Người nước ngoài “thâu tóm” đất: Chuyên gia kiến nghị giám sát chặt hoạt động M & A và “bịt lỗ hổng” tại Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư

22/07/2020 08:21

(Pháp lý) – Theo Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP. HCM, LG Nguyễn Văn Hậu, ngoài 2 “ chiêu thức ” mà người Trung Quốc sử dụng để thâu tóm các lô đất như thành lập Doanh nghiệp liên doanh với Việt Nam hay đầu tư tiền cho cá nhân người Việt Nam để mua đất, thì còn một chiêu thức khác có thể giúp các cá nhân người nước ngoài đặc biệt là người Trung quốc dễ dàng thâu tóm đất, đó là thông qua hoạt động mua bán, sáp nhập doanh nghiệp (M&A). Bên cạnh đó, một số qui định của Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư; Luật Kinh doanh chứng khoán…đang có lỗ hổng, đã vô tình giúp người nước ngoài thâu tóm đất mà không phạm luật. Vì vậy, kiến nghị các cơ quan chức năng cần khẩn trương rà soát, sửa đổi bổ sung kịp thời các qui định pháp luật có liên quan để ngăn ngừa tình trạng thâu tóm đất tái diễn.

3 chiêu thức “núp bóng” doanh nghiệp để thâu tóm đất đáng quan ngại

Mới đây, trong báo cáo của Bộ Quốc phòng trả lời kiến nghị của cử chi Hải Phòng về tình trạng người Trung Quốc nhập cảnh vào Việt Nam đầu tư, kinh doanh và thu mua đất đai gần các khu vực trọng yếu về quốc phòng, an ninh hiện nay, Bộ Quốc phòng cho biết, tính đến ngày 30/11/2019, có 149 Doanh nghiệp (DN) có yếu tố Trung Quốc (92 DN 100% vốn Trung Quốc, 57 DN vốn liên doanh) đang hoạt động ở khu vực biên giới của 22/44 tỉnh, thành biên giới (khu vực biên giới đất liền 24 DN, khu vực biên giới biển 125 DN).

Nhà đầu tư nước ngoài dễ dàng “thâu tóm” đất bằng cách thôn tính DN trong nước qua các thương vụ M&A

Có 4.239 lao động người Trung Quốc đang làm việc tại các DN này; thời hạn thuê đất từ 5 - 50 năm; lĩnh vực hoạt động chủ yếu là kinh doanh khách sạn, nhà hàng, du lịch, vui chơi giải trí, may mặc, nuôi trồng thủy sản, giầy da, sản xuất bao bì, đồ chơi trẻ em, linh kiện điện tử…

Địa bàn tập trung nhiều ở các tỉnh, thành: Đà Nẵng 22, Quảng Ninh 17, Hải Phòng 16, Bình Định 9, Hà Tĩnh 5, Bình Thuận 5… Các DN có yếu tố Trung Quốc ở khu vực biên giới đều hình thành từ tháng 12/2018 trở về trước (năm 2019 không có DN mới nào); trước khi cấp phép, đầu tư đã được các cơ quan chức năng thẩm định, phê duyệt.

Trong số đó, đặc biệt chú ý tại địa bàn khu vực biên giới biển TP Đà Nẵng có 134 lô, 1 thửa đất liên quan đến cá nhân, DN người Trung Quốc đang sở hữu, “núp bóng” sở hữu và thuê của UBND TP tại các vị trí: dọc các khu đô thị ven biển; ven tường rào sân bay Nước Mặn, đường Hoàng Sa, Võ Nguyên Giáp, thuộc phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn; khu đô thị các phường Phước Mỹ, Thọ Quang, quận Sơn Trà.

Theo Bộ Quốc phòng, có 2 trường hợp cá nhân đã đầu tư tiền cho 8 người (trong đó 6 người Việt gốc Hoa) đứng tên mua 84 lô đất với diện tích khoảng 20.000 m2, giá trị giao dịch khoảng trên 100 tỷ đồng và 7 DN có yếu tố Trung Quốc sở hữu một số lô đất ven biển và thuê đất 50 năm.

Bộ Quốc phòng khẳng định, hầu hết các lô đất đều ở vị trí các đường lớn, ven biển, đắc địa cho hoạt động kinh doanh và có ý nghĩa quan trọng trong khu vực phòng thủ. Cử tri và dư luận xã hội “đáng ngại” về việc cơ quan chức năng Đà Nẵng cấp chứng nhận quyền sử dụng 21 lô đất cho người Trung Quốc là có cơ sở.

Trao đổi với PV Pháp lý, Luật gia Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP. Hồ Chí Minh cho rằng, thực tế trên là hết sức quan ngại, bởi nó tiềm ẩn nhiều nguy cơ xấu như: gây khó khăn cho các cơ quan quản lý Nhà nước trong việc xác lập những quy chế về tài chính liên quan đến tài sản; Một số DN dưới vỏ bọc kinh doanh, sản xuất nhưng đã có hoạt động tội phạm công nghệ cao, sản xuất ma túy (Quảng Ninh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Phú Yên, Kon Tum); có DN trốn thuế, gây ô nhiễm môi trường (Hà Tĩnh, Hải Phòng); Đặc biệt ở những vị trí trọng yếu, có ảnh hưởng đến an ninh, quốc phòng gây nguy hại cho an ninh đất nước.

Theo LG Nguyễn Văn Hậu, ngoài 2 “chiêu thức” núp bóng để thâu tóm các lô đất của người Trung Quốc mà Bộ Quốc phòng chỉ ra như thành lập DN liên doanh với Việt Nam hay đầu tư tiền cho cá nhân người Việt Nam để mua đất, còn một chiêu thức khác có thể giúp các cá nhân người nước ngoài , đặc biệt Trung quốc dễ dàng sở hữu đất đó là thông qua hoạt động mua bán, sáp nhập doanh nghiệp (M&A).

Hết sức cảnh giác với hoạt động M & A

LG Nguyễn Văn Hậu cho biết, những năm gần đây, với xu thế hội nhập sâu rộng kinh tế giới, chính sách cở mở hơn trong thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, thị trường M&A tại Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ. Với cơ chế thông thoáng hơn, nhiều nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có số lượng lớn nhà đầu tư Trung Quốc đã đẩy mạnh các thương vụ mua bán, sáp nhập đối với DN Việt Nam.

Đáng lo ngại hơn, trong tình hình hiện nay, do tác động của đại dịch Covid -19 nhiều DN Việt Nam đang lâm vào tình trạng khó khăn, suy kiệt đứng trước nguy cơ phá sản hoặc phải “bán mình”. DN Việt Nam càng dễ dàng bị các nhà đầu tư nước ngoài đặc biệt là Trung quốc thâu tóm và thôn tính.

Với việc dễ dàng thâu tóm DN Việt Nam thông qua con đường M&A, người Trung Quốc sẽ chiếm được quyền kiểm soát các DN Việt Nam và những lô đất mà các doanh nghiệp này đang sở hữu.

Luật Đất đai qui định khá chặt chẽ, nhưng Luật DN và Luật Đầu tư lại đang “ có vấn đề”

Xét những quy định pháp luật hiện hành trong việc giao đất, cho thuê đất, cấp giấy chứng nhận QSDĐ đối với cá nhân người nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có thể thấy Luật Đất đai đã có những quy định khá chặt chẽ.

Theo đó, Điều 54, 55, 56 Luật Đất đai 2013 quy định cá nhân người nước ngoài không phải là đối tượng được giao đất, cho thuê đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Còn đối với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, Luật Đất đai quy định được Nhà nước giao đất cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư tại Việt Nam. Riêng những dự án thuộc khu vực xã đảo, xã, phường thị trấn biên giới, ven biển thì chỉ được Nhà nước giao đất khi có sự chấp thuận bằng văn bản của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao…

Tuy nhiên, những quy định này lại không lường trước được việc những người nước ngoài “núp bóng” người Việt Nam để mua đất, đứng tên thành lập doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực còn hạn chế người nước ngoài rồi sau đó chuyển quyền sở hữu.
Trong khi đó, Luật Doanh nghiệp 2014 cho phép tham gia thành lập doanh nghiệp góp vốn bằng quyền sử dụng đất. Cụ thể tại khoản 1 Điều 35, Luật Doanh nghiệp 2104 quy định, tài sản góp vốn có thể là tiền Đồng Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng, giá trị quyền sử dụng đất, giá trị quyền sở hữu trí tuệ, công nghệ, bí quyết kỹ thuật, các tài sản khác có thể định giá được bằng Đồng Việt Nam…

Khi góp vốn bằng QSDĐ thành viên góp vốn phải làm thủ tục chuyển quyền sở hữu tài sản đó hoặc quyền sử dụng đất cho công ty tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định tại Điều 36 Luật DN.

Theo đó, khi thành lập doanh nghiệp người góp vốn làm thủ tục chuyển quyền sử dụng đất cho công ty. Sau đó nếu các bên góp vốn bán lại toàn bộ cổ phần cho người nước ngoài thì đương nhiên tài sản đó cụ thể là đất trong trường hợp này sẽ vẫn thuộc về doanh nghiệp tuy nhiên quyền nắm giữ và định đoạt nó lại thuộc về người nước ngoài. Vậy có thể thấy người nước ngoài không cần phải đứng tên trên sổ đỏ nhưng họ vẫn đang nắm quyền đối với đất thông qua quyền sở hữu DN.

Theo LG. Nguyễn Văn Hậu, bên cạnh những tồn tại hạn chế của Luật Doanh nghiệp như trên, một lỗ hổng rất lớn khác nằm ở những quy định pháp luật liên quan đến hoạt động M&A. Hiện nay, các quy định về M&A nằm rải rác trong các văn bản pháp luật khác nhau như Luật Cạnh tranh, Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Chứng khoán….

Theo quy định Luật Đầu tư 2014, Nhà đầu tư nước ngoài có quyền “góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp vào các tổ chức kinh tế”. Nếu nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần tại một công ty Việt Nam không phải là công ty đại chúng thì chỉ cần có văn bản chấp thuận cho việc mua lại của Sở Kế hoạch và Đầu tư trong các trường hợp: nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp vào tổ chức kinh tế hoạt động trong ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện áp dụng đối với nhà đầu tư nước ngoài; hoặc nhà đầu tư nắm giữ từ 51% vốn điều lệ trở lên của tổ chức kinh tế.

Trong trường hợp mua lại cổ phiếu của một công ty đại chúng, nhà đầu tư nước ngoài không cần phải xin chấp thuận bằng văn bản của Sở Kế hoạch và Đầu tư. Thay vào đó, chỉ cần đăng ký mã giao dịch chứng khoán tại Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam và mở tài khoản ngân hàng đầu tư gián tiếp tại một ngân hàng được phép tại Việt Nam để thanh toán bất kỳ giao dịch mua cổ phiếu nào, việc mua lại được thực hiện thông qua chào mua công khai được quy định theo Luật Chứng khoán. Vốn sở hữu nước ngoài có thể lên đến 100%…

Bằng việc lựa chọn hình thức này, nhà đầu tư chỉ cần làm thủ tục hồ sơ đơn giản hơn nhiều so với đăng ký thành lập một doanh nghiệp mới phải làm thủ tục đầu tư, phải chứng minh năng lực tài chính và tính hợp lệ của địa điểm thực hiện dự án… đặc biệt đối với các DN Việt Nam đã được giao đất, cho thuê đất , thì nhà đầu tư nước ngoài trong đó có người Trung Quốc dễ dàng thâu tóm được hàng nghìn hecta đất thông qua việc thâu tóm các DN Việt Nam, … LG Nguyễn Văn Hậu phân tích.

Và thực tế số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, tính đến 20/4, các doanh nghiệp nước ngoài thực hiện hơn 3.210 lượt mua cổ phần, góp vốn, tăng khoảng 33% so với cùng kỳ năm ngoái và gấp 3,3 lần so với số lượt đăng ký vốn FDI mới. Trong đó, Trung Quốc tăng tới 40% số vụ mua cổ phần, góp vốn vào doanh nghiệp Việt Nam với tổng giá trị khoảng 230 triệu USD.

Luật gia Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP. Hồ Chí Minh, trao đổi với PV Pháp lý

Kiến nghị

Sẽ là “phiến diện” nếu chỉ đổi lỗi cho lỗ hổng của pháp luật bởi trong các thương vụ M&A hay mua bán, chuyển nhượng cổ phần, các DN đều báo cáo cơ quan quản lý tại các địa phương nhưng chính sự chậm trễ trong giám sát, phát hiện các dấu hiệu gian dối trong các giao dịch này khiến nhà đầu tư nước ngoài thông qua việc thâu tóm các DN có thể “sở hữu” hàng trăm ngàn hecta đất, trong đó có những vị trí đất đai nhạy cảm về an ninh quốc phòng.

Nói như vậy để thấy rằng, trách nhiệm của cán bộ, cơ quan quản lý hoạt động đầu tư kinh doanh tại địa phương đặc biệt là những địa phương có vị trí trọng yếu về an ninh quốc phòng không chỉ nằm ở chỗ quản lý các hoạt động kinh doanh, thu hút đầu tư, phát triển kinh tế mà còn phải làm sao để thu hút đầu tư có chọn lọc để giữ đất cho an ninh quốc phòng. Đặc biệt, các cơ quan quản lý cấn giám sát chặt hoạt động mua bán cổ phần, góp vốn đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài vào các DN trong nước để ngăn chặn tình trạng đầu tư "núp bóng".

Theo LG Nguyễn Văn Hậu, để sớm bít được những lỗ hổng này cần phải rà soát sửa đổi đồng bộ những quy định pháp luật liên quan đến hoạt động quản lý đất đai, đầu tư kinh doanh… Đặc biệt đối với Luật Đầu tư phải được sửa đổi, bổ sung quy định theo hướng dù thành lập mới DN hay góp vốn, mua cổ phần đầu tư vào DN Việt Nam nếu có liên quan đến nhà đầu tư nước ngoài tại các tỉnh thành biên giới, vị trí nhạy cảm về an ninh quốc phòng thì đều phải có ý kiến của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao và các bộ ngành liên quan.

Khi góp vốn bằng QSDĐ thành viên góp vốn phải làm thủ tục chuyển quyền sở hữu tài sản đó hoặc quyền sử dụng đất cho công ty tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định tại Điều 36 Luật DN. Sau đó nếu các bên góp vốn bán lại toàn bộ cổ phần cho người nước ngoài thì đương nhiên tài sản đó cụ thể là đất trong trường hợp này sẽ vẫn thuộc về doanh nghiệp, tuy nhiên quyền nắm giữ và định đoạt nó lại thuộc về người nước ngoài. Vậy có thể thấy người nước ngoài không cần phải đứng tên trên sổ đỏ nhưng họ vẫn nắm quyền đối với đất thông qua quyền sở hữu DN.

-------------------------------------------

Trong trường hợp mua lại cổ phiếu của một công ty đại chúng, nhà đầu tư nước ngoài không cần phải xin chấp thuận bằng văn bản của Sở Kế hoạch và Đầu tư. Việc mua lại được thực hiện thông qua chào mua công khai được quy định theo Luật Chứng khoán. Vốn sở hữu nước ngoài có thể lên đến 100%… Bằng việc lựa chọn hình thức này, nhà đầu tư chỉ cần làm thủ tục hồ sơ đơn giản hơn nhiều so với đăng ký thành lập một doanh nghiệp mới phải làm thủ tục đầu tư, phải chứng minh năng lực tài chính và tính hợp lệ của địa điểm thực hiện dự án… đặc biệt đối với các DN Việt Nam đã được giao đất, cho thuê đất , thì nhà đầu tư nước ngoài trong đó có người Trung Quốc dễ dàng thâu tóm được hàng nghìn hecta đất thông qua việc thâu tóm các DN Việt Nam, … LG Nguyễn Văn Hậu phân tích.

Đinh chiến

Bạn đang đọc bài viết "Người nước ngoài “thâu tóm” đất: Chuyên gia kiến nghị giám sát chặt hoạt động M & A và “bịt lỗ hổng” tại Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư" tại chuyên mục Pháp lý và Kinh doanh. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin