Nghị quyết Hội đồng Thẩm phán không được trái luật

21/03/2019 08:56

Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm số 01/2019/KN-HC ngày 17/01/2019 của Chánh án TANDTC kháng nghị đối với Bản án phúc thẩm số 114/2013/PTHC ngày 21/6/2013 của Tòa phúc thẩm TANDTC tại Hà Nội. Như vậy, Quyết định kháng nghị ban hành sau khi bản án có hiệu lực pháp luật trên 5 năm 6 tháng, dựa trên quy định của Nghị quyết số 02/2016/NQ-HĐTP ngày 30/6/2016 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC.

Sự kiện này gây sự quan tâm của các chuyên gia pháp lý. Theo Luật Tố tụng hành chính năm 2010, tại khoản 1 Điều 215 quy định thời hạn kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm là 2 năm, kể từ ngày bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này: Trường hợp đương sự đã có đơn đề nghị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm trong thời hạn quy định tại khoản 1 Điều 211 của Luật này nhưng đã hết thời hạn kháng nghị mà người có quyền kháng nghị mới phát hiện vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án, thì thời hạn kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm của người có quyền kháng nghị không phụ thuộc vào thời hạn quy định tại khoản 1 Điều này.

Với quy định này thì thời hạn kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm là vô thời hạn, thời hạn quy định ở khoản 1 không có ý nghĩa gì nữa.

 

 Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.)

Luật Tố tụng hành chính năm 2015 (có hiệu lực từ ngày 01/7/2016) đã bãi bỏ quy định vô lý trên và quy định thời hạn kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm là 03 năm kể từ ngày bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật. Nghị quyết số 104/2015/QH13 của Quốc hội về việc thi hành Luật Tố tụng hành chính quy định rõ: “4. Đối với những bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật trước ngày 01 tháng 7 năm 2016 mà kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2016 người có thẩm quyền kháng nghị mới kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm thì căn cứ để thực hiện việc kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm được thực hiện theo quy định của Luật này.

Quy định tại điều này của Nghị quyết cũng không nêu ra những trường hợp ngoại lệ.

Tuy nhiên, Nghị quyết số 02/2016/NQ-HĐTP ngày 30/6/2016 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, tại khoản 5 Điều 2 lại quy định: “5. Đối với trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 215 Luật Tố tụng hành chính số 64/2010/QH12 mà chưa bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm thì thời hạn kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm là 03 năm, kể từ ngày Luật Tố tụng hành chính số 93/2015/QH13 có hiệu lực thi hành”.

Theo quy định này thì những đơn đề nghị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm mà Tòa án đã thụ lý trước ngày 01/7/2016, nhưng vì lý do nào đó chưa được Tòa án xem xét dẫn đến sắp hết hạn kháng nghị (thời hạn 3 năm theo Luật năm 2015) nay lại được kéo dài thêm 3 năm nữa, tức là có thời hạn kháng nghị đến 6 năm hoặc hơn (trường hợp đã để vô thời hạn theo khoản 2 Điều 215 Luật năm 2010). Quy định này rõ ràng là trái với Nghị quyết số 104/2015/QH13 cũng như trái với Luật số 93/2015/QH13.

Theo quy định tại Điều 70 (khoản 10) của Hiến pháp thì Quốc hội có quyền hạn bãi bỏ văn bản của Tòa án nhân dân tối cao trái với luật, nghị quyết của Quốc hội. Uỷ ban Thường vụ Quốc hội có quyền hạn đình chỉ việc thi hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao trái với luật, nghị quyết của Quốc hội và trình Quốc hội quyết định việc bãi bỏ văn bản đó tại kỳ họp gần nhất (Điều 164, khoản 3 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật).

Vì vậy, chúng tôi kính đề nghị Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đình chỉ việc thi hành khoản 5 Điều 2 Nghị quyết số 02/2016/NQ-HĐTP ngày 30/6/2016 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao và trình Quốc hội bãi bỏ quy định này.

Việc đình chỉ thi hành và bãi bỏ quy định này sẽ làm cho việc kháng nghị và những vụ án đã xét xử theo quy định nói trên bị vô hiệu, nhưng sẽ bảo đảm nguyên tắc thượng tôn pháp luật của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Bản án phúc thẩm số 114/2013/PTHC ngày 21/6/2013 của Tòa phúc thẩm TANDTC tại Hà Nội xét xử vụ kiện của nguyên đơn là vợ chồng ông Lê Phúc Thủy ở 123 phố Nguyễn Văn Cừ, quận Long Biên, TP. Hà Nội; bị đơn là UBND quận Long Biên; đối tượng khởi kiện là Quyết định của UBND quận Long Biên thu hồi 90m2 đất của gia đình ông Thủy. Theo bản án này, quyết định của UBND quận Long Biên trái quy định của pháp luật nên Tòa tuyên hủy. Bản án đã được thi hành, địa phương đang làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận QSDĐ cho gia đình ông Thủy thì có Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm số 01/2019/KN-HC ngày 17/01/2019 của Chánh án TANDTC.

Theo lsvn.vn

Nguồn bài viết: http://lsvn.vn/nghien-cuu-trao-doi/trao-doi/nghi-quyet-hoi-dong-tham-phan-khong-duoc-trai-luat-30601.html

Bạn đang đọc bài viết "Nghị quyết Hội đồng Thẩm phán không được trái luật" tại chuyên mục Bên khung cửa tư pháp. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin