Lập pháp chủ động, hiệu quả và dấu ấn của Quốc hội năm 2023

08/01/2024 14:06

(Pháp lý) – Còn nhớ, tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai thực hiện Kết luận số 19-KL/TW của Bộ Chính trị về định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh: “Công tác xây dựng pháp luật phải được chuẩn bị kỹ lưỡng, chỉ xem xét ban hành luật có căn cứ khoa học thực tiễn, có cơ sở chính trị, pháp lý và đáp ứng được yêu cầu cấp thiết của cuộc sống”. Quán triệt tinh thần đó, hoạt động lập pháp của Quốc hội khóa XV để lại nhiều dấu ấn đậm nét, đặc biệt qua 2 kỳ họp (kỳ họp thứ 5 và kỳ họp thứ 6) diễn ra trong năm 2023.

picture1-1702357901.png

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng; Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và các đại biểu dự khai mạc Kỳ họp thứ Sáu, Quốc hội Khóa XV

Đảng đặc biệt quan tâm định hướng công tác xây dựng hoàn thiện thể chế, pháp luật

Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng yêu cầu công tác xây dựng pháp luật phải bảo đảm cả về hình thức, nội dung và chất lượng của hệ thống pháp luật. Hình thức thể hiện các văn bản phải bảo đảm đồng bộ, thống nhất, tránh chồng chéo, trùng lặp giữa các đạo luật, bảo đảm tính khả thi, công khai, minh bạch, có tính ổn định, có khả năng tiên liệu và "tuổi thọ" tương đối lâu dài. Đặc biệt, "chất lượng phải được đặt lên hàng đầu", thể hiện qua sự phản ánh chính xác thực tế cuộc sống, đáp ứng được yêu cầu kiến tạo phát triển kinh tế - xã hội bền vững và bảo đảm yêu cầu hội nhập quốc tế cũng như các yêu cầu về quốc phòng, an ninh, an sinh xã hội, trật tự an toàn của đất nước.

Ngày 3/11/2021, tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai thực hiện Kết luận số 19-KL/TW của Bộ Chính trị về định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV, đồng chí Võ Văn Thưởng ( khi đó là Thường trực Ban Bí thư ) lưu ý : Trong quá trình xây dựng, ban hành luật phải thận trọng, chắc chắn, chuẩn bị sớm, làm tốt từng khâu, đặt yêu cầu cao về chất lượng, không chạy theo số lượng; lấy quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, doanh nghiệp và lợi ích quốc gia - dân tộc làm trọng tâm; tăng cường giám sát, kiểm soát việc thực hiện quyền lực nhà nước; thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Phải siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đề cao trách nhiệm, nhất là người đứng đầu trong xây dựng pháp luật; chống tiêu cực ngay trong công tác xây dựng pháp luật, không bị chi phối, tác động bởi các hành vi không lành mạnh của bất cứ tổ chức, cá nhân nào; tuyệt đối không để xảy ra tình trạng “tham nhũng chính sách”; không được lồng ghép "lợi ích nhóm", lợi ích cục bộ của cơ quan quản lý nhà nước trong văn bản pháp luật hoặc chỉ thiên về tạo thuận lợi cho cơ quan quản lý nhà nước, mà thiếu đồng hành với người dân, doanh nghiệp. Tập trung xử lý, khắc phục ngay tình trạng văn bản luật tính dự báo yếu, thiếu ổn định, "luật khung, luật ống", chậm ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành. Không được để xảy ra tình trạng luật mới được ban hành đã phải sửa đổi, bổ sung, xa rời thực tiễn, luật chờ nghị định, nghị định chờ thông tư..., gây nên sự thiếu niềm tin của nhân dân vào luật pháp, lo ngại của các nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư nước ngoài về tính ổn định, minh bạch trong các quy định của pháp luật Việt Nam, ảnh hưởng tới môi trường đầu tư, kinh doanh.

Cũng tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc khai thực hiện Kết luận số 19-KL/TW
của Bộ Chính trị về định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV,
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh: “Công tác xây dựng pháp luật phải được chuẩn bị kỹ lưỡng, chỉ xem xét ban hành luật có căn cứ khoa học thực tiễn, có cơ sở chính trị, pháp lý và đáp ứng được yêu cầu cấp thiết của cuộc sống”.

Quán triệt tinh thần đó, hoạt động lập pháp của Quốc hội khóa XV để lại nhiều dấu ấn đậm nét, đặc biệt qua 2 kỳ họp (kỳ họp thứ 5 và kỳ họp thứ 6) diễn ra trong năm 2023, thể hiện sự chủ động, chất lượng luật bám sát yêu cầu thực tế cuộc sống…

picture2-1702357887.png

Quang cảnh phiên khai mạc kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XV.

Lập pháp chủ động, không để xảy ra cài cắm lợi ích nhóm

Với số lượng 16 dự án luật và 05 nghị quyết được thông qua và cho ý kiến lần đầu đối với 16 dự án luật khác trong năm 2023/ (2 kỳ họp thứ 5 và thứ 6), có thể nói Quốc hội khóa XV đã lập “kỷ lục” chưa từng có trong hoạt động lập pháp về số lượng dự án luật, nghị quyết được thông qua và cho ý kiến/ 2 kỳ họp/ năm. Chưa kể những dự luật được thông qua và cho ý kiến có tầm quan trọng, tác động trực tiếp đến hoạt động kinh tế - xã hội của đất nước. Một lần nữa cho thấy tâm thế hành động xuyên suốt của Quốc hội và càng được phát huy mạnh mẽ hơn trong bối cảnh nhiều khó khăn, thách thức chưa từng có được tiếp nối từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến nay,  tạo điều kiện thuận lợi nhất về thể chế, chính sách và nguồn lực, để thực hiện có hiệu quả các mục tiêu phát triển đất nước.

Để làm được kết quả tưởng chừng như không thể đó, người đứng đầu cơ quan lập pháp đã luôn “truyền lửa” theo tinh thần Kết luận 19 của Bộ Chính trị, đó là “lập pháp chủ động” không để xảy ra tình trạng cài cắm lợi ích nhóm trong công tác xây dựng luật pháp đến các cơ quan của Quốc hội. “Chủ động vào cuộc, nghiên cứu từ sớm, từ xa để thống nhất với Chính phủ. Có những vấn đề qua nghiên cứu, qua tiếp nhận thông tin từ các kênh, chúng tôi thấy cần thiết, cấp bách mà Chính phủ chưa trình thì Quốc hội sẽ yêu cầu Chính phủ trình, hoặc chủ động có sáng kiến để kịp thời đáp ứng yêu cầu của thực tiễn”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh.

Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, trong thời gian giữa 2 đợt của kỳ họp, các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, cơ quan, tổ chức hữu quan đã làm việc khẩn trương, liên tục không kể ngày đêm với tinh thần chủ động, vào cuộc “từ sớm, từ xa” để rà soát, hoàn thiện các dự luật. Ví dụ như trước kỳ họp thứ 5 Quốc hội XV diễn ra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổ chức phiên họp trong suốt 4 ngày liên tục để cho ý kiến việc tiếp thu, giải trình kỹ lưỡng, thấu đáo ý kiến của ĐBQH về các dự án luật, dự thảo nghị quyết, nhất là các vấn đề lớn, các nội dung còn có ý kiến khác nhau…

Sự chủ động trong công tác lập pháp, đã giúp cho Quốc hội bảo đảm siết chặt kỷ luật, kỷ cương, tăng cường phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật; tuyệt đối không để xảy ra tình trạng “tham nhũng chính sách”, lồng ghép “lợi ích nhóm”, lợi ích cục bộ của cơ quan quản lý nhà nước trong văn bản quy phạm pháp luật hoặc chỉ thiên về tạo thuận lợi cho cơ quan quản lý mà chưa xem xét thỏa đáng các quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, doanh nghiệp…

Chất lượng của dự Luật phải được đặt lên hàng đầu, kiên quyết chưa thông qua Luật nếu chưa đồng thuận

Hành lang pháp lý ổn định cho lĩnh vực đất đai là một trong những yêu cầu cấp thiết nhất trong đời sống kinh tế và xã hội. Vì vậy việc sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai 2013 đã nhận được sự quan tâm đặc biệt không chỉ của toàn dân. Trước khi dự thảo Luật sửa đổi được chấp bút, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành một Nghị quyết (Nghị quyết số 18– NQ/TW về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao) để định hướng về chủ trương, đường lối.

picture3-1702357901.png

Không những đưa ra lấy ý kiến rộng rãi trong toàn dân, dự Luật Đất đai sửa đổi 2013 (gồm 16 chương, 236 điều) còn được Quốc hội XV tại kỳ họp thứ 4, thứ 5 và Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến điều chỉnh, bổ sung nhiều lần.  Mặc dù vậy tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, dự Luật vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau về một số chế định lớn. Ủy ban Kinh tế Quốc hội thống kê còn tới 14 nhóm nội dung có hai phương án cần xin ý kiến…

Mục tiêu cần phải đạt được đối với dự Luật đất đai sửa đổi, đó là: “Phải làm sao dự thảo Luật có phương án tốt nhất để phát huy nguồn lực đất đai thành nguồn lực cơ bản của đất nước, tạo sự ổn định phát triển kinh tế, để người dân tin tưởng, chính sách đất đai là vì dân chứ không phải vì một nhóm lợi ích nào?”, một ĐBQH nhấn mạnh.

Theo kế hoạch ngày 29/11, ngày cuối cùng của kỳ họp thứ 6, Quốc hội sẽ bấm nút thông qua dự luật này; nhưng cuối cùng, Quốc hội đã thống nhất chưa thông qua dự thảo Luật Đất đai sửa đổi tại kỳ họp 6. “Chất lượng của dự Luật phải được đặt lên hàng đầu, để tránh trường hợp Luật sau khi ban hành có bất cập sẽ gây nhiều hệ lụy đối với các hoạt động kinh tế - xã hội và đời sống của người dân”, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế nói.

thiet-ke-chua-co-ten-1702357915.png

Một dự luật đặc biệt quan trọng khác – Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi, lẽ ra theo kế hoạch cũng được Quốc hội kì họp thứ 6 cho ý kiến và dự kiến thông qua. Tuy nhiên tại kì họp thứ 6, Quốc hội cũng quyết chưa thông qua luật này.

Theo Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng, đây là dự án luật rất khó, phức tạp, có tính chất nhạy cảm, liên quan đến an ninh tài chính quốc gia, an ninh an toàn của hệ thống các tổ chức tín dụng, ảnh hưởng sâu rộng đến hoạt động kinh tế - xã hội. Với vai trò rất quan trọng của Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) đối với nền tài chính quốc gia, chất lượng của dự án luật là vấn đề phải được đặt lên hàng đầu. Do đó, đòi hỏi phải nghiên cứu kỹ lưỡng, thận trọng trên cơ sở khoa học và thực tiễn để tránh trường hợp luật sau khi ban hành nếu có bất cập sẽ gây nhiều tác động, nhất là đối với an ninh, an toàn hệ thống ngân hàng và hoạt động kinh tế - xã hội. Vì vậy, việc Quốc hội xem xét, chưa thông qua dự thảo luật tại Kỳ họp thứ 6 mà sẽ xem xét, thông qua tại kỳ họp sau là hết sức cần thiết để các cơ quan có đủ thời gian nghiên cứu rà soát, kỹ lưỡng, thận trọng dự thảo luật. Sau kỳ họp thứ 6, trên cơ sở ý kiến của các ĐBQH, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tiếp tục chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ q uan chủ trì soạn thảo và các cơ quan hữu quan rà soát, hoàn thiện dự thảo luật

Bám sát hơi thở cuộc sống để hoàn thiện hệ thống pháp luật

Muốn pháp luật đi vào cuộc sống thì trước hết công tác lập pháp phải xuất phát từ thực tiễn cuộc sống. Vì vậy, các bộ luật, luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV được ban hành luôn dựa trên cơ sở nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn, tham khảo có chọn lọc kinh nghiệm của nước ngoài, đánh giá đầy đủ tác động của chính sách, tham vấn ý kiến của chuyên gia, các nhà khoa học và đặc biệt là đối tượng chịu tác động trực tiếp của các dự án luật.

Nếu như năm 2021 và 2022, Quốc hội khóa XV để lại dấu ấn mạnh mẽ vì đã kịp thời bổ sung vào Nghị quyết các kỳ họp một số nội dung về cơ chế, chính sách, các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 của Chính phủ thuộc thẩm quyền của Quốc hội; cho phép Chính phủ chủ động triển khai các biện pháp chưa được luật quy định để đáp ứng yêu cầu cấp bách của công tác phòng, chống dịch Covid-19; ban hành một Luật sửa 09 luật để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, tạo sự chủ động cho Chính phủ và chính quyền địa phương trong bối cảnh nền kinh tế đang phục hồi sau đại dịch… thì đến năm 2023 này tinh thần đó vẫn nối tiếp qua 2 kỳ họp thứ 5 và thứ 6.

Tại kỳ họp thứ 5, để giải quyết căn cơ những bất cập của cơ chế, chính sách, Quốc hội quyết định giao Chính phủ chủ trì, phối hợp với các cơ quan của Quốc hội, cơ quan hữu quan, các địa phương tổ chức rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, xác định cụ thể những quy định chưa rõ ràng, có mâu thuẫn, chồng chéo, sơ hở, bất cập, những vấn đề vướng mắc trong các luật, nghị định, thông tư, văn bản hướng dẫn… báo cáo kết quả rà soát tại Kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2023). Kịp thời chỉ đạo sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền các văn bản dưới luật không còn phù hợp, kiến nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các luật, nghị quyết có liên quan…

Xuất phát từ thực tế vụ hỏa hoạn kinh hoàng xảy ra tại chung cư mini ở Hà Nội gây hậu quả nghiêm trọng về người và một số vụ hỏa hoạn liên tiếp xảy ra trước đó, dự Luật Nhà ở sửa đổi được gửi tới các ĐBQH tại kỳ họp thứ 6 đã có những chỉnh lý bổ sung kịp thời về phát triển nhà ở nhiều tầng nhiều căn hộ của cá nhân (còn gọi là chung cư mini), theo hướng “siết” phát triển loại nhà ở này, với các quy định như: Cá nhân xây chung cư mini (nhà ở từ 2 tầng trở lên và quy mô dưới 20 căn hộ tại mỗi tầng) để cho thuê, việc đầu tư phải đáp ứng quy chuẩn xây dựng của Bộ Xây dựng. Khu nhà phải được thiết kế, thẩm duyệt phòng cháy, chữa cháy và thực hiện các biện pháp quản lý về an toàn phòng cháy, chữa cháy theo quy định. Quản lý, vận hành chung cư mini phải tuân thủ quy chế quản lý, sử dụng nhà chung cư do Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành…

Hay thời sự nhất hồi tháng 11 vừa qua, cơ quan điều tra của Bộ Công an công bố kết luật điều tra vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và ngân hàng SCB.  Dịp này, trong chương trình kì họp thứ 6 của Quốc hội có nội dung cho ý kiến vào dự luật Tổ chức tín dụng sửa đổi. Trả lời báo chí, ông Trịnh Xuân An - đại biểu chuyên trách Ủy ban Quốc phòng An ninh cho rằng, vụ Vạn Thịnh Phát – SCB là vụ án đặc biệt nghiêm trọng với rất nhiều những “kỷ lục” xảy ra: Kỷ lục về số tiền bị chiếm đoạt; kỷ lục về thời gian diễn ra; kỷ lục về số lượng các bị can; kỷ lục về số lượng người bị tác động; kỷ lục hệ lụy gây ra vô cùng lớn với nền kinh tế và niềm tin của người dân, khách hàng. Theo đại biểu Trịnh Xuân An, qua vụ án đặc biệt nghiêm trọng này đặt ra cho chúng ta rất nhiều bài học. Trong đó có bài học lớn trong xây dựng các chính sách, đặc biệt trong việc sửa đổi Luật Các tổ chức tín dụng. Đây cũng là cơ hội để chúng ta thanh lọc lại hệ thống các tổ chức tín dụng…

Từ thực tế này, chắc chắn Chính Phủ và Quốc hội đặt ra xem xét thật kĩ lưỡng và thấu đáo, cấp bách sửa đổi bổ sung những thiết chế chặt chẽ nhằm bít kín mọi kẽ hở trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, đảm bảo kiểm soát sở hữu chéo, chặn thao túng hoạt động ngân hàng.

picture5-1702357902.png

Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội dự phiên khai mạc Kỳ họp thứ Sáu, Quốc hội Khoá XV

Hoạt động giám sát chuyên nghiệp và hiệu quả hơn

Qua 2 kỳ họp trong năm 2023, Quốc hội XV có hơn 900 lượt ĐBQH đăng ký chất vấn, 264 lượt đại biểu chất vấn, 84 lượt đại biểu tranh luận. Tại phiên họp thứ 21 và phiên họp thứ 25 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có 103 lượt đại biểu chất vấn và 18 lần đại biểu tranh luận rất sôi động và thực chất. Chất lượng hoạt động giám sát của Quốc hội không ngừng được nâng cao thông qua việc lựa chọn chủ đề chất vấn cũng như việc tìm tòi để đổi mới công tác chất vấn của các ĐBQH. Lần đầu tiên tại kỳ họp thứ 6 vừa qua, chất vấn giữa nhiệm kỳ đối với 21 lĩnh vực, có phạm vi rộng nên Quốc hội đã có cải tiến đổi mới, sắp xếp thành 4 nhóm vấn đề. Cũng là kỳ họp đầu tiên có cả Thủ tướng Chính phủ, tất cả các Phó Thủ tướng và 21 thành viên Chính phủ, bộ ngành tham gia trả lời làm rõ được thực trạng, nêu ra nhiều giải pháp.

Hoạt động giám sát chuyên đề tiếp tục là một điểm sáng trong tổ chức giám sát của Quốc hội và của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Hai chuyên đề giám sát tối cao của Quốc hội và 2 chuyên đề giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã được triển khai một cách nghiêm túc. Hiệu lực, hiệu quả của các nghị quyết giám sát chuyên đề cũng được tăng cường. Bên cạnh đó, hoạt động tái giám sát (giám sát lại), tức là giám sát những vấn đề sau giám sát, sau chất vấn được quan tâm nhiều hơn. Ngoài việc yêu cầu các tổ chức và các cá nhân thực hiện nghiêm các nghị quyết giám sát chuyên đề thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội còn gửi báo cáo giám sát đến các cơ quan chức năng của Trung ương để xem xét.

Hiện Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đang tích cực chỉ đạo để có thể ban hành trong năm 2023 Nghị quyết về hướng dẫn việc tổ chức hoạt động giải trình tại phiên họp của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội để có quy định thống nhất nhằm tăng cường các phiên giải trình qua đó tăng năng lực hiệu lực, hiệu quả của công tác giám sát…

Thay lời kết

Hơn nửa nhiệm kỳ đã đi qua, với cách làm đổi mới, sáng tạo, hiệu quả cao, Quốc hội khóa XV đã thể hiện đậm nét vai trò trong thực hiện đột phá chiến lược của Đảng ta đề ra về hoàn thiện thể chế, được coi là đột phá “chiến lược của chiến lược” như Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã nhiều lần nhấn mạnh “cuối cùng và quan trọng nhất vẫn là thể chế, muốn có nguồn lực cũng phải từ thể chế”. Với tinh thần đó, Quốc hội XV hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ thể hiện qua chất lượng dự luật và nghị quyết đã thông qua và nhiều quyết sách ban hành được cử tri, nhân dân đánh giá cao, đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng, kịp thời tháo gỡ khó khăn, huy động nguồn lực để phục hồi và phát triển kinh tế.

Khép lại năm 2023 nền kinh tế Việt Nam không chỉ phục hồi mà còn tăng trưởng với những con số vô cùng ấn tượng, trong bối cảnh tình hình thế giới vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức do ảnh hưởng bởi đại dịch và các cuộc xung đột diễn ra và kéo dài. Có thể nói kết quả đó có sự đóng góp đặc biệt quan trọng từ những quyết sách kịp thời, hiệu quả của Quốc hội, từ tinh thần “lập pháp chủ động” như vậy.

Minh Trung – Lê Phúc
Bạn đang đọc bài viết "Lập pháp chủ động, hiệu quả và dấu ấn của Quốc hội năm 2023" tại chuyên mục Diễn đàn - Luật gia. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin