Một số mô hình kinh tế số thành công trên thế giới

(Pháp lý) - Sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế số không chỉ phá vỡ những hạn chế về thời gian và khoảng cách, nó còn có thể giúp giảm các yếu tố như ô nhiễm và cạn kiệt tài nguyên từ các hoạt động truyền thống. Ở nhiều quốc gia trên thế giới, việc tích hợp công nghệ số trong nền kinh tế đã góp phần đáp ứng nhanh chóng, thuận tiện, hiệu quả các nhu cầu của người dân. Tham khảo các mô hình kinh tế số thành công ở các quốc gia có thể rút ra cho Việt Nam những bài học kinh nghiệm trong quá trình xây dựng chính sách phát triển nền kinh tế số trong bối cảnh hội nhập.

Trung Quốc đang dẫn đầu thế giới về giao dịch thương mại điện tử

3 lý do khiến Trung Quốc đang dẫn đầu thế giới về thương mại điện tử, thanh toán số

Thời gian qua, Trung Quốc đã và đang dần khẳng định vị thế là một cường quốc hàng đầu về kinh tế số trên thế giới. Theo Báo cáo từ Học viện Công nghệ thông tin và Truyền thông Trung Quốc cho thấy, năm 2018, nền kinh tế số của Trung Quốc đứng thứ hai về quy mô sau Mỹ, đóng góp hơn 4.700 tỷ USD, chiếm 1/3 GDP của Trung Quốc.

Trong đó, đặc biệt là sự phát triển nhanh chóng của thương mại điện tử. Theo số liệu của Viện Nghiên cứu toàn cầu McKinsey, giao dịch thương mại điện tử của Trung Quốc năm 2005 chỉ chiếm chưa đến 1% tổng số giao dịch trên thế giới. Tuy nhiên, hiện nay, giao dịch thương mại điện tử của Trung Quốc tăng lên hơn 40% tổng số giao dịch trên thế giới, lớn hơn tổng số của 5 quốc gia (Pháp, Đức, Nhật Bản, Vương quốc Anh và Hoa Kỳ) cộng lại. Tổng giá trị thanh toán di động tiêu dùng cá nhân của Trung Quốc trong năm 2016 đạt tới 790 tỷ USD, gấp 11 lần con số này tại thị trường Mỹ.

Song song với sự phát triển của thương mại điện tử, các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt, như quét mã QR, thanh toán bằng ví điện tử cũng phát triển nhanh không kém. Hình thức thanh toán bằng tiền mặt hay qua thẻ tín dụng đang dần trở thành quá khứ. Thay vào đó, rất nhiều sản phẩm tiêu dùng cơ bản đều cho phép thanh toán di động.

Chính phủ Trung Quốc không chỉ là cơ quan ban hành chính sách mà còn đóng vai trò đầu tư, sáng tạo và người tiêu dùng trong nỗ lực để hỗ trợ số hóa. Trung Quốc cũng khuyến khích phát triển kinh tế số hóa và coi đây như một giải pháp giúp tái cân bằng cho nền kinh tế, tránh sự phụ thuộc quá nhiều vào xây dựng cơ sở hạ tầng và thúc đẩy tiêu dùng nội địa, giúp các doanh nghiệp phát triển.

Dịch vụ ngân hàng điện tử ngày càng phổ biến ở Trung Quốc do hệ thống ngân hàng hiện đại hóa phương thức cho vay ngang hàng (P2P) truyền thống bằng cách áp dụng công nghệ dựa trên Internet. Ước tính có khoảng 2.000 trang web hoạt động P2P được thành lập từ năm 2007.

Không chỉ thành công với mô hình thương mại điện tử, thanh toán số… Trung Quốc đang sở hữu những tiềm năng to lớn trong việc trở thành một nền kinh tế số toàn cầu. Trong bối cảnh dịch Covid-19, Trung Quốc cũng đã chứng kiến sự bùng nổ trong các ngành công nghiệp liên quan đến internet và nền kinh tế số. Người sử dụng các ứng dụng Internet như giáo dục trực tuyến đã tăng trưởng đáng kể. Quốc gia này sở hữu một trong những hệ sinh thái đầu tư và khởi nghiệp kỹ thuật số tích cực nhất trên thế giới.

Có được thành công kể trên, đầu tiên phải kể đến chính là nhờ quy mô thị trường khổng lồ với đông đảo người dân sử dụng internet trẻ, đam mê và năng động, điều kiện phát triển và ứng dụng nhanh các công nghệ số.

Theo báo cáo vào tháng 1/2018 do Trung tâm Thông tin mạng internet Trung Quốc, khoảng 57,7% dân số Trung Quốc là người dùng được kết nối internet. Hơn 800 triệu người ở Trung Quốc đang hoạt động trên internet, trong đó 98% là người dùng di động (788 triệu người).

Thứ hai, môi trường cạnh tranh mạnh mẽ giữa các công ty trong hệ sinh thái. Được Chính phủ khuyến khích thử nghiệm với các mô hình kinh doanh dựa vào internet, các công ty Trung Quốc đang tạo nên cuộc cách mạng trong phương thức kinh doanh, tạo áp lực lớn đến phương thức kinh doanh truyền thống, dẫn đến cạnh tranh, bắt buộc các công ty cần phải thay đổi để có thể tồn tại và phát triển trong xu hướng công nghệ 4.0 này.

Thứ ba, hậu thuẫn mạnh mẽ của Chính phủ thông qua các quy định pháp lý linh hoạt, khuyến khích đổi mới sáng tạo và hỗ trợ thu hút đầu tư và ứng dụng các công nghệ mới nhất.

Chính phủ Trung Quốc không chỉ là cơ quan ban hành chính sách mà còn đóng vai trò đầu tư, sáng tạo và người tiêu dùng trong nỗ lực để hỗ trợ số hóa. Trung Quốc cũng khuyến khích phát triển kinh tế số hóa và coi đây như một giải pháp giúp tái cân bằng cho nền kinh tế, tránh sự phụ thuộc quá nhiều vào xây dựng cơ sở hạ tầng và thúc đẩy tiêu dùng nội địa, giúp các doanh nghiệp phát triển.

Hai ứng dụng thanh toán điện tử phổ biến nhất tại Trung Quốc là WeChat Pay (Tenpay) của Tencent và Alipay của Alibaba. Đây là loại hình thanh toán dùng ví điện tử qua điện thoại di động, đòi hỏi người dùng phải đăng ký bằng tên thật, kết nối với tài khoản ngân hàng. Tại các ngân hàng, nhân viên có thể hỗ trợ khách hàng toàn bộ quá trình liên kết và kích hoạt ví điện tử. Quy mô thị trường thanh toán di động tại Trung Quốc đã tăng hơn gấp đôi, lên 5.570 tỷ USD năm 2016, gấp gần 50 lần so với Mỹ.

Ngoài ra, Trung Quốc cũng xác định sẽ thực hiện ưu đãi và hỗ trợ cho các lĩnh vực như điện tử thông minh, giáo dục và điều trị y tế trực tuyến, thương mại điện tử, mạng di động 5G và các dịch vụ viễn thông tại những khu vực nông thôn. Đồng thời, có các chính sách khuyến khích công dân tham gia khởi nghiệp và những hoạt động đổi mới sáng tạo thông qua các biện pháp hỗ trợ như miễn, giảm thuế thu nhập.

Việc số hóa Chính phủ đã góp phần đưa Singapore trở thành một trong những môi trường kinh doanh tốt nhất

Năm 2014, Thủ tướng Lý Hiển Long phát động sáng kiến “Quốc gia thông minh” của Singapore, Văn phòng Chính phủ số và Quốc gia thông minh (SNDGO - Smart Nation and Digital Government Office), thuộc Văn phòng Thủ tướng (Prime Minister’s Office), được thành lập với nhiệm vụ lập kế hoạch và đặt ra ưu tiên cho những dự án “Quốc gia Thông minh” (Smart Nation projects), dẫn dắt sự nghiệp chuyển đổi số của quốc gia, củng cố năng lực dài hạn cho khu vực công,…

Theo Báo cáo đánh giá môi trường kinh doanh năm 2020 (Doing Business 2020 Singapore của Ngân hàng Thế giới (WB – The World Bank), Chính phủ Singapore đã xây dựng các nền tảng số phục vụ tiếp nhận, xử lý, trả kết quả hồ sơ cho doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp, các chuyên gia tiếp cận nguồn thông tin về đất đai, quy hoạch một cách công khai, chi tiết và hoàn toàn miễn phí. Việc số hoá Chính phủ đã góp phần đưa Singapore trở thành một trong những môi trường kinh doanh tốt nhất trên thế giới trong nhiều năm liên tục.

Công nghệ thông tin được xác định là cốt lõi để thực hiện mục tiêu quốc gia thông minh, trong đó tập trung vào 3 ưu tiên: công nghệ hỗ trợ xã hội; di động và giao thông thông minh; môi trường dữ liệu an toàn.

Số hoá đã góp phần đưa Singapore trở thành một trong những môi trường kinh doanh tốt nhất trên thế giới

Bên cạnh đó, Singapore là thị trường thanh toán điện tử phát triển mạnh nhất trong các nước ASEAN, với tỷ lệ dân số sử dụng internet khoảng 80% và năm 2015, chỉ số thanh toán điện tử của nước này ở khoảng 56%-57%. Singapore là nước nhanh chóng tiếp thu công nghệ mới với số người sử dụng ví điện tử đã tăng gấp đôi trong năm 2015 và chiếm tới 23% trong tổng dân số của nước này, hay chiếm hơn 41% trong tổng số người mua sắm trực tuyến.

Singapore hiện là mái nhà của rất nhiều ông lớn trong lĩnh vực công nghệ toàn cầu như Google, Facebook, Alibaba, hay những doanh nghiệp dẫn đầu trong khu vực như Garena, Grab, Lazada và Razer.

Thành công của Singapore có thể nói đến từ các chính sách định hướng phát triển của Chính phủ. Singapore xây dựng một môi trường kinh doanh thuận lợi, đưa ra những chính sách ưu đãi nhằm thu hút vốn đầu tư từ nước ngoài, khuyến khích các công ty đa quốc gia đặt trụ sở tại quốc gia mình.

Ngoài việc xây dựng một hệ sinh thái giàu có bằng việc xây dựng cơ cở hạ tầng công nghệ thông tin hiện đại và thu hút đầu tư từ các siêu cường trong lĩnh vực kinh tế số, Chính phủ Singapore còn thúc đẩy sự phát triển thông qua các dự án khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ và khoa học bằng cách đưa ra những chính sách ưu đãi về tài chính, hỗ trợ định hướng doanh nghiệp, xây dựng một hệ sinh thái khởi nghiệp với mục đích làm cầu nối trong việc hợp tác, kết hợp những giá trị cốt lõi giữa các tổ chức, doanh nghiệp và nhà đầu tư.

Bên cạnh đó, Singapore còn thành lập những cơ quan, bộ phận hay nhóm công tác chuyên trách có chức năng tập trung trong việc phát triển lĩnh vực kinh tế số. Đồng thời, triển khai rất nhiều dự án khác nhằm hỗ trợ, khuyến khích người dân, doanh nghiệp tiếp cận, hiểu, và ứng dụng công nghệ kỹ thuật số vào trong cuộc sống và công việc kinh doanh như: những khoá học, những sự kiện truyền thông về công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo (AI), robot, chuỗi khối (blockchain) và rất nhiều các chủ đề công nghệ chuyên sâu khác…

Hệ thống Chính phủ điện tử Hàn Quốc: hình mẫu cho nhiều quốc gia tham khảo và học tập

Hàn Quốc được biết đến là quốc gia có nền kinh tế phát triển, một trong những thành viên dẫn đầu của nhóm 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới (G-20). Sau Chiến tranh Triều Tiên, kinh tế Hàn Quốc đã phát triển nhanh chóng, trở thành một trong những nước giàu nhất trên thế giới.

Để phát triển nền kinh tế số, trước hết, Hàn Quốc đã chủ động thực hiện chính sách phổ cập Internet cho người dân. Theo kết quả khảo sát của Bộ Khoa học, Công nghệ thông tin và truyền thông và Quy hoạch Hàn Quốc thì tỷ lệ dân số Hàn Quốc sử dụng Internet (tính từ trẻ 3 tuổi trở lên) năm 2016 đạt 88,3%, tăng 3,2% so với năm 2015. Đến tháng 11/2019 mức độ phổ cập internet ở Hàn Quốc đạt mức 89,3% cụ thể số lượng điện thoại thông minh ở Hàn Quốc lên tới 50,5 triệu. Bên cạnh đó, Hàn Quốc cũng là nước đi đầu về những xu hướng công nghệ mới trong đó có mạng 5G.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Mai Tiến Dũng và Bộ trưởng Bộ trưởng Bộ An ninh và Nội vụ Hàn Quốc Kim Boo Kyum trao biên bản ghi nhớ về hợp tác xây dựng Chính phủ điện tử (tháng 5/2018).

Thương mại điện tử đã được áp dụng mạnh mẽ tại Hàn Quốc, các website bán hàng trực tuyến ở Hàn Quốc chiếm đến 42% doanh số bán lẻ của các nước, tỷ lệ này ngày càng tăng. Khảo sát về giao dịch trực tuyến ở Hàn Quốc cho thấy 34% người Hàn Quốc sử dụng dịch vụ cổng thanh toán trực tuyến và 29% ưa sử dụng thanh toán qua ngân hàng. Theo số liệu của Cơ quan thống kê của Hàn Quốc, doanh số bán hàng trực tuyến năm 2019 tăng 22,7% so với năm 2018 lên mức 1,68 nghìn tỷ won.

Từ những năm 1980, Hàn Quốc đã tiến hành việc thành lập Chính phủ điện tử bằng việc thực hiện dự án Hệ thống thông tin cơ bản quốc gia (NBIS), trong đó tập trung vào việc triển khai các ứng dụng công nghệ thông tin trên toàn quốc. Các sáng kiến Chính phủ điện tử của Hàn Quốc tập trung vào 3 mảng dịch vụ chính bao gồm: (i) Chính phủ vì Công dân (G4C); (ii) Chính phủ với Doanh nghiệp (G2B); và (iii) Chính phủ với Chính phủ (Dịch vụ liên chính phủ - G2G). Hàng ngàn dịch vụ công đã có sẵn trên mạng thông qua các biểu mẫu điện tử trên khắp các trang web Chính phủ trung ương, khu vực và địa phương.

Hệ thống Chính phủ điện tử ưu việt của Hàn Quốc đóng vai trò như một mẫu hình cho nhiều quốc gia khác tham khảo và học tập. Ngay từ năm 2010, Hàn Quốc đã ký hợp đồng trị giá tới 73 triệu USD với Indonesia, Sri Lanka và một số nước đang phát triển khác nhằm xuất khẩu bí quyết và công nghệ để xây dựng hệ thống Chính phủ điện tử.

Thành công trong phát triển kinh tế số như ngày nay của Hàn Quốc nhân tố không thể phủ nhận đó là quốc gia này đã có những chính sách phát triển kinh tế ưu việt, trong đó phải kể đến chính sách ưu tiên phát triển nền kinh tế số.

Cùng với đó, Chính phủ duy trì được môi trường cạnh tranh lành mạnh, khuyến khích đổi mới sáng tạo. Song song với việc thiết lập mạng lưới internet khu vực công, Chính phủ Hàn Quốc duy trì hỗ trợ đầu tư vào khu vực tư nhân thông qua các chính sách điều tiết nhất quán. Các chính sách này đảm bảo việc giảm trở ngại đối với các nhà cung cấp dịch vụ internet mới, thúc đẩy một môi trường cạnh tranh. Chính sách này giúp các nhà khai thác thuộc khu vực tư nhân có thể mở rộng internet từ một khung cốt lõi vào hệ thống toàn quốc và tăng tốc độ Internet thông qua cuộc cạnh tranh khốc liệt.

Yếu tố quan trọng nhất là sự hỗ trợ mạnh mẽ từ Chính phủ trên mọi mặt từ hành lang pháp lý, các quy định để thúc đẩy tiêu dùng trực tuyến tới hỗ trợ nguồn vốn đầu tư cho các công ty. Một động thái mang tính bước ngoặt là Chính phủ Hàn Quốc đã quy định cho phép sử dụng chữ ký trực tuyến trong thương mại điện tử và Chính phủ cũng đã phát triển các quy định liên quan đến bảo vệ thông tin cá nhân và hướng dẫn khu vực tư nhân sử dụng công nghệ mã hóa.

Chiến Thư

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin