Nhận diện một số thủ đoạn lừa đảo thông qua hoạt động huy động vốn trái phép

08/09/2023 21:16

(Pháp lý) - Thời gian gần đây, “nở rộ” tình trạng huy động vốn thông qua nhiều hình thức như đầu tư tài chính, tiền ảo, tiền điện tử, bất động sản… có dấu hiệu lừa đảo, huy động vốn trái phép, tiềm ẩn nhiều rủi ro cho nhà đầu tư. Nghiên cứu các vụ án, vụ việc đã xảy ra, chúng tôi nhận thấy điểm chung là lợi dụng sự nhẹ dạ, cả tin, đánh vào lòng tham của nhiều người, các đối tượng tội phạm đã sử dụng rất nhiều thủ đoạn để huy động vốn trái phép, sau đó chiếm đoạt tiền.

anh-1-1667459921.jpg

UBCKNN vừa phát đi thông báo, khuyến cáo nhà đầu tư thận trọng khi thực hiện các giao dịch đầu tư chứng khoán trên các app giao dịch (Passion Invest, Finhay; Tikop, Infina, Savenow, BUFF…)

Nhận diện thủ đoạn lừa đảo thông qua hoạt động huy động vốn trái phép có ý nghĩa rất quan trọng, giúp các nhà đầu tư có thể tránh sập bẫy lừa đảo huy động vốn trái pháp luật vào đầu tư tài chính, tiền ảo, dự án bất động sản ma…

Cơ quan chức năng liên tục phát đi cảnh báo.

Mới đây nhất, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) cảnh báo về các trang web, app cung cấp dịch vụ chứng khoán trên không gian mạng (Passion Invest, Finhay, Tikop, Infina, Savenow, BUFF…) thực hiện huy động vốn và có dấu hiệu hoạt động quản lý quỹ, quản lý danh mục đầu tư chứng khoán khi chưa được UBCKNN cấp phép.

Nhà đầu tư có thể gặp rủi ro khi có tranh chấp xảy ra mà không được pháp luật về chứng khoán bảo vệ quyền và lợi ích của mình. UBCKNN khuyến cáo nhà đầu tư thận trọng khi thực hiện các giao dịch đầu tư chứng khoán trên các app giao dịch này, nhà đầu tư chịu trách nhiệm đối với các rủi ro có thể phát sinh.

Tương tự,  hồi đầu tháng 10/2022, Bộ Công an cũng phát đi cảnh báo thủ đoạn lừa đảo huy động vốn trái phép của đa cấp Skyway. Theo Bộ Công an, Skyway được giới thiệu là tập đoàn thực hiện các dự án công nghệ vận tải trên không, được thành lập ở Belarus, hoạt động theo hình thức huy động vốn từ nhà đầu tư là tổ chức, cá nhân qua hình thức mua cổ phần.

Mô hình này đã xuất hiện ở nhiều nước trên thế giới, như Estonia, Bỉ… Các nước này đã cảnh báo về hoạt động huy động vốn của Skyway là trái pháp luật, có đặc điểm lừa đảo giống mô hình kim tự tháp và khuyến cáo người dân không tham gia.

Tại Việt Nam, Skyway được xác định do Nguyễn Thu Mát (39 tuổi, trú xã Minh Xuân, H.Lục Yên, Yên Bái) cầm đầu, hoạt động tại Hà Nội, TP.HCM, Bắc Giang, Bắc Ninh.

Theo Bộ Công an, Skyway chưa được Bộ Công Thương cấp phép hoạt động kinh doanh đa cấp, có dấu hiệu vi phạm pháp luật thông qua việc giới thiệu thêm thành viên vào hệ thống, giới thiệu được nhiều thành viên thì nhận được nhiều hoa hồng. Đây là dấu hiệu của hành vi kinh doanh đa cấp trái phép thông qua hình thức đầu tư tài chính, tiền ảo, tiền điện tử. Bộ Công thương cũng đã cảnh báo người dân không tham gia các sàn giao dịch, đầu tư tài chính... theo phương thức đa cấp này.

z3700031606821-02f9a8aa870ef3c3b6cc34cee892b3bf-1663384932-1667459954.jpg

Hoạt động kêu gọi đầu tư của công ty BĐS Nhật Nam bị hàng loạt địa phương đưa ra cảnh báo.

Trước đó, liên quan đến hoạt động kêu gọi đầu tư của công ty BĐS Nhật Nam, hàng loạt địa phương như: UBND tỉnh Hoà Bình, UBND TP Việt Trì (tỉnh Phú Thọ), Công an huyện Bảo Yên (tỉnh Lào Cai)… cũng phát đi cảnh báo.

Theo cảnh báo của UBND tỉnh Hoà Bình, Công ty Nhật Nam, trụ sở chính tại 54 Ngô Thị Thu Minh, phường 2, quận Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh; người đại diện theo pháp luật là Vũ Thị Thúy (hộ khẩu thường trú khu 4, xã Thạch Tân, huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa).

Công ty có hành vi huy động vốn thông qua “Hợp đồng hợp tác kinh doanh” tiềm ẩn nhiều rủi ro cho nhà đầu tư như: Yêu cầu bảo mật thông tin và cam kết không hình sự hóa các tranh chấp, chỉ hòa giải dân sự tại tòa án kinh tế.

Hiện công ty này đã thành lập nhiều chi nhánh và các văn phòng tại các tỉnh trên cả nước, lôi kéo nhiều nhà đầu tư với lợi nhuận khủng lên đến 60-84%/năm, kèm theo nhiều ưu đãi bất động sản.

Sau khi ký hợp đồng và nộp tiền, các nhà đầu tư sẽ được chi trả lợi nhuận hàng ngày vào tài khoản. Nhưng khi chia lợi nhuận cho nhà đầu tư, Công ty Nhật Nam không sử dụng tài khoản doanh nghiệp mà sử dụng tài khoản cá nhân của Vũ Thị Thúy (Giám đốc) để chuyển tiền, hành vi này có dấu hiệu che dấu thu nhập đã chia cho các nhà đầu tư, qua đó trốn tránh nghĩa vụ kê khai thuế thu nhập cá nhân thay cho các nhà đầu tư, vi phạm Luật Quản lý thuế.

Mục đích sử dụng vốn huy động của Công ty Nhật Nam có nhiều dấu hiệu nghi vấn, khả năng hoạt động theo mô hình “Ponzi” (lấy tiền của người trước trả cho người sau)…

Liên quan đến hoạt động kêu gọi đầu tư của công ty BĐS Nhật Nam, hồi tháng 8/2022, Cục An ninh Kinh tế (Bộ Công an) từng ra văn bản thông báo trong đó có nêu Công ty BĐS Nhật Nam có hành vi huy động vốn thông qua “Hợp đồng hợp tác kinh doanh” tiềm ẩn nhiều rủi ro cho nhà đầu tư, đưa ra yêu cầu bảo mật thông tin và cam kết không hình sự hóa các tranh chấp, chỉ hòa giải dân sự tại tòa án kinh tế, nguy cơ phức tạp về an ninh kinh tế, an ninh trật tự…

Những thủ đoạn lừa đảo thường được sử dụng

Đáng nói, đã có không ít vụ án liên quan đến hành vi lừa đảo thông qua hoạt động huy động vốn trái phép, kêu gọi đầu tư chứng khoán quốc tế, giao dịch vàng, ngoại hối, giao dịch tiền ảo, đầu tư dự án bất động sản… điển hình như: vụ liên kết Việt gây thiệt hại hơn 1900 tỉ đồng; Gold times gây thiệt hại 900 tỉ đồng; Bigbuy 24h gây thiệt hại 500 tỉ đồng…

Hay mới nhất, Công an tỉnh Quảng Bình đã phát hiện, triệt phá đường dây kêu gọi ủy thác đầu tư vào sàn FVP Trade của Thị Lệ Nhi, Giám đốc công ty TNHH TMDV Queenlad chiếm đoạt tổng số tiền 683.500 USD (đồng tiền quy định trên hệ thống) tương đương với hơn 16 tỷ đồng…

anh-3-1667459953.jpg

Cơ quan công an thi hành quyết định khởi tố bị can và lệnh tạm giam đối với Nguyễn Thị Lệ Nhi, Giám đốc công ty TNHH TMDV Queenlad về hành vi kêu gọi ủy thác đầu tư vào sàn FVP Trade, chiếm đoạt hơn 16 tỷ đồng

Nghiên cứu các vụ án, vụ việc này cho thấy điểm chung là lợi dụng sự nhẹ dạ, cả tin, đánh vào lòng tham của nhiều người, các đối tượng tội phạm sử dụng rất nhiều thủ đoạn kêu gọi đầu tư tham gia sau đó chiếm đoạt tiền.

Thứ nhất, các đối tượng thường vẽ ra các dự án đầu tư lớn, gắn với các phương thức kinh doanh, đầu tư có yếu tố công nghệ, hệ sinh thái phủ rộng khắp các lĩnh vực, nhưng thực chất không có hoạt động kinh doanh gì. Sau đó mở bán gói đầu tư hứa hẹn lãi suất, lợi nhuận siêu cao nhằm huy động vốn của nhà đầu tư.

Chẳng hạn như bán các gian hàng trên các trang thương mại điện tử, ứng dụng mua bán trực tuyến để sau đó cho người khác thuê lại bán hàng, hoặc mua hàng tích điểm thưởng, càng mua nhiều gian hàng, mua nhiều hàng được hoàn lại điểm về tài khoản (trên ứng dụng); nạp nhiều tiền vào tài khoản và giới thiệu người tham gia như mình thì càng được lên cấp cao hơn, được thưởng hoa hồng cao; hoặc là mở bán các gói đầu tư, quyền kinh doanh thương hiệu, cam kết lợi nhuận cao, người mua được sở hữu cổ phần và trở thành cổ đông của công ty hưởng cổ tức trọn đời…

Thứ hai, các đối tượng thường cam kết lợi nhuận không tưởng từ 20-30 %, có những trường hợp lên đến 50 -70% năm hoặc vẽ ra những mục tiêu rất lớn, thậm chí có cả kế hoạch niêm yết trên sàn chứng khoán quốc tế danh tiếng, đưa ra những hình ảnh về người đi trước thành công, được những ưu đãi vô cùng hấp dẫn của công ty như tặng nhà, xe, đi du lịch nghỉ dưỡng cao cấp... Đây là những chiêu trò khá phổ biến mà các đối tượng khiến cho nhà đầu tư tin tưởng, nhằm mục đích lôi kéo nhà đầu ký kết hợp đồng. Các cam kết này chỉ là hứa hẹn, chứ  không hề có bất cứ biện pháp đảm bảo thực hiện như thế chấp tài sản, bảo lãnh ngân hàng.

Thứ ba, để tạo được lòng tin, các đối tượng thường đăng ký các doanh nghiệp có vốn điều lệ rất lớn, mời những người nổi tiếng, có ảnh hưởng đối với giới trẻ về khởi nghiệp, đầu tư để làm diễn giả trong các hội nghị khách hàng, hội nghị hoa hồng, sự kiện lớn của công ty; đồng thời sử dụng các trang mạng, báo điện tử quảng cáo mạnh mẽ, dùng tiền để tài trợ, mua giải thưởng,...

anh-4-1667459954.png

Để qua mắt sự kiểm soát của các cơ quan chức năng, các đối tượng thường sử dụng các hình thức ký hợp đồng uỷ thác đầu tư hay hợp đồng hợp tác đầu tư… (ảnh minh hoạ)

Thứ tư, để qua mắt sự kiểm soát của các cơ quan chức năng, các đối tượng thường lợi dụng sự lỏng lẻo của pháp luật, sử dụng các hình thức ký hợp đồng uỷ thác đầu tư hay hợp đồng hợp tác đầu tư… nhằm gây khó khăn trong quá trình giám sát, xác minh làm rõ dấu hiệu vi phạm của cơ quan chức năng.

Điển hình như, hiện nay pháp luật Việt Nam chưa có khung pháp lý cụ thể về uỷ thác nói chung, uỷ thác đầu tư nói riêng, đặc biệt hành lang pháp luật bảo vệ nhà đầu tư nhiều sơ hở. Khái niệm ủy thác đầu tư được quy định chỉ duy nhất trên thị trường chứng khoán, tuy nhiên cũng chưa thật chặt chẽ. Theo Luật Chứng khoán, hoạt động kinh doanh sinh lời, chuyên nghiệp trong hoạt động uỷ thác là một hoạt động nghiệp vụ chứng khoán, chỉ cho phép tồn tại dưới hình thức công ty quản lý quỹ.

Lợi dụng điều này, không ít đối tượng đã huy động vốn thông qua các hợp đồng uỷ thác đầu tư với cam kết lãi suất, tỉ suất sinh lời cao. Điển hình như vụ án kêu gọi ủy thác đầu tư vào sàn FVP Trade ở Quảng Bình, với cam kết mức lợi nhuận “khủng” từ 6-10% thậm chí lên đến 14%/tháng, Nguyễn Thị Hằng cùng đồng phạm đã mời gọi được trên 60 người tham gia uỷ thác.

Hay trước đó, Phan Hoàng Nam thành lập Công ty Nobel Global, sau đó kêu gọi 51 nhà đầu tư uỷ thác gần 72 tỷ đồng để đầu tư chứng khoán phái sinh. Nhưng phần lớn được sử dụng sai mục đích sang đầu tư forex (ngoại hối) dẫn đến “cháy” tài khoản.

Bên cạnh đó, nhiều đối tượng còn lợi dụng hình thức hợp tác đầu tư, hợp tác kinh doanh… để huy động vốn cho các dự án bất động sản không đủ điều kiện thậm chí là dự án ma, không có thật. Điều này từng thấy rõ trong vụ án Alibaba lừa hơn 4.300 người tham gia hợp tác đầu tư hợp tác kinh doanh vào các bất động sản “ma”, chiếm đoạt số tiền 2.264 tỉ đồng.

Ngoài ra, các đối tượng thường yêu cầu các nhà đầu tư nộp tiền vào tài khoản cá nhân của các cổ đông/ người đại diện của Công ty hoặc nộp bằng tiền mặt  và ghi nhận bằng phiếu thu tiền. Với hình thức này thì thực tế tiền không được đưa vào các tài khoản ngân hàng công ty. Các đối tượng dễ dàng sử dụng, chuyển tiền và sử dụng trái mục đích. Việc mập mờ về thu nộp tiền là cách để lách, trốn các trách nhiệm, nhất là việc trốn tránh việc quản lý, theo dõi của các cơ quan thuế, các cơ quan nhà nước.

Thay lời kết

Thiết nghĩ, hoạt động đầu tư, tìm kiếm lợi nhuận là nhu cầu của mỗi cá nhân. Tuy nhiên để hạn chế rủi ro, nhà đầu tư cần tìm hiểu kỹ thông tin về các dự án đầu tư, các tổ chức huy động vốn, các giấy tờ pháp lý như giấy phép thành lập và hoạt động, ngành nghề kinh doanh,... trước khi tham gia, góp vốn đầu tư. Đặc biệt, cần nhận diện và nắm rõ các thủ đoạn một số đối tượng lừa đảo thường sử dụng như trong bài phân tích trên, điều này có ý nghĩa rất quan trọng, giúp các nhà đầu tư có thể tránh sập bẫy lừa đảo huy động vốn trái pháp luật vào đầu tư tài chính, tiền ảo, dự án bất động sản ma…

Đinh Chiến
Bạn đang đọc bài viết "Nhận diện một số thủ đoạn lừa đảo thông qua hoạt động huy động vốn trái phép" tại chuyên mục Bên khung cửa tư pháp. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin