Ngày 02/6/2005, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 49-NQ/TW về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, trong đó nêu rõ: "Tòa án nhân dân tối cao có nhiệm vụ tổng kết kinh nghiệm xét xử, hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật, phát triển án lệ... từng bước thực hiện công khai hóa bản án”. Tuy vậy, vẫn có nhiều tranh luận trái chiều xoay quanh vấn đề về áp dụng án lệ trong giải quyết tranh chấp[1]. Tác giả đưa ra một số kiến nghị về kỹ năng áp dụng pháp luật tương tự và án lệ vào việc giải quyết tranh chấp liên quan đến đất đai...
Tranh chấp đất đai và giải quyết tranh chấp đất đai là một vấn đề phức tạp và hậu quả của nó gây ra có thể làm ảnh hưởng đến các giá trị đạo đức, phong tục truyền thống của người Việt. Những phán quyết của Tòa án và các quyết định của cơ quan hành chính nhà nước mới chỉ giải quyết được một phần mâu thuẫn nhưng nếu việc giải quyết không thấu tình, đạt lý thì lại làm phát sinh ra những hậu quả tiềm ẩn là việc mất đoàn kết giữa những cá nhân, thành viên trong gia đình, làng xóm, cộng đồng dân cư và rộng ra là giữa nhân dân và các cơ quan công quyền. Hệ thống pháp luật Việt Nam hiện nay vẫn còn nhiều quy phạm pháp luật mâu thuẫn, lạc hậu hoặc thiếu hụt các quy phạm để giải quyết các tranh chấp trong trong xã hội. Ngày 02/6/2005, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 49-NQ/TW về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, trong đó nêu rõ: “Tòa án nhân tối cao có nhiệm vụ tổng kết kinh nghiệm xét xử, hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật, phát triển án lệ… từng bước thực hiện công khai hóa bản án”. Cho dù có sự chỉ đạo trực tiếp từ Bộ Chính trị, nhưng về mặt khoa học vẫn có nhiều tranh luận trái chiều xoay quanh vấn đề về áp dụng án lệ trong giải quyết tranh chấp[1]. Một số người có ý kiến đồng tình cho rằng thừa nhận và sử dụng án lệ là một yêu cầu tất yếu nhưng một số người khác có thái độ nghi ngờ và phản đối việc áp dụng án lệ. Trong khuôn khổ bài viết này, tác giả muốn đưa ra một số kiến nghị về kỹ năng áp dụng pháp luật tương tự và án lệ vào việc giải quyết tranh chấp liên quan đến đất đai.
Áp dụng pháp luật trong giải quyết tranh chấp đất đai
Áp dụng pháp luật đất đai góp phần bảo vệ quyền cơ bản của công dân trong mọi lĩnh vực hướng đến xây dựng một nhà nước pháp quyền, một xã hội dân sự ở Việt Nam[2]. Áp dụng pháp luật trong hoạt động giải quyết tranh chấp đất đai là một hình thức thực hiện pháp luật và cũng là giai đoạn đặc thù của việc thực hiện pháp luật.
Đối với áp dụng tương tự pháp luật thì có thể được áp dụng nhưng đó chỉ là biện pháp mang tính tình thế tạm thời để khắc phục những những thiếu sót của hệ thống luật thực định. Do vậy, người giải quyết tranh chấp phải vùa có chuyên môn cao vừa có đạo đức nghề nghiệp, kinh nghiệm sống phong phú để có thể hoàn thành tốt vai trò, nhiệm vụ của mình.
Đối với áp dụng án lệ để khắc phục sự thiếu hụt của văn bản pháp luật thành văn. Tuy nhiên, để có thể giải quyết vụ việc bằng những cách thức này đòi hỏi thẩm phán ngoài kiến thức sâu rộng phải là người có bản lĩnh, kinh nghiệm trong xét xử nói chung và giải quyết tranh chấp đất đai nói riêng.
Bất cập trong áp dụng pháp luật trong giải quyết tranh chấp đất đai- nhìn từ quy định về giao dịch “đứng tên giùm”
Pháp luật Việt Nam hiện nay không có quy định về giao dịch “đứng tên giùm”- là việc một người đang định cư ở nước ngoài nhờ một người Việt Nam sống trong nước đứng tên cho họ trong các giao dịch liên quan đến nhà đất. Do vậy, Tòa án phải vận dụng các quy định pháp luật để giải quyết các tranh chấp liên quan đến giao dịch “đứng tên giùm”. Tuy nhiên, khi xem xét các bản án về việc giải quyết tranh chấp liên quan đến giao dịch này thì nhận thấy việc áp dụng pháp luật của Tòa án có một số điểm chưa hợp lý do sử dụng án lệ trong vụ việc này như sau:
– Các giao dịch “đứng tên giùm” về mặt bản chất chưa được các Tòa án nhận định rõ ràng, thống nhất và chính xác. Cụ thể như khi xét xử có Tòa án xác định giao dịch “đứng tên giùm” là giao dịch giả tạo[4], giao dịch mua hộ, ngược lại, có Tòa án xác định giao dịch “đứng tên giùm” là giao dịch có điều kiện[5], trường hợp khác nữa, thậm chí có Tòa án không xác định bản chất của giao dịch này[6]. Tác giả cho rằng việc Tòa án xác định giao dịch “đứng tên giùm” là giao dịch giả tạo trong một số trường hợp là thiếu chính xác, chưa đảm bảo tính hợp pháp và tính hợp lý, bởi những lý do sau: Xét về tính hợp pháp, nếu Tòa án coi đây là giao dịch giả tạo, nhưng Tòa án lại không tuyên giao dịch này là vô hiệu thì chưa phù hợp với quy định của pháp luật, vì theo quy định pháp luật, giao dịch giả tạo phải bị vô hiệu; Còn xét về tính hợp lý, giao dịch “đứng tên giùm” phải được coi là giao dịch có điều kiện. Như vậy, việc Tòa án coi giao dịch “đứng tên giùm” là giao dịch giả tạo là chưa đảm bảo tính hợp lý.
Trong bối cảnh mà pháp luật chưa có quy định cụ thể, rõ ràng đối với các giao dịch “đứng tên giùm” thì việc Tòa án khi giải quyết các tranh chấp liên quan đến giao dịch này nhưng lại không xác định rõ ràng, chính xác về bản chất của giao dịch “đứng tên giùm” sẽ gây khó khăn trong việc hiểu, áp dụng, thực hiện pháp luật[7].
– Qua nghiên cứu xem xét một số bản án do Tòa án nhân dân các cấp giải quyết có thể nhận thấy lập luận của Tòa án trong một số vụ việc liên quan đến giao dịch này chưa thực sự đầy đủ,rõ ràng và thiếu thống nhất, các Tòa án lại đưa ra kết luận như nhau khi giải quyết loại tranh chấp này, hầu như các bản án đều quyết định chấp nhận yêu cầu đòi tài sản của người “nhờ đứng tên giùm” nếu tại thời điểm xét xử, người “nhờ đứng tên giùm” đã được phép sở hữu đối với tài sản này. Những trường hợp chưa được phép sở hữu tài sản “đứng tên giùm” tại Việt Nam, như quyền sử dụng đất nông nghiệp và các loại đất phi nông nghiệp mà không phải đất ở thì hầu hết các Tòa án đều không chấp nhận yêu cầu đòi tài sản của người “nhờ đứng tên giùm”. Trong trường hợp này, người “nhờ đứng tên giùm” chỉ có quyền đòi lại số tiền đã chuyển cho người “đứng tên giùm” và được hưởng giá trị tăng thêm từ tài sản này sau khi đã trừ đi phần mà người “đứng tên giùm” được hưởng. Tài sản trong trường hợp này vẫn thuộc quyền sở hữu của người “đứng tên giùm”, kể cả trong trường hợp Tòa án nhận định đây là giao dịch giả tạo.
Một số nhận xét và kiến nghị
Từ những phân tích trên, tác giả cho rằng không nên cấm giao dịch “đứng tên giùm” vì đây là sự thỏa thuận của các bên đương sự.Tuy nhiên cần có những quy định pháp luật cụ thể đối với loại tranh chấp này.
+ Thứ nhất, không nên quy định cấm đối với giao dịch “đứng tên giùm”, trừ trường hợp “đứng tên giùm” đối với loại tài sản mà việc lưu thông của loại tài sản này ảnh hưởng đến hiệu quả của pháp luật.
+ Thứ hai, pháp luật cần coi giao dịch “đứng tên giùm” là giao dịch có điều kiện.
+ Thứ ba, cần xác định “người đứng tên giùm” đóng vai trò trung gian trong mối quan hệ với người “nhờ đứng tên giùm”.
+ Thứ tư, trong trường hợp giao dịch “đứng tên giùm” chưa phát sinh hiệu lực, tài sản đứng tên giùm thuộc sở hữu của người “đứng tên giùm”. Người “nhờ đứng tên giùm” chỉ có quyền đòi lại tài sản đã chuyển giao cho bên “đứng tên giùm” và bồi thường thiệt hại hoặc có quyền hưởng giá trị tài sản “đứng tên giùm”, mà không có quyền đòi lại tài sản “đứng tên giùm”[8].
Theo tapchitoaan.vn
Nguồn bài viết: https://tapchitoaan.vn/bai-viet/an-le/mot-so-kien-nghi-lien-quan-den-ky-nang-ap-dung-phap-luat-tuong-tu-va-an-le-trong-giai-quyet-tranh-chap-dat-dai-tai-viet-nam