Luật nào sẽ chặn đứng “ngân hàng bóng tối”?

23/07/2019 22:59

(Pháp lý) - “Hiệp hội Libra, một tổ chức độc quyền, không được kiểm soát do Facebook dẫn đầu, có thể trở thành một "ngân hàng bóng tối" toàn cầu hay thậm chí là một ngân hàng trung ương toàn cầu, không chỉ làm bối rối mà còn gây lo ngại lớn”.

Các nhà lập pháp Mỹ đang tìm giải pháp ngăn chặn đồng Libra
Các nhà lập pháp Mỹ đang tìm giải pháp ngăn chặn đồng Libra)

Lá thư “khẩn” của FSB và “cú đe” của các nhà lập pháp Mỹ

Cảnh báo trên nằm trong lá thư “khẩn” của Chủ tịch Ủy ban Ổn định tài chính của Mỹ (FSB) Randal Quarles gửi tới Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) diễn ra tại Nhật Bản hồi đầu tháng 7, như một lời cảnh báo đối với loại tiền điện tử Libra do Facebook mới phát hành.

Trong bức thư của mình, ông Quarles kêu gọi cần khai thác lợi ích của đổi mới tài chính và công nghệ, bao gồm cả các rủi ro. Ông đặc biệt liên hệ tới việc sử dụng “tài sản tiền điện tử” cho mục đích thanh toán cá nhân và nói rằng việc sử dụng rộng rãi các loại tiền điện tử cần được giám sát chặt chẽ hơn để đảm bảo tuân thủ theo các quy định tiêu chuẩn cao.

Lá thư được cho là rất kịp thời, vì từ đầu tháng trước, Facebook đã thông báo kế hoạch ra mắt loại tiền điện tử mới Libra, dự kiến trong nửa đầu năm tới. Đây là một tham vọng toàn cầu mà 2,6 tỷ người sử dụng Facebook có thể giúp hiện thực hóa.

Còn Ngân hàng thanh toán quốc tế cũng cảnh báo tiền điện tử do các công ty công nghệ lớn phát hành có thể nhanh chóng thiết lập vị trí thống trị trong nền tài chính toàn cầu, đe dọa sự cạnh tranh và ổn định.

Cùng lo ngại vấn đề trên, hơn 30 tổ chức cũng gửi yêu cầu tương tự tới Facebook, với lý do các hệ thống quản lý Mỹ và nước ngoài chưa chuẩn bị cho các câu hỏi về "chủ quyền quốc gia, quyền doanh nghiệp, bảo vệ người tiêu dùng" và các vấn đề khác do dự án tiền ảo gây ra. Các nhà lập pháp cũng cho biết, họ muốn tổ chức phiên điều trần công khai về "rủi ro và lợi ích của tiền ảo và tìm các biện pháp quản lý".

Ở một diễn biến khác, ngay từ khi “sáng kiến” đồng Libra, CEO Mark Zuckerberg của Facebook cũng làm Hạ viện Mỹ “sốt sắng với các biểu hiện tài chính tiêu cực” bởi nguy cơ làm đồng USD suy yếu. Do đó, họ đang yêu cầu hãng công nghệ này dừng dự án phát triển tiền điện tử.

Nhóm các nhà lập pháp tại Ủy ban Dịch vụ Tài chính Hạ viện Mỹ cũng đưa ra các kiến nghị đến Facebook, yêu cầu lập tức dừng phát triển Libra cho đến khi các nhà quản lý có thời gian kiểm tra kế hoạch. Kiến nghị theo một góc độ nào đó chưa thể hiện hết những giá trị pháp lý nhằm áp lực gia tăng lên kế hoạch phát triển tiền điện tử của Facebook, nhưng nó sẽ dẫn đến các chế tài tiếp theo.

Nỗ lực ngăn chặn đồng Libra cũng được tiến hành ở Thượng viện. Ủy ban Giám sát Ngân hàng của Thượng viện và Ủy ban Dịch vụ Tài chính của Hạ viện Mỹ đã lên lịch điều trần cuối tháng 7/2019, để kiểm tra những ảnh hưởng của Libra với hệ thống tài chính và quyền riêng tư của người dùng. David Marcus, người đứng đầu dự án tiền ảo của Facebook sẽ trả lời tại các phiên điều trần.

Marcus cho biết, Facebook đã cố tình thông báo sớm kế hoạch cho Libra để trao đổi thông tin tốt với các nhà lập pháp, nhà quản lý, cũng như các doanh nghiệp. "Lý do của chúng tôi rất đơn giản, chúng tôi muốn khuyến khích thảo luận mở. Việc ra mắt một đồng tiền kỹ thuật số chất lượng cao và hạ tầng hỗ trợ của nó không thể diễn ra trong bóng tối", Marcus nói. Ông khẳng định, đây là cách duy nhất để Facebook có cơ hội tốt hơn phục vụ hàng tỷ người dùng, doanh nghiệp. Bên cạnh đó, Marcus cũng cho rằng, Libra có thể giúp chống lại nạn rửa tiền và tài trợ khủng bố.

Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nói tại một cuộc họp báo mới đây rằng, Facebook đã liên lạc với Fed về kế hoạch ra mắt tiền ảo. Các nhà lãnh đạo châu Âu cũng đang lo ngại về Libra. Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire kêu gọi lãnh đạo các ngân hàng trung ương G7 soạn thảo các quy định với đồng tiền này trước cuộc họp của nhóm vào tháng 8.

Tại sao phải ngăn chặn “Ngân hàng bóng tối”?

Trong quá trình chuẩn bị cho dự án này, CEO Mark Zuckerberg của Facebook đã đàm phán với các ngân hàng trung ương, các cơ quan quản lý và 27 công ty đối tác, mỗi công ty sẽ đóng góp ít nhất 10 triệu đô la. Vì sợ làm tăng sự lo ngại về tính an toàn, Facebook đã tránh làm việc trực tiếp với các ngân hàng thương mại.

Theo đánh giá của các chuyên gia ngân hàng tại Newyork, Mỹ: Ý tưởng về một hệ thống thanh toán tư nhân không rào cản pháp lý với 2,6 tỷ người dùng thường xuyên có thể hấp dẫn. Nhưng như mọi nhà điều hành ngân hàng và nhà hoạch định chính sách tiền tệ đều biết, các hệ thống thanh toán đều đòi hỏi một mức độ thanh khoản dự phòng mà không một thực thể tư nhân nào có thể có.

Katharina Pistor – một Giáo sư luật so sánh tại trường Đại học Luật Columbia cho rằng nhiều cơ sở pháp luật và lý thuyết ngân hàng, tài chính toàn cầu bị phá vỡ nếu dự án của Facebook thành hiện thực .

Điều khiến Facebook khác biệt so với các công ty phát hành “tiền tư nhân” khác chính là quy mô, phạm vi toàn cầu và sự sẵn sàng “đi nhanh và phá vỡ mọi thứ” của nó.
Nghiên cứu mới nhất của trường Đại học Luật Columbia cũng chỉ ra việc ngăn chặn từ xa một cuộc khủng hoảng tiền tệ trong tương lai nếu không ngăn chặn “ngân hàng bóng tối” thành hình: “Thật dễ dàng tưởng tượng ra một kịch bản mà trong đó việc giải cứu đồng Libra, có thể yêu cầu một mức độ thanh khoản lớn hơn những gì mà một nhà nước bất kỳ nào có thể cung cấp”.

“Hãy nhớ lại trường hợp Ireland sau cuộc khủng hoảng tài chính 2008. Khi chính phủ tuyên bố sẽ nhận trả nợ thay cho các ngân hàng tư nhân, nước này đã rơi vào một cuộc khủng hoảng nợ quốc gia. Bên cạnh một người khổng lồ như Facebook, nhiều quốc gia có thể sẽ rơi vào tình trạng giống như Ireland”.

 CEO Mark Zuckerberg của Facebook
CEO Mark Zuckerberg của Facebook)

“Di chúc sống” không đủ căn cứ pháp lý để Libra lưu hành

Ông Maxine Waters, Chủ tịch Ủy ban Dịch vụ Tài chính Hạ viện Hoa Kỳ, đã cảnh báo, các Chính phủ cũng có thể bắt đầu soạn thảo các “di chúc sống” của chính mình nếu cho phép “ngân hàng bóng tối” tồn tại và đồng Libra được lưu hành dù trên không gian ảo.

Theo cách nói của giới tài chính – ngân hàng, một “di chúc sống” là một kế hoạch bằng văn bản mà các ngân hàng cung cấp cho các cơ quan quản lý, trong đó các ngân hàng này mô tả cách họ sẽ bị xử lý như thế nào trong trường hợp mất khả năng thanh toán. Trong trường hợp của các Chính phủ, một “di chúc sống” tương tự sẽ phải giải thích cách các cơ quan hữu quan sẽ phản ứng như thế nào nếu đồng Libra bị mất giá mạnh và kích hoạt tình trạng rút tiền toàn cầu.

Trước khi phiên điều trần chính thức diễn ra, hàng loạt câu hỏi của giới nghiên cứu lập pháp tại Mỹ và châu Âu đặt ra cho Chính phủ các nước trong đó có Mỹ: Liệu các Chính phủ có cam kết họ sẽ làm “bất cứ điều gì cần thiết” để đảm bảo sự tồn tại của đồng tiền hay không?. Họ thậm chí có khả năng làm điều đó hay không và có chấp nhận chia sẻ tổn thất hay không, với tất cả các quốc gia khác có liên quan?. Liệu các Chính phủ có thể giành được quyền kiểm soát hệ thống nếu nó chứng tỏ là không có khả năng tự duy trì hay không?”

“Các Chính phủ không được cho các công ty tư nhân theo đuổi lợi nhuận được phép đưa toàn bộ hệ thống tài chính toàn cầu vào rủi ro, nếu nó không cùng một cái “giỏ” pháp luật đúng nghĩa về ngành tài chính ngân hàng. Dù các ngân hàng “quá lớn không thể sụp đổ”, nhưng các nhà nước chắc chắn vẫn có thể sụp đổ. Nếu các Chính phủ không bảo vệ chúng ta trước hành động ngạo mạn mới nhất của Facebook, tất cả chúng ta sẽ phải trả giá cho việc đó”, Giáo sư Katharina Pistor cảnh báo.

Các điểm khác biệt giữa Libra với các loại tiền kỹ thuật số trên thị trường

Theo Sách trắng về Libra, dự án này hướng đến việc tạo ra một hệ thống tài chính toàn diện hơn, với mục tiêu ban đầu là giải quyết nhu cầu của những cá nhân và một số doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ tham gia kinh doanh, quảng cáo trên facebook.

Giá trị của đồng Libra được đảm bảo bởi các tài sản thực như chứng chỉ tiền gửi, trái phiếu hay tín phiếu chính phủ, được giữ trong Kho dự trữ Libra, nhằm tạo dựng niềm tin về giá trị nội tại của đồng Libra. Kho dự trữ Libra sẽ được điều hành với mục tiêu bảo toàn giá trị đồng Libra qua thời gian. Đây cũng chính là một điểm khác biệt cơ bản giữa Libra với các loại tiền kỹ thuật số khác.

Nguyễn Nguyễn

 

 

Bạn đang đọc bài viết "Luật nào sẽ chặn đứng “ngân hàng bóng tối”?" tại chuyên mục Kinh doanh - Quốc tế. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin