Trường Đại học Kinh tế Luật (UEL) tổ chức Tọa đàm khoa học “Những điểm mới của Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024”

(Pháp lý) – Ngày 17/04 tại Trường Đại học Kinh tế - Luật (UEL) (Đại học Quốc gia TP. HCM), Khoa Luật đã tổ chức buổi Toạ đàm khoa học với chủ đề: “Những điểm mới của Luật các tổ chức tín dụng năm 2024”.
picture1-1713437882.png

Tọa đàm “Những điểm mới của Luật Các tổ chức tín dụng 2024”

Tham dự Tọa đàm có các đại biểu khách mời: PGS.TS Nguyễn Thị Hồng Nhung – Trưởng khoa Luật; TS. Lê Nguyễn Gia Thiện – Phó trưởng khoa Luật; Ths. Ls  Hồ Vĩnh Long  - Giám đốc Pháp chế ngân hàng HSBC, Ths. Ls Trần Phúc Minh – công tác tại Ngân hàng Agribank; Ls. Ths Đỗ Triệu Anh Kiệt – Công ty Luật Allens Việt Nam; Ths. Ls Nguyễn Thi Thu Quỳnh – Công ty luật Ernst & Young; Ths. Lê Huỳnh Ngọc Linh – Công ty luật Fraser; Luật gia - Nhà báo Trần Thanh Hơn – Trưởng Văn phòng đại diện Tạp chí Pháp lý tại TP.HCM; Cùng các diễn giả và các thầy cô Khoa Luật, Khoa Luật Kinh tế, Viện Pháp luật quốc tế và so sánh; Anh chị nghiên cứu sinh, học viên cao học và đông đảo các bạn sinh viên Khoa Luật UEL.

picture2-1713437908.png

PGS.TS Nguyễn Thị Hồng Nhung – Trưởng khoa Luật phát biểu khai mạc

Phát biểu khai mạc Tọa đàm PGS.TS Nguyễn Thị Hồng Nhung – Trưởng khoa Luật cho biết: “Nhằm tạo cơ hội cho các bạn sinh viên được lắng nghe những chia sẻ về điểm mới của Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024 và học hỏi thêm nhiều kiến thức Pháp luật liên quan đến hoạt động ngân hàng, tín dụng, Khoa Luật Trường Đại học Kinh tế - Luật (ĐHQG-HCM) tổ chức Tọa đàm khoa học với chủ đề “Những điểm mới của Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024”, Tòa đàm là nơi giao lưu, học hỏi cho các bạn sinh viên, được lắng nghe, học hỏi từ các chuyên gia, khách mời và các diễn giả hàng đầu của ngành”.

Trong bối cảnh xã hội luôn vận động và phát triển không ngừng, việc sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các văn bản pháp luật là hoàn toàn phù hợp với xu thế của thời đại để có thể điều chỉnh các mối quan hệ mới, các tình huống mới phát sinh một cách toàn diện hơn. Ngày 18/01/2024, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật các tổ chức tín dụng năm 2024. Đạo luật với 210 điều quy định về toàn diện các khía cạnh pháp lý liên quan đến các tổ chức tín dụng và các chủ thể liên quan, bao gồm: việc thành lập, tổ chức, hoạt động, can thiệp sớm, kiểm soát đặc biệt, tổ chức lại, giải thể, phá sản tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài; việc thành lập, hoạt động của văn phòng đại diện tại Việt Nam của tổ chức tín dụng nước ngoài, tổ chức nước ngoài khác có hoạt động ngân hàng; việc xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ có chức năng mua, bán, xử lý nợ...

Tọa đàm đưa ra những tham luận để thảo luận và trao đổi như “Tổng quan về những điểm mới của Luật các tổ chức tín dụng năm 2024” qua phần trình bày của diễn giả Lưu Minh Sang - Giảng viên Khoa Luật, UEL; Tham luận “Những điểm mới của Luật các tổ chức tín dụng năm 2024 và đánh giá sự tác động đối với hoạt động của các ngân hàng thương mại” được trình bày từ diễn giả ThS. LS Hồ Vĩnh Long - Giám đốc pháp chế Ngân hàng HSBC; Và tham luận “Những điểm mới của Luật các tổ chức tín dụng năm 2024 và đánh giá sự tác động đối với hoạt động của các công ty FINTECH” qua sự trình bày của diễn giả LS. Phan Duy Lộc - Giám đốc pháp chế Công ty cổ phần hỗ trợ dịch vụ thanh toán Việt Phú (Movi).

Mở đầu tọa đàm, NCS. Ths Lưu Minh Sang – Phó trưởng Bộ môn – Phụ trách Bộ môn  Luật Tài chính – Ngân hàng, Giảng viên Khoa Luật cho biết: Về phạm vi điều chỉnh của Luật Các tổ chức tín dụng 2024,  bên cạnh điều chỉnh về việc thành lập, tổ chức, hoạt động,  kiểm soát đặc biệt, tổ chức lại, giải thể TCTD, chi nhánh NHNN, văn phòng đại diện tại  VN của TCTD nước ngoài, tổ chức nước ngoài có hoạt động ngân hàng như quy định tại Luật CTCTD 2010, Luật CTCTD 2024 còn bổ sung phạm vi điều chỉnh đối với việc xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước  ngoài, tổ chức mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ có chức năng mua, bán, xử lý nợ.  Đây là bước hiện thực hoá chủ trương, chính sách về luật hoá các quy đinh liên quan đến xử lý nợ xấu trong hệ thống CTCTD mà nền tảng là các quy định tại Nghị quyết 42/2017/QH17 về thí điểm xử lý nợ xấu các TCTD.

Cũng theo NCS. Ths Lưu Minh Sang, sau hàng loạt các đại án ngân hàng, cũng như sự thất bại của nhiều ngân hàng trong nước hơn 10 năm qua, một bài toán đặt ra đối với các nhà làm luật là phải rà soát, bổ sung sửa đổi các quy định pháp luật liên quan đến tổ chức, quản trị điều hành để đảm bảo tính minh bạch, công khai trong hoạt động của các TCTD; phòng ngừa tình trạng các cá nhân, tổ chức thao túng trực tiếp hoặc gián tiếp ngân hàng, nâng cao năng lực, đội ngũ nhân sự quản trị, điều hành các TCTD. Với mục tiêu này, các quy định về tổ chức, quản trị, điều hành có nhiều sự thay đổi, xoay quanh ba vấn đề lớn như: Nâng cao tiêu chuẩn, điều kiện đối với người quản lý, người điều hành và các chức danh khác của TCTD (tại Điều 41, 43 Luật CTCTD 2024); Quy định rõ và nâng cao trách nhiệm của người quản lý, người điều hành; Giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần của cổ đông ngân hàng’’.

picture3-1713437908.png

NCS. Ths Lưu Minh Sang – Phó trưởng bộ môn – Phụ trách Bộ môn  Luật Tài chính – Ngân hàng, Giảng viên Khoa Luật, UEL trình bày tham luận

Tại phần tham luận của mình, Ths. Ls Hồ Vĩnh Long - Giám đốc Pháp chế ngân hàng HSBC nêu: “Nhìn chung, Luật mới cụ thể hơn ở một số điều nhằm giải quyết những bất cập, vướng mắc của Luật cũ. Ngoài ra, Luật mới được sửa đổi, bổ sung một số điều nghiêm khắc hơn (Điều 136). Thay đổi đáng kể nhất là, tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với một khách hàng, một một khách hàng và người có liên quan của khách hàng đó sẽ giảm từ 15% và 25% vốn tự có thành 10% và 15%. Luật mới quy định lộ trình giảm tỷ lệ này. Theo đó, tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với một khách hàng sẽ giảm 1% mỗi năm, sau đó là 10% kể từ ngày 01/01/2029; Tổng hạn mức tín dụng đối với một khách hàng và người có liên quan của khách hàng đó sẽ giảm 2% mỗi năm và về mức 15% kể từ ngày 01/01/2029. Sự thay đổi này sẽ tác động rộng rãi tới hoạt động tín dụng của ngân hàng”

picture4-1713437907.png

Ths. Ls Hồ Vĩnh Long – Giám đốc pháp chế ngân hàng HSBC trả lời câu hỏi của các sinh viên

Cũng tại hội thảo, một số ý kiến thắc mắc trước thực trạng hiện nay, nhiều ngân hàng đang thực hiện “như ép người vay’’ phải mua kèm các loại bảo hiểm mới được giải ngân. Nghiên cứu sinh, Thạc sĩ Trần Thị Thu Ngân, giảng viên Khoa Luật UEL  phát biểu: “Thị trường bảo hiểm, nhất là kênh bán qua ngân hàng, vừa qua tăng trưởng nhanh, song xuất hiện nhiều mặt trái. Chẳng hạn, ngân hàng ép khách vay mua kèm bảo hiểm hoặc đánh tráo khái niệm giữa sản phẩm này với gửi tiết kiệm.

Chính vì lý do đó, Điều 15 Luật Các tổ chức tín dụng 2024 nghiêm cấm các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, người quản lý, người điều hành, nhân viên của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài gắn việc bán sản phẩm bảo hiểm không bắt buộc với việc cung ứng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng dưới mọi hình thức. Theo quy định mới, các TCTD sẽ không còn được phép bắt buộc khách hàng phải mua các sản phẩm bảo hiểm khi vay vốn. Ép khách hàng mua bảo hiểm khi vay vốn là một tình trạng khá phổ biến thời gian qua, gây ra nhiều bức xúc trong dư luận. Các chuyên gia trong lĩnh vực ngân hàng cho rằng đây là một điểm rất tiến bộ so với các quy định hiện tại, giúp bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng tốt hơn’’.

picture5-1713437907.png

NCS, Ths Trần Thị Thu Ngân giảng viên Khoa Luật UEL phát biểu tại buổi tọa đàm

                                                                                                  

 

Một số hình ảnh của buổi Tọa đàm