Nhiều chính sách mới tháo gỡ khó khăn cho Doanh nghiệp, đảm bảo “an toàn” thị trường trái phiếu – chứng khoán

05/01/2021 21:15

(Pháp lý) – Cùng với nhiều Luật sửa đổi có liên quan đến lĩnh vực kinh tế - đầu tư – doanh nghiệp được Quốc hội thông qua, có hiệu lực ngay từ tháng 1/ 2021, mới đây, Chính phủ tiếp tục sửa đổi bổ sung nhiều chính sách góp phần tăng nội lực, tháo gỡ khó khăn cho DN, hỗ trợ kinh doanh bất động sản, đảm bảo “an toàn” thị trường trái phiếu – chứng khoán.

Nhiều chính sách mới kỳ vọng sẽ củng cố thêm sức mạnh Doanh nghiệp trong năm 2021

Tiếp tục giãn, giảm nhiều khoản thuế, phí, lệ phí

Nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19, ngày 29/12/2020, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 112/2020/TT-BTC quy định giãn, giảm thu một số khoản phí, lệ phí.

Theo đó, từ ngày 01/01/2020 cho đến hết ngày 30/6/2021, có 29 loại phí, lệ phí tiếp tục được giảm như: Giảm 30% phí khai thác và sử dụng dữ liệu về môi trường; Giảm 50% lệ phí cấp giấy phép thành lập và hoạt động của ngân hàng, lệ phí giấy phép thành lập và hoạt động của tổ chức tín dụng phi ngân hàng; Giảm 30 % phí trong lĩnh vực y tế quy định tại Điều 1 Thông tư 11/2020/TT-BTC ngày 20/2/2020; Giảm 30% phí thẩm định điều kiện kinh doanh trong hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động; huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động quy định tại Điều 1 Thông tư 110/2017/TT-BTC ngày 20/10/2017…

Đặc biệt, đối với xe ô tô kinh doanh vận tải của doanh nghiệp kinh doanh vận tải, hợp tác xã kinh doanh vận tải, hộ kinh doanh vận tải sẽ được giảm 30% phí sử dụng đường bộ. Kể từ ngày 01/7/2021 trở đi, mức thu các khoản phí, lệ phí được giảm theo quy định nêu trên thực hiện theo quy định tại các Thông tư gốc.

Trước đó, ngày 18/12/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định 146/2020/NĐ-CP ban hành sửa đổi, bổ sung Điều 5 Nghị định số 20/2011/NĐ-CP ngày 23/3/2011 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Nghị quyết số 55/2010/QH12 ngày 24/11/2010 của Quốc hội về miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp.

Theo đó, Nghị định 146 nêu rõ: Kéo dài thời hạn thực hiện hạng đất tính thuế sử dụng đất nông nghiệp đến hết ngày 31/12/2025 (quy định cũ đến ngày 31/12/2020) trên cơ sở hạng đất đã được quy định và thực hiện trong giai đoạn từ năm 2011 đến hết năm 2020.

Trường hợp địa phương được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh hạng đất tính thuế sử dụng đất nông nghiệp theo quy định thì thực hiện theo quy định đó đến hết ngày 31/12/2025. Nghị định 146/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 1/1/2021.

Bất động sản trong năm 2021 sẽ được hỗ trợ bởi loạt chính sách mới.

Bước sang năm 2021, với loạt chính sách mới có hiệu được kỳ vọng sẽ góp phần tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho thị trường bất động sản.

Từ ngày 1/1/2021, Luật Xây dựng sửa đổi 2020 có hiệu lực thi hành, nhiều công trình sẽ được miễn giấy phép xây dựng. Theo đó, sẽ có 10 trường hợp được miễn phép xây dựng theo Luật Xây dựng 2020 và một số những quy định hoàn toàn mới của Luật Xây dựng sửa đổi 2020.

Cụ thể, Luật Xây dựng sửa đổi 2020 đã bổ sung thêm các trường hợp công trình xây dựng nhà ở riêng lẻ được miễn giấy phép xây dựng. Đối với các công trình xây dựng nhà ở riêng lẻ không thuộc các trường hợp kể trên phải có giấy phép xây dựng do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp theo quy định của pháp luật. Theo nhiều chuyên gia nhận định, Luật Xây dựng sửa đổi 2020 đã rút ngắn thủ tục cấp giấy phép xây dựng. Điều này giúp các đơn vị tiết kiệm thời gian và chi phí trong khâu thẩm định thiết kế như trước đây.

Trong khi đó, Luật Đầu tư sửa đổi 2020 sẽ tháo gỡ ách tắc về thủ tục đầu tư xây dựng đối với các dự án đầu tư kinh doanh. Cụ thể, Luật Đầu tư sửa đổi 2020, đã bổ sung điểm c khoản 2 Điều 22 Luật Nhà ở, về chấp thuận nhà đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư. Trường hợp có nhiều “nhà đầu tư” được chấp thuận thì việc xác định “chủ đầu tư” theo quy định của Luật Xây dựng. Luật Đầu tư sửa đổi 2020, cũng bổ sung Khoản 1 Điều 23 Luật Nhà ở, về hình thức sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, đối với trường hợp có quyền sử dụng đất ở hợp pháp và các loại đất khác được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép chuyển mục đích sử dụng đất sang làm đất ở.

Ngoài ra, Luật Đầu tư sửa đổi 2020, bổ sung Khoản 2 Điều 170 Luật Nhà ở, quy định đối với dự án xây dựng nhà ở khác thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư thì thực hiện theo quy định của Luật Đầu tư. Đặc biệt, Luật Đầu tư bãi bỏ Khoản 3 Điều 22 và Điều 171 Luật Nhà ở, để đảm bảo sự thống nhất về quy trình thủ tục đầu tư xây dựng, đối với các dự án nhà ở phải thực hiện thủ tục “chấp thuận chủ trương đầu tư” theo quy định của Luật Đầu tư.

Luật Đầu tư 2020 đã sửa đổi điểm a, điểm đ Điều 25 Luật Bảo vệ môi trường, chỉ yêu cầu có đánh giá sơ bộ tác động môi trường để chấp thuận chủ trương đầu tư; hoặc để cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư nên sẽ gỡ khó rất nhiều vướng mắc cho doanh nghiệp.

Gần đây nhất, Chính phủ đã ban hành Nghị định 148/2020/NÐ-CP sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Ðất đai. Nghị định cho phép được giao, cho thuê những thửa đất xen kẽ trong các dự án thay vì phải đấu giá như trước.

Theo đó, các thửa đất nhỏ hẹp do Nhà nước quản lý ưu tiên sử dụng vào mục đích công cộng. Trường hợp không sử dụng được vào mục đích công cộng thì thực hiện việc giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất cho người sử dụng đất liền kề.

Điểm quan trọng trong Nghị định 148/2020/NĐ-CP là việc quy định các thửa đất nhỏ hẹp do Nhà nước quản lý ưu tiên sử dụng vào mục đích công cộng. Trường hợp không sử dụng được vào mục đích công cộng thì thực hiện việc giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất cho người sử dụng đất liền kề. Nghị định 148/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 8/2/2021.

Nhiều quy định mới đảm bảo “an toàn” thị trường trái phiếu – chứng khoán

Bên cạnh chính sách mới nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19, để đảm bảo môi trường an toàn cho nhà đầu tư, Chính phủ đã ban hành nhiều quy định mới liên quan đến thị trường chứng khoán như: Nghị định 155/2020/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán; Nghị định 156/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán…

Theo đó, Nghị định số 156 quy định mức phạt tiền tối đa trong xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực chứng khoán là 3 tỷ đồng đối với tổ chức và 1,5 tỷ đồng đối với cá nhân. Cụ thể, hành vi vi phạm sử dụng thông tin nội bộ để mua, bán chứng khoán và thao túng thị trường chứng khoán sẽ bị phạt tiền tối đa là 10 lần khoản thu trái pháp luật đối với tổ chức và 5 lần khoản thu trái pháp luật đối với cá nhân. Trường hợp không có khoản thu trái pháp luật hoặc mức phạt tính theo khoản thu trái pháp luật thấp hơn mức phạt tiền tối đa quy định ở trên thì áp dụng mức phạt tiến tối đa quy định ở trên để xử phạt.

Vi phạm hành chính lĩnh vực chứng khoán bị phạt tới 3 tỷ đồng

Đối với vi phạm quy định về chào bán, phát hành chứng khoán riêng lẻ, Nghị định quy định phạt tiền từ 200 - 300 triệu đồng đối với các hành vi vi như: Chào bán, phát hành chứng khoán riêng lẻ khi chưa đáp ứng đủ điều kiện theo quy định pháp luật; Không đảm bảo việc chào bán, phát hành trái phiếu riêng lẻ đáp ứng đủ điều kiện theo quy định pháp luật; không đảm bảo các thông tin trong hồ sơ chào bán, phát hành trái phiếu riêng lẻ chính xác, trung thực, có thể kiểm chứng được, không gây hiểu nhầm và có đầy đủ những nội dung có thể ảnh hưởng đến quyết định của nhà đầu tư; không rà soát đối tượng tham gia mua trái phiếu phát hành riêng lẻ đảm bảo tuân thủ quy định pháp luật…Phạt tiền từ 400 - 500 triệu đồng đối với hành vi lập, xác nhận hồ sơ đăng ký chào bán, phát hành, chứng khoán riêng lẻ có thông tin sai lệch, sai sự thật hoặc che giấu sự thật. Chào bán chứng khoán ra công chúng khi chưa đủ điều kiện bị phạt tới 600 triệu đồng.

Về vi phạm quy định về niêm yết chứng khoán, đăng ký giao dịch chứng khoán, Nghị định quy định phạt tiền từ 2,5 - 3 tỷ đồng đối với hành vi làm giả giấy tờ, xác nhận trên giấy tờ giả mạo chứng minh đủ điều kiện niêm yết chứng khoán trong hồ sơ đăng ký niêm yết chứng khoán hoặc làm giả giấy tờ, xác nhận trên giấy tờ giả mạo trong hồ sơ đăng ký giao dịch chứng khoán…

Trước đó, để đảm bảo an toàn cho thị trường, Bộ tài chính đã ban hành Thông tư 96/2020/TT-BTC hướng dẫn công bố thông tin trên thị trường chứng khoán, và Thông tư 95/2020/TT-BTC hướng dẫn giám sát giao dịch chứng khoán trên thị trường chứng khoán, có hiệu lực từ ngày 01/01/2021.

Theo đó, Thông tư 96 quy định khá toàn diện các đối tượng có nghĩa vụ công bố thông tin như: Công ty đại chúng; tổ chức phát hành trái phiếu doanh nghiệp ra công chúng; tổ chức phát hành thực hiện chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng; tổ chức niêm yết trái phiếu doanh nghiệp; công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán; chi nhánh công ty chứng khoán nước ngoài tại Việt Nam và chi nhánh công ty quản lý quỹ nước ngoài tại Việt Nam; văn phòng đại diện công ty chứng khoán và công ty quản lý quỹ nước ngoài tại Việt Nam; quỹ đại chúng, công ty đầu tư chứng khoán đại chúng…

Thông tư 95 quy định rõ về trách nhiệm và quyền hạn của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước là: Giám sát các hoạt động giao dịch chứng khoán trên thị trường chứng khoán nhằm phát hiện, ngăn ngừa, xử lý các hành vi sử dụng thông tin nội bộ trong mua bán chứng khoán, thao túng thị trường chứng khoán và các hành vi vi phạm quy định pháp luật về giao dịch chứng khoán. Đồng thời giám sát nhà đầu tư trong việc tuân thủ các quy định của pháp luật về giao dịch chứng khoán. Đưa ra cảnh báo đối với các giao dịch và hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật nhằm ngăn ngừa hành vi vi phạm pháp luật trong giao dịch chứng khoán của đối tượng giám sát.

Đặc biệt đối với thị trường trái phiếu Doanh nghiệp, Chính phủ đã ban hành Nghị định 153/2020/NĐ-CP quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế…

Theo đó, đối với việc chào bán trái phiếu không chuyển đổi không kèm chứng quyền, doanh nghiệp phải đáp ứng điều kiện thanh toán đủ cả gốc và lãi của trái phiếu đã phát hành hoặc thanh toán đủ các khoản nợ đến hạn trong 3 năm liên tiếp trước đợt phát hành trái phiếu (nếu có), trừ trường hợp chào bán trái phiếu cho chủ nợ là tổ chức tài chính được lựa chọn. Doanh nghiệp cũng phải đáp ứng các tỷ lệ an toàn tài chính, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động theo quy định của pháp luật chuyên ngành; có phương án phát hành trái phiếu được phê duyệt và chấp thuận theo quy định; có báo cáo tài chính năm trước liền kề của năm phát hành được kiểm toán bởi tổ chức kiểm toán đủ điều kiện.

Nghị định cũng quy định doanh nghiệp chào bán trái phiếu thành nhiều đợt phải đáp ứng các điều kiện gồm có nhu cầu huy động vốn thành nhiều đợt phù hợp với mục đích phát hành trái phiếu được phê duyệt; có phương án phát hành trái phiếu trong đó dự kiến cụ thể về khối lượng, thời điểm và kế hoạch sử dụng vốn của từng đợt chào bán…

Đinh Chiến (T/h)

Bạn đang đọc bài viết "Nhiều chính sách mới tháo gỡ khó khăn cho Doanh nghiệp, đảm bảo “an toàn” thị trường trái phiếu – chứng khoán" tại chuyên mục Sự kiện - Chính sách. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin