Pháp luật về quản lý hoạt động kinh doanh vàng: Nhìn từ góc độ tự do hóa thị trường và một số kiến nghị

19/05/2024 12:45

(Pháp lý). Minh bạch thị trường, bãi bỏ cơ chế độc quyền, khai thác lợi điểm của vàng song hành với giảm thiểu rủi ro, phát triển bền vững nền kinh tế đang trở thành vấn đề được Việt Nam chú trọng trong suốt thời gian qua. Dù vậy, quá trình triển khai các giải pháp lại đang gặp phải một số bất cập, mục tiêu thu hẹp chênh lệch giá vàng chưa đạt kết quả như kỳ vọng do thực trạng và thực tiễn áp dụng pháp luật còn nhiều hạn chế.

Bài viết sau, tác giả Bùi Sĩ Thành xuất phát nghiên cứu từ thực tiễn , từ đó đưa ra góc nhìn cá nhân và đề xuất một số kiến nghị xoay quang việc hoàn thiện khung pháp luật về quản lý hoạt động kinh doanh vàng. Pháp lý trân trọng đăng tải.

1-1715149990.jpg

(Ảnh minh họa)

Thực trạng pháp luật về quản lý thị trường vàng

Trước khi có sự ra đời của Nghị định 24/2012/NĐ-CP,  Nghị định 174/1999/NĐ-CP là văn bản quy phạm pháp luật trực tiếp điều chỉnh công tác quản lý thị trường vàng. Theo đó qui định rõ Ngân hàng Nhà nước là cơ quan quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh vàng. Nghị định cũng qui định rõ doanh nghiệp đáp ứng đủ điều kiện về đăng ký kinh doanh, mức vốn pháp định, có cơ sở vật chất – kỹ thuật và nhân lực phù hợp được cấp Giấy phép sản xuất vàng miếng.

Trong giao thương quốc tế, Ngân hàng Nhà nước xem xét cho phép doanh nghiệp đăng ký kinh doanh vàng được xuất khẩu, nhập khẩu vàng miếng, vàng nguyên liệu nếu thỏa mãn mức vốn pháp định tối thiểu 05 tỷ đồng, kinh doanh có lãi trong năm gần nhất [1]. Kết hợp cơ sở Quyết định 432/2000/QĐ-NHNN, các tổ chức tín dụng được phép huy động vốn, cho vay bằng vàng hay chuyển đổi vàng thành tiền.

Dấu ấn tự do hóa thị trường vàng hiện hữu cùng nới lỏng quản lý đã thúc đẩy giao dịch kinh doanh vàng trở nên sôi động. Tuy nhiên, chính tại thời điểm mà các biện pháp cơ hữu trong quản lý còn hạn chế, chưa dự liệu toàn cảnh biến số nền kinh tế khiến tình trạng đầu cơ xuất hiện. Nhiều đối tượng thực hiện hành vi gom hàng, tạo khan hiếm giả tạo mục đích thao túng giá, nhập khẩu lậu nguyên liệu sản xuất vàng miếng thu lợi bất chính. Ngoài ra, vàng trở thành phương tiện thanh toán cũng gây không ít khó khăn cho cơ quan quản lý.

Để khắc phục kịp thời, quyết không kéo dài tác động tiêu cực,  Nhà nước đã bình ổn thị trường vàng theo phương thức kết hợp giữa kiểm soát nguồn cung và chống hiện tượng “vàng hóa”.

- Kiểm soát nguồn cung vàng:  Ngày 03 tháng 04 năm 2012, Nghị định 24/2012/NĐ-CP được ban hành đánh dấu việc sử dụng pháp luật như công cụ điều tiết thị trường qua 03 trụ cột cơ bản:

Một là, độc quyền sản xuất và xuất khẩu, nhập khẩu nguyên liệu vàng miếng. Nhà nước thiết lập chính sách trên nguyên tắc: “Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng, xuất khẩu vàng nguyên liệu và nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng” [2]. Điều này đồng nghĩa loại bỏ “Giấy phép sản xuất vàng miếng”, các doanh nghiệp chỉ có quyền phép xin nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất, gia công vàng trang sức, mỹ nghệ.

Hai là, gia tăng thẩm quyền của Ngân hàng Nhà nước. Chức năng, nhiệm vụ, vai trò của Ngân hàng Nhà nước tiếp tục được củng cố, trao thêm nhiều quyền hạn để can thiệp thị trường. Chỉ những doanh nghiệp được Ngân hàng Nhà nước cấp Giấy phép mới được hoạt động kinh doanh mua, bán vàng miếng, sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ.

Ba là, giới hạn thị trường giao dịch. Hoạt động mua, bán vàng miếng của các tổ chức, cá nhân chỉ được thực hiện tại các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp được Ngân hàng Nhà nước cấp Giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng.

- Ngăn chặn, đẩy lùi hiện tượng “vàng hóa”: Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản pháp luật gồm Thông tư 11/2011/TT-NHNN, Thông tư 32/2011/TT-NHNN, Thông tư 12/2012/TT-NHNN, Thông tư 24/2012/TT-NHNN. Điều chỉnh thu hẹp quyền của các tổ chức tín dụng, chấm dứt huy động vốn, cho vay vốn bằng vàng đối với khách hàng, không chuyển đổi vốn huy động bằng vàng dưới mọi hình thức thành đồng Việt Nam hoặc các hình thức bằng tiền khác, không sử dụng vàng như một loại tài sản bảo đảm. Tất cả nỗ lực đã chuyển vàng từ tài sản cho vay, phương tiện thanh toán trở về hàng hóa thông thường.

So với thời kỳ trước đó, vàng được sử dụng phổ biến, thường xuyên và chủ đạo với chức năng thanh toán, quy đổi giao dịch nhiều loại tài sản có giá trị lớn. Quy định của Ngân hàng Nhà nước dưới phương diện kinh tế xã hội phát huy hiệu quả tích cực, ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng “vàng hóa” và định hình nhận thức người dân.

Những ảnh hưởng, tác động từ  chính sách độc quyền sản xuất, nhập khẩu vàng

Nghị định 24/2012/NĐ-CP cùng các văn bản pháp lý liên quan giữ trọng trách lớn, bổ khuyết những khoảng hở trong giai đoạn phát sinh nhiều biến động tiêu cực từ vàng, điều tiết thị trường bằng biện pháp chặt chẽ. Mặc dù vậy, theo chúng tôi, khi bối cảnh thay đổi thì quy định cũ lại chưa có giải pháp mang đến đột phát mới, toàn diện và lâu dài.

Nhìn ở góc độ chính sách, Ngân hàng Nhà nước ngừng sản xuất vàng miếng góp phần ổn định nền kinh tế. Nhưng cùng với đó, thị trường vàng dưới cơ chế độc quyền  sản xuất làm hạn chế cạnh tranh. Mặc dù không khác biệt hàm lượng hay chất lượng nhưng có sự chênh lệch giá giữa vàng do doanh nghiệp nhà nước (SJC) sản xuất với vàng của các doanh nghiệp khác, giữa giá vàng trong nước với giá vàng thế giới.

Từ mối quan hệ cung – cầu, nhu cầu tiêu dùng, tích lũy dự trữ gia tăng nhưng đối diện thiếu vắng cơ chế tự do hóa nguồn cung, số lượng bị kiểm soát không tránh khỏi tình trạng tăng giá. Điều này một mặt tạo ra sự thiếu bình đẳng, cản trở các doanh nghiệp vàng ngoài quốc doanh cạnh tranh lành mạnh. Tâm lý người tiêu dùng, yếu tố độc quyền cùng danh xưng “vàng Nhà nước” thiết lập niềm tin vững chắc đối với SJC về chất lượng, giảm trừ rủi ro nắm giữ nhưng cũng đồng thời làm nảy nghi ngại về uy tín, tính thanh khoản sản phẩm từ thương hiệu khác. Mặt khác, thoát ly khỏi sự liên thông dù tích cực hay tiêu cực cũng kéo giãn khoảng cách giá vàng trong nước với thế giới. Yếu tố độc quyền làm sai lệch quan hệ cung cầu, mâu thuẫn nguyên lý giá cả do thị trường định ra. Mọi biến động bên ngoài (kinh tế, xã hội thế giới) nhận thấy ảnh hưởng nhưng cũng không suy chuyển quá nhiều đến giá vàng trong nước. Biểu hiện rõ một số thời điểm, giá vàng thế giới giảm nhưng vàng trong nước vẫn “neo” ở mức cao. Theo khảo sát ngày 04/05/2024, chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới khoảng 15 triệu đồng/lượng [3].

Câu dẫn, thu hút bởi lợi nhuận do chênh lệch giá vàng lần nữa thúc đẩy hành vi tiêu cực, nhập lậu, trốn thuế, hình thức ngày càng phức tạp, quy mô lớn. Điển hình vụ án buôn lậu hơn 03 tấn vàng, có tổng trị giá khoảng 5.000 tỷ đồng từ Lào về Việt Nam qua cửa khẩu Lao Bảo [4]; Buôn lậu hơn 06 tấn vàng, trị giá trên 8.400 tỉ đồng từ Campuchia về Việt Nam [5].

2-1715149997.jpg

(Ảnh minh họa)

Nỗ lực giảm chênh lệch giá vàng, đảm bảo tính công khai, minh bạch, Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức đấu thầu vàng miếng – tương tự phương thức được tiến hành cách đây 11 năm , nhưng kết quả ghi nhận chưa mấy khả quan. Tính đến ngày 03/05/2023, 04 phiên đấu thầu được mở ra nhưng có đến 03 phiên đấu thầu (22/04/2024, 25/04/2024, 03/05/2024) bị hủy do không đủ số lượng thành viên đăng ký dự thầu. Phần nguyên nhân xuất phát từ khác biệt hoàn cảnh, nếu như thời điểm năm 2013 các tổ chức tín dụng dưới áp lực phải đấu thầu vàng để tất toán hoạt động huy động, cho vay vàng với khách hàng thì giờ đây, đấu thầu đang thể hiện đúng mục tiêu tìm kiếm lợi nhuận của doanh nghiệp kinh doanh vàng. Phần nữa, khối lượng đấu thầu tối thiểu tương đối lớn (1.400 lượng). Trong tình huống sức mua chững lại do người tiêu dùng e ngại tự do hóa thị trường vàng, bãi bỏ độc quyền làm giảm giá trị vàng miếng SJC. Doanh nghiệp khó bán ra nhanh chóng sẽ phát sinh thêm chi phí bảo quản, vận chuyển đến từng đơn vị, cơ sở, chi nhánh. Rủi ro đầu tư tương quan thời gian nắm giữ, đặc biệt xu hướng giá vàng biến động bất thường. Mức giá tham chiếu lên đến 82,9 triệu đồng/lượng - cao hơn giá vàng thế giới, vàng của các thương hiệu khác, tiệm cận giá thị trường thì doanh nghiệp khó cân đối, lợi nhuận chưa thực sự đủ hấp dẫn tạo động lực tham gia. Tuy nhiên, ngoài tác động hạ nhiệt cũng nên nhìn nhận đây như một “phép thử” từ phía cơ quan quản lý nhằm đánh giá, nắm bắt thị trường, phản ứng doanh nghiệp và người dân.

Do đó, chiến lược lâu dài cần đến biện pháp tổng thể, toàn diện, tạo lập khung pháp lý vững chắc, phù hợp thông lệ quốc tế đồng thời thích ứng linh hoạt điều kiện quốc gia. Việc sửa đổi Nghị định 24/2012/NĐ-CP chắc chắn được ưu tiên hơn những giải pháp mang tính tình thế, tạm thời.

Một số đề xuất hoàn thiện và nâng cao hiệu quả áp dụng pháp luật về tự do hóa thị trường vàng

Nghị định 24/2012/NĐ-CP, Thông tư 16/2012/TT-NHNN, Thông tư 11/2011/TT-NHNN, Thông tư 32/2011/TT-NHNN, Thông tư 12/2012/TT-NHNN, Thông tư 24/2012/TT-NHNN là nền tảng quan trọng tạo dựng cấu trúc hành lang pháp lý thị trường vàng. Mặc dù vậy, tình hình quốc gia cũng như quốc tế đã nhiều chuyển biến mới, vấn đề tự do hóa, cạnh tranh bình đẳng, cân bằng cung cầu cần được gợi mở, nhằm hoàn thiện thông qua những quy định hợp thời, đúng hướng. Nghiên cứu từ thực tế, chúng tôi có một số đề xuất kiến nghị sau:

Thứ nhất, “ định vị”  thẩm quyền vai trò của Ngân hàng Nhà nước đối quản lý giám sát hoạt động kinh doanh vàng. Hướng đến nhìn nhận, đưa vàng về đúng bản chất là một loại hàng hóa, kinh doanh tự do, chính đáng, minh bạch dựa trên quan hệ cung – cầu, tạo lập môi trường kinh doanh bình đẳng thì Ngân hàng Nhà nước chỉ nên chăng dừng lại ở chức năng quản lý, hoạch định chính sách, giám sát, vận hành, phối hợp với các cơ quan phụ trợ như Bộ Công thương, Bộ Kế hoạch Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công an thực hiện các biện pháp điều ổn thay vì kiêm luôn cả chức năng sản xuất , gián tiếp kinh doanh vàng miếng như hiện nay.

Thứ hai, cấp quyền sản xuất đồng thời giám sát chặt chẽ và gia tăng số lượng doanh nghiệp được phép sản xuất vàng miếng. Căn bản, cốt lõi từ giải pháp hướng đến bãi bỏ tính chất độc quyền sản xuất vàng miếng, tăng nguồn cung để hạ giảm giá vàng. Sản xuất vàng miếng được xem là lĩnh vực đặc thù, ảnh hưởng sâu rộng nhưng đến lúc Ngân hàng Nhà nước xem xét cấp phép để các doanh nghiệp đáp ứng về ngành nghề, nguồn vốn, cơ sở vật chất, trình độ chuyên môn kỹ thuật được sản xuất vàng miếng. Các doanh nghiệp này chịu trách nhiệm trực tiếp cho tính hợp pháp trước pháp luật về xuất xứ nguyên liệu, chất lượng, hàm lượng, tiêu chuẩn sản phẩm cung ứng ra thị trường.

3-1715149997.jpg

(Ảnh minh họa)

Thứ ba, cho phép nhập khẩu vàng dựa trên cân bằng ngoại tệ, điều tiết xuất nhập khẩu phù hợp với thị trường quốc tế. Việc nhập khẩu vàng nguyên liệu làm “chảy máu” ngoại tệ nhưng cấm hoàn toàn cũng không phải giải pháp tối ưu. Doanh nghiệp khó tìm được nguồn nguyên liệu buộc phải lựa chọn giữa mua vàng trên thị trường hoặc chế tác trang sức, mỹ nghệ từ vàng miếng SJC giá cao. Dấu hiệu thất thoát vẫn xảy ra do tình trạng nhập lậu vàng mà cả doanh nghiệp, người dân hay Nhà nước đều không được hưởng lợi. Do đó, cần thiết cấp phép cho các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp được nhập khẩu vàng nguyên liệu.

Tuy nhiên, để không gây ra xáo trộn nên tiến hành cấp phép theo lộ trình từ “nới lỏng kiểm soát” thông qua các biện pháp hạn chế định lượng như hạn ngạch, giấy phép xuất nhập khẩu hoặc thuế quan. Ngân hàng Nhà nước cấp phép và điều tiết để các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp nhập khẩu vàng với số lượng hạn chế, cân đối nhu cầu trong nước sau đó mới đến “tự do hóa chuyên sâu” - các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp có thể tự do nhập khẩu vàng theo thực tế kinh doanh, tạo ra chuyển dịch dòng chảy hai chiều làm cầu nối liên thông giá vàng trong nước và quốc tế. Khung cảnh tự do hóa thị trường vàng khắc họa qua trường hợp của Singapore, quốc gia này được ví như trung tâm thương mại, luân chuyển, lưu trữ kim loại quý khi khuyến khích nhập khẩu vàng thông qua miễn thuế hàng hóa và dịch vụ (GST) cho mục đích thương mại hoặc cá nhân.

Thứ ba, công khai, minh bạch thông tin, định hướng tâm lý người dân và hạn chế đầu cơ. Trong văn hóa người Việt, vàng từ lâu được quan niệm như hình thức tích lũy của cải, dự phòng biến cố. Về sau, ý thức giá trị của người dân dần thay đổi khiến vàng trở thành một loại tài sản đầu tư khi các kênh khác như chứng khoán, bất động sản có nhiều biến động, khả năng sinh lời không cao, lãi suất tiết kiệm giảm. Dù vậy, người dân cũng dễ nảy sinh tâm lý đám đông, sợ bị bỏ lỡ hoặc bị thao túng làm giá vàng cao hơn giá trị thực chất, tăng giá nhanh nhưng lao dốc cũng nhanh.

Việc công khai, phổ biến thông tin mang tính định hướng là cần thiết, giúp người dân hiểu đúng, đủ bản chất hiện tượng để tránh rơi vào thế bị động. Ngoài ra, đầu cơ chưa bao giờ là dấu hiệu tốt với nền kinh tế, vàng bị “đóng băng” không khơi thông dòng chảy thị trường tài chính. Nhà nước để hạn chế thực trạng có thể áp nghĩa vụ tài chính đối với người sở hữu theo thời gian, theo số lượng nắm giữ, xa hơn tiến đến mở rộng sàn giao dịch vàng.

Thứ tư, phát triển sàn giao dịch vàng. Kinh nghiệm từ Trung Quốc, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) trước năm 2001 độc quyền sản xuất, mua bán và đơn phương ấn định giá vàng cho đến thời điểm Sàn Giao dịch vàng Thượng Hải (SGE) được hình thành, loại bỏ rào cản mua bán kết hợp hỗ trợ tăng trưởng có trật tự. Năm 2016, SGE thành lập chi nhánh quốc tế (SGEI) “mở cửa” để nhà đầu tư nước ngoài sử dụng ngoại tệ chuyển đổi hoặc Nhân dân tệ ở nước ngoài tham gia thị trường vàng trong nước. Sự can thiệp kịp thời giúp cho thị trường vàng thay đổi rõ rệt.

4-1715149997.jpg

(Ảnh minh họa)

Thuyết phục về lợi ích, thành lập sàn giao dịch vàng chủ danh mục gồm vàng vật chất và phi vật chất (dưới dạng tài khoản, chứng chỉ, hợp đồng vàng phái sinh) có thể phản ánh chính xác giá vàng theo cung cầu thị trường, tăng hiệu quả cạnh tranh giữa các doanh nghiệp, thu hút đầu tư, thúc đẩy lượng vàng cất trữ quay trở lại lưu thông. Bên cạnh Trung Quốc, nhiều quốc gia cũng phát triển mạnh mẽ sàn giao dịch vàng như Sàn Giao dịch hàng hàng hóa đa dạng Ấn Độ (MCX) năm 2003, Sàn Giao dịch hàng hóa và vàng Dubai (DGCX) năm 2005, Sàn Giao dịch kim loại quý Singapore (SGPMX) năm 2009. Tất cả củng cố niềm tin Việt Nam sẽ sớm khai thác điểm sáng từ mô hình, tinh chọn ứng dụng kinh nghiệm quốc tế, xây dựng sàn giao dịch vàng thành địa điểm hợp quy, chính thống trong tương lai gần.

Thứ năm, gia tăng quản lý, kiểm tra, kịp thời phát hiện và xử lý sai phạm. Trách nhiệm cùng năng lực của cơ quan quản lý nhà nước giữ vị trí trọng tâm, quyết định hiệu quả áp dụng pháp luật. Giao dịch tài sản hay giao dịch vàng cũng không ngoại lệ - phụ thuộc vào sự bảo vệ khỏi tác động xấu, xâm hại lợi ích. Do vậy, Nhà nước cần chú trọng kiểm tra, giám sát, tiếp nhận nguồn tin và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật mang tính răn đe, tránh tái diễn để đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp kinh doanh vàng. Bên cạnh đó, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ chuyên trách, thống nhất, liên thông hỗ trợ về mặt chuyên môn sẽ củng cố niềm tin, thuận lợi tạo động lực thuyết phục doanh nghiệp, người dân tích cực tham gia lành mạnh thị trường vàng.

Thứ sáu, nghiên cứu thị trường, phát triển bền vững nền kinh tế, đồng hành cùng người dân và doanh nghiệp. Ổn định lãi suất, tỷ giá, kiềm chế lạm phát sâu xa mới có thể khắc phục triệt để tình trạng tích trữ cực đoan, đầu cơ vàng. Góc độ khoa học, Nhà nước cũng nên xây dựng cơ chế phù hợp, khuyến khích nghiên cứu thị trường vàng một cách bài bản. Đây được xem như tư liệu quan trọng hỗ trợ các chủ thể nắm bắt thông tin, nhận ra cơ hội cùng thách thức ẩn mình trong những xu hướng mới từ đó dự liệu, cải thiện, phát triển đúng đắn. Trên hành trình này, Nhà nước đồng hành với doanh nghiệp và người dân, xem quan điểm, phản hồi là nguồn phản biện chính sách pháp luật, tiến tới nhất quán mục tiêu tự do hóa thị trường vàng.

Thành công tổng hòa từ nhiều yếu tố, bên cạnh tích cực hoàn thiện quy định pháp luật còn nổi bật bởi vai trò của các chủ thể có mối liên hệ hoặc trực tiếp tham gia. Xóa bỏ độc quyền hay xa hơn là tự do hóa thị trường vàng, cốt lõi mang lại nhiều lợi ích nhưng chặng đường cũng rất phức tạp nên tiến hành từng bước, có thời gian thực nghiệm, quan sát, đánh giá để đưa ra điều chỉnh phù hợp.

-------------------------

Tài liệu tham khảo

[1] Khoản 1, Điều 12, Nghị định 174/1999/NĐ-CP.

[2] Khoản 3, Điều 4, Nghị định 24/2012/NĐ-CP.

[3] Trần Hoài (2024), Giá vàng hôm nay (4-5): Tăng sốc, áp sát mốc 86 triệu đồng/lượng, https://www.qdnd.vn/kinh-te/tin-tuc/gia-vang-hom-nay-4-5-tang-soc-ap-sat-moc-86-trieu-dong-luong-775415#:~:text=V%E1%BB%9Bi%20gi%C3%A1%20v%C3%A0ng%20trong%20n%C6%B0%E1%BB%9Bc,kho%E1%BA%A3ng%2015%20tri%E1%BB%87u%20%C4%91%E1%BB%93ng%2Fl%C6%B0%E1%BB%A3ng., truy cập ngày 04/05/2024.

 [4] Công an Nhân dân (2023), Nhức nhối buôn lậu vàng qua biên giới, https://cand.com.vn/Vu-an-noi-tieng/nhuc-nhoi-buon-lau-vang-qua-bien-gioi-i700159/, truy cập ngày 05/05/2024.

[5] Bảo vệ pháp luật (2024), Truy tố 24 bị can trong đường dây buôn lậu hơn 6 tấn vàng, trị giá hơn 8.400 tỉ đồng, https://baovephapluat.vn/cong-to-kiem-sat-tu-phap/truy-to/truy-to-24-bi-can-trong-duong-day-buon-lau-hon-6-tan-vang-tri-gia-hon-8-400-ti-dong-155695.html, truy cập ngày 05/05/2024.

Bùi Sĩ Thành
Bạn đang đọc bài viết "Pháp luật về quản lý hoạt động kinh doanh vàng: Nhìn từ góc độ tự do hóa thị trường và một số kiến nghị" tại chuyên mục Pháp lý và Kinh doanh. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin