Nhìn lại bài học phát triển kinh tế thời Covid

21/07/2021 14:53

Dự báo kinh tế trong bối cảnh Covid-19 bất định như hiện nay thật sự là bài toán khó. Tuy nhiên, chính lúc này cần có những đánh giá tỉnh táo, khoa học và khách quan để có thể định hình rõ ràng tình thế của chúng ta, từ đó có những quyết sách đúng đắn.

5-1626832348.jpeg
Triển khai “luồng xanh” được xem là một trong những giải pháp tháo gỡ khó khăn trong hoạt động vận tải hàng hóa cho các tỉnh phía Nam trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến rất phức tạp hiện nay. Ảnh minh họa là hoạt động bốc dỡ nông sản chuyển đến các điểm phân phối tại TPHCM. Ảnh: TTXVN

Sẵn sàng các kịch bản ứng phó

Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 diễn ra vào sáng 18-7(*), tại trụ sở Chính phủ, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, Bộ Y tế đã tổ chức hội nghị trực tuyến với tất cả các tỉnh, thành phố để chuẩn bị sẵn sàng cho “kịch bản xấu và xấu hơn”. Tất cả các bệnh viện hạng 2, hạng 3 (tuyến huyện và tương đương) buộc phải thiết lập hệ thống oxy trung tâm, chuẩn bị các giường hồi sức. Các bệnh viện tuyến tỉnh thiết lập tối thiểu 50 giường cấp cứu hồi sức tích cực để điều trị bệnh nhân nặng theo phân tầng điều trị. Ngoài ra Bộ Y tế thành lập các trung tâm hồi sức tích cực trung ương tại các khu vực.

Liên quan đến vấn đề trang thiết bị phòng, chống dịch, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, các địa phương mua sắm theo phương châm “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ; hậu cần tại chỗ) còn chậm; thủ tục, quy trình mua sắm nhiều bước; khả năng đáp ứng của các đơn vị cung ứng hạn chế; việc sử dụng sinh phẩm chẩn đoán ở mức độ cao hơn…

Từ câu chuyện nêu trên, ở góc nhìn cá nhân, tôi cho rằng trong bối cảnh bình thường thì phân cấp cho cấp dưới tùy hoàn cảnh là đúng, còn tình hình cấp bách thì cần chỉ huy tập trung, thống nhất. Nhưng hiện nay, có vẻ sự chỉ đạo, phối hợp các địa phương từ trung ương còn cần sự quyết liệt hơn nữa. Ban chỉ đạo phòng chống dịch đang có thẩm quyền về y tế, trong khi chống dịch đòi hỏi giải quyết những vấn đề khác nữa như thương mại, giao thông...

Kinh nghiệm của Việt Nam trong hai lần dập dịch thành công ở Hải Dương hồi đầu năm và gần đây ở Bắc Ninh, Bắc Giang cho thấy có những cách làm hiệu quả cần xem xét. Với đợt bùng phát dịch bệnh lần thứ tư này tại các tỉnh phía Nam, khác rất nhiều là do đặc điểm của biến thể virus gây dịch bệnh Covid-19 lan truyền rất nhanh trên diện rộng nên phần nào gây ra khó khăn trong việc dự báo tác động đến kinh tế. Xem lại những diễn biến, ảnh hưởng kinh tế ở các nước khác thì khó ai có thể dự báo kinh tế Mỹ có thể giảm và tăng trở lại tới hơn 30% trong một quí.

Điều đó cho thấy những tác động khi đã xảy ra thì sẽ vô cùng khốc liệt và Việt Nam cũng phải chuẩn bị cho tình huống đó. Đồng thời, nó cũng thể hiện sự khác biệt của khủng hoảng trong đợt bùng phát dịch lần thứ tư này khác với các kiểu khủng hoảng kinh tế khác về khả năng phục hồi. Đơn giản là vì nền kinh tế bị đóng băng chứ chưa bị ảnh hưởng đến các yếu tố nền tảng do yếu kém hoặc lỗi hệ thống. Mặc khác, nếu dịch bệnh kéo dài, mất kiểm soát thì những khó khăn, tác động ngắn hạn có thể trở thành những nguy cơ xói mòn nền tảng như nợ xấu tích lũy trong hệ thống ngân hàng, khả năng chống chịu của các doanh nghiệp và người dân sụt giảm đến mức thấp.

Việc phong tỏa, cách ly chắc chắn sẽ ảnh hưởng nặng nề trước mắt đến mọi lĩnh vực đời sống sản xuất của người dân. Nếu mất niềm tin do những ảnh hưởng trực tiếp đến cá nhân, doanh nghiệp sẽ tạo ra tâm lý hoảng loạn dẫn đến mất kiểm soát. Đây là điều đáng lo ngại nhất đối với việc phòng chống covid và đặc biệt trong điều kiện nước ta khi hệ thống chăm sóc y tế và khả năng chịu tải có hạn.

Cách đây hơn một năm, ngày 8-3-2020, khi Hà Nội tuyên bố cách ly y tế ở một số điểm, cả thành phố đã náo loạn đi gom hàng giấy vệ sinh, mì tôm. Ngoài thị trường, giá thực phẩm tăng gấp đôi. Mọi người đều có tâm lý tích trữ vì lo sợ nếu thành phố phong tỏa thì biết làm thế nào.

Chính quyền Hà Nội khi đó đã nhanh chóng xử lý, cụ thể: (1) cung cấp đồ thiết yếu cho những khu phố bị cách ly y tế và truyền thông mạnh về việc này để người dân tin tưởng: chính quyền không bỏ rơi người dân trong trường hợp bị phong tỏa; (2) các hệ thống bán lẻ, siêu thị cam kết cung cấp đủ hàng hóa. Chỉ trong một ngày, tinh hình trở lại gần như bình thường.

Khi Hải Dương bị phong tỏa, một số tỉnh bên cạnh xuất phát từ các giải pháp tự bảo vệ mình, nên đã có các biện pháp được xem là "ngăn sông cấm chợ", các chốt ngăn không cho người dân buôn bán. Chính phủ đã có chủ trương chỉ đạo kịp thời yêu cầu các tỉnh không chống dịch cực đoan. Tất nhiên, quy mô của Hải Dương nhỏ, số người bị thiệt hại do không buôn bán được hàng hóa cũng không nhiều. Gần đây, kinh nghiệm của Bắc Giang cũng rất đáng chú ý. Đặc biệt, việc hỗ trợ người dân vùng vải thiều Lục Ngạn trong điều kiện cách ly vẫn đảm bảo việc tiêu thụ hàng hóa. Những kinh nghiệm của các địa phương đi trước trong quá trình chống dịch thực sự đáng để nghiên cứu và có cách thức áp dụng phù hợp cho các địa phương đi sau.

Kiên định, khoa học và nhân văn trong phòng chống dịch

Tình hình chống dịch ở một số tỉnh phía Nam, đặc biệt là TPHCM trong một vài giai đoạn cụ thể vừa qua được đánh giá là bộc lộ những điểm hạn chế, trong đó có việc phân cấp mà không có trách nhiệm, không có quan điểm thống nhất, kiên định về quyền lực, hiệu lực tập trung.

Chính vì vậy, sau cuộc họp trực tuyến với lãnh đạo TPHCM về công tác phòng chống dịch Covid-19 vào ngày 8-7, Văn phòng Chính phủ đã ban hành Thông báo 181/TB-VPCP kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, thông báo(**) nêu rõ, mục tiêu thống nhất của Chính phủ và Thành ủy trong thời gian tới là: (i) quyết tâm kiềm chế, ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh tại thành phố và các tỉnh trong thời gian sớm nhất; (ii) chăm lo, bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân, đặt sức khỏe, tính mạng của nhân dân lên trên hết, trước hết; (iii) không để ai thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu các nhu yếu phẩm tối thiểu, thiết yếu, không để xáo trộn lớn đời sống nhân dân; điều trị tích cực, cứu chữa người mắc bệnh Covid-19, cố gắng hạn chế đến mức thấp nhất có thể các trường hợp tử vong (tốt nhất không để xảy ra tử vong).

Quan điểm, tư tưởng chỉ đạo: Một là, tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm quan điểm “chống dịch như chống giặc”, thực hiện mục tiêu kép. Thành phố lúc này phải ưu tiên cao nhất cho mục tiêu phòng chống dịch, sớm đưa cuộc sống trở lại trạng thái bình thường mới; nơi nào, khi nào an toàn và có đủ điều kiện theo quy định thì phải đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội; phải linh hoạt, sáng tạo trong lựa chọn thứ tự ưu tiên cho các mục tiêu.

Hai là, trong hoàn cảnh càng khó khăn, phức tạp, chúng ta càng phải đoàn kết, thống nhất và giữ vững nguyên tắc, phát huy dân chủ, trí tuệ tập thể, cầu thị, khiêm tốn, lắng nghe ý kiến của nhau (kể cả ý kiến phản biện) để lựa chọn được giải pháp tốt nhất.

Phải thật bình tĩnh, kiên trì, bản lĩnh và quyết tâm thực hiện bằng được các mục tiêu đề ra; đồng thời phải luôn linh hoạt, sáng tạo, bám sát tình hình để điều chỉnh kịp thời biện pháp phòng chống dịch, thực hiện Chỉ thị 16. Tuyệt đối không được lơ là, chủ quan, mất cảnh giác khi chưa có dịch hoặc khi dịch bệnh đã đi qua; không lo sợ, hốt hoảng, lúng túng, mất bình tĩnh, thiếu kiên trì, thiếu bản lĩnh khi dịch xảy ra.

Những khó khăn, thách thức của TPHCM hiện nay là chưa có tiền lệ. Do đó, tinh thần là không cầu toàn, không nóng vội, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, mở rộng dần, không cứng nhắc, máy móc; quan trọng nhất là phải vì lợi đích chung, vì tính mạng, sức khỏe của nhân dân để mạnh dạn, dám nghĩ, dám làm.

Ba là, phải huy động sức mạnh cả hệ thống chính trị, nhất là hệ thống chính trị tại cơ sở, lấy hệ thống chính trị cơ sở là nền tảng, là “pháo đài” phòng, chống dịch theo nguyên tắc: Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, tổ chức thực hiện, huy động sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị, kêu gọi sự ủng hộ, hưởng ứng, chia sẻ, đóng góp và tích cực tham gia của các tầng lớp nhân dân, doanh nghiệp trong thực hiện phòng, chống dịch; mỗi người dân là một “chiến sĩ”, mỗi phố, phường, tổ dân phố là một “pháo đài” phòng, chống dịch; phát huy cao độ vai trò của tổ Covid cộng đồng tại từng tổ dân phố, xã, phường, doanh nghiệp...

Bốn là, phân công, phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm và tăng cường hơn nữa kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện. Thành phố cần rà soát lại việc phân công, phân cấp, phân quyền hiện nay, cần thiết có thể điều chỉnh, bổ sung kịp thời, bảo đảm thực hiện thành công Chỉ thị 16 phù hợp với diễn biến tình hình, tránh bỏ sót, trùng lặp và phải có đầu mối chỉ huy tập trung, thống nhất.

TPHCM phải bảo đảm cho người lãnh đạo, chỉ đạo việc phòng chống dịch có đủ thẩm quyền; đứng đầu Ban chỉ đạo có thể là Bí thư cấp ủy hoặc Chủ tịch Ủy ban nhân dân tùy theo diễn biến tình hình; bảo đảm lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, thống nhất; có sự điều phối, phối hợp, nhịp nhàng, hiệu quả giữa các lực lượng phòng, chống dịch trên địa bàn thành phố.

Năm là, tiếp tục tăng cường chất lượng, hiệu quả công tác phối hợp giữa các cấp, các ngành với thành phố và các địa phương. Thành phố phải chủ trì, tổ chức đầu mối phối hợp, điều phối việc tiếp nhận các nguồn lực hỗ trợ phòng, chống dịch của các bộ, ngành, doanh nghiệp, người dân... bảo đảm kịp thời, rõ ràng, hiệu quả, thiết thực, phù hợp tình hình, tránh chồng chéo và bỏ sót, nhất là khi thực hiện Chỉ thị 16.

Việc 19 tỉnh thành phía Nam thực hiện theo công văn của Thủ tướng Chính phủ về việc áp dụng biện pháp giãn cách xa hội tại 19 địa phương này trong 14 ngày, từ 0 giờ ngày 19-7, theo quan điểm cá nhân tôi, ngoài việc tuân thủ nghiêm ngặt thì điều quan trọng mà các địa phương nên chú trọng đó là cần phân biệt các hoạt động phục vụ dân sinh và phục vụ sản xuất.

Đối với các doanh nghiệp cung cấp hàng hóa, dịch vụ không thiết yếu nên tạm thời ngừng sản xuất vì các cam kết làm việc tại chỗ sẽ không đảm bảo và thiếu điều kiện tổ chức, chưa kể là còn gây xáo trộn trong sinh hoạt của rất nhiều gia đình nhân viên, công nhân.

Các hoạt động phục vụ dân sinh thì lại cần được duy trì có kiểm soát. Kinh nghiệm về việc tổ chức vận chuyển theo kiểu chuyển lái xe tải các điểm giao hàng theo phương châm “hàng đi người ở lại” đáng được xem xét thay vì cấp giấy thông hành, xét nghiệm chứng nhận. Cho phép siêu thị hoạt động mà đóng cửa tất cả các chợ đầu mối và nhiều chợ, cấm bán hàng mang về, theo ý kiến cá nhân tôi, là quá mức cần thiết.

Chúng ta không thể chống dịch Covid-19 bằng khẩu hiệu chính trị và theo kiểu phong trào. Song, cũng không nên chuyển từ cực này sang cực khác. Mục tiêu của y tế điều trị là giảm tử vong. Mục tiêu của y tế dự phòng là ngăn ngừa dịch từ xa qua đó giảm thiểu tử vong một cách bền vững. Còn cách thức phòng chống ra sao, cách ly thế nào cho khỏi ảnh hưởng mục tiêu kép thì phải rút kinh nghiệm áp dụng cho từng trường hợp cụ thể.

Trong điều kiện của TPHCM và các tỉnh thành phía Nam nêu trên vẫn chưa có đủ vaccine cho nhu cầu thì khoanh vùng dập dịch vẫn là giải pháp hữu hiệu, và kể cả có đủ vaccine cũng không nên bỏ đi vai trò của y tế dự phòng, khoanh vùng dập dịch và tuân thủ 5K.

Về kịch bản ứng phó, không nên khư khư mục tiêu kép và duy trì tốc độ tăng trưởng hơn 6%. Nếu việc kiểm soát dịch bệnh tiến triển tốt thì khả năng phục hồi sẽ tăng trở lại nhanh (Trung Quốc quí 1 tăng trưởng 18%, quí 2 tăng trưởng 14%). Theo dự báo của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM), tăng trưởng kinh tế của Việt Nam có thể đạt 5,9% theo kịch bản nếu kiểm soát được dịch vào tháng 10-2021 và tăng trưởng 6,2% theo kịch bản kiểm soát được dịch vào tháng 8-2021 (thấp hơn mục tiêu của Chính phủ 6,5%).

Tôi cho rằng, các con số nói trên chỉ có ý nghĩa tham khảo vì thực chất của vấn đề hiện nay là làm sao giảm thiểu sự bùng phát của bệnh dịch bằng các biện pháp hợp lý và nhân đạo, giữ cho sản xuất được duy trì nhưng an toàn, và sẵn sàng các biện pháp giúp đỡ những người cần giúp đỡ từ chính ngân sách của Chính phủ.

Tính chất liên kết kinh tế càng được thể hiện rõ trong đợt bùng phát dịch lần thứ tư này. Trước mắt, nói về kinh tế nông nghiệp, cả hai vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, cụ thể là là các địa phương thuộc Đông Nam bộ và Đồng bằng sông Cửu Long, chiếm tỷ lệ chủ lực về nông sản xuất khẩu. Do vậy, dịch bệnh không chỉ làm suy giảm sản xuất mà còn làm đứt gãy chuỗi cung ứng trong nước và thế giới.

Nguy cơ về lâu dài, nếu không đáp ứng nhu cầu thị trường, thì thị phần của hàng hóa Việt Nam có thể mất vào các đối thủ cạnh tranh tại các nước đang khống chế dịch tốt hơn. Đây là thiệt hại không thể tránh khỏi. Nếu các địa phương ổn định sớm, các đơn hàng sẽ trở lại. Một lần nữa kinh nghiệm của Trung Quốc đáng tham khảo là các đơn hàng chuyển sang Ấn Độ đã lần lượt quay trở lại Trung Quốc.

Trước khi TPHCM thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, một số chuyên gia cho rằng ngoài những người phục vụ ở bệnh viện, nên ưu tiên vaccine cho công nhân viên các khu chế xuất, khu công nghiệp để duy trì sản xuất cho hoạt động xuất khẩu vì tại các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam dịch bệnh đang được khắc phục và kinh tế đang phục hồi. Giải pháp này nhằm vừa giữ được thị trường xuất khẩu hàng hóa vừa duy trì công ăn việc làm cho một bộ phận lớn lao động.

Đó là trước mắt. Nhưng bây giờ tình hình dịch bệnh tại 19 tỉnh phía Nam đang nghiêm trọng, phải làm sao có đủ vaccine và phải cải thiện công tác quản lý của chính quyền các cấp về việc cách ly y tế, mục tiêu chống dịch phải đồng hành cùng nhiệm vụ ổn định cuộc sống của người dân.

Quan điểm cá nhân của người viết là bây giờ không phải là lúc bàn tăng trưởng GDP trong năm nay là bao nhiêu phần trăm mà nên tập trung vào hai vấn đề. Thứ nhất làm sao cải thiện quy trình quản lý của chính quyền các cấp về việc cách ly, việc chống dịch và ổn định cuộc sống của dân. Thứ hai là sản xuất và lưu thông thực phẩm như thế nào để giúp gia tăng sản xuất nông nghiệp, góp phần ổn định cuộc sống của người  dân trong tình hình giãn cách xã hội trên diện rộng hiện nay.

Thực tế cho thấy Việt Nam đã chống Covid-19 trong cả năm 2020 và đầu năm 2021 rất hiệu quả. Do nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan, đến đợt bùng phát dịch lần thứ tư với cường độ và tốc độ lây lan chóng mặt, vượt qua mọi dự đoán và có nguy cơ nghiêm trọng ở các tỉnh phía Nam, đặc biệt ở TPHCM.

Điều cần nhấn mạnh là phải tính đến khả năng khó tránh khỏi phương án “sống chung” với virus gây ra dịch bệnh trong một thời gian không ngắn, cho đến khi tỷ lệ người dân được tiêm chủng cao đến mức tạo miễn dịch cho toàn xã hội. Sống chung với virus gây bệnh dịch không hẳn là cấm ra khỏi nhà, nhốt người bị nhiễm, mà đòi hỏi các biện pháp hợp lý, có sự nghiên cứu và tổng hợp kinh nghiệm chống dịch ở các địa phương khác và các nước khác một cách khoa học, nhằm bảo đảm hoạt động kinh tế - xã hội tiếp tục ở mức hợp lý và ngân sách của Chính phủ phải đủ để hỗ trợ cho những người dân nghèo khổ nhất không bị đói khát.

Trong mọi tình huống, không được để đứt gãy chuỗi cung ứng vật tư thiết yếu như lương thực, thực phẩm, thuốc men. Tiền chi từ ngân sách để hỗ trợ có thể đơn giản hóa bằng cách hỗ trợ theo mức đã đóng thuế, có thể lấy hai năm trước dịch là 2018-2019. Ngân hàng chính sách có thể cho các tổ chức, doanh nghiệp vay trả lương. Còn đối tượng người lao động nghèo và lao động mất việc, Nhà nước nên mua hàng lương thực, thực phẩm và cấp miễn phí như đã làm, bởi về lâu dài, các tổ chức, đơn vị và cá nhân thiện nguyện có thể không còn đủ sức để làm từ thiện nữa.

Theo doanhnghiephoinhap.vn

Nguồn bài viết: https://doanhnghiephoinhap.vn/nhin-lai-bai-hoc-phat-trien-kinh-te-thoi-covid.html

Bạn đang đọc bài viết "Nhìn lại bài học phát triển kinh tế thời Covid" tại chuyên mục Diễn đàn - Luật gia. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin