Khi Trịnh Xuân Thanh bị Bộ Công an phát lệnh truy nã, nhiều người đã liên tưởng đến vụ án của Dương Chí Dũng, Giang Kim Đạt, Trịnh Văn Thảo trước đó. Các bị cáo nói trên đều có một quá trình lũng đoạn trong các cơ quan nhà nước rồi bỏ trốn ly kì…
Khai khống, lập “quỹ đen”, làm trái… để moi tiền nhà nước
Lần tìm trong các tư liệu nói về các vụ án với các bị can, bị cáo đình đám trên, có thể thấy các bị can, bị cáo đã lợi dụng chức vụ quyền hạn của mình để vung vãi, dung thủ đoạn xà xẻo tiền nhà nước. Giang Kim Đạt (38 tuổi, quê ở huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình). Trong thời gian làm việc ở Công ty TNHH MTV vận tải viễn dương Vinashin (Vinashinlines) là quyền Trưởng phòng Kinh doanh, chuyên tham mưu cho Tổng Giám đốc Trần Văn Liêm kinh doanh mua bán tàu, khai thác tàu của công ty. Lợi dụng chức vụ đó, bị can này đã cấu kết với nước ngoài gửi giá ăn chia hoa hồng, cụ thể hoa hồng 1% giá trị hợp đồng mua tàu và tiền chênh lệch so với giá trị. Điển hình trong thương vụ mua 7 tàu từ nước ngoài, Đạt trực tiếp tham gia đàm phán giá cả, điều khoản hợp đồng mua 7 tàu cũ (chưa tính tàu Hoa Sen). Đạt thỏa thuận với các công ty bán tàu hưởng hoa hồng 1%, tiền được chuyển thông qua công ty môi giới mua bán tàu. Thương vụ này Đạt hưởng bất chính 1 triệu USD. Trong quá trình khai thác 9 tàu, Đạt cũng là người trực tiếp đàm phán, ký kết hợp đồng cho thuê tàu. Lợi dụng quyền hạn này, Đạt thỏa thuận với các đối tác nước ngoài giảm giá thuê để hưởng chênh lệch. Theo đó, tổng số tiền Đạt chiếm đoạt được khoảng 17,6 triệu USD.
[caption id="attachment_154764" align="aligncenter" width="259"] Giang Kim Đạt sau một thời gian dài trốn nã, hiện đã bị bắt.[/caption]
Tương tụ thủ đoạn như Giang Kim Đạt, Dương Chí Dũng - Tổng Giám đốc Vinalines cùng đồng bọn đã tham ô hàng trăm tỷ đồng của Nhà nước. Mua 1 nhưng báo tăng gấp nhiều lần, lợi dụng kẽ hở trong các thương vụ mua bán với quốc tế, Dương Chí Dũng cùng đồng bọn đã làm thiệt hại gần 400 tỉ đồng của Nhà nước. Theo đó, ụ nổi 83M được Nhật Bản sản xuất từ năm 1965 bán cho Liên Bang Nga đã kiểm tra, xác định ụ nổi bị hư hỏng nặng, không có khả năng hoạt đông nên không cấp giấy phép đăng kiểm. Công ty Nakhodka đã thông qua các mối quan hệ để chào bán ụ nổi trên. Ngày 27/7/2007, Mai Văn Khang - Tổng Giám đốc Vinalines ký Quyết định số 717/QĐ-TGĐ cử đoàn công tác đến Liên Bang Nga, gồm: Trần Hữu Chiều, Mai Văn Khang, Trần Hải Sơn và Lê Văn Dương với nhiệm vụ khảo sát và mua ụ nổi phục vụ Dự án Nhà máy sửa chữa tàu biển phía Nam. Theo đó giá mua ụ nổi 83M là 9 triệu USD, mua qua Công ty AP - Singapore. Việc Vinalines ký hợp đồng mua và thanh toán tiền ụ nổi 83M với Công ty AP. Kết quả điều tra xác định, Dương Chí Dũng, Mai Văn Phúc, Trần Hữu Chiều và Trần Hải Sơn đã làm trái quy định của Nhà nước, tham ô gần 400 tỉ đồng của Nhà nước.
Một vụ tham nhũng khác cũng xảy ra tại một Công ty con của một Tập đoàn lớn của Nhà nước. Trịnh Văn Thảo được giao nhiệm vụ làm Giám đốc PVC-ME (Công ty Cổ phần Thi công Cơ giới và lắp máy dầu khí – thuộc Tập đoàn Dầu khí). PVC-ME có ngành nghề chính là thi công xây dựng hạ tầng, nền móng, gia công cơ khí, lắp máy và đường ống. Giai đoạn từ năm 2009 đến năm 2012, PVC-ME đã ký kết được được 34 hợp đồng kinh tế với giá trị 2.780 tỷ đồng, trong đó có những dự án rất lớn. Tuy nhiên sau này do năng lực yếu kém, đầu tư dàn trải nên đến giữa năm 2012, tình hình tài chính PVC-ME mất cân đối vốn nghiêm trọng, có nguy cơ phá sản vì hiệu quả sản xuất kinh doanh thấp, nhiều công trình thi công thua lỗ dẫn đến mất cân đối vốn hàng trăm tỉ đồng.
Đáng chú ý, khi kiểm tra hoạt động kinh doanh giai đoạn 2009-2012, cơ quan chức năng đã phát hiện PVC-ME có những khoản chi tiêu vung vãi đến khó tin dù lương bình quân của người lao động chỉ từ 4-8 triệu đồng và nhiều lần xảy ra tình trạng chậm, nợ lương. Điều này làm nảy sinh đơn thư tố cáo suốt một thời gian dài, buộc PVN phải vào cuộc xác minh. Kết quả xác minh sau đó cho thấy PVC-ME đã lập một “quỹ đen” trái phép và đã chi hết trên 80,7 tỷ đồng. Kế toán trưởng, nhân viên PVC-ME đã rút từ “quỹ đen” hàng chục lần, có lần vài trăm triệu đồng, có lần cả tỷ đồng để đưa cho Giám đốc PVC-ME Trịnh Văn Thảo đi đối ngoại, tiếp khách hoặc đi nước ngoài.
[caption id="attachment_154765" align="aligncenter" width="520"] Trịnh Văn Thảo trốn nã từ năm 2012[/caption]
Nói đến độ “ăn chơi”, phung phí tiền thuế của dân phải kể đến các bị can trong vụ đại án mới được khởi tố. Vụ Trịnh Xuân Thanh và đồng bọn. Đang từ đơn vị làm ăn có lãi, PVC dưới thời điều hành của Trịnh Xuân Thanh và Vũ Đức Thuận trở thành “con nợ khủng” của các ngân hàng. Dù năm 2012, các công ty con của PVC liên tục thua lỗ, nhưng doanh nghiệp này vẫn tiếp tục đổ vốn vào các công ty con với niềm hy vọng “vực dậy trứng vàng”. Vừa tăng thêm 1.500 tỷ đồng vốn điều lệ (từ 2.500 tỷ lên 4.000 tỷ đồng) vào cuối 2012, PVC tức tốc “ném” hơn 3.300 tỷ đồng (khoảng 85,72% vốn điều lệ) vào các công ty con. Có thêm tiền được rót từ công ty mẹ, nhưng sau một năm 16 công ty con, 13 công ty liên kết của PVC không những không khôi phục được sản xuất, tránh lỗ, mà còn lún sâu thêm vào vòng xoáy nợ, thua lỗ.
Không chỉ vậy, các lãnh đạo này còn tạm ứng cá nhân sai nguyên tắc tại công ty mẹ lên tới hơn 138,8 tỷ đồng. Các nhà thầu cũng được ứng thừa hơn 5.144 tỷ đồng khi thực hiện các dự án của PVC. Riêng phần công nợ phải thu của tổng công ty mẹ và các đơn vị thành viên thời điểm này cũng lên tới hơn 2.813 tỷ đồng. Việc chi tiêu quá tay khiến PVC không thể cân đối được nguồn vốn để trả lãi vay ngân hàng. Ghi nhận khoản dư nợ vay ngân hàng quá hạn của PVC ở thời điểm cuối năm 2013 lên tới gần 1.500 tỷ đồng.
Đọc các thương vụ thất thoát hàng nghìn tỉ đồng của nhà nước, người viết băn khoăn: Có phải những sếp bự trên đã được trao quyền quá nhiều trong khi trách nhiệm với nguồn vốn của nhà nước thì không được đặt ra, nên những sếp bự này mới thoải mái tiêu xài đến thế? Tại sao quá trình thất thoát kéo dài? Thanh tra thường xuyên của cơ quan thanh tra ở đâu khi những tham nhũng kéo dài từ năm này đến năm khác?
Thoải mái tiêu sài tiền tham nhũng
Qua các bị cáo đã bị bắt giữ, phần nào hé lộ tiền tham nhũng đã được bọn chúng sử dụng như thế nào. Đối tượng Giang Kim Đạt đã “kiếm lời” được số tiền lên tới hàng trăm tỷ đồng. Theo thống kê của cơ quan điều tra, người thân của Đạt đã dùng tiền tham ô mua gần 40 bất động sản (căn hộ cao cấp, biệt thự), chủ yếu nằm ở TP.HCM, Hà Nội, Nha Trang (Khánh Hòa)... cùng nhiều ô tô sang trọng.
Bản thân Đạt, trong 5 năm trốn truy nã, đối tượng này đã đi qua nhiều nước Trung Quốc, Thái Lan, Singapore... sống xa hoa bằng số tiền bất chính. Đầu năm 2015, Đạt dừng chân ở Singapore, không cần phải suy nghĩ Đạt đã vung tiền mua một căn hộ cao cấp trên hòn đảo thơ mộng. Sau vài tháng sống ở đây không thích thú, Đạt chẳng ngần ngại bán đi và mua căn biệt thự trị giá 3,6 triệu USD để sống. Tại căn biệt thự này, Đạt ăn uống tiêu xài hoang phí. Không những thế, đối tượng còn có quan hệ tình cảm với nhiều phụ nữ không mang quốc tịch sở tại trong cùng một thời điểm. Dương Chí Dũng với tư cách là Chủ tịch HĐQT Vinalines đã cấu kết cùng với Mai Văn Phúc, TGĐ Vinalines và các cá nhân khác cố ý làm trái trong việc đầu tư, tổ chức đấu thầu, thanh toán trong việc mua ụ nổi 83M, gây thiệt hại cho nhà nước gần 400 tỷ đồng. Theo những thông tin có được, cơ quan điều tra phát hiện Dương Chí Dũng đã sử dụng số tiền tham ô để mua cho bồ nhí, người đã có con riêng với Dương Chí Dũng, 2 căn hộ chung cư. Trong đó, một căn tại tầng 29 tòa tháp B, tòa nhà Skycity, Láng Hạ, Hà Nội và một căn tại tòa nhà Pacific, Lý Thường Kiệt, Hà Nội.
Còn trường hợp của Trịnh Xuân Thanh, Trịnh Văn Thảo là những đối tượng đang trốn nã, chưa bắt được. Hồ sơ điều tra các vụ án này phần nào cũng hé lộ, khi kiểm tra hoạt động kinh doanh giai đoạn 2009-2012, cơ quan chức năng đã phát hiện PVC-ME có những khoản chi tiêu vung vãi đến khó tin. Họ đã lập một “quỹ đen” trái phép và đã chi hết trên 80,7 tỷ đồng. Kế toán trưởng, nhân viên PVC-ME đã rút từ “quỹ đen” hàng chục lần, có lần vài trăm triệu đồng, có lần cả tỷ đồng để đưa cho Giám đốc PVC-ME Trịnh Văn Thảo đi đối ngoại, tiếp khách hoặc đưa hàng trăm triệu đồng khác cho các lãnh đạo khác của PVC-ME tiếp khách hoặc đi nước ngoài. Đặc biệt còn rút tiền để tặng sinh nhật bố Trịnh Xuân Thanh và mua đồ đánh gôn cho ông này.
Bắt được các bị cáo trong các vụ án trên có ý nghĩa cực kì quan trọng trong tố tụng các vụ án này và thu hồi tài sản tham nhũng. Những diễn biến quan trọng trong các đại án tham nhũng trên đã chứng tỏ chính sách đối với phòng, chống tham nhũng của ta còn kém hiệu quả, công tác thanh kiểm tra còn hạn chế, cơ chế quản lý kinh tế, trách nhiệm người đứng đầu DNNN còn lỏng lẻo, khuyết thiếu, sự phối hợp của các ban ngành chưa chặt chẽ, quy định của pháp luật còn lỗ hổng...
Minh Minh