Nhận diện một số thủ đoạn lừa đảo trong các giao dịch liên quan đến “sổ đỏ”

31/10/2023 14:27

(Pháp lý) - Thời gian qua, cơ quan chức năng đã phát hiện, điều tra nhiều vụ án lừa đảo, xử lý nhiều đối tượng với những chiêu thức, thủ đoạn tinh vi nhằm chiếm đoạt tài sản liên quan đến Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (“sổ đỏ”). Từ thực tế nghiên cứu một số vụ án, bài viết chỉ ra một số thủ đoạn mà các đối tượng thường sử dụng lừa đảo, nhằm giúp bạn đọc nhận diện, đánh giá, hạn chế tối đa các rủi ro trong giao dịch liên quan đến “sổ đỏ”.

1-1698736759.png

Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cảnh báo về tình trạng mạo danh cán bộ Sở hướng dẫn làm các thủ tục về “sổ đỏ” qua điện thoại và mạng xã hội để lừa đảo

Vào các ngày 9/9 và 16/9, có 7 người đã mang Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và căn cước công dân đến Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội để làm thủ tục khai báo, tích hợp thông tin vào ứng dụng VNelD sau khi nhận được các cuộc điện thoại yêu cầu từ số máy lạ.

 Trước tình trạng này, Sở khẳng định các cuộc gọi, tin nhắn với nội dung yêu cầu thực hiện các thủ tục để cập nhật căn cước công dân, chuyển đổi số, tích hợp thông tin về giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vào ứng dụng VNelD là không chính xác.

"Hiện nay, Hà Nội chưa yêu cầu công dân tích hợp thông tin trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vào ứng dụng VNelD", Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho hay.

Cơ quan này khuyến cáo người dân, tổ chức đề cao cảnh giác từ các cuộc gọi lạ, tự xưng là cán bộ của Sở Tài nguyên và Môi trường. Đồng thời, Sở cũng yêu cầu nhân viên tăng cường kỷ luật, chỉ dùng số điện thoại của cơ quan để liên hệ với người dân, tổ chức để ngăn chặn tình trạng lừa đảo này.

Điều đáng nói là thời gian qua, đã từng có không ít các vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản liên quan đến “sổ đỏ” đã bị cơ quan chức năng các địa phương phát hiện và xử lý. Các đối tượng thường sử dụng nhiều thủ đoạn, mánh khoé tinh vi nhằm mục đích lừa đảo chiếm đoạt tài sản. 

Nhận diện các thủ đoạn lừa đảo liên quan đến “sổ đỏ”

1. Lừa chạy thủ tục làm “sổ đỏ” để chiếm đoạt tài sản

Đây là thủ đoạn lừa đảo trong các giao dịch liên quan đến “sổ đỏ” mà cơ quan chức năng phát hiện và xử lý gần đây. Thủ đoạn chính mà các đối tượng sử dụng chính là lợi dụng tình hình hoạt động mua bán đất, nhà ở và nhu cầu làm giấy tờ đất, nhà ở của người dân tại nhiều địa phương ngày tăng cao, một số kẻ đã giả danh nhân viên, cán bộ các cơ quan nhà nước hoặc nhân viên, cán bộ có mối quan hệ với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền để lừa đảo, làm cho người dân tin tưởng chuyển tiền nhờ làm các dịch vụ giấy tờ nhà đất, từ đó chiếm đoạt tài sản.

Điển hình như mới đây nhất, ngày 13/10, Công an huyện Nghi Lộc (Nghệ An) khởi tố Lê Thanh Hưng (SN 1991, trú tại xã Diễn Kỷ, huyện Diễn Châu) về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” quy định tại điều 174 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017. Theo đó, mặc dù không có năng lực, nhiệm vụ, song Lê Thanh Hưng đã tự nhận mình có khả năng giải quyết thủ tục hồ sơ chuyển đổi mục đích sử dụng đất, thay đổi thông tin trên giấy chứng nhận QSDĐ, sau đó nhận làm hồ sơ xin tách thửa và cấp giấy chứng nhận QSDĐ.

Điều đáng nói là, sau khi nhận tiền, Hưng đặt làm giả Giấy chứng nhận QSDĐ, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất trên mạng xã hội sau đó đưa cho 6 nạn nhân chiếm đoạt số tiền 2,7 tỉ đồng.

2-1698736767.jpg

Công an huyện Nghi Lộc (Nghệ An) lấy lời khai của bị can Lê Thanh Hưng

Trước đó, ngày 9-9-2023, đối tượng Trần Vinh Sơn đã bị Cơ quan CSĐT Công an quận Cẩm Lệ, Thành phố Đà nẵng ra quyết định khởi tố bị can và bắt tạm giam để điều tra về hành vi: “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Thủ đoạn của Sơn là “nổ” có nhiều mối quan hệ với cơ quan chức năng, có khả năng chuyển đổi nhiều loại đất ở P. Hòa Thọ Tây thành đất ở. Vì tin lời của Sơn, có 2 người dân ở tổ 8 (P. Hòa Thọ Tây) đến nhờ làm thủ tục chuyển đổi đất và đã giao cho Sơn số tiền 465 triệu đồng. Sau khi nhận tiền, Sơn lên mạng Internet liên hệ đặt làm giả “sổ đỏ” để giao cho bị hại.

Kết quả điều tra ban đầu xác định, ngoài vụ lừa làm sổ đỏ chuyển đổi đất vườn lên đất ở cho 2 bị hại Trần Đình K. và Võ Thị M. (trú P. Hòa Thọ Tây) chiếm đoạt 465 triệu đồng. Cùng phương thức thủ đoạn tương tự, Trần Vinh Sơn còn lừa 4 bị hại khác, chiếm đoạt số tiền gần 3 tỷ đồng.

2. Dùng “sổ đỏ giả” để lừa bán hoặc cầm cố vay tiền

Lợi dụng tình hình “sốt đất” tại nhiều địa phương, thời gian qua, tại một số nơi xuất hiện tình trạng, các đối tượng lừa đảo làm “sổ đỏ” giả, sau đó thực hiện các giao dịch “đặt cọc” để mua bán hoặc cầm cố vay tiền sau đó chiếm đoạt tiền của bị hại.

Thủ đoạn của các đối tượng thường dùng là sử dụng thông tin cá nhân của nhiều người trên mạng Internet để làm giả “sổ đỏ”, làm giả giấy tờ cá nhân, đánh tráo “sổ đỏ”... sau đó tìm kiếm người có nhu cầu mua đất để liên hệ lừa bán đất với giả rẻ hoặc sử dụng để cầm cố vay tiền sau đó chiếm đoạt. Điều đáng nói là thông thường, sự việc chỉ bị vỡ lở khi cơ quan Công an vào cuộc xác minh hoặc lúc phát sinh tranh chấp, các cá nhân, tổ chức liên quan đề nghị cơ quan chức năng kiểm tra mới phát hiện ra đó là sổ giả.

Điển hình như  hồi đầu tháng 7/2023, Công an huyện Tân Lạc (Hòa Bình) đã bắt giữ Bùi Văn Tuấn (SN 1991, trú ở huyện Tân Lạc) để điều tra hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Theo hồ sơ điều tra, Bùi Văn Tuấn giới thiệu và dẫn chị B.T.P. có nhu cầu mua đất ở huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình vào khu vực rừng phòng hộ (khu Mường Phoi, thị trấn Mãn Đức, huyện Tân Lạc) và bảo là mình đang thu mua đất ở khu vực này được khoảng 5ha.

Sau khi được chị P. đồng ý mua đất, Tuấn lên mạng đặt mua giấy chứng nhận quyền sử dụng đất giả mang tên mình để lừa nạn nhân. Chị P. đã chuyển cho Tuấn hơn 1,4 tỷ đồng. Sau đó, chị P. biết bị lừa và trình báo với cơ quan công an.

Tại cơ quan công an, Bùi Văn Tuấn khai nhận toàn bộ hành vi làm giả giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để lừa bán cho chị P. với giá 1,7 tỷ đồng và đã nhận được của chị này số tiền 1,4 tỷ đồng.

Hay như, trường hợp Nguyễn Thị Thùy Trang và Nguyễn Văn Long ở Hải Dương bị cơ quan công an khởi tố về hành vi dùng “sổ đỏ” giả để cầm cố vay tiền hồi đầu tháng 10 mới đây. Quá trình điều tra bước đầu xác định, cuối tháng 5/2022, do làm ăn thua lỗ, cần tiền trả nợ, Trang đã hỏi vay của bà N.T.H (trú tại thị xã Kinh Môn) một khoản tiền. Quá trình trao đổi, bà H đồng ý cho Trang vay tiền nhưng phải có tài sản thế chấp. Lúc này Trang nảy ý định làm giả “sổ đỏ” để thế chấp cho khoản vay trên.

Trang lên mạng xã hội tìm thông tin dịch vụ làm giấy tờ giả 1 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với giá 4 triệu đồng. Toàn bộ nội dung trên giấy tờ do Trang cung cấp; ghi rõ việc vợ chồng Trang đang sở hữu một lô đất tại khu dân cư cụm công nghiệp Hiệp Sơn, phường Hiệp Sơn, thị xã Kinh Môn, tỉnh Hải Dương. Trên thực tế, đây là mảnh đất thuộc sở hữu của vợ chồng Trang nhưng do cần vốn làm ăn nên tháng 11/2021, vợ chồng Trang đã thế chấp, vay của Quỹ tín dụng nhân dân Minh Tân 1 tỷ đồng trong thời hạn 2 năm.

Sau khi có “sổ đỏ” giả, Trang cùng chồng là Nguyễn Văn Long cầm theo giấy chứng nhận giả đến nhà gặp bà H và được nạn nhân cho vay số tiền là 600 triệu đồng. Đến ngày 1/6/2022, hai vợ chồng Trang đã bán mảnh đất trên cho người khác nhưng không trả tiền cho bà H.

Liên quan đến vụ việc, ngày 11/10, Phòng Cảnh sát hình sự (Công an tỉnh Hải Dương) cho biết đã ra quyết định khởi tố bị can và thực hiện lệnh bắt tạm giam 2 đối tượng Nguyễn Thị Thùy Trang và Nguyễn Văn Long để điều tra về các tội “Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức”; “Sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức” và “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

3. Dùng “sổ đỏ” giả để đánh tráo sổ thật

Đáng quan ngại, một số trường hợp còn sử dụng “sổ đỏ” giả để đánh tráo sổ thật sau đó thực hiện sang nhượng cho người khác. Thủ đoạn của các đối tượng thường dùng là tìm cách đánh cắp thông tin trên “sổ đỏ” của chủ đất đang có nhu cầu sang nhượng để làm giả và bằng thủ đoạn tinh vi đánh tráo “sổ đỏ” giả, “sổ đỏ” thật sau đó làm giả các giấy tờ cá nhân của chủ sở hữu nhà, đất thay bằng hình ảnh của mình hoặc của đồng phạm để giao dịch mua bán tại văn phòng công chứng/phòng công chứng. Bằng thủ đoạn tinh vi, tội phạm không chỉ lừa người mua, chủ nhà, chủ đất mà còn qua mặt được cả cơ quan công chứng.

Điển hình như, ngày 5/5, Tòa án nhân dân Thành phố Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm 11 bị cáo trong vụ án làm giả giấy tờ nhà đất để lừa bán, chiếm đoạt tài sản của các bị hại và một số ngân hàng.

Các bị cáo trong vụ án đã dùng thủ đoạn sử dụng thông tin cá nhân của nhiều người trên mạng Internet để làm giả “sổ đỏ”, làm giả giấy tờ cá nhân, đánh tráo “sổ đỏ”... lừa đảo chiếm đoạt hơn 22 tỷ đồng.

Vụ án là tiếng chuông cảnh báo về mối nguy cơ tiềm tàng khi bị lộ, lọt thông tin cá nhân trên mạng Internet.

Theo hồ sơ vụ án,  trong khoảng thời gian từ năm 2018 đến tháng 1/2020, đã bàn bạc, thống nhất cùng thực hiện việc chiếm đoạt tài sản bằng cách sử dụng thủ đoạn thông qua các trang web mua bán bất động sản, tìm hiểu thông tin người cần bán rồi liên lạc giả là người đi mua đất, yêu cầu chủ sở hữu chụp ảnh “sổ đỏ” để làm giả.

3-1698736767.jpg

Phiên tòa xét xử sơ thẩm 11 bị cáo trong vụ án làm giả giấy tờ nhà đất để lừa bán, chiếm đoạt tài sản của các bị hại và một số ngân hàng

Quá trình tiếp cận với chủ đất, lợi dụng lúc sơ hở, các đối tượng đã đánh tráo “sổ đỏ” giả lấy sổ thật. Sau đó, các đối tượng làm giả giấy tờ tùy thân (Giấy chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu...) của chủ đất hoặc giả danh là chủ đất ký Hợp đồng chuyển nhượng bán cho người khác để chiếm đoạt tiền.

Ngoài ra, các đối tượng còn nhận vay được tiền với lãi suất thấp tại ngân hàng bằng hình thức thế chấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất rồi làm giả giấy tờ tùy thân của chủ đất để đồng bọn giả danh ký Hợp đồng chuyển nhượng, cầm cố hoặc ủy quyền cho người khác hoặc sử dụng tài sản đó mang thế chấp tại các ngân hàng rồi chiếm đoạt tiền.

Một trường hợp khác cách đây không lâu, công an thành phố Cần Thơ đã khởi tố bắt giam 11 người trong băng nhóm “cò đất” chuyên làm giả Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (“sổ đỏ”) để chiếm đoạt tài sản. Thủ đoạn của nhóm này là tìm số điện thoại của những người đang cần bán đất, bán nhà từ nhiều nguồn khác nhau như môi giới, rao bán trên mạng, niêm yết tại sàn bất động sản… để xin giấy chứng nhận quyền sử dụng đất photo rồi mang đi làm giả.

Các đối tượng sau đó lấy tên giả, sử dụng số điện thoại khuyến mãi để liên hệ gặp chủ đất xem vị trí thửa đất, nhà và “sổ đỏ” bản chính để đặt cọc. Khi chủ đất sơ hở, nhóm sẽ đánh tráo giấy giả được làm trước đó với giấy thật. Khi có “sổ đỏ” thật, nhóm này tiếp tục thuê người đóng giả chủ đất và làm giả giấy tờ tùy thân để ủy quyền, chuyển nhượng cho người khác với giá trị thấp hơn giá thị trường. Do giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là giấy thật nên Văn phòng công chứng và Cơ quan tài nguyên và môi trường không phát hiện. Khi chủ sở hữu phát hiện thì nhóm này đã mua bán, chuyển nhượng, cầm cố tài sản qua nhiều người. Qua đấu tranh, nhóm tội phạm trên đã thực hiện 7 vụ lừa đảo ở thành phố Cần Thơ và các tỉnh miền Tây với tổng số tiền khoảng 100 tỷ đồng.

4. Lừa đảo bằng các hình thức hợp đồng giả cách

Đây cũng là một trong các thủ đoạn thường thấy trong các vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản trong các giao dịch liên quan đến “sổ đỏ” bị phát hiện và xử lý thời gian qua. Cụ thể, khi cho vay tiền, các đối tượng lừa đảo yêu cầu nạn nhân phải ký vào một bản hợp đồng chuyển nhượng hoặc ủy quyền tài sản với mục đích được cho là đảm bảo cho khoản vay…Tuy nhiên, ngay sau đó các đối tượng cho vay “biến giả thành thật”, tìm cách chiếm đoạt luôn tài sản khi thực hiện thủ tục “sang tên” hoặc đem thế chấp ngân hàng.

Điển hình là trường hợp bà Trần Thị Hiền, (sinh năm 1962), trú tại thôn Song Mai Đông, xã Mai Đình, huyện Sóc Sơn (Hà Nội). Hơn 8 năm qua, gia đình bà Trần Thị Hiền đã phải đi khắp nơi, gõ cửa cầu cứu các cơ quan, ban, ngành về việc bị một đường dây lừa đảo chiếm đoạt nhà cửa, đất đai với chiêu bài cho vay tiền bằng “hợp đồng giả cách”.

Theo đó, vào năm 2018, gia đình bà Hiền bỗng nhận được thông báo triệu tập từ TAND quận Ba Đình về việc tham gia vụ việc tranh chấp hợp đồng tín dụng giữa một ngân hàng và Công ty Hùng Việt với vai trò là người có quyền lợi liên quan trong vụ án. Làm việc với TAND quận Ba Đình, bà Hiền mới biết, thửa đất số 88, tờ bản đồ số 9, diện tích 391 m2 đất ở của gia đình tại địa chỉ thôn Song Mai Đông, xã Mai Đình, huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội đã sang tên cho ông Hà Văn Kiên và đã bị thế chấp bảo lãnh khoản vay của Công ty TNHH Dịch vụ và Đầu tư Hùng Việt (Công ty Hùng Việt) tại một ngân hàng có chi nhánh ở huyện Đông Anh. Do Công ty Hùng Việt không trả nợ nên ngân hàng tiến hành khởi kiện và phát mại tài sản.

Nguyên nhân dẫn tới việc tài sản của gia đình bỗng dưng bị ngân hàng phát mãi là do trước đó chồng bà Hiền là ông Đỗ Văn Tuyên đã vay tiền của đối tượng có tên Hà Văn Kiên, sinh năm 1972, tại thôn Sáp Mai, xã Võng La, huyện Đông Anh (Hà Nội). Đáng chú ý, khi cho vợ chồng bà Hiền vay tiền, đối tượng Hà Văn Kiên yêu cầu chồng bà Hiền ký vào một bản hợp đồng giả cách chuyển nhượng thửa đất của gia đình để đảm bảo cho khoản vay. Sau đó, đối tượng này làm thủ tục sang nhượng và đem thế chấp để vay ngân hàng.

Đáng chú ý trong vụ án này, để hoàn thiện hồ sơ chuyển nhượng và thủ tục sang tên “sổ đỏ” rồi đem thế chấp ngân hàng, các đối tượng còn ngang nhiên làm giả Giấy chứng tử xác nhận bà Trần Thị Hiền đã chết. Được biết, hiện vụ án vẫn đang bế tắc khi cơ quan công an chưa xác định được bị can trong vụ án.

Cũng với chiêu bài tương tự trên địa bàn huyện Sóc Sơn (TP Hà Nội), một gia đình chính sách có hoàn cảnh hết sức khó khăn cũng dính bẫy lừa, hiện cả gia đình đang vô cùng hoang mang không biết đi đâu về đâu trong những ngày sắp tới. Đó là trường hợp gia đình ông Vũ Bá Hiển, SN 1946, tại thôn Thanh Hà, xã Nam Sơn, huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội.

Theo đó,  năm 2010, anh Vũ Bá Cấp (con trai ông Vũ Bá Hiển) có vay của đối tượng Trần Mạnh Tuấn – Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Trần Hoàng Anh (có địa chỉ tại số 103, Quốc lộ 2, xã Phù Lỗ, huyện Sóc Sơn, thành phố Hà Nội) số tiền là 150 triệu đồng để mua một chiếc ô tô tải làm kế sinh nhai.

Thời điểm này, đối tượng Trần Mạnh Tuấn đã yêu cầu anh Cấp phải thế chấp “sổ đỏ” của gia đình, đồng thời yêu cầu phải ký vào một bản hợp đồng ủy quyền để đảm bảo cho khoản vay. Một  năm sau, anh Cấp và gia đình liên hệ với đối tượng Tuấn để thanh toán khoản nợ và yêu cầu trả “sổ đỏ”. Tuy nhiên, lúc này, gia đình không thể liên hệ được với đối tượng Tuấn.

Đến cuối năm 2022, gia đình ông Hiển bỗng nhận được thông báo của Tòa án nhân dân huyện Sóc Sơn triệu tập tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án một ngân hàng khởi kiện Công ty CP Thép Hồng Trang (có địa chỉ tại số 73, 74 Khu 3, Quốc lộ 2, xã Minh Phú, huyện Sóc Sơn, thành phố Hà Nội), để yêu cầu thanh toán tổng công nợ hơn 60 tỷ đồng. Trong đó, tổng cả gốc và lãi phát sinh của khoản nợ liên quan tới “sổ đỏ” gia đình ông Hiển đang thế chấp là hơn 4 tỷ đồng.

Hay như, mới đây nhất ngày, 26/10, cơ quan CSĐT Công an tỉnh Sóc Trăng cho biết, vừa khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam Trịnh Tuấn Kiệt (SN 1991; ngụ phường 1, thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng) về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Theo đó, Trịnh Tuấn Kiệt (ngụ thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng) đưa ra thông tin cho vay lãi suất thấp, thủ tục dễ dàng, chỉ cần thế chấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (“sổ đỏ”) là được vay ngay, nhưng sau đó chiếm đoạt mang cầm cố ngân hàng.

Tuy nhiên, sau khi cho người dân vay tiền và nhận được “sổ đỏ” thế chấp, Kiệt làm thủ tục chuyển quyền sử dụng đất cho người khác đứng tên rồi thế chấp vào ngân hàng vay số tiền lớn hơn nhiều lần số tiền Kiệt cho người dân vay.

Với thủ đoạn trên, Kiệt cùng đồng bọn chiếm đoạt rất nhiều “sổ đỏ” của người dân trên địa bàn thị xã Vĩnh Châu đem thế chấp ngân hàng vay hàng tỉ đồng sử dụng vào mục đích cá nhân. Khi người dân mang tiền đến trả nợ để lấy lại “sổ đỏ”, Kiệt và đồng bọn không trả nên người dân làm đơn tố cáo gửi cơ quan Công an….

Cần làm gì để tránh bẫy lừa đảo trong các giao dịch liên quan đến “sổ đỏ”?

Có thể thấy, thời gian qua, cơ quan chức năng đã phát hiện, điều tra, xử lý nhiều vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản trong lĩnh vực đất đai với các thủ đoạn tinh vi như bán đất trên giấy, chiếm dụng tiền đặt cọc, một tài sản nhà đất nhưng bán cho nhiều người; mạo danh chủ đầu tư hoặc người uy tín lừa bán đất; lừa góp vốn mua đất; lừa tách thửa đất, lừa có khả năng làm giấy đăng ký quyền sử dụng đất rồi chiếm đoạt tiền… nhiều đối tượng còn lợi dụng hiện tượng sốt đất để in ấn, làm giả bìa đỏ rồi mang đi lừa đảo. Do đó để tránh mắc phải lừa đảo, người dân cần hết sức cảnh giác trong các giao dịch liên quan đến “sổ đỏ”:

Thứ nhất, khi thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến “sổ đỏ” cần trực tiếp đến cơ quan chức năng như Văn phòng Đăng ký đất đai tại các quận, huyện, thị xã, thành phố để được hướng dẫn thực hiện, tuyệt đối không uỷ quyền thực hiện thông qua các dịch vụ môi giới.

Thứ hai, các chủ sở hữu nhà đất cần nâng cao ý thức cảnh giác trong giao dịch, không cung cấp thông tin cá nhân, thông tin giấy tờ nhà đất cho các đối tượng tự không xác minh rõ dược nhân thân, không nên chụp “sổ đỏ” hay giấy tờ nhà đất quan trọng đăng lên các trang mạng một cách công khai… tránh bị các đối tượng lợi dụng chiếm đoạt để sử dụng vào mục đích lừa đảo.

Thứ ba, khi thanh toán giao dịch, người cho vay/mua đất, cần trực tiếp mang giấy ghi nhận đến Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất hoặc Sở Tài nguyên và Môi trường để kiểm tra và xác định về thông tin của thửa đất, người chiếm hữu rồi mới triển khai ký hợp đồng mua và bán, đặt cọc, giao tiền. Đặc biệt các trường hợp giao dịch mua bán với người đại diện theo ủy quyền của Bên bán (có thể là ủy quyền thật hoặc hợp đồng ủy quyền lách của hợp đồng chuyển nhượng với chủ cũ). Trong trường hợp này, người mua nên có sự tư vấn hoặc nhờ các văn phòng công chứng/phòng công chứng nơi mình dự kiến giao dịch đánh giá tính hợp pháp của ủy quyền, các văn bản, tài liệu, giấy tờ cần thiết để bảo đảm việc ký hợp đồng mua bán thông qua hợp đồng ủy quyền, cũng như là việc sang tên sau này và nghĩa vụ thuế với trường hợp mua bán thông qua hợp đồng ủy quyền.

Cuối cùng, trong các giao dịch vay vốn, thế chấp tài sản, người dân cần tìm hiểu và nhờ người hiểu biết hơn về pháp luật trước khi đặt bút ký. Khi ký hợp đồng phải đọc kỹ hợp đồng, tuyệt đối không ký vào các hợp đồng giả cách chuyển nhượng hoặc uỷ quyền liên quan đến đất đai.

Xuân Trường - Nam Kiên
Bạn đang đọc bài viết "Nhận diện một số thủ đoạn lừa đảo trong các giao dịch liên quan đến “sổ đỏ”" tại chuyên mục Bên khung cửa tư pháp. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin