Một số ý kiến góp ý Dự thảo Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán TANDTC hướng dẫn về tội rửa tiền

25/09/2018 22:10

Để áp dụng đúng và thống nhất quy định tại Điều 324 của Bộ luật Hình sự năm 2015, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã xây dựng dự thảo Nghị quyết hướng dẫn Điều 324 BLHS 2015 (sau đây viết là Dự thảo Nghị quyết). Ngày 22/9/2018, Tạp chí Tòa án nhân dân điện tử đã có bài đăng giới thiệu về Dự thảo Nghị quyết này. Sau khi nghiên cứu Dự thảo Nghị quyết, chúng tôi có một số ý kiến như sau:

Về Điều 1 Dự thảo nghị quyết – giải thích từ ngữ

1.1. Về khoản 1

Khoản 1 Điều 1 Dự thảo Nghị quyết quy định: “1. Tài sản bao gồm vật, tiền, giấy tờ có giá và các quyền tài sản theo quy định của Bộ luật Dân sự; các chứng từ hoặc công cụ pháp lý chứng minh quyền sở hữu hoặc lợi ích đối với tài sản đó.”

Trong tiếng Việt, dấu chấm phẩy (;) dùng để chỉ ranh giới giữa các vế trong câu ghép song song, dấu chấm phẩy cũng có thể dùng để chỉ ranh giới giữa các yếu tố trong một liên hợp song song bao gồm những ngữ[1].

Với cách hành văn sử dụng dấu chấm phẩy đặt ở giữa câu như trên sẽ dẫn đến cách hiểu: Đây là điều luật giải thích từ ngữ và khoản này giải thích về tài sản. Do đó tài sản tại khoản 1 này bao gồm: (1) vật, tiền, giấy tờ có giá và các quyền tài sản theo quy định của Bộ luật Dân sự; (2) các chứng từ hoặc công cụ pháp lý chứng minh quyền sở hữu hoặc lợi ích đối với tài sản đó.

4

Trong khi đó, khoản 1 Điều 105 Bộ luật Dân sự 2015 quy định: “1. Tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản.”.

Chúng tôi cho rằng vế câu sau dấu chấm phẩy là không cần thiết và vì không có ý nghĩa giải thích và cũng không có quan hệ gì với vế đầu của câu. Bên cạnh đó, khoản 2 Điều 1 Dự thảo Nghị quyết có giải thích công cụ pháp lý chứng minh quyền sở hữu hoặc lợi ích đối với tài sản. Do đó khoản 1 Điều 1 Dự thảo Nghị quyết nên chỉnh lý lại như sau: “1. Tài sản bao gồm vật, tiền, giấy tờ có giá và các quyền tài sản theo quy định của Bộ luật Dân sự; các chứng từ hoặc công cụ pháp lý chứng minh quyền sở hữu hoặc lợi ích đối với tài sản đó.”[2].

1.2. Về khoản 2 – Công cụ pháp lý chứng minh quyền sở hữu hoặc lợi ích đối với tài sản

Khoản 2 Điều 1 Dự thảo Nghị quyết giải thích: “2. Công cụ pháp lý chứng minh quyền sở hữu hoặc lợi ích đối với tài sản đó có thể bao gồm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, đăng ký xe mô tô, xe máy, tàu bay, tàu biển.”.

Từ “đó” trong tiếng Việt là đại từ thay thế – đại từ dùng để chỉ người, sự vật, địa điểm, thời điểmhoặc sự việc đã được xác định, được nói đến nhưng không ở vào vị trí người nói hoặc không ở vào lúc đang nói[3]. Do đó, trong khoản 2 của điều luật sử dụng từ “đó” sau từ “tài sản” là không đúng. Bên cạnh đó, việc giải thích từ ngữ tại khoản 2 là mang tính chất liệt kê. Để tránh việc liệt kê không đầy đủ, khoản này cần bổ sung một ý “quét” đó là “giấy chứng nhận, đăng ký tài sản khác theo quy định của pháp luật”.

Theo chúng tôi, khoản 2 Điều 1 Dự thảo Nghị quyết nên chỉnh lý lại, cụ thể như sau: “2. Công cụ pháp lý chứng minh quyền sở hữu hoặc lợi ích đối với tài sản đó có thể bao gồm: giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở; đăng ký xe mô tô, xe máy, tàu bay, tàu biển; giấy chứng nhận, đăng ký tài sản khác theo quy định của pháp luật.”[4]

1.3. Về khoản 3 – Tài sản do phạm tội mà có

Khoản 3 Điều 1 Dự thảo Nghị quyết giải thích: “Tài sản do phạm tội mà có là tài sản, tiền do người phạm tội có được trực tiếp từ việc thực hiện hành vi phạm tội hoặc do người phạm tội có được từ việc mua bán, đổi chác bằng tài sản có được trực tiếp từ việc họ thực hiện hành vi phạm tội.”

Có thể thấy, việc giải thích “Tài sản do phạm tội mà có là tài sản, tiền…” là vừa thừa, vừa thiếu: thừa vì không cần thiết phải liệt kê cái gì là tài sản (tài sản đã được giải thích tại khoản 1); nếu liệt kê mà chỉ nêu “tiền” thì lại thiếu, không đầy đủ theo quy định của Bộ luật Dân sự và hướng dẫn tại khoản 1 nêu trên.

Do đó, theo tác giả bài viết, nên chỉnh lý khoản 3 Điều 1 Dự thảo Nghị quyết như sau: “Tài sản do phạm tội mà có là tài sản, tiền do người phạm tội có được trực tiếp từ việc thực hiện hành vi phạm tội hoặc do người phạm tội có được từ việc mua bán, đổi chác bằng tài sản có được trực tiếp từ việc họ thực hiện hành vi phạm tội.”

1.4. Cần bổ sung giải thích về chứng từ

Để bảo đảm việc thống nhất áp dụng pháp luật, theo tác giả rất cần thiết phải bổ sung giải thích một từ ngữ liên quan đến chứng minh quyền sở hữu hoặc lợi ích đối với tài sản, đó là “chứng từ” vào Điều 1 Dự thảo Nghị quyết. Khái niệm “chứng từ”, theo chúng tôi, cần tham khảo khái niệm về “chứng từ kế toán” trong Luật Kế toán năm 2015.

Về Điều 2 Dự thảo Nghị quyết – Tội phạm nguồn

“Điều 2. Tội phạm nguồn

Tội phạm nguồn là tội phạm được quy định tại Bộ luật Hình sự mà tài sản có được từ tội phạm đó trở thành đối tượng của tội rửa tiền. Hành vi phạm tội nguồn có thể được thực hiện trong hoặc ngoài lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Việc xác định tội phạm nguồn được căn cứ vào bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật hoặc các tài liệu, chứng cứ do các cơ quan có thẩm quyền cung cấp.”

Với nội dung nêu trên, Điều này là giải thích về “tội phạm nguồn”, do đó, không cần thiết phải quy định thành một điều riêng. Theo tác giả bài viết này, nên chỉnh lý, thiết kế Điều 2 nêu trên thành một khoản đưa vào Điều 1 – Điều về giải thích từ ngữ.

Theo tapchitoaan.vn

Nguồn bài viết: https://tapchitoaan.vn/bai-viet/nghien-cuu/mot-so-y-kien-gop-y-du-thao-nghi-quyet-cua-hoi-dong-tham-phan-tandtc-huong-dan-ap-dung-dieu-324-blhs-2015-ve-toi-rua-tien

Bạn đang đọc bài viết "Một số ý kiến góp ý Dự thảo Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán TANDTC hướng dẫn về tội rửa tiền" tại chuyên mục Bên khung cửa tư pháp. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin