Nâng tầm chất lượng Kiểm sát viên, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp

27/02/2018 11:00

(Pháp lý) - Luật sư Hoàng Huy Được đồng thời là Đại biểu HĐND TP. Hà Nội. Ông được biết đến là người trực tiếp tham gia bào chữa cho nhiều bị cáo ở các phiên tòa xét xử các đại án kinh tế lớn. Cũng bởi từ những vị thế riêng nên ông có góc nhìn rất khác biệt, thẳng thắn, khách quan về hoạt động, vị trí, vai trò của kiểm sát viên (KSV) và Viện kiểm sát (VKS) trong tiến trình cải cách tư pháp thời gian qua.

Những lời chia sẻ tâm huyết và thẳng thắn của ông được chúng tôi ghi lại chân thực cũng là gửi gắm của ông tới những người làm công tác kiểm sát- họ giống như ông vì có chung mong mỏi cải cách tư pháp được thực hiện triệt để với mục tiêu bảo vệ công lý, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của con người.

Phóng viên: Thưa ông, nếu được đánh giá chung về hoạt động kiểm sát trong thời gian qua, ông sẽ nói gì?

Luật sư Hoàng Huy Được
Luật sư Hoàng Huy Được)

Luật sư Hoàng Huy Được: Hoạt động kiểm sát trong thời gian qua đã có những đổi mới, cải thiện nhất định; tham dự một số phiên tòa tôi nhận thấy trình độ của KSV được nâng lên, hoạt động của VKS chuyên nghiệp và để lại nhiều dấu ấn. Tuy nhiên vẫn còn tồn tại cần khắc phục để nâng tầm đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp trong giai đoạn mới.

Theo ông, tồn tại nào là lớn nhất trong việc thực hiện nhiệm vụ vai trò của VKS, KSV trong tố tụng các vụ án lớn gần đây?

Theo Luật thì chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của Viện kiểm sát nhân dân là thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp. Tuy nhiên, hiện nay dường như hai khâu này bị tách biệt bởi chế định ủy quyền của VKS.

Tôi xin nêu một ví dụ: Khi tố tụng một vụ án nghiêm trọng, thì phổ biến tình trạng Bộ Công an điều tra, Cơ quan điều tra của Bộ Công an giữ quyền điều tra, ra kết luận điều tra; VKS nhân dân cấp cao, kiểm sát hoạt động điều tra, ra cáo trạng truy tố; nhưng VKS nhân dân của các tỉnh, thành phố thực hiện quyền công tố tại tòa.  Điều đó theo tôi đã tạo ra những lỗ hổng và bất ổn. Cụ thể, khi VKS cấp trên tham gia vụ án ngay từ đầu, kiểm sát các hoạt động từ tin báo tội phạm, tạm giam, tạm giữ, điều tra, truy tố nhưng sau đó lại ủy quyền cho VKS cấp dưới là các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương để thực hiện quyền công tố tại phiên tòa dẫn đến tình trạng KSV được ủy quyền không nắm bắt được mọi tình tiết, diễn biến của vụ án.

Trong hoạt động kiểm sát, cả hai hoạt động kiểm sát điều tra và thực hành quyền công tố có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Phải là KSV tham gia kiểm sát điều tra vụ án ngay từ đầu, tham gia đầy đủ các hoạt động của quá trình điều tra thì mới nắm rõ các tình tiết của vụ án rồi thực hiện quyền công tố tại tòa mới hiệu quả.

Trên thực tế thì thời gian cho hoạt động điều tra một vụ án nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng là khá dài. Vụ án đơn giản kéo dài nhiều tháng, vụ án phức tạp kéo dài nhiều năm. Bởi vậy, KSV phải theo sát vụ án, phải nắm bắt kĩ càng các tình tiết của vụ án và chịu trách nhiệm đến cùng với cáo trạng đã truy tố. Thế nhưng sau đó, khi ủy quyền cho người khác để thực hành quyền công tố tại phiên tòa với thời gian xét xử theo quy định (30 ngày đối với án bình thường, 45 ngày với án phức tạp) là quá ngắn nên người được ủy quyền thực hiện quyền công tố không thể nắm bắt được hồ sơ và không thể tranh luận tốt tại tòa.

Quy định đó gây ra những hệ lụy gì đối với hoạt động tranh tụng tại các phiên tòa thưa ông?

Những quy định như vậy đã ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng tranh tụng tại các phiên tòa. Các vụ án mà Bộ công an điều tra và VKS nhân dân Tối cao, cấp cao truy tố được hiểu là những vụ án phức tạp, nghiêm trọng nhưng cơ quan kiểm sát, KSV được ủy quyền không nắm vững vụ án thì chất lượng tranh tụng không đảm bảo.

Nó còn liên quan đến trách nhiệm của KSV, VKS. Ai sẽ là người chịu trách nhiệm nếu có oan sai, sơ suất khi KSV tham gia kiểm sát điều tra và KSV giữ quyền công tố tại tòa là khác nhau? Đó là một câu hỏi không dễ trả lời thỏa đáng.

Về nguyên tắc thì KSV phải tranh luận với tất cả những nội dung, ý kiến mà luật sư, bị cáo đưa ra liên quan đến vụ án. Nhưng ở nhiều phiên tòa, tôi thấy các KSV thường áp dụng một “xảo thuật” là nhóm tất cả các vấn đề lại thành một nội dung chung để tranh luận, tránh khó trong quá trình tranh luận. Đồng thời, tranh luận thì phải tranh luận trực tiếp vào các nội dung mà người bào chữa, bị can, bị cáo đưa ra nhưng Viện kiểm sát nhiều khi né tránh và thường đưa ra ý kiến là “giữ nguyên quan điểm”.

Tôi còn nhớ khi bào chữa cho các bị cáo trong đại án Oceanbank, tôi có đưa ra nhận định Thông tư 02 của Thống đốc NHNN quy định lãi suất trần 14%/năm trái với BLDS, thể thức ban hành là trái với quy định của Luật Ban hành Văn bản quy pháp pháp luật. Đáng ra, KSV phải bằng những lập luận pháp lý, vận dụng các quy định pháp luật đối đáp lại ý kiến của tôi. Nhưng họ lại đặt câu hỏi lại, hỏi xem có ý đồ gì khi đưa ra nhận định đó?!

Kiểm sát hoạt động tố tụng còn bao hàm cả kiểm sát việc tuân theo pháp luật tại phiên tòa. Thế nhưng thực tế thì thế nào thưa ông?

Theo Luật định, KSV còn có thẩm quyền kiểm sát việc tuân theo pháp luật tại phiên tòa. Thế nhưng, tôi nhận thấy tại nhiều phiên tòa, KSV chưa thể hiện được tầm trong nhiệm vụ này. Trong vụ án Châu Thị Thu Nga là một ví dụ. Diễn biến tại phiên xét hỏi, Luật sư Hoàng Văn Hướng bào chữa cho bị cáo Châu Thị Thu Nga đặt câu hỏi với bà Nga về khoản tiền 1,5 triệu USD (khoảng 30 tỉ đồng) mà trước đó bà Nga đã có lời khai dùng tiền này để "chạy" ĐBQH. Luật sư Hướng hỏi: "Trong cáo trạng và các tài liệu chứng cứ có nêu bà đã chuyển khoảng 1,5 triệu USD để "chạy" vào ĐBQH, có khoảng 4 bút lục, bà có luận giải như thế nào về vấn đề này? Có việc chạy ĐBQH không? Bà có thay đổi lời khai không? Bà trình bày lại cho hội đồng xét xử và mọi người cùng nghe".

Khi luật sư hỏi, HĐXX lưu ý: "Đối với khoản tiền luật sư vừa nói, nó nằm trong số tiền hơn 157 tỉ đồng mà cơ quan điều tra đã tách ra và không nằm trong phạm vi vụ án này". Thẩm phán đã ngăn không cho Châu Thị Thu Nga khai vấn đề này trong phiên xét xử công khai. Theo tôi, thì về nguyên tắc, những tài liệu có trong hồ sơ vụ án đều phải được kiểm tra, đánh giá công khai tại phiên tòa. Trong tổng số tiền VKS quy buộc bị cáo chiếm đoạt, thì bị cáo cũng có quyền chứng minh không chiếm đoạt … Dù thế nào thì các nội dung đó cũng cần được làm rõ vì liên quan đến trách nhiệm dân sự, khắc phục hậu quả, hình phạt. Tuy nhiên KSV giữ quyền công tố tại tòa, kiểm sát việc tuân theo pháp luật tại phiên tòa đã không hề đưa ra ý kiến, mặc nhiên chấp nhận diễn biến đó.

Một trong những nhiệm vụ đặc trưng khác của VKS đó là tiến hành khởi tố, điều tra những vụ án có dấu hiệu xâm phạm hoạt động tư pháp. Năm qua, đã có một số vụ án được Cơ quan điều tra - VKS Tối cao khởi tố, điều tra. Ông đánh giá gì về nhiệm vụ này của VKS?

Trước đây ở mỗi cơ quan kiểm sát cấp tỉnh đều có phòng điều tra riêng. Từ năm 2016, có sự chuyển đổi thành Phòng điều tra tội phạm tham nhũng, chức vụ xảy ra trong hoạt động tư pháp thuộc Cơ quan điều tra VKS nhân dân tối cao. Cơ quan này có nhiệm vụ, quyền hạn là điều tra các vụ án tham nhũng, chức vụ xảy ra trong hoạt động tư pháp đối với tội phạm nghiêm trọng, rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng hoặc người phạm tội giữ chức vụ lãnh đạo của cơ quan tư pháp các cấp; giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố thuộc thẩm quyền điều tra của phòng; kiểm tra, xác minh, điều tra các vụ, việc khác theo sự phân công của lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Thủ trưởng Cơ quan điều tra…

Tôi cho rằng, chạm đến những chức danh tư pháp là chạm đến những mối liên hệ với ngành, liên ngành gần gũi. Bởi thế cơ quan này hoạt động trong những “khó khăn” chung ảnh hưởng ít nhiều đến nhiệm vụ.

Trong vụ án xảy ra tại Đồng Tâm (Mỹ Đức, Hà Nội) dư luận xã hội đặt ra câu hỏi, ông Lê Đình Kình có bị công an đánh hay không? Việc này sau đó còn nóng trên diễn đàn Quốc hội. Thế nhưng cơ quan điều tra của VKS nhân dân tối cao vẫn chưa nhanh nhạy vào cuộc để kiểm tra, xác minh các tin báo đó. Và đó là một dẫn chứng, chứng tỏ sự chậm trễ trong hoạt động này của VKS.

Báo cáo trước Quốc hội, Viện trưởng VKS nhân dân tối cao Lê Minh Trí cho biết năm qua đã ban hành hơn 4000 kháng nghị án, quyết định. Ông có nhận xét gì về chức năng kháng nghị của Viện kiểm sát trong thời gian qua?

Thực tế hoạt động Luật sư, tôi nhận thấy số lượng các bản án, quyết định mà người dân mong mỏi được kháng nghị rất lớn. Số lượng này gia tăng theo thời gian. Theo thống kê mới nhất thì có đến hơn 18 nghìn đơn yêu cầu kháng nghị tồn đọng ở các cấp thẩm quyền có quyền kháng nghị. Trong việc kháng nghị, ngoài đạt chỉ tiêu về số lượng thì tôi cho rằng chất lượng kháng nghị cũng là vấn đề cần lưu tâm. Theo chủ quan của tôi, hiện khá phổ biến tình trạng kháng nghị do quen biết, gửi gắm.

Theo ông thời gian tới, ngành kiểm sát sẽ phải làm gì để đáp ứng được những trách nhiệm cao cả mà Hiến pháp, pháp luật và người dân giao phó?

Nhiều Luật sửa đổi thời gian qua đều đặt ra vấn đề tăng thẩm quyền cho KSV, VKS. Việc gia tăng thẩm quyền luôn đi liền với gia tăng trách nhiệm. Trước yêu cầu thực tế đó, tôi cho rằng KSV cần học hỏi, trau dồi để nâng cao trình độ, năng lực, nâng cao trình độ, năng lực của mỗi KSV cũng là nâng cao uy tín của ngành kiểm sát.

Xin trân trọng cảm ơn ông về những chia sẻ thẳng thắn trên!

Phan Tĩnh (Ghi)

Bạn đang đọc bài viết "Nâng tầm chất lượng Kiểm sát viên, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp" tại chuyên mục Bên khung cửa tư pháp. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin