũng có những đặc trưng, đặc điểm khác nhau. Nay một đạo luật mà lại cộng dồn nhiệm vụ, trách nhiệm, quy trình của các cơ quan đó thì tôi e rằng không dễ thực thi…

Luật sư Lê Đức Tiết cũng chỉ ra rằng, hiện nay một vấn nạn khi ban hành văn bản quy phạm pháp luật là có nhiều quy định khung, ống dẫn đến phải ban hành thêm nhiều văn bản hướng dẫn. Nếu quy định chung và khung như Luật hoạt động Hành chính công sẽ lại phải chờ văn bản hướng dẫn thi hành, e rằng Luật sẽ khó đi vào thực tế, khó phát huy hiệu quả như mong đợi.

Luật sư Lê Đức Tiết
Luật sư Lê Đức Tiết)

Luật hoạt động Hành chính công còn khó thực thi vì điều kiện kinh tế, xã hội ở Việt Nam. Còn nhớ trước đây, chúng ta đã xây dựng Cổng thông tin điện tử Chính phủ, tại đây, người dân có thể gửi câu hỏi, gửi ý kiến về những vấn đề mình quan tâm đến Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Đây là bước đi rất đúng đắn, tiếp cận với “chính phủ điện tử”. Thế nhưng, với những người dân sống ở vùng sâu, vùng xa, vùng miền núi đặc biệt khó khăn, internet còn chưa đến được bản, làng, thôn, xóm, ấp thì cách thức nào giúp người dân tiếp cận? Khi soạn thảo dự Luật hoạt động Hành chính công, Ban soạn thảo dành hẳn 1 chương về chính phủ điện tử dù đã quy định trách nhiệm của nhà nước trong tạo điều kiện cho công dân, tuy nhiên hiện nay trình độ dân trí tại các khu vực không đồng đều, làm thế nào để người dân tiếp cận được với chính phủ điện tử và các thủ tục đăng kí, kiểm tra, khai báo qua mạng?

ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng: Đòi hỏi cao hơn ở Luật hoạt động Hành chính công

Khi xây dựng dự Luật hoạt động Hành chính công nhiều người kì vọng, Nhà nước sẽ không ôm việc, và dừng tình trạng vừa đá bóng, vừa thổi còi. Cụ thể, một số lĩnh vực vốn là dịch vụ, nhưng vẫn được cơ quan hành pháp thực hiện, nay phải tách ra. Ví dụ, thu thuế, dịch vụ hải quan, dịch vụ cấp các loại giấy phép, cấp các loại giấy chứng thực, công chứng, thừa phát lại, thi hành án, thậm chí là thi hành án hình sự… xét đến cùng cũng là các dịch vụ công. Nhà nước sẽ nắm quyền kiểm soát và giao cho tổ chức, cá nhân thực hiện theo quy định của pháp luật.

Thế nhưng, để thực hiện được quyền quản lý hành chính thống nhất, hiệu quả, Nhà nước phải ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, ban hành các quy chuẩn, tiêu chuẩn, ra các quyết định hành chính. Đồng thời, chú trọng khâu tổ chức chỉ đạo, điều hành; thực hiện kiểm tra, kiểm soát việc thực hiện các nguồn lực có hiệu quả không? Nếu không hiệu quả, việc xử lý các vấn đề đó sẽ như thế nào?... Dự Luật hoạt động Hành chính công sẽ là luật khung cho những quy định về những vấn đề nêu trên. Trong trường hợp các luật hiện hành chưa phù hợp thì nghiên cứu dùng một luật sửa nhiều luật nhằm tạo sự thống nhất trong hệ thống pháp luật, thống nhất trong công tác điều hành, và bảo đảm sự hoạt động trơn tru, hiệu quả của bộ máy nhà nước trong lĩnh vực hành chính công.

ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng
ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng)

ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng chia sẻ băn khoăn về dự luật. “Khi nghiên cứu dự Luật này, một vấn đề đặt ra là, tình trạng lúng túng trong thực tiễn chỉ đạo, điều hành về quản lý nhà nước trong liên kết ngành, liên kết vùng, liên kết địa phương. Hiện nay Đảng đã có các “Ban chỉ đạo” (như Ban chỉ đạo Tây Bắc, Ban chỉ đạo Tây Nguyên, Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ). Nhưng về phương diện hành chính nhà nước thì ai sẽ là người đứng ra chỉ đạo điều hành? Thực hiện liên kết theo các điều, khoản của quy định nào? Công tác phối hợp chỉ đạo ra sao? Nguồn lực bảo đảm cho hoạt động hành chính nhà nước để thực hiện liên kết là nguồn nào?... Tôi cho rằng, những vấn đề này cần có “lời giải” trong Luật hoạt động Hành chính công”.

Dự Luật hoạt động hành chính công được kì vọng góp phần xây dựng nền hành chính kỷ luật, kỷ cương và phải tạo ra sự đột phá trong quản lý hành chính, giúp Nhà nước thực hiện quyền hành pháp, khắc phục những vướng mắc và tạo ra hiệu quả. Nếu như trước kia, cái gì cũng là của công, thì nay phải nghiên cứu để thực hiện xã hội hóa, giao quyền nhiều hơn cho các tổ chức, cá nhân thực hiện, tinh thần này đã ghi rõ trong các văn kiện Đảng và Hiến pháp. Nguồn lực của Nhà nước để thực hiện nền hành chính công bao gồm quyền lực và các nguồn lực khác, trong đó quan trọng nhất là con người và ngân sách. Nhà nước nhượng quyền, chuyển giao nguồn lực và chú trọng kiểm soát, xử lý chứ không nên ôm đồm các công việc. Cái gì xã hội làm được mà hiệu quả, đỡ tốn kém thì nên chuyển giao. Bên cạnh đó, Dự Luật phải bảo đảm được tính liên thông và kết nối toàn diện các lĩnh vực phục vụ công tác quản lý nhà nước; bảo đảm tính nhanh nhạy và cách mạng về thủ tục hành chính, tạo không gian mới về quản lý và phục vụ người dân.

“Một nguyên tắc của hành chính công là không được lấy “quyền hành chính” để xâm phạm quyền lợi hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Ví dụ, tới đây chúng ta sẽ tích hợp nhiều hơn các thông tin về quyền con người, vậy tính bảo mật của các thông tin này như thế nào? Hồ sơ sức khỏe của cá nhân được giao cho y tế kiểm soát, nhưng cơ quan y tế được kiểm soát đến đâu, cá nhân nào, tổ chức nào có thể tiếp cận hồ sơ này đều phải làm rõ. Quản lý nhà nước phải bảo đảm được quyền con người, quyền công dân theo Hiến pháp. Đó là những đòi hỏi rất khó với Ban soạn thảo dự Luật này”, ông Lưu Bình Nhưỡng chia sẻ.

Minh Hải (Ghi)

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin