Ngày 22-7, TAND Tối cao tổ chức hội thảo lấy ý kiến đối với 18 bản án, quyết định dự kiến đề xuất phát triển thành án lệ. Ông Nguyễn Hòa Bình, Chánh án TAND Tối cao, chủ trì hội nghị.
Góp ý về dự thảo, nhiều đại biểu có ý kiến phản đối gay gắt đối với bản án dân sự phúc thẩm của TAND tỉnh Hà Tĩnh về vụ án tranh chấp về quyền sở hữu và các quyền khác đối với tài sản.
Nội dung vụ án như sau: Ngày 4-7-2015, gia đình ông TVH bị mất một con trâu. Ông đi tìm và phát hiện trâu bị xâu mũi, buộc tại nhà của ông NLC. Ông H. báo với chính quyền địa phương yêu cầu giải quyết. Chính quyền hòa giải không thành, ông H. yêu cầu thả trâu ra, trâu nhà ai thì thuộc quyền sở hữu người đó nhưng ông C. không đồng ý vì cho rằng đây chính là trâu của mình.
Ông H. khởi kiện yêu cầu tòa án giải quyết. Ngày 3-11-2015, sau khi làm việc với hai bên, tòa sơ thẩm đã tạm giao con trâu cho bị đơn quản lý trong thời gian giải quyết vụ án, nếu để xảy ra thiệt hại thì phải bồi thường. Con trâu sau đó được định giá trị là 30 triệu đồng.
Xử sơ thẩm tháng 7-2016, TAND TX Kỳ Anh buộc ông C. phải trả lại con trâu cho ông H. Ông C. kháng cáo. Tòa phúc thẩm quyết định cho giám định ADN của con trâu. Phía ông C. đã đưa con trâu mà ông cho rằng là mẹ của con trâu đang tranh chấp, kết quả hai con trâu này không có mối quan hệ huyết thống.
Tuy nhiên, để đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng cho cả hai bên, buộc ông H. phải trả tiền công lao chăm sóc con trâu từ ngày 3-11-2015 đến ngày tuyên án sơ thẩm. Căn cứ văn bản xác nhận mức thu nhập của lao động phổ thông trên địa bàn là từ 100.000 đến 150.000 đồng/ngày, cần chấp nhận ở mức 40.000 đồng/ngày là phù hợp. Từ đó, tòa tuyên buộc ông C. phải trả trâu lại cho ông H., còn ông H. phải trả cho ông C. hơn 10 triệu đồng.
Theo PGS-TS Đỗ Văn Đại (Trưởng khoa Luật DS ĐH Luật TP.HCM), nội dung vụ án cho thấy người phải trả trâu được tính trả công chăm sóc, nuôi dưỡng. Thực ra, đây là hậu quả của việc hoàn trả trâu bị chiếm hữu không có căn cứ pháp luật trong khi đó BLDS đã ràng buộc vấn đề này vào sự ngay tình của người chiếm hữu. Cụ thể, Điều 583 BLDS 2015 quy định chủ sở hữu được hoàn trả tài sản thì phải thanh toán lại chi phí cần thiết cho người chiếm hữu tài sản không có căn cứ pháp luật nhưng ngay tình.
Ở đây, nội dung dự thảo không cho biết người chiếm hữu trâu có ngay tình hay không sẽ dẫn tới cách hiểu là mọi trường hợp chủ sở hữu phải trả công chăm sóc cho người chiếm hữu dù không ngay tình. Hướng như vậy không phù hợp với văn bản và không thuyết phục vì có thể dẫn tới nhiều người cố tình chiếm hữu tài sản của người khác vẫn được trả công chăm sóc. Từ đó, TS Đại đề xuất không đưa bản án này làm án lệ.
Đồng tình, ông Lê Thanh Phong, Phó Chánh án TAND TP.HCM, cũng cho rằng việc tòa án ấn định ngày để tính công sức cho người chăm sóc dễ dẫn đến sự áp dụng tùy tiện. Và căn cứ để cho ra mức 40.000 đồng trên ngày cũng chưa được lý giải. Mặc khác, con trâu có thể đang là sức kéo, tạo thu nhập cho chủ nhân của nó. Khi bị chiếm hữu thì rõ ràng là bị thiệt hại mà vẫn phải trả thêm chi phí cho người chiếm hữu không ngay tình…
Nhiều đại biểu khác cũng phản đối, cho rằng chức năng, điều kiện, của công ty giám định ADN súc vật cần có những tiêu chuẩn, quy định gì… Đây cũng là một vấn đề quan trọng chưa có quy định cụ thể.
Theo PLO