Chống oan sai: Cán bộ gây oan sai phải bồi thường toàn bộ vật chất

(Pháp lý) - Đó là ý kiến đề xuất của LS. Nguyễn Hồng Bách ( Đoàn luật sư TP. Hà Nội). Bởi thời gian qua đã có những vụ án oan kinh điển xảy ra. Án oan làm khổ người dân, hậu án oan lại tiêu tốn nhiều tiền bồi thường của nhà nước... Làm thế nào để giảm thiểu án oan và bồi thường minh oan nhanh nhất cho người bị oan là yêu cầu bức thiết đặt ra cho ngành tư pháp.

Chậm minh oan do người tiến hành tố tụng vô cảm, cố chấp

Là luật sư đã tham gia bào chữa và minh oan thành công cho một số bị can, bị cáo, Luật sư Nguyễn Hồng Bách cho biết: Điểm khó khăn chung khi tham gia bào chữa trong các vụ án này, là quá trình tố tụng thường kéo dài qua nhiều lần điều tra, xét xử. Ví dụ như Vụ án V.P.Đ “tàng trữ trái phép chất ma túy” đã kéo dài đến 07 phiên tòa, với 03 lần bị Tòa án cấp sơ thẩm kết án, thì anh Điền mới được cấp phúc thẩm minh oan, tuyên không phạm tội.

[caption id="attachment_149304" align="aligncenter" width="410"]Luật sư Nguyễn Hồng Bách trao đổi với Phóng viên Pháp lý Luật sư Nguyễn Hồng Bách trao đổi với Phóng viên Pháp lý[/caption]

Cắt nghĩa về nguyên nhân chậm giải quyết án oan, luật sư Nguyễn Hồng Bách cho rằng: Do tâm lý sợ trách nhiệm nên những người và cơ quan tiến hành tố tụng đã khởi tố, bắt, giam, truy tố và kết án oan sai rất ít khi dám tự nhận sai, để tự sửa chữa, khắc phục hậu quả mà thường có tư tưởng “buộc tội đến cùng”, tìm mọi cách để bảo vệ cho quan điểm buộc tội thiếu căn cứ của mình, có thái độ thiếu thiện chí, bất hợp tác, gây khó khăn cho hoạt động tác nghiệp của luật sư. Các đơn thư khiếu nại, kêu oan của bị can, bị cáo hoặc người nhà của họ, cũng như các kiến nghị của luật sư không được kịp thời giải quyết, hoặc được giải quyết không đúng pháp luật, thậm chí rơi vào “im lặng”.

Nhiều vụ án, Luật sư đã chỉ ra rất rõ ràng và chi tiết từng sai sót, vi phạm thủ tục tố tụng của cơ quan điều tra, những điểm bất hợp lý và thiếu khách quan trong các chứng cứ và quan điểm buộc tội, đưa ra được các chứng cứ gỡ tội, chứng minh một cách thuyết phục bị can, bị cáo không phạm tội. Tại các phiên tòa xét xử công khai, Kiểm sát viên đã “thua” một cách toàn diện, không thể đưa ra được các chứng cứ và ý kiến thuyết phục, có căn cứ để tranh luận, đối đáp với Luật sư, nhưng rồi chính Kiểm sát viên đó vẫn giữ nguyên quan điểm buộc tội và Tòa án vẫn kết án theo hướng mà cáo trạng đã nêu. Chỉ đến khi thủ phạm đích thực ra đầu thú, hoặc đã bắt giữ được nghi can trực tiếp gây ra vụ án, hoặc các cơ quan chức năng (VKSND Tối cao hoặc TAND Tối cao) vào cuộc điều tra, xác minh lại, thì sự thật khách quan của vụ án mới được làm sáng tỏ, người vô tội mới được minh oan và khôi phục quyền lợi.

Cần truy trách nhiệm cơ quan chức năng giải quyết án oan chậm trễ

Những người bị kết án oan và gia đình họ thường phải gánh chịu những tổn thất to lớn, về cả vật chất và tinh thần, ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống và tương lai của họ và gia đình. Họ phải sống trong tâm trạng uất ức, những tháng ngày oan nghiệt, tủi hổ trong trại giam, bị cách ly khỏi xã hội, phải xa gia đình và người thân. Khủng khiếp hơn, đó là cái nhìn thiếu thiện cảm, sự xa lánh, tẩy chay của cộng đồng. Tôi thực sự cảm thấy xót xa, khi những người được minh oan như ông Nguyễn Thanh Chấn, ông Huỳnh Văn Nén hay ông Trần Văn Thêm đều đã ở cái tuổi xế chiều với hàng chục năm sống trong oan khuất và tủi nhục.

Trên bình diện xã hội, các vụ án oan, sai, cũng như việc quá chậm trễ trong việc giải quyết, minh oan cho người vô tội sẽ làm giảm lòng tin của nhân dân vào sự công minh của pháp luật, ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của các cơ quan tư pháp. Việc giải oan cho nhiều bị can bị cáo chậm trễ, bên cạnh những nguyên nhân xuất phát từ phía các cơ quan tiến hành tố tụng trực tiếp giải quyết vụ án như tôi đã nêu ở trên, thì cũng không thể không nhắc đến trách nhiệm của các cơ quan, người có thẩm quyền khác, trong việc xem xét và giải quyết các đơn kêu oan. Sau những vụ án oan kéo dài cả chục năm, thậm chí là gần nửa thế kỷ như vụ án của ông Trần Văn Thêm, thì chắc chắn, chúng ta phải đặt ra câu hỏi: Tại sao trong nhiều chục năm, mặc dù gia đình, cũng như bản thân những người bị kết án oan đã nhiều lần gửi đơn kêu oan đến rất nhiều các cơ quan và người có thẩm quyền. Tuy nhiên, các cơ quan này đều không xem xét và giải quyết kịp thời và nhanh chóng, dẫn đến việc họ bị mang án oan suốt một thời gian dài như vậy? Trách nhiệm của việc chậm chễ này thuộc về ai? Cơ quan nào? Có hay không dấu hiệu bao che và bảo vệ lẫn nhau giữa các cơ quan tiến hành tố tụng?

Luật sư Nguyễn Hồng Bách cho rằng: Để khắc phục tình trạng này, pháp luật của chúng ta cần phải có các quy định cụ thể và rõ ràng về nghĩa vụ và trách nhiệm pháp lý của những người và cơ quan có thẩm quyền trong việc xem xét và giải quyết các đơn kêu oan trong tố tụng hình sự. Đồng thời phải sửa đổi quy định của Luật Bồi thường nhà nước theo hướng buộc người gây ra oan sai trong quá trình tác nghiệp (trừ trường hợp khách quan mang lại) phải chịu hoàn toàn trách nhiệm vật chất chứ không thể cứ lấy tiền ngân sách nhà nước, tiền thuế của dân mà bồi thường, chỉ có như vậy, thì chúng ta mới có thể nâng cao được tinh thần trách nhiệm của toàn bộ hệ thống tư pháp trong việc phòng, chống, kịp thời phát hiện và xử lý các trường hợp bị buộc tội oan, sai, tránh việc vụ án bị kéo dài, gây ra những hậu quả nặng nề, rất khó khắc phục đối với người bị buộc tội oan và gia đình.

Chú trọng đến cả phòng và chống

“Hạn chế, bất cập của các quy định về mặt pháp luật cũng khiến việc giải quyết án oan luẩn quẩn, phức tạp. Cụ thể, theo quy định hiện hành, mặc dù TAND Tối cao đã hủy các bản án buộc tội thiếu căn cứ của Tòa án các cấp nhưng vụ án lại được giao lại cho chính các cơ quan tiến hành tố tụng đã gây ra oan, sai tiến hành điều tra, truy tố và xét xử lại. Và hệ quả là, các cơ quan tiến hành tố tụng này khó có thể khách quan và công tâm trong việc giải quyết lại vụ án, đẩy người vô tội vào một vòng tròn tố tụng luẩn quẩn và kéo dài”. Thạc sĩ, Luật sư Nguyễn Hồng Bách lý giải về những vụ án oan kéo dài.

Hiến kế phòng chống và hạn chế các vụ án oan, sai, luật sư Hồng Bách cho rằng: Cần có nhiều giải pháp đồng bộ. Hoàn thiện hơn nữa các quy định của pháp luật, đặc biệt là Luật TTHS, theo hướng nâng cao hơn nữa tính dân chủ, sự nghiêm minh và khách quan trong các hoạt động tố tụng. Các quyền con người, trong đó có quyền bào chữa của người bị buộc tội, cũng như các quyền tố tụng và vai trò của luật sư khi tham gia bào chữa phải được mở rộng và có các quy định, cơ chế đảm bảo thực hiện hiệu quả các quyền đó trên thực tế.

Tòa án phải thực sự được độc lập và khách quan, trở thành trung tâm của hệ thống tư pháp. Những người bị buộc tội phải được xét xử một cách công bằng, minh bạch và đúng pháp luật. Nguyên tắc tranh tụng tại phiên tòa phải được coi trọng và phải có các quy định pháp lý chặt chẽ để đảm bảo thực thi trên thực tế. Các quyền hạn, nghĩa vụ và trách nhiệm pháp lý của những cơ quan và người tiến hành tố tụng phải được đề cao. Đối với những cơ quan và người tiến hành tố tụng vi phạm pháp luật, xâm phạm quyền lợi hợp pháp của công dân, thì phải có các chế tài cụ thể và rõ ràng.

Chúng ta cũng phải không ngừng nâng cao phẩm chất đạo đức, ý thức trách nhiệm, thái độ chính trị, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng nghề nghiệp cho các Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán và Hội thẩm. Họ phải thực sự trở thành các cán bộ tư pháp trong sạch và công tâm, trở thành chỗ dựa vững chắc cho người dân khi đi tìm công lý, giúp người dân bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp cho mình. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cũng phải tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm minh các sai phạm, kiên quyết loại bỏ khỏi đội ngũ những cán bộ tư pháp suy thoái đạo đức, tiêu cực hoặc không đảm bảo được chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng nghề nghiệp.

Thời gian gần đây, rất nhiều vụ án oan được giải quyết là nhờ sự xả thân của luật sư. Từ kinh nghiệm của mình, luật sư Bách chia sẻ: Để có thể bảo vệ thành công trong các vụ án oan, sai, thì luật sư cần phải có niềm tin vào công lý, nhiệt huyết thậm chí đau cùng nỗi đau của khách hàng. Luật sư cũng phải biết vận dụng và kết hợp nhiều biện pháp, kỹ năng và kinh nghiệm nghề nghiệp, cùng với sự ủng hộ hỗ trợ về truyền thông của các cơ quan thông tấn báo chí và những phóng viên, nhà báo đầy trách nhiệm thì mới có thể mang lại hiệu quả. Luật sư không chỉ là người bào chữa, tư vấn về pháp luật cho thân chủ mà còn phải kịp thời động viên, trấn an về mặt tinh thần, giúp họ vững tin vào “công lý” và sự nghiêm minh của pháp luật. Qua đó, giúp họ có thể bình tĩnh, tự tin và có quyết tâm cao hơn trong hành trình (thường là rất khó khăn và kéo dài), để có thể minh oan, bảo vệ các quyền lợi hợp pháp của mình.

Minh Minh (Ghi)

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin