Thông tư quy định về cách xác định sản phẩm, hàng hóa là sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam hoặc sản xuất tại Việt Nam khi được ban hành sẽ lấp được khoảng trống pháp lý về vấn đề này. Ông Trần Quốc Khánh - Thứ trưởng Bộ Công Thương, đại diện Ban soạn thảo Thông tư khẳng định như vậy với Báo Đấu thầu trong cuộc trao đổi chiều 14/8 tại Hà Nội.
Thế nào là hàng hóa Việt Nam?
Trong Dự thảo Thông tư do Bộ Công Thương công bố, một hàng hóa được coi là có xuất xứ Việt Nam khi tỷ lệ nội địa hóa hay trị giá nguyên liệu đầu vào xuất xứ tại Việt Nam chiếm ít nhất 30% giá trị xuất xưởng của hàng hóa đó và phải vượt qua khâu gia công đơn giản.
Với tiêu chí này, ngay sau khi Dự thảo được công bố, một số ý kiến cho rằng, quy định con số 30% là quá thấp, tại sao không phải là 60% như Thụy Sỹ hay mức 50% như của Mỹ. Bên cạnh đó, cũng có ý kiến cho rằng phải bổ sung thêm các tiêu chí như: phải mang thương hiệu Việt Nam, phải do công ty có trên 50% vốn Việt Nam sản xuất ra… mới được coi là hàng hóa Việt Nam.
Trả lời về vấn đề này, ông Trần Quốc Khánh cho rằng, Dự thảo Thông tư được xây dựng chủ yếu dựa trên các bộ quy tắc xuất xứ hiện đang áp dụng cho hàng xuất khẩu từ Việt Nam, trong đó có Nghị định số 31/2018/NĐ-CP.
Nhiều sản phẩm xuất khẩu của ta chỉ cần đáp ứng hàm lượng giá trị gia tăng 30% là được các nước bạn hàng công nhận là xuất xứ Việt Nam. Theo ông Khánh, vấn đề đặt ra ngưỡng cao hơn 30% hoặc bổ sung thêm điều kiện không khó, nhưng nếu làm như vậy sẽ xuất hiện tình huống oái oăm là cả thế giới công nhận nhưng riêng Việt Nam lại không công nhận một sản phẩm nào đó là sản phẩm của mình. Nhiều người viện dẫn trường hợp Mỹ, Thụy Sỹ mà không biết rằng trong đàm phán với Việt Nam, cả Mỹ, Nhật… đều tha thiết đề nghị ta áp dụng quy tắc 30%, không ai đề nghị 50% hay 60% cả, trừ đối với một số mặt hàng cực kỳ nhạy cảm như may mặc, ô tô.
Với hàng hóa có xuất xứ không thuần túy, có phải cứ đạt hàm lượng giá trị gia tăng trên 30% thì được coi là hàng hóa của Việt Nam? Bộ Công Thương khẳng định là không nhất thiết. Hàng hóa có xuất xứ không thuần túy chỉ được coi là hàng Việt Nam khi khâu sản xuất, chế biến cuối cùng diễn ra tại Việt Nam và khâu đó phải làm thay đổi cơ bản tính chất của hàng hóa, không phải là gia công, chế biến đơn giản như quy định tại Điều 10 của Dự thảo Thông tư.
Ghi nhãn hàng hóa như thế nào?
Theo Bộ Công Thương, Khoản 2 Điều 4 Dự thảo Thông tư quy định 5 cách thể hiện hàng hóa của Việt Nam: Sản phẩm của Việt Nam hoặc sản phẩm Việt Nam; hàng hóa của Việt Nam hoặc hàng hóa Việt Nam hoặc hàng Việt Nam; sản xuất tại Việt Nam hoặc Việt Nam sản xuất; chế tạo tại Việt Nam hoặc Việt Nam chế tạo; chế tác tại Việt Nam hoặc Việt Nam chế tác.
Câu hỏi đặt ra là có thể sử dụng thêm các cách thể hiện khác không, như "lắp ráp tại Việt Nam", "gia công tại Việt Nam" hay "thiết kế bởi Việt Nam"? Đại diện Ban soạn thảo Thông tư khẳng định là không. Tổ chức, cá nhân chỉ được phép lựa chọn một trong các cách quy định tại Khoản 2 Điều 4 để thể hiện hàng hóa là hàng hóa của Việt Nam. Họ có thể lựa chọn cụm từ phù hợp nhất với quy trình sản xuất, gia công, chế biến của họ. Theo kinh nghiệm chung trên thế giới thì các sản phẩm có xuất xứ thuần túy thường dùng cụm từ "sản phẩm của..." mà không dùng các cụm từ như "chế tạo tại..." hay "sản xuất tại...".
Vậy có thể chỉ ghi nhãn bằng tiếng nước ngoài, ví dụ như "Made in Vietnam" hay "Product of Vietnam" được không? Bộ Công Thương cũng cho rằng không được ghi nhãn bằng tiếng nước ngoài. Thông tư này áp dụng cho hàng hóa lưu thông trên thị trường Việt Nam nên ngôn ngữ thể hiện bắt buộc phải là tiếng Việt.
Ông Trần Quốc Khánh khẳng định, việc tạo dựng khung khổ pháp lý về vấn đề này sẽ giúp doanh nghiệp tự tin trong việc dán nhãn sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam.
Theo baodauthau.vn
Nguồn bài viết: https://baodauthau.vn/thoi-su/lap-khoang-trong-phap-ly-xac-dinh-hang-hoa-viet-nam-106096.html